Roll-Royces công bố các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi Spirit of Ecstasy Challenge
Các tác giả dành chiến thắng bao gồm Bi Rongrong, Ghizlane Sahli và Scarlett Yang. Trong suốt quá trình sáng tạo tác phẩm, họ đã có thời gian gặp gỡ các nghệ nhân bậc thầy của Rolls – Royce để trao đổi kinh nghiệm trước khi biến những ý tưởng đột phá thành hiện thực.
Spirit of Ecstasy Challenge là một sáng kiến mới, được tổ chức mỗi hai năm một lần dành cho các nghệ sĩ mới nổi đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại đây, họ sẽ có cơ hội sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, lấy cảm hứng từ biểu tượng Rolls-Royce – bức tượng nhỏ xinh đẹp tô điểm nắp ca-pô của những chiếc ô tô do hãng chế tác từ năm 1911.
Mỗi mùa Spirit of Ecstasy Challenge sẽ tập trung vào một phương tiện nghệ thuật khác nhau, thách thức những người tham gia vượt qua ranh giới kỹ thuật và khái niệm. Cuộc thi đầu tiên (2022) đã mời các nghệ sĩ chế tạo các tác phẩm nghệ thuật làm từ textile, nhằm khám phá tiềm năng của loại chất liệu này.
Dưới đây là những tác phẩm đạt giải được vinh danh bởi MUSE – chương trình nghệ thuật của Roll – Royces:
Bi RongRong – Stitched Urban Skin
Tác phẩm Stitched Urban Skin (2022) được lấy cảm hứng từ lớp cảnh quan nhiều tầng của các thành phố và sự phản chiếu đầy mê hoặc của chúng trên bề mặt bóng loáng của Spirit of Ecstasy. Nhằm khắc hoạ các cảnh quan cũ và mới một cách đan xen, tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi ba tầng lơ lửng: các dải không gian hai chiều làm từ kim loại được xử lý đặc biệt, một tấm đèn LED tạo hiệu ứng sinh động và một tấm Perspex sử dụng loại vật liệu được tạo ra bằng kỹ thuật đan móc truyền thống của Trung Quốc.
Khi sử dụng chất liệu kim loại cho tác phẩm, tác giả đã lấy nguồn cảm hứng từ lớp bề mặt xe Rolls-Royce, đồng thời cũng là để vinh danh tay nghề thủ công bậc thầy của The Home of Rolls-Royce. Tác phẩm sử dụng tài liệu trong kho lưu trữ bách khoa toàn thư về hình ảnh đô thị do Bi phát triển, kết hợp kỹ thuật thủ công lâu đời với công nghệ tối tân, xen kẽ các địa điểm và lịch sử khác nhau.
Bi chia sẻ rằng, “Tác phẩm này không chỉ lấy nguồn cảm hứng từ một loại tư liệu duy nhất, mà là sự pha trộn của các biểu tượng liên quan tới thành phố và thiên nhiên – cách chúng phát triển có nhiều sự tương đồng. Mọi người chỉ nhìn thấy những gì trên bề mặt là kiến trúc và cây cối, nhưng bên dưới còn tiềm ẩn những bộ rễ đan xen”. Cô cũng bổ sung thêm: “Đội ngũ tại Rolls-Royce đã tạo điều kiện cho tôi tự do sáng tạo nghệ thuật, khuyến khích tôi dám thử những điều mới. Tôi đã thử nghiệm và thay đổi toàn bộ ý tưởng nhiều lần, kết quả cuối cùng là một tác phẩm thu hút hơn. Trải nghiệm này đã mang đến cho tôi những khả năng mới và mở ra một góc nhìn khác biệt mà tôi sẽ đưa vào các tác phẩm của mình trong tương lai”.
Ghizlane Sahli – Nissa’s Rina (Woman’s Song)
Mang vẻ ngoài tương tự như đôi cánh chiến thắng sắp bay lên, tác phẩm nghệ thuật Nissa’s Rina (Tên tiếng Anh: Woman’s song) (2022) của Sahli là một sự tôn vinh phẩm chất người phụ nữ và tinh thần tự do. Tác phẩm khám phá vẻ đẹp giai đoạn trưởng thành của người phụ nữ và được làm gần như hoàn toàn bằng vật liệu tái chế: chai nhựa, ống nhựa, nắp. Lớp phủ bên ngoài sử dụng lụa trắng và sợi chỉ vàng mua từ các nghệ nhân ở Marrakech’s Medina, kết hợp với chi tiết bằng đồng được trang trí bằng vàng lá.
Khi thực hiện Nissa’s Rina (Woman’s Song), Sahli đã áp dụng một loại kỹ thuật đặc trưng của cô – có tên là “Alveoli” – để quấn sợi chỉ xung quanh những chiếc chai đã được cắt sẵn, và tạo hình từng phần tử thành những cấu trúc giống như đôi cánh để gợi nhớ đến Spirit of Ecstasy.
“Spirit of Ecstasy – người phụ nữ thanh lịch, tự do, người đứng duyên dáng trên chiếc xe hơi danh giá nhất thế giới. Là một biểu tượng của quyền lực, cô ấy dang đôi cánh của mình để bay lên và thống trị thế giới. Tôi tìm thấy ở cô ấy sự đồng điệu về tâm hồn, là hiện thân cho mọi thứ mà tôi muốn thể hiện trong cuộc sống của mình ngày hôm nay”, – Sahli chia sẻ. “Nissa’s Rina, Woman’s song, mong muốn thể hiện vẻ đẹp sang trọng, nữ tính và tinh thần tự do ấy của Spirit of Ecstasy”.
Scarlett Yang – Transient Materiality (2022)
Transient Materiality (2022) của Scarlett Yang là một tác phẩm hỗn hợp (hybrid), bao gồm thành phần vật lý và kỹ thuật số. Tác phẩm điêu khắc, có chiều cao 1 mét, được tạo ra bằng cách đan xen các dải băng làm bằng nhựa sinh học tổng hợp, được tạo ra từ các hạt chất lỏng thu thập từ đại dương và liên kết với các sinh vật quang hợp của tảo. Hình dáng, bề mặt và màu sắc của tác phẩm điêu khắc đều phản ánh thế giới tự nhiên: kết cấu độc đáo được lấy cảm hứng từ sự phức tạp đầy tinh tế của các loại da động vật và tính dẻo dai về mặt cấu trúc của đôi cánh chuồn chuồn màu trong mờ. Được tạo ra bằng cách đổ polyme sinh học lỏng vào khuôn 3D, trong khi màu xanh lục và tím của dải băng được tạo ra thông qua các thí nghiệm với tảo xoắn và các thành phần tự nhiên khác.
Với tạo hình treo lơ lửng trong không, tác phẩm mang vẻ đẹp đầy mê hoặc nhờ những hiệu ứng óng ánh, lung linh. Đây là một cách thể hiện vô cùng thanh tao của sự sang trọng, đồng thời gợi nhớ đến hình ảnh chiếc váy bay trong gió của Spirit of Ecstasy. Chi tiết kỹ thuật số đi kèm là một tư liệu video ghi lại quá trình sáng tạo cũng như kết xuất kỹ thuật số của tác phẩm điêu khắc, được lồng ghép với một không gian âm thanh đậm hơi hướng vị lai (futuristic).
“Tác phẩm của tôi khám phá các đặc tính vật lý mà thiên nhiên duyên dáng ban tặng và nâng tầm các phẩm chất đó thông qua việc sử dụng công nghệ một cách có chủ đích và luân chuyển. Tác phẩm ‘Transient Materiality” được thực hiện nhằm tô điểm cho vẻ đẹp cơ thể con người, đồng thời là một cách tiếp cận thực sự khả quan đối với tương lai ngành thiết kế”, – Scarlett Yang nhận xét.
Các nghệ sĩ tham gia Cuộc thi Spirit of Ecstasy Challenge đã được đề cử bởi một ủy ban nghệ thuật gồm các chuyên gia tầm cỡ quốc tế. Các bài dự thi của họ được xem xét bởi một hội đồng ban giám khảo nổi tiếng, bao gồm Anders Warming, Giám đốc Thiết kế của Rolls-Royce Motor Cars; Yoon Ahn, Giám đốc Sáng tạo của AMBUSH? và Giám đốc Trang sức của Dior Men; Tim Marlow, Giám đốc điều hành và CEO tại Bảo tàng Design Museum, London; và Sumayya Vally, Nhà sáng lập và Hiệu trưởng Trường Counterspace Studio, Johannesburg. Vào tháng 4 năm 2022, Muse đã công bố ba người chiến thắng được lựa chọn để hiện thực hoá ý tưởng của mình với sự hỗ trợ của Rolls-Royce.
Spirit of Ecstasy Challenge là sáng kiến bảo trợ nghệ thuật thứ hai của Muse. Trong khi Dream Commission hỗ trợ các nghệ sĩ làm việc trong mảng nghệ thuật moving-image (hình ảnh động), Spirit of Ecstasy Challenge tôn vinh khả năng sáng tạo vô tận trong thế giới vật liệu và nghề thủ công. Cuộc thi này sẽ được lặp lại mỗi hai năm một lần, mỗi mùa lại là một hành trình khám phá khả năng vô hạn của một phương tiện khác nhau, trong số những vật liệu trọng tâm của thế giới nghệ thuật thủ công tại Rolls-Royce, dựa trên nguồn cảm hứng vô tận là biểu tượng Spirit of Ecstasy.