Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Sự trở lại bình thường” của họa sĩ Nguyễn Công Hoài

Jan 22, 2022 | By Trang Ps

Con người, như William Faulkner từng nói, là tổng số những nỗi bất hạnh mà mỗi cá nhân phải đương đầu một mình. Dù phải nương tựa vào nhau để cùng tồn tại như quy luật liên thuộc bất biến thì mỗi người vẫn phải tự giải quyết những cung bậc nội tâm thăng trầm của chính họ giữa kiếp phù sinh. Nhìn thẳng vào sự thật rằng không ai có thể gánh vác cho ai bất cứ điều gì, bộ tranh mới của họa sĩ Nguyễn Công Hoài là một minh tường đầy thực tế mà sinh động cho điều đó. 

Nối tiếp cuộc trưng bày “Những ngày không mơ mộng” tại Hà Nội vào năm 2021, họa sĩ Nguyễn Công Hoài trở lại với công chúng Sài Gòn sau 7 năm trong một triển lãm cá nhân mới nhân dịp đầu năm Nhâm Dần 2022. Nghệ thuật của Hoài là lát cắt đầy chân thật của con người anh, mà như anh nhấn mạnh, là anh đang vẽ chính mình. Sự kiệm màu, kiệm hình phức tạp trên tranh là một “tấm gương soi” phản ánh tính kiệm lời đồng thời là thái độ sống thực tế của nghệ sĩ.

Sáng tạo của Hoài không rối rắm vòng vo, không màu mè phô trương, mà đó là cái nhìn trực diện vào nỗi bất hạnh rất người của con người. Đạo lý, quyền năng,… dường như đều trở nên vô nghĩa với những thống khổ của chúng sinh, để khi nhận ra, người ta không thể nào trốn tránh, mà chỉ còn một cách duy nhất là đối diện để tự vượt qua. 

Nghệ thuật là trở lại cái bình thường

Những cuộc trò chuyện với Hoài, ít khi về nghệ thuật mà về những vấn đề rất đời thường, khiến tôi nhận ra rằng anh là một người sống thực tế. Thực tế (đối mặt với thực tại) chứ không phải thực dụng (chỉ biết đến lợi ích cá nhân mình, đề cao vật chất, xem nhẹ tinh thần). Thực chất, hai cách sống này cũng cho thấy sự trái ngược. Sống thực tế mang đến sự giàu có về mặt tinh thần, dần tự do khỏi những dính mắc. Còn sống thực dụng chỉ khiến người đó đánh mất chính mình, dễ rơi vào sa ngã và cám dỗ.

Chính cách sống này khiến nghệ thuật của Hoài trở lại cái bình thường chứ không hề mơ mộng hay viển vông xa xôi. Với anh, hướng nội hay hướng ngoại đều cần thiết, đều cần dung hòa, lấy hướng ngoại mà hướng nội, lấy hướng nội mà hướng ngoại, thì cuối cùng tâm thức sẽ trở lại thăng bằng, và tất cả biểu lộ lên tranh.

Có một vị thiền sư từng nói chúng sinh ít ai có thể trở lại bình thường vì họ đã quá tầm thường, bất thường hay phi trường. Kẻ tầm thường thì bị cuộc sống cuốn trôi, kẻ bất thường bị phong ba cuộc đời quẳng qua lại giữa hai bờ sống – chết, còn kẻ phi thường thì muốn với lên cao, bay bổng khỏi thực tại. Con người tưởng mình có thể vẫy vùng khỏi quá khứ, có thể hướng đến giải đất bình an lý tưởng xa xăm, nhưng bằng cách đó, người ta đánh mất bình an thường tại, cái bình thường muôn thuở của chính họ. “Thân ở biển khơi thôi tìm nước – Ngày đi trên núi há tìm non”, bộ tranh này của Hoài là sự trở lại những gì đang hiện hữu trong anh, xung quanh anh, mà qua đó, ta chợt ngộ rằng không gì sánh bằng cái bình thường thiên thu vô giá, dù trong đó là khổ đau, là vô thường.

Hoài chia sẻ: “Anh định đặt tên cho bộ này là Nghe những tàn phai“. Tôi và anh đều bật cười, bật cười không phải vì đó là một cái tên lạ lẫm, mà sợ rằng có hơi bi quan hay không dù biết thực tại luôn chứa đựng những sự thật phũ phàng. Sự tàn phai luôn mang một màu sắc cô độc, hình tượng trên tranh Hoài biểu lộ thật sinh động cho điều đó. Những thân phận có khi nằm chỏng chơ, có khi ngồi vất vưởng, có khi tự ôm mình buồn rệu rã, có khi như đang tự treo mình mà chờ đợi tàn phai hóa đã lụi tàn,…

Nhưng sau tất cả, trong tàn phai ấy luôn len lỏi cuộc hồi sinh, được thể hiện qua phần ánh sáng, một hiện hữu chơn như, để qua đó ta thấy dù tàn phai có mạnh mẽ đến đâu thì chẳng qua đó cũng chỉ là hiện tượng vô thường của vạn vật. Vô thường mà hóa ra bình thường.

Một cuộc chuyển hóa…

Có lần, tôi đọc được ở đâu đó một câu như thế này “…Dường như con người đã khoác cho nỗi đau khổ của chính mình một cái áo choàng quá rộng; chúng ta luôn đặt mình làm tâm điểm của vũ trụ, kéo theo đó, là tâm điểm trong chính nỗi đau và hạnh phúc của mình…”

Ở những năm trước, khi nhìn tranh của Hoài, tôi thấy thân phận con người được đưa vào như một thứ tâm điểm như vậy, nhưng càng về sau, đặc biệt trong giai đoạn này, tôi lại thấy sự chuyển hóa rõ ràng. Đó là hình ảnh thân phận tan giữa thế gian. Không còn quá nặng nề, dù vẫn là chủ đạo, nhưng đã có sự dung hòa, hòa vào khoảng không cuộc sống. Có vẻ như nghệ sĩ đã nới rộng được cái thấy của mình rằng thân phận không là tất cả, mà cũng chỉ vốn là một điều thật bình thường giữa muôn điều bình thường và đa dạng của tạo hóa.

“Anh đang dần lược bỏ hình” – Hoài chân thành chia sẻ. Quyết định ấy của anh, nếu nghe thoáng qua, có vẻ chỉ đơn giản là một thao tác kỹ thuật sáng tác, nhưng đó lại là một sự chuyển hóa nội tâm rõ rệt của người nghệ sĩ. Anh nhìn vào bức tranh khổ lớn vẽ nhiều năm trước và tiếp: “Khi còn trẻ, người ta thường có xu hướng muốn khẳng định mình, nguồn năng lượng dồi dào lẫn sức làm việc đầy xông pha nhiệt huyết. Nên anh đã vẽ những bức tranh lớn. Nhưng về sau, càng thực hành, mình biết thế nào là đủ, là phù hợp và vừa vặn với tiềm năng của bản thân.”

Thật thế, Hoài theo dòng tranh chân dung một cách xuyên suốt, vì thế mà khi nhìn lại chặng đường sáng tác của anh, tôi thấy rõ sự chuyển hóa nội tâm theo chiều hướng đón nhận cởi mở hơn, phóng khoáng bao dung hơn. Lối sáng tác dần chuyển mình sang biểu hiện trừu tượng để cái thấy của tác giả lẫn khán giả được đa chiều hơn là chỉ đơn thuần thân phận. Điều đó mang đến cho cả hai đối tượng một cuộc đợi chờ đầy xứng đáng.


 
Back to top