ART & LIFE

Dịch giả Ngô Trung Việt: “Chỉ cần chú trọng vào nhận biết của chính mình là đủ”

Jan 29, 2021 | By Trang Ps

Cuộc trò chuyện giữa LUXUO với dịch giả Ngô Trung Việt xoay quanh đề tài phát triển nhận thức tâm linh, từ đó hướng tới những lối đi rộng mở để mỗi người giữ vững can đảm trên hành trình quay về bên trong để biết chính mình, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này. 

Chào dịch giả Ngô Trung Việt! Ông là dịch giả cho nhiều cuốn sách của Osho. Vì đâu mà ông cảm thấy đồng điệu với các tác phẩm này? Khi “đưa Osho về Việt Nam”, ông nhìn nhận tác động của bậc thầy tâm linh này đối với khán giả trong nước như thế nào? 

Sách Osho được phát hiện trên con đường tìm kiếm một cách sống tốt đẹp, một bầu trời trong sáng đúng nghĩa cuộc sống từ thời tôi còn là sinh viên. Tôi đã tìm hiểu nhiều môn phái và xu hướng từ dưỡng sinh, phát khí chữa bệnh, khí công, thái cực quyền đến thiền nhưng vẫn cảm thấy chưa được đáp ứng trọn vẹn điều mình tìm kiếm. Cho tới khi đọc các sách của Osho, tôi dần thấy đây đúng là điều bản thân kiếm tìm bấy lâu. Bởi chúng lật ngược mọi quan niệm, mọi định kiến để đi tới cái hiểu thực sự của mình về ý nghĩa và giá trị cuộc sống, cũng như con đường tới hiểu biết toàn diện và trở về với sự tồn tại, nhận ra không có bản ngã và không còn bị ham muốn chi phối. Càng đọc, tôi càng thấy những điều mình đã hiểu sẵn từ bao giờ, nay có người nói hộ tất cả, mà nếu một mình thì chưa chắc đã có thể đi sâu tới vậy. Từ đó, hiểu biết càng được mở rộng hơn.

Nhưng để hiểu đầy đủ thì phải đọc kĩ, phải viết ra, nói ra được đúng ý của Osho. Do đó mới có chuyện dịch sách ra tiếng Việt. Đó chỉ là cái hiểu của mình được thể hiện ra cho đúng. Vì vậy, tôi không đánh giá hay nhìn nhận tác động của Osho lên người khác, cũng không có ý định đưa Osho về Việt Nam. Đúng là những điều Osho truyền đạt thì bản thân thấy đã có từ bên trong mình và do đó đồng ý. Khi đọc thấy hay thì chia sẻ, độc giả thấy thích thì xem, không thích thì thôi, không vấn đề gì. Tôi cũng không có ý định chia sẻ cái gì, chỉ là vì thấy đồng điệu với mình thì chia sẻ ra. Bởi thế, tôi cũng chẳng nghĩ tới tác động đến khán giả khác. Điều đó là tuỳ cảm nhận riêng của mỗi người.

Dòng sách tâm linh đang khá phát triển tại Việt Nam, chúng ta dịch khá nhiều sách của Osho, Krishnamurti,… và trong nước thì có sách của thầy Thích Nhất Hạnh. Nhưng có lẽ, tâm linh là một dòng sách đặc thù và nếu tiếp nhận không phù hợp thì sẽ tạo ra phản ứng ngược?

Điều đó tùy thuộc vào bạn đọc. Người nói, người viết truyền đạt tư tưởng và nhận biết của họ, còn người đọc hiểu và cảm nhận theo mức độ phát triển tâm thức của người đó. Vì vậy, 1.000 người đọc cùng một cuốn sách sẽ có 1.000 cách hiểu và đón nhận khác nhau. Có người sẽ tiếp thu được ý chính mà tác giả nói, có người sẽ không tiếp thu được, có người sẽ hiểu sai. Đấy là chuyện bình thường. Sự phát triển tâm thức con người cũng vậy, cùng nguồn phát ra, nhưng mỗi người sẽ hiểu một cách và đi không giống nhau. Nhưng dù là hiểu đúng hay hiểu sai thì đó cũng là quá trình phát triển và trưởng thành của họ. Những người đi sai khi tiếp nhận các hậu quả sẽ tự động thay đổi cách nghĩ và học được bài học để không đi sai nữa. Vì vậy, ta không phải lo lắng về việc của họ, điều cần quan tâm là sự phát triển của mình có đem lại an bình, vui vẻ và hiểu biết cho mình không. Còn người khác, cứ để họ đi con đường của họ, rồi tất cả mọi người đều sẽ tới đích, cho dù con đường đi khác nhau, người đi ngắn, người đi dài và nhiều sai lầm, đau khổ hơn, cũng không là gì cả khi hiểu ra rằng cái thực không nằm ở những ham muốn của người ta mà ở chỗ trở về với cái toàn thể.

Vì vậy, ta không phải lo lắng về việc của họ, điều cần quan tâm là sự phát triển của mình có đem lại an bình, vui vẻ và hiểu biết cho mình không.

Trong tác phẩm Siddhartha của Hermann Hesse, Govinda quyết định theo Đức Phật còn Siddhartha nhận ra để giác ngộ thì phải tự thân trải nghiệm mọi cung bậc đời sống. Điều đó làm tôi nhận ra vấn đề dường như đám đông cũng đang trở thành những người đi theo thay vì tự thân trải nghiệm và đúc kết bài học cuộc sống.

Đi con đường cuộc đời thế nào là tự do quyết định của mỗi người. Quyết định đúng thì đi nhanh, ít phạm sai lầm. Quyết định sai thì phải trải qua đau khổ và từ đó thay đổi, sửa đổi để tìm tới quyết định đúng. Phần lớn mọi người sẽ bắt chước và đi theo. Nhưng đến lúc nào đó, người ta sẽ thấy không thể thế được và tự mình phải đi bằng đôi chân của mình, bằng hiểu biết của mình. Đó là kinh nghiệm sống, đó là trưởng thành.

Mọi trưởng thành đều phải thông qua phát triển nhận biết và tự thay đổi. Nếu ai đó chưa làm điều đó, họ còn tiếp tục chịu đau khổ để tới lúc thấy không thể như vậy nữa, họ sẽ thay đổi. Cho nên việc này tùy vào quá trình trưởng thành lâu dài của mọi người qua nhiều kiếp. Có thể trong kiếp này người ta chỉ đi theo người khác, nhưng một kiếp nào đó người ta sẽ thoát ra khỏi hình mẫu đó để trở thành con người tự do độc lập và có hiểu biết, tri thức. Thế nên, ta không cần quá bận tâm tới người khác, chỉ cần chú trọng vào nhận biết của chính mình là đủ. Cuộc sống cũng chỉ yêu cầu mình làm được điều đó mà thôi.

The other side of Osho

Ngô Trung Việt là người lan tỏa nhiều triết lý của Osho đến Việt Nam.

Ông có nhấn mạnh “Tự do là giá trị cao nhất của cuộc sống”. Chúng ta có cái tự do tâm thức và tự do bên ngoài (tự do chính trị, tự do kinh tế,…). Như vậy, con người cần hướng đến tự do tâm thức trước hay đấu tranh cho quyền tự do bên ngoài trước?

Con người trước hết phải tự hiểu bản thân mình và đạt tới tự do với chính mình trước, có nghĩa là không bị các ước định, quy luật xã hội, tự nhiên, sinh học chi phối thì mới gọi là tự do thực sự. Nói cách khác, họ phải thoát khỏi chi phối của bản ngã, của những hạt mầm ngầm bên trong tâm lý, sinh lý của mình thì đó mới là tự do thực sự. Tự do chính trị, tự do kinh tế chỉ là những tự do rất bên ngoài, vì bên trong người ta vẫn bị chi phối bởi bản ngã lẫn ham muốn và tham vọng. Khi bản ngã còn chi phối, mọi tham gia vào đấu tranh xã hội chỉ là các bản ngã tìm cách chi phối để cho ý tưởng của mình thắng và vượt trên người khác. Đó vẫn là nô lệ, không phải tự do.

Hiện tại, một bộ phận người trẻ đang trải nghiệm tâm linh sớm, nhưng đôi khi, hành trình quay về bên trong của họ lại giống như một sự trốn tránh thay vì đối diện với chông gai cuộc đời. Ý kiến của ông?

Với tôi, cứ kệ để họ trải nghiệm, đó là quá trình học qua thử thách và sai lầm. Từ sai lầm và đau khổ, người ta mới tìm được cái đúng cần theo cho chính mình. Nếu cuộc sống đã thắp lên ánh sáng của chính mình, ánh sáng đó sẽ làm cho những người khác cảm nhận và đó là sự giúp đỡ lớn nhất để họ tin tưởng và sống theo những gì có ý nghĩa và có giá trị. Những trao đổi, nói chuyện, chia sẻ chính là cách giúp đỡ tốt nhất để khiến những người đang trải nghiệm tâm linh thấy được những ý kiến, suy nghĩ khác họ và làm cho họ cảm thấy có phương hướng, có những chiều hướng tích cực thực sự.

Như Osho có các trung tâm như Osho International Meditation Resort, ông có đánh giá như thế nào về các trung tâm như thế này tại Việt Nam? Việc phát triển các trung tâm như vậy có ý nghĩa như thế nào?

Hiện nay, Việt Nam có nhiều trung tâm về thiền, yoga, về tâm linh, đó là sự phát triển tự phát khi có nhu cầu của nhiều người. Nhưng trung tâm thực sự giúp ích là nơi mà hạt nhân là những người có nhận biết, đã đi tới phật tính và tạo ra phật trường để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của những người khác. Các trung tâm mang danh tâm linh nhưng chú trọng về kinh tế và không có nhân vật chủ chốt là người đã đi tới nở hoa tối thượng thì chỉ là một bước trung gian ban đầu để hấp dẫn và lôi kéo mọi người. Nhiều người sẽ tham gia và rồi sẽ không quay lại nữa vì họ không thấy được giá trị tâm linh khác ngoài giá trị kinh tế. Nhưng đó là chuyện xã hội, sẽ có một số trung tâm thực sự giúp đỡ nhưng sẽ có nhiều trung tâm giả chỉ lấy danh nghĩa để làm kinh tế. Vì vậy phải thấy khía cạnh nhị nguyên của các trung tâm này. Và người tìm kiếm thực sự sẽ đi tới những trung tâm thực sự hỗ trợ cho sự phát triển con người thực của họ.

Nhưng trung tâm thực sự giúp ích là nơi mà hạt nhân là những người có nhận biết, đã đi tới phật tính và tạo ra phật trường để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của những người khác.

Ông có thể chia sẻ về hành trình tỉnh thức của mình để từ đó những người đi trên con đường này có thể sáng tỏ hơn trong cách sống và lựa chọn của mình?

Đơn giản chỉ là mình định tìm kiếm cái gì, thì trước sau mình sẽ tìm được cái đó. Mình đi tìm điều tối thượng thì cuối cùng sẽ đạt tới điều tối thượng. Mình đi tìm kinh tế thì sẽ đạt được giá trị kinh tế nào đó.

Cuộc sống của mình được hình thành từ suy nghĩ của mình. Vì vậy hướng suy nghĩ của mình vào cái gì, cuộc sống sẽ giúp cho suy nghĩ đó thành hiện thực, tuy nhiên phải mất thời gian. Nhưng thứ mình hiểu ra là suy nghĩ cuối cùng không phải là điều cơ bản, vì mọi cái tới rồi sẽ đi. Chỉ khi nào đi tới vô suy nghĩ, người ta mới đi tới cái đích thực của cuộc sống.

Vì vậy hành trình tỉnh thức của con người là đi từ hiểu mọi việc mình làm tới hiểu mọi ý nghĩ mình tạo ra sẽ hình thành thế giới vật chất quanh mình là gì, và cũng thấy tính nhất thời, tính sinh thành huỷ diệt, tính thời gian, không vĩnh hằng của nó. Từ đó khao khát về cái vĩnh hằng nảy sinh để người ta đi vào bước phát triển không còn phụ thuộc vào suy nghĩ mà trở thành vô suy nghĩ, vô trí, vô ngã và đó chính là hoà vào cái toàn thể. Nhưng chính việc tự phủ định bản thân, phủ định bản ngã là bước phát triển sau cùng, khi người ta đã thấy đủ với thế giới được hình thành từ suy nghĩ, từ ham muốn, từ tình cảm, từ gắn bó và không bị nó lôi kéo nữa. Khi không bị vướng bận vào thế giới vật chất, sự quan tâm và chú ý mới dồn vào việc hiểu bản thân mình và siêu việt trên bản thân mình, cũng tức là trở thành cái toàn thể, trở thành Thượng đế.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ ý nghĩa nhé!


 
Back to top