ART & CULTURE

Chuyên đề Trị liệu và chữa lành (Phần 5): Năng lượng tại tâm

Jul 30, 2021 | By Trang Ps

Khi những đứt gãy từ bên trong càng lớn và lan xa, con người ta càng nói về mặt kia của nó, là sự tĩnh tại, là bình yên. Tìm về thiên nhiên, tinh thần chúng ta được cộng hưởng trong nguồn năng lượng dồi dào và an lành ấy. Như đứa trẻ sơ sinh đang đói và giờ đây nằm yên trong lòng mẹ bú sữa…

Tôi gặp nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn vào một buổi chiều Sài Gòn nóng bức. Câu chuyện kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, từ nghệ thuật đến tâm linh, và như anh nhấn mạnh, đây là chủ đề mà ta có thể ngồi với nhau hàng tiếng đồng hồ mà không bao giờ cảm thấy chán. Anh chia sẻ: “Nhà anh theo Phật giáo. Thầy của bố anh là một nhà sư Tây Tạng, và chính anh đã từng gặp Đức Dalai Lama hai lần trong đời.” Điều đó khiến bên trong tôi như ánh lên một tia sáng. Anh tiếp: “Lúc đó, anh mới chỉ là một chàng trai 17, 18 tuổi, và chắc chắn không quan tâm nhiều đến tâm linh – tôn giáo. Nhưng anh cảm nhận một nguồn năng lượng nào đó rất kỳ lạ tỏa ra từ Ngài Dalai Lama, không thể định nghĩa nhưng nó khiến con người ta phải dõi theo với lòng cung kính của một kẻ mộ đạo.”

Điều anh nói làm tôi liên tưởng đến những ngày tôi có chút trống rỗng, mệt mỏi bên trong và quyết định trở về thiên nhiên. Trong vòng tay Mẹ Thiên Nhiên, mỗi chúng ta đều cảm thấy được vỗ về và che chở. Thiên nhiên ở đấy, với sự dung dị như nó vốn là, nhưng tĩnh lặng một chút, một chút nữa thôi, ta sẽ nhận ra rằng dường như trên cuộc đời này, không một sức mạnh chữa lành nào có thể vượt xa thiên nhiên. Không nguồn năng lượng tĩnh tại nào mạnh mẽ như thiên nhiên…

Lớn lên, ta cũng nạp năng lượng bằng cách ăn, uống,… Nhưng rồi một lúc nào đó, ta thấy rằng ăn uống giúp ta làm đầy năng lượng về mặt thể chất, nhưng lại không phải là phương tiện tốt nhất trong việc cứu rỗi một tâm hồn đang bị tổn thương. Khi nỗi buồn không được giải quyết, thì ngày này qua ngày khác, nó sẽ cắm rễ sâu vào bên trong ta, bấu víu thật chặt vào tàng thức ta, khiến ta thêm phiền não và đau khổ, tệ hơn là tìm đến cái chết. Lúc này, nếu ta biết sức mạnh của thiên nhiên, ta đang trên đường trở thành nhà trị liệu của chính mình.

Thiên nhiên vừa là nơi sản xuất nguồn năng lượng cho thể chất, vừa là nguồn năng lượng chữa lành tinh thần. Thiên nhiên vừa là dòng sữa mát ngọt ngào giúp đứa trẻ lớn khôn, vừa là vòng tay bao la chan chứa tình thương của người mẹ khiến đứa con thêm ấm áp và hạnh phúc trọn vẹn.

Cứ mỗi tháng một lần, tôi thường rời phố thị Sài Gòn phồn hoa tấp nập để hòa mình vào thiên nhiên, kết nối thật sâu vào “lòng mẹ”, để nguồn năng lượng mẹ lan tỏa sang tôi, xóa tan đi những phiền não hay dính mắc còn chất chứa trong lòng. Tôi yêu thích những buổi sáng dạo bộ dọc bãi biển, vài tiếng đồng hồ, cứ thế, tôi cảm thấy bản thân chẳng là gì cả, không trọng lượng mà bao la như bầu trời, lướt qua thinh không như ngọn gió, hoan ca như bông hoa dại nhỏ bé dọc đường. Có lẽ, đó là một trong những giây phút tôi cảm nhận rõ như thế nào là vô ngã. Những gì xung quanh và tôi là một. Không so sánh, không đấu tranh, không cố chứng tỏ mình,…

Mọi thứ trong ta và xung quanh ta đều là năng lượng

Giant Buddha Statue do Tadao Ando thiết kế.

Khi ta biết mọi thứ xung quanh mình là năng lượng, từ bộ phim ta coi, cuốn sách ta đọc đến những người ta đang ở cạnh,… thì nếu bên trong ta đang có những dính mắc và phiền não thì ta buộc phải tạm lánh khỏi nguồn năng lượng thấp để tìm đến những nguồn năng lượng cao hơn, nhằm giúp đỡ chính mình trước. Điều đó cũng đúng trong mối quan hệ mà một hay cả hai người đang có những tổn thương thì thật dễ để sự tổn thương ấy liên lụy đến người còn lại. Bởi các nguồn năng lượng giao thoa nhau, anh ở gần tôi, năng lượng của tôi xâm nhập vào anh và ngược lại.

Và lành thay cho những ai đang ở gần cạnh những người có nguồn năng lượng cao như Đức Dalai Lama, điều đó cũng thật giống như họ đang hòa mình vào thiên nhiên, nhưng ở đây là một thiên nhiên có tiếng nói, từ bi và trí huệ. Viết đến đây, tôi nhớ lại một câu chuyện:

Ở một ngôi làng nọ, có một chàng thanh niên ngồi dưới gốc cây bồ đề thiền, từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Dân làng lần lượt mang thức ăn và giặt dũ chiếu đồ giùm cậu. Một lần, vì tò mò quá, một vị khách dừng chân hỏi dân làng:

– Anh ta không làm gì cả sao?

– Không, anh ấy chỉ ngồi thiền thôi. – Ông lão trả lời.

– Vậy mà các vị vẫn phục vụ anh ta?

– Đúng thế.

– Điều gì đã khiến các ông làm như vậy?

– Vị khách rất bất ngờ.

– Anh chàng ấy tỏa ra một năng lượng cực kỳ mạnh mẽ đến nỗi năng lượng ấy tạo ra may mắn và phúc lành cho cả làng. Thế nên, bảo anh ấy không mang gì đến cho chúng tôi là sai lầm. Ngược lại, chúng tôi cũng đâu có phục vụ anh ấy một cách mù quáng.

Cuộc sống cũng vậy, không nhất thiết phải là làm cái gì, mà tâm ta toát ra như thế nào. Vì có những người cũng làm được cái gì đó, nhưng tâm lại phát ra những chất độc hại làm phiền nhiễu đến người xung quanh.

Một lần nọ, khi tôi tham gia một sự kiện, có một vị diễn giả trong đó cũng toát ra một nguồn năng lượng mà vừa cảm nhận đã thấy tin cậy, tôi hiểu họ có thể giải đáp được câu hỏi của mình. Cũng giống như khi ta ở bên một chú chó (không suy nghĩ), bên cạnh dòng suối (bình yên), ta cảm giác tĩnh tại. Đó là năng lượng giao thoa. Vậy thì, chàng thanh niên ngồi thiên trên kia cũng vậy, anh ta đúng thật là đã toát ra một nguồn năng lượng thần kỳ vô hình như vậy. Chúng ta cũng kết nối với nhau bởi những năng lượng vô hình như thế. Năng lượng ấy đã được lý giải thông qua việc chúng ta mong muốn chọn một căn phòng trọ để ở ra sao, một người bạn, tri kỷ như thế nào,…

Khi bên trong mình đang có năng lượng không tốt thì mình dễ nhả chất độc khiến người xung quanh bị tổn thương. Nếu mình sống thiếu chánh niệm, mà lại ở trong những mối quan hệ, thì mình cũng dễ vô thức khiến người khác đau lòng, dù chỉ thông qua một câu nói. Vì thế, quan sát nội tại kiên nhẫn và dành thời gian rút lui, ẩn náu, thay vì cứ tiếp tục đi ra ngoài kia, sẽ giúp ta thăng bằng năng lượng của chính mình.

Những nhà khoa họa như Albert Einstein và Kurt Godel khám phá chân lý không phải vì tâm trí họ luôn bận rộn hay ở trong trạng thái đi tìm mà họ thật sự là những người biết tĩnh lặng. Khi tĩnh lặng đến một mức nào đó, tâm trí ta kết nối với tâm vũ trụ, như chính Kurt Godel đã nói, rằng những định lý mà ông phát hiện không phải từ tâm trí của ông, mà là từ một kho dữ liệu thông tin nào đó từ tâm vũ trụ. Và khi đạt đến trạng thái “no-mind”, tâm thức ông chạm đến sự thật ấy.

Albert Einstein nói: “Mọi thứ đều là năng lượng”. Vậy nên, khi bạn phát ra tần số rung động ở mức độ nào, bạn sẽ thu hút tất thảy những thứ có tần số tương tự đến với cuộc sống của bạn để trải nghiệm. Biểu hiện gốc rễ trong rung động của mỗi cá nhân là nhận thức của họ. Nhận thức sẽ sinh ra mẫu hình tư duy, thói quen và hành động khác nhau. Điều này tạo nên những mẫu hình người riêng biệt trong xã hội.


 
Back to top