ART & CULTURE

TheaFter Tour 2023: Kịch phi lí – Vị mới cho kịch nói Sài Gòn

Jul 20, 2023 | By Art Republik

Vở kịch phi lí “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển vả đám cỏ lăn” là dự án sân khấu đầu tiên của TheaFter, ra mắt công chúng Hội An tháng 5 năm 2022.

“Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn”

Phi lí như chính cái tên của nó, vở kịch là một chuỗi hội thoại lặp lại với nhiều tầng suất, trình tự thời gian, không gian khác nhau của 3 bản dạng giới, nam nữ và một bản dạng không xác định. Lấy ý tưởng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và vở kịch “Furtive Love” (tạm dịch: Mối tình vụng trộm) của Brian E. Turner, bằng việc sử dụng các đoạn code (luật chơi), đạo diễn Chinh Ba đã để cho các diễn viên hội thoại với nhau để bộc lộ tận cùng những sâu thẳm của bản ngã căn giới chính họ. Những mẩu hội thoại vô nghĩa, những mối quan hệ (tưởng như) vô nghĩa của dục vọng, của bản dạng giới, của tình yêu, quyền lực/bạo lực rượt đuổi nhau trong sự vô lí. Một sự vô lí đầy tính hiện thực.

Ảnh công diễn tại Hội An năm 2022

Các yếu tố tâm lí từ hài hước, thô kệch, hung hãn, khát khao, đến ngốc nghếch, trừu tượng đan xen một cách căng thẳng

Nội dung vở kịch khá “mập mờ”. Hai cơ thể nam và nữ hội thoại trong một không gian mà ranh giới khá mập mờ. Cơ thể thứ ba hoà nhập vào cuộc hội thoại đó. Người phụ nữ đối thoại với “không ai cả”. Người đàn ông thì luôn miệng áp đặt những đặc sệt nam quyền. Họ lặp lại các cuộc hội thoại, tiếng chuông. Tiếng sóng biển, những cuộc rượt đuổi cho đến khi sóng biển xoá sạch dấu vết của họ. Tính hiện thực của tất cả như phi lí (vô nghĩa như hiện thực) chính là quá trình thâm nhập vào bộ não của người xem. Chúng có thực, trong bộ não của họ, trong lịch sử trải nghiệm của họ, trong những khát khao thầm kín của họ, Các yếu tố cơ bản của tính kịch, chuyển động và sức mạnh thể chất của diễn viên khiến cho kịch tính liên tục được đẩy cao không ngừng.

Mang khán giả Sài Gòn đến gần hơn với thể loại kịch phi lí

Thiết kế không gian và các yếu tố thị giác được tạo ra bởi chính đạo diễn/biên kịch của vở, nghệ sĩ thực hành nghệ thuật liên ngành Chinh Ba. Đó là một không gian mở, nhằm xoá nhoà bớt khoảng cách giữa các thành tố sân khấu (diễn viên, thiết kế, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh, v.v.) và khán giả. Tại đó, khán giả có thể tự do chọn điểm quan sát quá trình diễn ở bất cứ chỗ nào, có những giai đoạn có thể ứng tác với diễn viên, và đôi khi cũng có thể là một thành tố của vở diễn, hay nói cách khác là vô tình hay hữu ý được/bị lựa chọn là người trong cuộc hay người quan sát. Ngoài ra, chuyến lưu diễn lần này còn cho mở ra 2 buổi open rehearsal (tập kịch cùng diễn viên) với dẫn dắt của biên đạo/giám tuyển múa đến từ New York, nghệ sĩ múa Anh Vo, cũng như một buổi trò chuyện cùng nghệ sĩ để khán giả hiểu hơn về quá trình hình thành thú vị của vở kịch.

Ảnh công diễn tại Hội An năm 2022

Quá trình hình thành thú vị, khai thác chính bản ngã của diễn viên

Đạo diễn Chinh Ba cho biết, khi làm việc với diễn viên, anh không hề tìm hiểu về nhân thân, lịch sử, tuổi, hay thậm chí là tên thật của họ. Cái anh có là hơn 4 tháng làm việc liên tục với các đoạn code (luật chơi cho hội thoại) được ứng dụng từ lý thuyết trò chơi, các mô hình về tài chính và tư bản, luật chiếm hữu, v.v.. Việc thúc ép hội thoại trong các thể trạng tâm lý khác nhau khiến bản ngã của các diễn viên tự bộc lộ. Khi các hội thoại đạt được “điểm chất lượng”, Chinh Ba yêu cầu các diễn viên lặp lại nó cho đến khi xảy ra một vụ nổ về cảm xúc. Ba diễn viên tham gia vào dự án đều là những diễn viên không chuyên, nhưng có ba đời sống thú vị với các thực hành nghệ thuật đa dạng từ thị giác, nhiếp ảnh, phim, trình diễn, xiếc, burlesque, nghiên cứu giới, digital, v.v.. Trong đó, các căn tính về giới và vai trò của họ ở các cực của trạng thái phi nhị nguyên được khai thác đến tận cùng.

Hiệu ứng thị giác với sắp đặt và video bởi Chinh Ba

Tạo cảm hứng cho cộng đồng

Việc đưa vở kịch phi lí Nam tiến như một vị bổ sung cho sân khấu kịch ở Sài Gòn. Các hoà trộn giữa các yếu tố sân khấu, thị giác, các phong cách trình diễn và phương pháp tìm tòi sáng tạo của vở có thể là một nguồn cảm hứng mới cho cả các mối quan tâm về sân khấu, về văn học và các cảm hứng sáng tác khác nhau.

— * —

TheaFter hay Theater F hay ý tưởng mô hình sân khấu thế hệ F, sau này là một dự án sân khấu do CAB HOIAN khởi xướng năm 2022 như một phản đề cho sự bất lực của việc duy trì hoạt động sân khấu vật lý, cũng như tìm tòi lối đi cho mô hình sân khấu trong tương lai. Tại đây, CAB HOIAN kêu gọi các nghệ sĩ đến Hội An lưu trú, làm việc với các không gian thiếu tính cố định ở khu vực miền Trung, cũng như đối diện với tính thương mại hoá du lịch đối với các hoạt động nghệ thuật sáng tạo.

Vở kịch phi lí “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển vả đám cỏ lăn” là dự án sân khấu đầu tiên của TheaFter, ra mắt công chúng Hội An tháng 5 năm 2022. Vở kịch cũng được lựa chọn cho đợt Nam tiến TheaFter Tour 2023, bắt tay bởi CAB HOIAN và HAT ARTS, và TP. HCM là điểm đến đầu tiên với 3 đêm diễn, từ ngày 11 đến 13 tháng 8 năm 2023, tại Phim Trường Nam Đông.

Nguyên tác: B E TURNER, NGUYỄN DU
Đạo diễn / Biên kịch: CHINH BA
Diễn viên / Đồng sáng tạo: HƯƠNG, DUNG TRAN QUOC, DAN NI
Thị giác: CHINH BA
Âm thanh / Âm nhạc: PATRICK NETHERCOTT
Sản xuất: CAB HOIAN
Tổ chức biểu diễn: HAT ARTS
Hỗ trợ địa điểm: PHIM TRƯỜNG NAM ĐÔNG
Hỗ trợ truyền thông: ART REPUBLIK
Trang phục: THE 31

— * —

Trang sự kiện: HAT ARTS, CAB Hoian
Đăng ký mua vé: Forms
⁘ Giá vé: 500.000 đ
⁘ Early Bird: 400.000 đ (150 vé/buổi diễn)
⁘ Giảm 10% cho HSSV và mua combo từ 5 vé.
⁘ Giao vé từ ngày 27 tháng 7 đến 10 tháng 8 năm 2023

— * —

VỀ CHINH BA

Chinh Ba là nghệ sĩ thực hành đa thể loại (multi-discipline) từ viết lách (text), trình diễn, âm nhạc, thị giác, múa và sân khấu. Các thực hành của Chinh Ba gắn liền với các thuộc tính nhiệt đới, nóng ẩm, oi bức, tính mùa màng, các chất vấn về sự mập mờ của nguồn gốc, cảnh quan, và sức khoẻ vật lý của anh. Một số tác phẩm và dự án được biết đến do anh tạo ra hoặc tham gia như: tham gia vở múa “Ru Đêm” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM năm 2017, sáng tác và trình diễn tập thơ “Mắc kẹt trong chuỗi luân hồi” năm 2018-2019, múa và trình diễn âm nhạc cho vở múa “Palao” của biên đạo Ngô Thanh Phương năm 2018-2019, sáng tác và trình diễn chuỗi tác phẩm “Bài thơ dài về những đường biên 2020 – nay” gồm âm nhạc, thơ, thị giác, v.v., đồng tác giả âm nhạc vở múa Ballet “Kiều” của Đạo diễn/biên đạo Tuyết Minh năm 2021 – nay, v.v.. Bên cạnh đó, anh còn được biết tới như là một nhà tổ chức nghệ thuật với vai trò sáng lập không gian CAB Hoian từ năm 2019. Trong khoảng thời gian đó, anh là giám đốc sự kiện nghệ thuật CABCON2020, giám tuyển cho Poetry+++ #3 của MoTplus, giám đốc sự kiện Nghệ thuật vì môi trường khởi xướng bởi Đại sứ quán Anh năm 2022, v.v..

HƯƠNG

Một bản dạng nữ tìm cách chối bỏ sự đa đoan. Hương mỗi ngày xinh đẹp như một nhu cầu thiết yếu để nhận diện được sự tồn tại của mình. Cô 40 tuổi, rời xa thị thành, lánh về Hội An sinh sống cùng với sự xinh đẹp. Cô vùi mình vào công việc của một người tổ chức nghệ thuật. Cô tìm đến chuyển động để khám phá ngược lại chính mình, để xinh đẹp và chối bỏ xinh đẹp, để lắng nghe và chối bỏ lắng nghe những rì rầm lảng vảng bên tai về sự xinh đẹp của cô. Vở kịch là cô, cũng có thể là một cô mà cô chối bỏ.

DŨNG

Một bản dạng nam hết mình cho những cuộc vui bên ngoài xã hội. Xuất thân từ gia đình có truyền thống xiếc, Dũng khai thác cơ thể như một cỗ máy sức mạnh, dùng nó để kết giao, cũng dùng nó để chạy quanh bản dạng của chính mình. Dũng của hiện tại, hạnh phúc cùng với những kí ức, thích chia sẻ, thích náo nhiệt, tràn đầy năng lượng. Một tính nam nồng nhiệt.

DAN NI

Một nghệ sĩ đa ngành từ thị giác, trình diễn, nghiên cứu lang thang qua các thành phố, anh/hay cô hay một thực thể giới thực hành khám phá các chủ đề khác nhau của đời sống đô thị, tính chính trị của giới, chủ nghĩa hiện sinh và sự suy đồi văn hoá. Dan Ni quan tâm đến việc khám phá chất liệu mới, kỹ thuật mới, phương pháp tiếp cận mới và các mối quan hệ của các phương pháp, cũng như thực hành nhiều về kỹ thuật số trong ánh sáng tân thời. Khi đêm về, Dan Ni, hay drag Ni Xinh, hay DJ-ÖRK là một bản dạng xinh đẹp của thời trang, nghệ thuật cơ thể, kể ra các thế giới quan của thế giới queer nhằm phá vỡ các quan niệm xã hội về giới.

PATRICK NETHERCOTT

Patrick Nethercott là kỹ sư/nghệ sĩ âm thanh người Ireland, trọng tâm nghiên cứu chính của anh là giao diện giữa con người và công nghệ và việc sử dụng các kỹ thuật này để tạo ra trải nghiệm âm thanh và hình ảnh sống. Năm 2009 anh tốt nghiệp chương trình Cử nhân Kỹ thuật tại Viện Thiết kế Nghệ thuật và Công nghệ Dun Laoghaire. Năm 2010, anh tham gia Chương trình Sonic Arts MA tại Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật âm thanh ở Đại học Queen Belfast. Từ 2005 –2015, Patrick là kỹ sư âm thanh chính thức của Liên hoan sân khấu Dublin, là giám đốc âm nhạc của nhiều chuyến lưu diễn khác nhau của The Abbey Theater, Dublin và National Theater, London. Năm 2018, anh là kỹ thuật viên âm thanh và hình ảnh trong Girl Song của Emma Walsh tại Liên hoan nghệ thuật Noordezon ở Groningen, Hà Lan, anh cũng lưu diễn ở Nepal cùng với Bartika Eam Rai và ban nhạc của cô ấy cùng năm đấy. Hiện nay, Patrick sinh sống và làm việc tại Hội An.


 
Back to top