Nghệ thuật / Nghệ sĩ

My Temple: Ngôi đền nhìn lại của Lê Hào

Oct 06, 2020 | By Trang Ps

Mới đây, tại Art Space MoritakaYa (Iwaki, Fukushima, Nhật Bản), triển lãm mang tên “Reflection” được khai mạc. Đây là một sự kiện hy hữu vì khi chính phủ Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 chỉ hai ngày sau khai mạc, triển lãm phải đóng cửa. Tuy vậy, các video, hình ảnh của triển lãm vẫn kịp đến với người xem qua các kênh báo chí và mạng xã hội.

Triễn lãm là kết quả của một dự án nghệ thuật kéo dài 4 năm, với sự tham gia tác phẩm của 6 nghệ sĩ đến từ Đức/Hongkong, Hungary, Việt Nam và Nhật Bản. Lê Hào là nghệ sĩ độc lập duy nhất của Việt Nam được mời tham gia.

Là một phần trong “Reflection”, tác phẩm “My temple” (tạm dịch là “Ngôi đền của tôi”) của họa sĩ Lê Hào làm người xem không khỏi sửng sốt khi tiếp xúc.

1. Truy vấn và gợi ý

Tác phẩm với chất liệu chính là vải thổ cẩm truyền thống của người Chăm từ vùng đất Ninh Thuận, Việt Nam. Kết hợp với khung thân inox, tác giả dựng lên một ngôi đền với tông nền toàn trắng trên phần đất chết của Fukushima, phấp phới hư ảo.

Điều khá thú vị là nhiều người xem hay tiếp xúc với tác phẩm đều có cảm giác đây như một căn phòng ngủ, hay nói như nhà phê bình nghệ thuật Lý Đợi, “một phòng ngủ trong lăng tẩm vĩnh cửu”. Các hiệu ứng thị giác được tạo ra từ bóng đổ của các hình ảnh và ngôi đền làm cho họ thấy đang sắp được an trí để bước vào giấc mơ mà ở đó thực ảo đang lẫn lộn. Hay như trong statement, chính tác giả đã nói tất cả như “một giấc mơ trong giấc ngủ vậy”.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ vào cấu trúc cũng như hình dáng của “ngôi đền” này, chúng ta sẽ thấy có vấn đề. Trước hết, đây là ngôi đền được tạo cảm hứng từ các đền tháp Chăm còn rải rác dọc duyên hải miền Trung Việt Nam. Nhưng khác với những ngôi đền gạch ngoài kia, ngôi đền của Lê Hào lại có bộ khung bên ngoài hình ống của một lò phản ứng hạt nhân, đáy tròn, bọc lấy phần đầu tháp có hình vuông, xoay vần liên tục. Họa sĩ từng chia sẻ: “Tôi sẽ không ngẫu nhiên lựa chọn chi tiết cho tác phẩm của mình mà không thấy ở đó ý nghĩa”. Vậy ý nghĩa ở đây là gì?

SONY DSC

Nhìn lại lịch sử thế giới mà chúng ta đang tồn tại. Con người, từ thuở sơ khai của lịch sử ghi chép đến nay, đã sống với cả vật chất lẫn thế giới tâm linh tín ngưỡng bên trong mình. Từ tín ngưỡng, những tôn giáo hình thành và chi phối họ. Từ tôn giáo, những đền, tháp mọc khắp nơi trên trái đất, tôn giáo mới phủ nhận tôn giáo cũ, đức tin mới phủ nhận đức tin cũ, con người mới phủ nhận con người cũ, thần linh mới thay thế thần linh cũ và đền đài mới đè trên đống đổ nát của đền đài cũ. Nhu cầu mới, chồng chéo lên những nhu cầu cũ.

Người Chăm một thời tắm trong đức tin về đấng toàn năng hiện diện trong tam vị nhất thể: Brahma, Vishnu và Shiva cũng như hệ thống thần linh trong Chăm giáo. Những dân tộc khác có những tôn giáo khác như Hồi giáo, Thiên chúa giáo…

Cũng như người hiện đại, ở nửa cuối thế kỉ 20, những người dân Mỹ, Đức, Liên Xô, Nhật… tắm trong niềm tin rằng điện hạt nhân là giải pháp hiệu quả nhất cho nhu cầu của con người về năng lượng trong đại đa số lĩnh vực. Các nhà đầu tư, các chính phủ làm công việc thuyết phục cộng đồng, dân chúng giống như các các nhà truyền giáo của các giáo hội đi loan báo tin mừng về các thánh điển đến giáo dân. Các nhà máy, các lò phản ứng hạt nhân dựng lên trọng sự trầm trồ ngưỡng vọng của dân chúng như cách tín đồ quỳ sụp và lim dim cầu nguyện trước những tượng đài, trong các đền đài thờ tự.

Quay lại với triển lãm lần này. Đây là dự án thực hiện trên vùng đất chịu thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Năm 2016, khi dự án nghệ thuật này hình thành, thì đồng thời đầu năm đó, chính phủ Việt Nam đã ký quyết định xây dựng tổ hợp nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận – vùng đất từng là kinh đô của người Chăm. Trên ý tưởng liên hệ đó, Lê Hào bắt đầu lên những ý tưởng mà ở đó sợi dây liên hệ vô hình giữa vùng đất đền tháp của Việt Nam với vùng đất chết Fukushima phải liền lạc.

Nếu không có thảm họa nhãn tiền của Fukushima hay xa hơn là sự cố của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, thì hẳn nhà máy điện hạt nhân mới sẽ được mọc lên ở mảnh đất từng là vương quốc cuối cùng của người Chăm.

Thử mường tượng, nếu điều đó diễn ra, thì các lò phản ứng hạt nhân sừng sững hiện lên đập vào mắt của con người có khác gì các đền đài khơi gợi niềm tin tâm linh trong họ?

Lúc ấy, trên đống hoang tàn của đền tháp cũ, của đức tin tín ngưỡng vốn có, những “đền tháp” mới với những đức tin mới được dựng lên, đan cài vào cái nhìn, vào cảm giác, vào trực quan và chi phối suy nghĩ, chi phối cuộc sống của con người hiện tại. Sự dịch chuyển tín lí và tranh chấp của biểu tượng do nhu cầu thực tại là không thể tránh khỏi. “Ngôi đền hạt nhân” sẽ là đối trọng khủng khiếp của những ngôi đền gạch cũ rêu phong. Sự tranh chấp giữa xưa và nay,  mới và cũ, đúng và sai sẽ không có hồi kết. Một vấn nạn nhưng cũng đầy tính giễu nhại, bi hài.

Cùng với đó, hơn 50 hình ảnh Shiva và các linh ảnh khác gắn liền vị thần này được tác giả rút vải cách điệu rải khắp từ bốn phía hướng đến trung tâm ngôi đền. Shiva là trong tam vị nhất thể của tín ngưỡng Chăm giáo (Amaga Cham), tiếp nhận từ đạo Hindu của Ấn Độ. Đây là vị thần đại diện cho sự hủy diệt. Hủy diệt để sáng tạo.

Các hình ảnh Shiva ken đầy trong không gian của ngôi đền khiến người xem nhận ra bản chất vận động không ngừng nghỉ giữa hủy hoại và tạo tác, giữa đỉnh cao và suy tàn, sống và chết… Tất cả dường như vừa tiếp biến và cũng vừa đồng hiện. Nó vừa truy bức và cũng vừa dung chứa con người trong đời sống của họ.

Tác giả từng nói tác phẩm không nhằm đưa ra thông điệp gì mà đó chỉ là gợi tưởng về sự phản chiếu qua lại của hai nền văn hóa. Không gợi tưởng, nhưng với ý nghĩa trên, tự thân “My temple” đã vượt qua sự cụ thể của một vùng đất, một sắc tộc, một tín ngưỡng cụ thể, mà khái quát hóa được bản chất tiềm tàng của sự sống con người trong vận động của thế giới, vũ trụ. Khái quát hóa trong sự truy vấn và gợi ý.

2. Tinh thần giễu nhại

Nhiều người biết đến Lê Hào là một nghệ sĩ đương đại với các tác phẩm video art, hay như tác phẩm sắp đặt đương đại này. Nhưng trước hết, bản thân anh là một họa sĩ giá vẽ với nền tảng là hơn 8 năm sinh viên khoa sơn dầu (trung cấp và cử nhân) của trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Khi còn là sinh viên, anh đã tham gia một khóa đào tạo làm phim tại Côn Minh, Trung Quốc. Sau đó, có thời gian anh tham gia tình nguyện viên trong tác phẩm trình diễn nghệ thuật cho nghệ sĩ nổi tiếng Jun Nguyen-Hatsushiba trong một sự kiện Biennale 2006, tại Hàn Quốc. Trước triển lãm này, Lê Hào từng tham dự trại sáng tác tại Hàn Quốc, Thái Lan và một triển lãm tại Indonesia.

Lê Hào.

Nhìn vào hành trình trên, có thể thấy Lê Hào không bằng lòng với những khả năng của bản thân. Anh luôn tìm cách bước qua các giới hạn của thể loại trong nghệ thuật thị giác. Với tranh giá vẽ, anh theo đuổi dòng tranh sáng tác theo chủ đề. Với nghệ thuật đương đại, anh thiên về video art và tác phẩm sắp đặt. Tiếp xúc với tranh sáng tác hay các tác phẩm nghệ thuật đương đại của anh, chúng ta dễ nhận thấy anh luôn biến những câu chuyện, những hiện thực sống động trong đời sống xung quanh thành chất liệu để thiết kế tác phẩm của riêng mình.

Lê Hào từng chia sẻ: “Tôi luôn muốn tác phẩm của mình phải tự nó kể nên những câu chuyện. Những câu chuyện ấy là cái nhìn của tôi về về bản thân, về hiện trạng đời sống mà tôi là một phần can dự và bị nó chi phối. Câu chuyện ấy, phải có sự giễu nhại ngầm bên trong như là bản chất tất yếu của mọi sự vật, sự việc. Dù chúng có vẻ nghiêm túc đến cỡ nào.”

Tinh thần giếu nhại vốn không mới trong nghệ thuật, thậm chí nó là một trong những trào lưu chính của các nhà nghệ thuật mang tinh thần hậu hiện đại trên khắp thế giới. Nhưng để giễu nhại chính những nỗi bức xúc trong cách nhìn mang tính cá nhân mà lại thuyết phục và lôi cuốn được người xem thì đó luôn luôn là một nan đề đối với bất kì ai theo đuổi con đường sáng tạo. Lê Hào đã và đang đi trên con đường đó.

Bài: LÊ VĂN ĐỒNG

Bài viết là một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top