Suzanne Lecht: Hành trình nghệ thuật của tôi ở Việt Nam đã thực sự trọn vẹn
“Chị gái Hà Nội” Suzanne Lecht và chữ “duyên” với Gang of Five. Nhận định của bà về vị trí của nghệ thuật Việt Nam trên thị trường toàn cầu vào thời điểm thập niên 90, và ở thời điểm hiện tại.
Suzanne Lecht sống và đóng góp cho nghệ thuật tại châu Á từ năm 1984. Năm 1994 bà chuyển từ Tokyo sang Hà Nội và trở thành một nhân tố quan trọng góp phần khám phá tài năng nghệ thuật và quảng bá nghệ thuật Việt Nam với thế giới. Bà mở Art Vietnam Gallery năm 2002 và từ đó viết nên những câu chuyện thú vị về nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Mọi người thường gọi bà là một trong những “Chị gái Hà Nội”, bên cạnh Nora Taylor, Veronika Radulovic, Marrita Nurmi và Natasha. Cơ duyên nào đã đưa bà đến Việt Nam?
Vào năm 1984, tôi và chồng chuyển đến Tokyo và có tám năm hạnh phúc bên nhau cho đến mùa hè năm 1992, anh ấy đột ngột qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy. Tôi ở lại Nhật Bản thêm một năm nữa, chưa muốn rời bỏ đất nước ấy cũng như những ký ức tuyệt đẹp đã có với chồng tôi. Qua một người bạn, tôi đọc được bài viết của Nora Taylor về một nhóm nghệ sỹ đương đại Việt Nam trên tờ Vietnam Investment Review, có tựa đề “Nghệ thuật ‘Gang of Five’: triển lãm nhóm lần thứ 3 của những kẻ tạo sóng”.
Tại Mỹ, tôi chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam chứ không biết về nghệ thuật hay văn hóa của đất nước này. Các tác phẩm đầy lôi cuốn của nhóm nghệ sỹ ấy cho tôi thấy sự kết hợp thú vị giữa Đông-Tây. Sau chiến tranh, các nghệ sỹ giờ đây được tự do vẽ điều mình cảm thấy, vẽ những hy vọng, đam mê, ước mơ và phong cách sống của họ. Sự lạc quan và hy vọng ở họ đem lại cho tôi cảm giác tươi mới. Tôi nghĩ đến việc làm việc với những nghệ sỹ này, bắc cây cầu nối hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua nghệ thuật. Ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội vào năm 1994, tôi đã tình cờ chạm mặt Phạm Quang Vinh, một họa sỹ của Gang of Five. Ở phương Tây, người ta sẽ gọi đó là một sự may mắn, nhưng người Việt Nam sẽ cho đây là chữ “duyên”.
Sau hơn hai thập kỷ sống ở Việt Nam, làm việc và đại diện cho hơn 50 nghệ sỹ tại phòng tranh Art Vietnam, bà có suy nghĩ gì về hành trình này?
Tôi đến đây với ước mơ được làm việc cùng các nghệ sỹ và hành trình đó bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ Gang of Five. Qua các thành viên, tôi bắt đầu tìm hiểu về chiều sâu và nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam lâu đời. Căn nhà đầu tiên của tôi ở phố Hàng Than, “Cây sự sống” – một phòng tranh thương mại theo phong cách salon, là nơi tôi gặp gỡ những nhà sưu tầm, các tổ chức nghệ thuật, và giới thiệu với đa dạng các nhóm khách du lịch hay người yêu nghệ thuật về nghệ sỹ Việt Nam.
Năm 1997, triển lãm đầu tiên của tôi, tại Hồng Kông, mang tên “Gương mặt biến đổi của Hà Nội” có sự tham gia của năm nghệ sỹ thuộc các thế hệ khác nhau, những người mà theo tôi đại diện cho cả chiều rộng lẫn bề sâu sáng tạo của nền nghệ thuật bấy giờ. Những triển lãm sau đó ở Paris, London và New York cũng là cơ hội để tôi có thể tìm kiếm các nghệ sỹ mới, hỗ trợ họ phát triển về công việc và bước ra thế giới bên ngoài.
“Tôi đến đây với ước mơ được làm việc cùng các nghệ sỹ và hành trình đó bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ Gang of Five”
Bà nhận định ra sao về vị trí của nghệ thuật Việt Nam trên thị trường toàn cầu vào thời điểm đó, và ở thời điểm hiện tại?
Vào năm 1997, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài với nền kinh tế đang trên đà phát triển. Còn hiện tại, sự tham gia tích cực của nghệ sỹ Việt Nam trong các chương trình nghệ sỹ lưu trú hay triển lãm nghệ thuật uy tín trên khắp thế giới, cho thấy Việt Nam đang trở thành một thị trường nghệ thuật đầy hứa hẹn. Mục tiêu của chúng tôi là thu hút hơn nữa các nhà sưu tầm địa phương.
Không chỉ là nơi cho ta chiêm ngưỡng các tác phẩm đẹp mà kiến trúc và cách bài trí cũng là một phần trong trải nghiệm, phòng tranh Art Vietnam đã được di chuyển đến nhiều nơi, được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất khác nhau. Bà có thể kể thêm về phong cách đặc trưng của những không gian ấy không?
“Cây sự sống”, không gian đầu tiên của tôi nằm trên phố Yên Lạc là một phòng tranh theo phong cách salon, là nơi tôi sống cũng như trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Phòng tranh thương mại đầu tiên của tôi được mở vào năm 2002 trên phố Hàng Than với sự hỗ trợ của kiến trúc sư người Pháp gốc Việt Lê Cường. Với lối vào ấn tượng, không gian này là sự kết hợp giữa mẫu nhà ống cổ điển với phong cách đương đại. Phòng tranh lớn nhất và cũng là không gian mà tôi yêu thích nhất, lại là một biệt thự lớn trên đường Nguyễn Khắc Nhu, nơi tôi chuyển đến vào năm 2007. Vào năm 2014, tôi thành lập thêm một phòng tranh trên đường Lý Quốc Sư, kết hợp giữa một nhà máy cũ với phong cách hiện đại.
Tôi quay trở lại với phòng tranh trên phố Yên Lạc, ngôi nhà đầu tiên của mình vào năm 2017. Dù sao đi nữa, không gian này vẫn có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim tôi. Người Việt Nam và các du khách nước ngoài rất thích nó bởi nơi đây có sự pha trộn giữa nét truyền thống của Việt Nam và phong cách phương Tây. Mỗi phòng tranh đều mang một phong cách riêng biệt, cho thấy dấu ấn thời gian mà tôi đã ở đó.
“Rất nhiều nghệ sỹ và nhà sáng tạo người nước ngoài đã đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào cuối thập niên 90”
Một trong những dự án quan trọng gần đây của Art Vietnam Gallery là “Gang of Five, Lạc Bước Tân Kỳ”. Nhìn lại các tác phẩm của nhóm nghệ sỹ Gang of Five. Bà có thể chia sẻ thêm không?
Sau ba thập kỷ tại Việt Nam, tôi đã mơ ước về một dự án tôn vinh các thành viên của Gang of Five. Buổi khai mạc triển lãm đã diễn ra tại Xưởng phim Việt Nam (Hà Nội, 2017) với sự có mặt của nhiều giám tuyển và nhà sưu tầm quốc tế. Đó giống như một giấc mơ trở thành sự thật! Buổi triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory được diễn ra sau đó một năm (TP.HCM, 2018). Đây là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ Việt Nam có thể biết đến nhóm nghệ sỹ Gang of Five cũng như những đóng góp quan trọng của họ cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Việc có thể hoàn thành cả hai sự kiện này khiến tôi cảm thấy như hành trình nghệ thuật của mình trên đất nước này đã thực sự trọn vẹn.
“Tất cả chúng tôi cùng nhau làm việc, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm như một đại gia đình”
Bầu không khí nghệ thuật tại Hà Nội vào giai đoạn cuối thập niên 90, đầu 2000 giống như một đại gia đình. Hà Nội đã truyền cảm hứng cho bà về mặt văn hóa – tri thức ra sao? Và khi dõi theo một số thành viên nhóm “Chị gái Hà Nội” đã về nước, bà nghĩ mình sẽ mang theo gì khi đến lúc phải rời khỏi nơi đây?
Rất nhiều nghệ sỹ và nhà sáng tạo người nước ngoài đã đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào cuối thập niên 90. Trung tâm của những hoạt động nghệ thuật thời kỳ đầu là Salon Natasha. Cùng với Natasha và Vũ Dân Tân, không gian tuyệt vời này là nơi nảy mầm của nhiều sự hợp tác và những tình bạn sâu sắc. Ngoài ra, chúng ta còn có Nora Taylor – một nhà nghiên cứu cũng luôn có mặt ở đây từ những ngày đầu; nghệ sỹ Phần Lan Maritta, người đã có nhiều đóng góp trong việc đem bầu không khí quốc tế vào nền nghệ thuật địa phương; Brian Ring, nghệ sỹ Canada, người đã sáng lập Hanoi Grapevine; hay Veronika Radulovic – cựu giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người cố vấn cho nhiều nghệ sỹ có tầm ảnh hưởng ngày nay. Tất cả chúng tôi cùng nhau làm việc, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm như một đại gia đình.
Khi nhớ lại những kỷ niệm tuyệt vời mình có với các nghệ sỹ và nhà sáng tạo mà tôi đã làm việc trong hơn 27 năm qua ở Hà Nội, lòng tôi tràn ngập sự biết ơn. Thật khó hình dung đến chuyện phải rời khỏi Việt Nam, nhưng nếu ngày đó đến, trái tim tôi vẫn sẽ tràn đầy những kỷ niệm, nguồn cảm hứng và tình yêu mà tôi đã nhận được trên đất nước xinh đẹp này.
Cảm ơn bà. Rất mong những kỷ niệm cũng như những tác phẩm nghệ thuật sẽ tiếp tục đi theo bà, dù bà còn tiếp tục sống ở Việt Nam hay bất kỳ đâu khác trên thế giới.