Nghệ thuật

Trao đổi về cách dịch thuật ngữ “ethnography” trong nghiên cứu của Nora Taylor

Jun 12, 2022 | By Art Republik

Thuật ngữ “ethnography” được sử dụng trong tựa đề luận án tiến sĩ của Giáo sư Nora Taylor. Đây là một phương pháp nghiên cứu lịch sử nghệ thuật được bà sử dụng từ thập niên 90 ở Việt Nam.

Luận án tiến sĩ của Giáo sư Nora Taylor, được xuất bản dưới tựa đề “Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art” (Hawaii Press, 2004).

Giáo sư Nora Taylor là nhà nghiên cứu nổi bật về nghệ thuật hiện đại và đương đại Việt Nam. Trong công trình nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt Nam vào thập niên 1990, Taylor đã sử dụng phương pháp “ethnography” trong nghiên cứu của bà, và luận án tiến sĩ của bà được xuất bản dưới tựa đề “Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art” (Hawaii Press, 2004). Trong nhiều văn bản ở Việt Nam hiện nay, thuật ngữ “ethnography” thường được dịch là “dân tộc học”. Chúng tôi cho rằng chúng ta cần vài thảo luận để hiểu rõ về chi tiết này.

Nora Taylor cùng Đặng Xuân Hòa (trái) và Đỗ Hoàng Tường (phải), tại Đại Học Mỹ Thuật năm 1994. Hình ảnh do Nora Taylor cung cấp.

Cần phân biệt giữa hai thuật ngữ ethnography và ethnology. Trong đó ethnology thường được dịch thành “dân tộc học”, còn ethnography được chuyển ngữ là “dân tộc chí”, “khảo tả dân tộc học” hay “ghi chép dân tộc học”.

Ethnology mang nghĩa là “ngành dân tộc học”. Bản thân ethnology thường được hiểu gói gọn trong lĩnh vực nghiên cứu các tộc người. Do đó, dùng từ “dân tộc học” cho các nghiên cứu của Nora Taylor thì không hợp lý và dễ gây nhầm lẫn, vì lĩnh vực nghiên cứu của bà là lịch sử nghệ thuật.

Trong khi đó ethnography có thể được hiểu theo hai nghĩa:

  • Nghĩa đầu tiên là các tài liệu, văn bản, sách, v.v. do nhà nhân học viết ra như là bài báo hay sách, nghĩa này xuất hiện trong tiêu đề cuốn sách của Taylor, “Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art”.
  • Nghĩa thứ hai được hiểu như quá trình đi nghiên cứu của nhà nhân học, bao gồm phỏng vấn sâu, quan sát tham dự (participatory observation) hay đi thực địa (fieldwork). Đây là phương pháp luận (methodology) để thu được dữ liệu từ các nhóm người, không chỉ là các nhóm tộc người mà có thể là bất kỳ nhóm nào; từ nhóm LGBT, đến những người buôn bán trên vỉa hè, nhóm lao động tình dục… và trong trường hợp của Taylor là nhóm nghệ sĩ đương đại. Người nghiên cứu cùng sinh hoạt với nhóm đối tượng mà người đó nghiên cứu, nhằm thu được hiểu biết từ trong cuộc về nhóm đó. Nói ngắn gọn thì ethnography là cách lấy thông tin từ trong cộng đồng.

Nora Taylor diễn giải các ảnh chụp cho tác giả người Hồng Kông Jeffrey Hantover vào năm 1993, cùng với các nghệ sĩ Thành Chương và Lê Đại Chúc. Hình ảnh do Nora Taylor cung cấp.

Về mặt từ nguyên, ethno- là từ gốc Hy Lạp (ἔθνος ethnos) chỉ người, dân tộc, quốc gia; -graphy (γράφω grapho) là viết, ghi chép, khảo tả. Những từ vựng có đuôi -graphy thường chỉ hoạt động ghi chép. Từ ethnography được dịch là “dân tộc chí” hoặc “khảo tả dân tộc học”, với “chí” và “khảo tả” nhấn mạnh bản chất “graphy” của phương pháp này. Chữ “chí” (誌) theo gốc từ Hán Việt có nghĩa là ghi chép, theo đó nhà nghiên cứu ghi chép những gì quan sát được một cách chi tiết. “Khảo tả dân tộc học” là một cách dịch khác cho ethnography, với nghĩa khảo sát và miêu tả, ghi chép sâu lại những gì diễn ra trên thực địa.

Vậy có điều gì đặc biệt trong cách dùng ethnography của Nora Taylor? Bản thân Taylor là một sử gia nghệ thuật (art historian). Từ hướng tiếp cận của bà, vốn thường sử dụng phương pháp phân tích văn bản, làm việc trên dữ liệu lưu trữ… Nhưng bối cảnh nghiên cứu của Taylor đặc biệt ở chỗ, vào thập niên 1990, tại Việt Nam hầu như chưa có đủ dữ liệu lưu trữ về nghệ thuật. Điều này có thể hiểu là do hàng thập kỷ chiến tranh và khó khăn về kinh tế, khiến cho nghệ thuật rơi vào vị trí yếu thế, ít được quan tâm nghiên cứu đến, nên số lượng tài liệu để bà phân tích rất ít ỏi.

Đứng trước khó khăn đó, Taylor sử dụng ethnography như một phương pháp thu thập thông tin từ những người sống và hoạt động nghệ thuật tại đây. Bà quan sát tham dự tại những dự án dang dở kéo dài nhiều năm và tập hợp thành một dữ liệu dân tộc chí, làm nền tảng cho các phân tích sâu hơn. Đặt trong bối cảnh Việt Nam thập niên 1990, lựa chọn sử dụng ethnography của Taylor mang tính tiên phong và đóng góp cho các ngành có liên quan tại Việt Nam.

Nora Taylor cùng gia đình họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp đi thuyền thăm chùa Hương năm 1994. Hình ảnh do Nora Taylor cung cấp.

Nora Taylor cùng Nguyễn Hữu Bảo, Trần Mạnh Đạt và Nhung (vợ của Trần Mạnh Đạt) trong một chuyến chụp ảnh thực vật năm 1994. Hình ảnh do Nora Taylor cung cấp.

Taylor cũng nhấn mạnh chiều kích nghiên cứu của bà là từ góc độ nhóm, thay vì từ góc độ cá nhân nghệ sĩ. Bà cũng không đưa ra các đánh giá thẩm mỹ đặc trưng của phê bình nghệ thuật, thay vào đó phân tích bối cảnh, thiết chế và tương tác nhóm. Trong trường hợp này, ethnography là phương pháp nghiên cứu hiệu quả so với các phương pháp phân tích văn bản hay phê bình tác phẩm.

Với sự khác nhau mà tôi đã nêu ra giữa ethnography và ethnology, cùng những đặc trưng trong nghiên cứu mà Giáo sư Taylor đã chia sẻ trong hệ thống công trình của bà, tôi muốn đưa ra trao đổi rằng chúng ta cần dịch ethnography là “dân tộc chí/khảo tả dân tộc học” nhằm nhấn mạnh tính chất của phương pháp luận này, và tránh các nhầm lẫn về sau với các thuật ngữ khác.

Hiếu Y và Hưng Thịnh


 
Back to top