ART & LIFE

Tricia Nguyen & Dự án nghệ thuật chữa lành tinh thần Wintercearig Project

Dec 21, 2020 | By Trang Ps

Khi được giới thiệu đến Wintercearig Project, dự án nâng cao nhận thức và chữa lành tinh thần của người trẻ thông qua thực hành nghệ thuật đương đại, tôi ngay lập tức đặt một lịch hẹn với nhà sáng lập Tricia Nguyen để trò chuyện thêm về ý tưởng và tâm huyết của cô vào tổ chức thú vị và ý nghĩa này.

Trong tác phẩm “Một giọt từ đọa đày” bao gồm hai mươi tiểu luận triết học của Hamvas Béla, có một câu đại ý như sau: Một trong những lĩnh vực hiếm hoi giúp con người kết nối sâu với nội tại là nghệ thuật, bởi thế, nghệ sĩ là những cá nhân có khả năng hướng vào bên trong họ và biết chính mình. Và cũng vì giúp con người có điều kiện hướng vào bên trong, nên nghệ thuật mới có một chức năng đáng quý là chữa lành.

Tôi gặp Tricia ở quán cà phê Hoàng Thị trên con đường Tôn Thất Đạm, một nơi đủ yên tĩnh cho  buổi chuyện trò. Không gian hai lầu, vintage nổi bật với những bức tranh sơn dầu của anh chàng họa sĩ kiêm chủ quán.

Tôi mở lời: “Cơ duyên nào đã khiến Tricia thành lập nên Wintercearig Project vậy?”

Cô mỉm cười: “Cốt yếu là nâng cao nhận thức về tinh thần và đưa nghệ thuật đương đại vào như một công cụ chữa lành. Hồi xưa, chị cũng tham gia vào những buổi chữa trị tâm lý nhưng cảm thấy không hợp với việc trò chuyện với ai đó mà mình không quen biết trong một không gian phòng kín. Thực ra, bản thân cũng là người trong giới nghệ thuật, có học về thiết kế và múa, từ đó chuyển qua nghiên cứu nghệ thuật trị liệu. Chị nhận ra, khi bản thân thực hành múa ba lê, điều đó đã giúp mình tập trung vào hiện tại, để đầu óc không suy nghĩ về quá khứ hay tương lai. Ba lê là một bộ môn chặt chẽ cấu trúc đòi hỏi độ tập trung cao, nếu mình suy nghĩ, mình có thể sẽ chệch nhịp và chấn thương. Tương tự như vậy với các bộ môn nghệ thuật khác như vẽ, âm nhạc và điêu khắc,… sự sáng tạo giúp chúng ta quay về trạng thái không tâm trí (no mind).”

Tricia Nguyen trong màu áo đỏ ở giữa.

Theo một nghiên cứu khoa học, khi sáng tác nghệ thuật, con người có khả năng đạt đến trạng thái dòng chảy (flow state), tức tập trung vào khoảnh khắc hiện tại với sự hợp nhất giữa hành động, ý thức và xúc cảm. Còn Đạo Đức Kinh của Lão Tử có cách truyền đạt khác thông qua thuyết vô vi: làm mà như không làm. Không làm ở đây không có nghĩa là không làm gì, mà làm nhưng cảm giác an nhiên, thư thái như thể đang rơi vào trạng thái thiền. Trong hội họa, có lẽ, Van Gogh là một trong những minh chứng hoàn hảo cho học thuyết này. Van Gogh vẽ thuận theo tự nhiên và không trông mong vào kết quả. Ông vẽ và vẽ là mục đích tự thân của chính nó. Và thế, chính việc vẽ đã trở thành một bản năng của danh họa.

Một tổ chức phi lợi nhận như Wintercearig Project đang hướng những cá nhân tham gia đạt đến trạng thái tự nhiên này, từ đó tháo gỡ ít nhiều những tổn thương hay trầm cảm mà họ đang phải chịu đựng.

Tricia tiếp: “Chị đã bắt đầu với múa đương đại vì cảm giác bộ môn này kết nối dễ hơn ba lê. Nó là những chuyển động tự do và phóng khoáng thay vì chặt chẽ như ba lê. Vào năm 2017, chủ đề của Wintercearig là màu xanh, tức khởi đầu của mọi thứ. Năm 2018 là chương trình về rừng, màu chủ đạo là vàng úa, nhấn mạnh cảm giác lạc lối ở một nơi rộng lớn và vô phương hướng. Năm 2019 là giai đoạn ra khỏi rừng để đi đến khoảng trống, với chủ đề mang tên “Sáng tỏ”. Và năm nay là “Thổ”, tức bắt rễ, đến cuối đường hầm, ai nấy đều đã tìm thấy ánh sáng và sự cân bằng cho riêng mình. Suốt 4 năm qua, Wintercearig đã đi được một chặng men theo hành trình tinh thần của con người nhưng theo hướng tích cực.

Dự án tập trung vào 4 thực hành chính: chuyển động, kịch, âm thanh và vẽ. Cứ mỗi chủ nhật, các bạn học sinh – sinh viên, cũng chính là những cá nhân dễ bị tổn thương về mặt tinh thần nhất trong xã hội, sẽ đến cơ sở Wintercearig ở Thảo Điển để thực hành sáng tạo. Họ không nhất thiết phải nâng cao một kỹ năng nào đó, mà đơn thuần học như chơi. Dự án đã tạo một động lực để các bạn đi ra khỏi nhà, và tránh ngồi một góc phòng suy nghĩ tiêu cực.

Sau mỗi khóa như vậy, sẽ là một triển lãm để tri ân những thực hành sáng tạo của những người tham gia. Như từ 20 đến 28/11 vừa qua, triển lãm Sầu Đông đã diễn ra thành công với những không gian dành riêng cho các hoạt động “bắt rễ” như: khu thiền với những bài thiền theo lịch trình; vườn Zen: thảo mộc, trò chơi kiến tạo không gian,…; triển lãm các tác phẩm nghệ thuật trong năm 2020 và các thành quả trước đây của dự án Sầu Đông; các lớp thực hành biểu cảm: thiền sử dụng nghệ thuật, trị liệu nghệ thuật, viết biểu cảm, …và đêm “scratch night”: kết thúc năm 2020 với chủ đề “hy vọng” cùng những tiết mục độc quyền từ cộng đồng.

Kết câu chuyện, Tricia Nguyen nhấn mạnh: “Khi ta làm mà ta cảm giác như ta chơi thì nhẹ nhõm biết nhường nào. Trầm cảm là một biểu hiện tinh thần không thể trốn tránh. Chúng ta không thể hướng ra bên ngoài, làm thật nhiều việc, để lãng quên nó. Khi vui, hãy để bản thân được vui. Khi buồn, ta cứ để nỗi buồn thả trôi tự nhiên. Đừng ép bản thân phải đạt được trạng thái nào đó. Cũng như vậy, khi khóc được, ta cứ khóc. Vì khóc là một cách giải tỏa. Nghệ thuật chữa lành cũng vậy thôi, nó tạo điều kiện để ta sống thật với nội tại của mình. Tác phẩm ta hoàn thành xong cũng đã phản ánh bên trong ta rồi.”


 
Back to top