Sống

Chuyên đề Trị liệu và chữa lành (Phần 6): Thực hành sám hối mỗi ngày

Aug 21, 2021 | By Trang Ps

Giữa lời cảm ơn và xin lỗi, có lẽ, lời xin lỗi khó nói ra hơn, bởi khi ta nói ra lời xin lỗi, nghĩa là ta đang thú nhận với ai đó rằng mình có lỗi lầm. Ai ai trong cuộc đời này chẳng có bản năng sợ hãi bị đánh giá, vì thế, phần lớn khi mắc lỗi đều có một phản ứng vô thức là sợ sệt bị phán xét, rồi có người chọn cách im lặng và tránh né việc xin lỗi. 

Nhưng bạn có biết, trong hầu hết mọi tôn giáo, đều có nghi lễ sám hối. Trong Công giáo, những con chiên ngoan đạo cúi mình trước Chúa, chân thật bộc bạch những lỗi lầm mà họ đã gây ra, thành tâm ước nguyện với lòng bác ái bao la của Chúa, Chúa sẽ bao dung và tha thứ cho họ. Dẫu lỗi lầm ấy lớn hay bé, đứng trước vòng tay của Chúa, mọi tội lỗi như được gột sạch.

Cũng vậy, trong đạo Phật, các Phật tử đọc kinh sám hối. Nhiều người trong đó đọc mà ứa nước mắt, niềm xúc động tuôn trào như mọi lỗi lầm của vô số tiền kiếp hiện ra rồi được gột sạch bởi lòng từ bi và tình thương vô tận của Chư Phật và Bồ Tát. Trong đạo Hồi, sám hối nghĩa là trở về với Thượng Đế Allah, tất cả những ai gây ra lỗi lầm và vô đức tin, khi thành tâm sám hỗi sẽ được Ngài chở che và yêu thương.

Sám hối ngay cả khi đang sống tốt trong hiện tại, cũng là một điều vô cùng quan trọng. Bởi bản năng của con người là lãng quên. Ta sẽ chẳng nhớ mình đã từng làm ai phiền lòng và buồn bã. Ta sẽ chẳng nhớ ta đã vô tình hay cố ý gây thương tổn đến người nào. Hoặc có ai vì ganh tỵ ta mà đâm ra đau khổ, hoặc vì sự xuất hiện vô tình của ta, vì một hành động ngây thơ và hồn nhiên của ta, mà đã gây ra tổn thương cho những chúng sinh khác.

Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng, vì thế, nếu ta sát sinh, đó cũng là đang phạm phải một lỗi lầm. Vì thế, thật tuyệt vời nếu ta hiểu thấu ý nghĩa của việc chân thành sám hối trước Chư Phật và Bồ Tát cho toàn bộ tội tình mà ta đã gây ra trong kiếp này, và vô vàn kiếp trước.

Bạn có biết, sám hối cũng là một cách để ta chữa lành chính mình và chữa lành cho những người mà ta đã gây ra đau khổ cho họ. Trong đạo Phật có nói về vấn đề oan gia trái chủ, tức có những chúng sinh mà trong vô lượng kiếp, ta đã vô tình hay cố ý gây hại cho họ, và giờ đây, họ xuất hiện trong kiếp này để báo oán. Nếu ta không thành tâm sám hối, nếu ta không tự chữa lành chính bản thân mình, thì năng lượng ấy sẽ mãi đeo đẳng lấy ta chẳng rời.

Chỉ có thành tâm sám hối, thành tâm gửi đến nguồn năng lượng chân thành này, nghiệp giữa cả hai mới có thể được hóa giải. Ta mới có thể tự tha thứ cho chính mình và họ cũng mới có thể tha thứ cho họ và cho ta.

Trong giai đoạn quay về bên trong để chữa lành những tổn thương của bản thân, tôi thường chọn một nơi sạch sẽ, yên tĩnh trong nhà, ngồi xuống, và trò chuyện với nỗi đau của bản thân. Tôi đã áp dụng một phần trong nghi thức chữa lành của người Hawaii cổ xưa là Ho’oponopono, bao hàm việc nói lời cảm ơn, xin lỗi, cầu xin sự tha thứ và bộc lộ tình yêu, nhưng theo cách của riêng mình. Tôi nói ra những gì mình muốn nói một cách thật tâm và tràn trề lòng biết ơn. Lúc đấy, tôi cảm nhận mình như một đứa trẻ thơ đang cảm nhận nỗi đau của chính nó, và nó biết ơn nỗi đau ấy đã khiến nó mạnh mẽ và trở nên trưởng thành.

Bên cạnh việc tâm sự với những nỗi đau trên thân thể mình, tôi cũng gửi lời cảm ơn và xin lỗi âm thầm đến cha mẹ, những người đã từng yêu thương tôi, và cả những người bạn đã đang và sẽ xuất hiện trong cuộc đời mình. Tôi tin rằng khi ta ngồi xuống, chân thành và thực hành điều đó, ta sẽ thấy cuộc sống này linh thiêng biết bao, lòng ta tràn ngập một niềm hạnh phúc và biết ơn đầy xúc động.

Vào lúc rảnh rỗi, tôi đọc cuốn kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp, dù chưa thể quán những kiếp trước của mình như thế nào, nhưng tự trong tâm, bản thân thật mong sự sám hối của mình sẽ được chúng sinh muôn nẻo từ vô lượng kiếp lắng nghe và tha thứ. Mong rằng sợi dây oan gia trái chủ này sẽ bị cắt đứt và chuyển hóa thành sợi dây tình bạn đại đồng.

Đôi khi vì sự kiêu ngạo và kiêu hãnh trong ta quá lớn mà ta thấy mình trong sạch khỏi mọi lỗi lầm, và cũng có thể vì thế, mà có lúc, ta đã không đủ lòng bao dung và rộng lượng trước một lỗi lớn của ai đó khác. Nhưng bạn hỡi, trong kẻ tội đồ đã có sẵn một Đức Phật tương lai, và trong một kẻ được xã hội cho là thánh thiện đã có sẵn mầm mống của một kẻ tội đồ. Đó là lý do vì sao Đức Phật nói rằng chúng sinh là bình đẳng. Chẳng có ranh giới giữa thánh thiện và tội lỗi, chẳng có ranh giới giữa ngốc nghếch hay thông minh. Mọi ranh giới là do chúng sinh dàn xếp hay định nghĩa. Nhưng chúng sinh có thể nắm bắt được điều này và vượt thoát lên sự phân biệt một cách từ từ và chậm rãi mỗi ngày.

Bằng cách sám hỗi, bằng cách gửi đi lời xin lỗi và lòng biết ơn, mỗi chúng ta sẽ nới rộng thật rộng lòng tư bi của chính mình.


 
Back to top