Triển lãm “Cái Đầu”: Khao khát sự thật ngoài vật hữu hình của Nguyễn Ngọc Phương
Triển lãm cá nhân lần thứ 4 của Nguyễn Ngọc Phương, CÁI ĐẦU, giới thiệu 19 tác phẩm mới nhất của anh. Khát khao tìm kiếm sự thật nằm ngoài những gì hữu hình, Nguyễn Ngọc Phương đưa ra những quan điểm sắc bén về ý thức tập thể thông qua những thứ được xác định và phản chiếu bởi bản thể của nó.
Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1975 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Cử nhân Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đây, Nguyễn Ngọc Phương tập trung vào các tác phẩm bán trừu tượng, sau đó, anh dần chuyển sang các tác phẩm trừu tượng.
Nguyễn Ngọc Phương từng có các triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam với chủ đề Ngày thứ 49 – Phần 1 và 2 (2018), và Niệm (2021). Nhiều tác phẩm của anh được chọn trưng bày tại các phòng tranh và bảo tàng ở Đông Nam Á như Yogia Gallery (Yogyakarta, Indonesia), Penang State Art Gallery (Penang, Malaysia)…
Tác phẩm của Phương để lại dấu ấn ở những nét vẽ khỏe khoắn, có sự bứt phá với độ tương phản mạnh mẽ của màu sắc, thể hiện sự bùng nổ dữ dội của nội tâm bị kìm nén. Trong sáng tác, anh thường phá vỡ các rào cản về phong cách, chất liệu hay trường phái để đạt tới sự tự do tuyệt đối trong nghệ thuật. Vì không còn trói buộc vào tính lý thuyết hoặc cách biểu đạt nghệ thuật nên anh đã thành công khi tạo ra được một thế giới riêng độc đáo, đầy cá tính.
Tongla Art hân hạnh giới thiệu triển lãm cá nhân lần thứ 4 của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, mang tên CÁI ĐẦU, gồm 19 tác phẩm. Khát khao tìm kiếm sự thật nằm ngoài những gì hữu hình, Nguyễn Ngọc Phương đưa ra những quan điểm sắc bén về ý thức tập thể thông qua những thứ được xác định và phản chiếu bởi bản thể của nó. Bằng cách diễn giải riêng với một loại chất liệu mới chưa từng có trước đây, sáng tạo của anh mang đến cho người xem nhiều suy ngẫm.
“Loạt tranh những CÁI ĐẦU là tái hiện về sự ám ảm trong tâm trí tôi về nhân tính con người” – Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.
Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định: “Khác với cấu trúc người xem thường thấy trên tranh của Nguyễn Ngọc Phương, những tác phẩm lần này là nơi hoạ sĩ lao vào những bùng nổ, những hỗn loạn của các yếu tố tạo hình rồi tìm cách xác định cho chúng một trật tự động. Những CÁI ĐẦU của Phương đề cập một khu vực khác, nơi sự tĩnh tâm đã tập hợp, tái định hình mọi yếu tố rời rạc làm thành một khuôn mặt. Tuy nhiên, điều to lớn nhất tôi thấy trên tranh của anh là năng lượng của cái được che giấu quá mãnh liệt đến nỗi chúng làm biến dạng hình hài của cái che giấu nó.”
Ở loạt tranh này, Nguyễn Ngọc Phương thực hành nghệ thuật trên vóc/ gỗ. Việc sử dụng trường màu tối dày đặc như nghệ thuật đắp nổi được áp dụng trong các khâu sáng tạo khiến đường nét trở nên mạnh mẽ. Các đường viền tuyến tính hoặc phi tuyến tính được xóa nhòa, bóng dáng con người cũng được làm mờ trên nền màu xám. Còn lại duy nhất những cái đầu như đang trôi nổi một cách bất ngờ và đầy căng thẳng.
Một trong những điểm thú vị trong thực hành nghệ thuật của Phương là cách anh làm chủ được giới hạn trên chất liệu để xác lập mối quan hệ giữa các hình, mảng chiếm hữu với khoảng không gian không xác định. Năng lượng của anh được hóa lỏng và được đúc/trộn đến khi chúng đông cứng lại thành các hình các dạng thô hoặc khuôn mặt còn phôi thai. Các hình dạng này được bao phủ bởi các vết trầy xước hoặc mô sẹo của ý thức tập thể. Sau đó, một sự tiếp biến diễn ra ở các hình dạng như cái đầu trong quá trình hình thành, với cảm giác như chúng sẽ sớm được nấu chảy ra cùng nguồn năng lượng mãnh liệt của họa sĩ. Cuối cùng, chúng được cô đặc lại trên bề mặt của chất liệu để tạo ra loạt tác phẩm đặc biệt này.
Nguyễn Ngọc Phương thành thạo trong việc sử dụng nhiều vật liệu ngẫu nhiên khác nhau từ các sắc tố tự nhiên như: rỉ sét, vật liệu mạ, các loại sa khoáng, các loại đá đất (cứng, mềm, tơi xốp,…) cát, sỏi, rễ cây khô… Nguyên vật liệu được vò ép, ném và đập xuống để thể hiện thôi thúc mãnh liệt bên trong họa sĩ. Chính điều đó, tạo nên sự độc nhất cho tác phẩm.
“Nguyễn Ngọc Phương luôn khát khao làm mới chính mình, cũng như ý thức được việc làm chủ các kỹ thuật sử dụng chất liệu biểu đạt nghệ thuật. Loạt tác phẩm lần này của anh là một sáng tạo đột phá khi chúng ta không còn thấy ảnh hưởng của bất kỳ nghệ sĩ tiền bối nào. Đây là thách thức không hề nhỏ mà hiếm họa sĩ vượt qua được. Triển lãm lần này là thành quả đặc biệt của 20 năm tìm tòi và sáng tạo của anh” – bà Tuyết Nguyễn, sáng lập Tongla Art chia sẻ.
VỀ TONGLA ART
Tongla Art là nền tảng chuyên về không gian nghệ thuật và tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước, do bà Tuyết Nguyễn, một doanh nhân có uy tín trong giới kinh doanh và đầy đam mê nghệ thuật, sáng lập. Với sự đa dạng của các nghệ sĩ tài năng, di sản văn hóa phong phú kết hợp với quản lý hiệu quả, sứ mệnh của Tongla Art là giới thiệu nghệ thuật Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.
Kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển và thành công của ngành nghệ thuật tại Việt Nam, Tongla Art cung cấp đến các nghệ sĩ các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để tạo ra tác phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, Tongla Art thúc đẩy việc quản lý nghệ thuật để trao đổi, giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ đến các ngành nghệ thuật và các nền văn hóa khác nhau.