Triển lãm “Chloris”: Bàn về cái đẹp, triết lý luân hồi cùng nghệ sĩ và giám tuyển
Đến tham quan triển lãm “Chloris” tại VY Gallery vào ngày khai mạc 16/9, Luxuo đã có dịp trò chuyện cùng nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn để hiểu hơn về “Chloris,” từ chủ đề, cảm hứng, kỹ thuật lumen print đến những nỗi lo khi thực hiện triển lãm và quá trình tìm kiếm tự do trong sáng tác.
Tại sao triển lãm “Chloris” xoay quanh các loài hoa, lại còn là những bông hoa đang úa tàn?
Phạm Tuấn Ngọc: Tôi quyết định không trả lời câu hỏi này mà để khán giả có suy luận riêng. Đúng, tên bộ ảnh nghĩa là hoa, nói về hoa, không có gì phải đoán cả. Nhưng điều đó khiến câu hỏi “tại sao?” quan trọng.
Nguyễn Thế Sơn: Tôi thấy câu chuyện về hoa ở “Chloris” vượt ra khỏi câu chuyện về cái đẹp phổ biến trong các thực hành hội hoạ tại Việt Nam với chủ đề này. Hoa thường được nhìn trong trạng thái đẹp nhất hay dùng biểu đạt cái hoàn hảo. Rất ít ai thể hiện trạng thái lụi tàn của hoa. Chủ đề hoa thường được cho là an toàn, thậm chí dễ dãi và mang tính “souvenir.” Do vậy, triển lãm của Tuấn Ngọc như một phản đề đối với những quan điểm ấy, cho thấy chủ thể không phải là vấn đề mà quan trọng là tiếp cận thế nào, như cách Ngọc sử dụng hoa làm một hình tượng trung gian biểu đạt một tầng nghĩa sâu sắc khác.
Bên cạnh đó, ta cũng có thể nói rằng “Chloris” có sự kế thừa nghệ thuật vanitas cổ điển phương Tây mà điển hình là các bức tranh tĩnh vật thế kỷ 17 của Hà Lan, sử dụng sự héo úa của quả và hoa như biểu tượng cho tính phù du. Tuy nhiên, Ngọc mở rộng suy tưởng khi đưa vào các ý niệm của triết học phương Đông về luân hồi và tái sinh. Tại đó, kết thúc và diệt vong lại là khởi đầu cho một vòng luân hồi, một lần tái sinh mới.
Là một người đã giám tuyển rất nhiều triển lãm và dự án nghệ thuật, cũng là một người thực hành nhiếp ảnh, anh Nguyễn Thế Sơn có thể chia sẻ lý do kết hợp với nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc trong triển lãm “Chloris”?
Nguyễn Thế Sơn: Tôi vốn là hoạ sĩ vẽ lụa và sơn mài, sau đó tích hợp sử dụng thêm chất liệu nhiếp ảnh để sáng tác – một con đường mà nhiều hoạ sĩ trên thế giới đã đi. Tuy nhiên, xu hướng này chưa phổ biến ở môi trường giáo dục và thực hành ở Việt Nam và tôi muốn khuyến khích nó.
Nhiếp ảnh không chỉ là công cụ để ghi tư liệu thay ký hoạ hay làm tài liệu cho sáng tác hội hoạ. Nó là một chất liệu trọn vẹn để sáng tác, có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển nghệ thuật mà nhiều người chưa hiểu rõ. Một triển lãm sử dụng công cụ nhiếp ảnh với chất lượng tốt như “Chloris” là cần thiết để truyền bá những ý tưởng như vậy.
Ngoài ra, những thực hành nhiếp ảnh không dùng tới máy ảnh thời kỳ đầu trong phòng tối vốn ít được quan tâm và nhận diện. Triển lãm “Chloris” giúp cho công chúng có cái nhìn rộng hơn về nhiếp ảnh nghệ thuật.
Cuối cùng, việc hợp tác này cũng nằm trong một quá trình hợp tác dài hơi hơn giữa tôi và Phạm Tuấn Ngọc. Cụ thể, tiếp sau đây, tôi muốn mời anh tham gia trưng bày tại Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo, đối thoại với không gian Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm vào cuối năm nay.
“Chloris” là triển lãm cá nhân thứ 2 của Phạm Tuấn Ngọc sau triển lãm ảnh Paris đen trắng “9”. Anh đã có những chuẩn bị, những lo lắng gì khác với triển lãm đầu tay?
Phạm Tuấn Ngọc: Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng khoảng hai tuần trước triển lãm, và cảm giác ấy vẫn y như lần làm triển lãm đầu tiên.
Khi thực hiện tác phẩm, tôi căng thẳng vì muốn hoàn thành tốt nhất có thể. Vậy mà, lúc triển lãm bắt đầu thành hình thì tôi lại lo lắng, vì mọi thứ đang dần rời khỏi khả năng kiểm soát. Chuyện công chúng có hiểu hay không, có thích hay không, không còn nằm trong tầm tay. So với triển lãm đầu tiên, “Chloris” có quy mô lớn hơn, đầu tư nhiều hơn, tác phẩm cũng đồ sộ hơn nhưng nỗi lo của tôi vẫn thế.
Tôi nghĩ đây là tình trạng chung không chỉ với tác giả, mà với tất cả mọi người: Khi bạn khai trương quán ăn, khi bạn đem bản thảo đến nhà in, bạn không thể thay đổi điều gì nữa, cũng không biết công chúng sẽ đón nhận ra sao – Lo lắng khi vào vùng không xác định.
Đó là mối bận tâm của tôi, và nó giống y như lần đầu vậy, thậm chí còn lớn hơn vì cảm thấy phải làm tốt hơn.
Vậy còn bản thân anh đã thay đổi như thế nào giữa hai dấu mốc trong sự nghiệp?
Phạm Tuấn Ngọc: Mối lo vẫn vậy nhưng tư duy của tôi thay đổi nhiều. Người sáng tác bộ ảnh Paris khi ấy là một phiên bản “tôi” cùng cảm xúc, hoàn cảnh, kinh nghiệm và cả kỹ thuật hoàn toàn khác. Sau chín năm, Paris thay đổi, tôi cũng vậy. Câu chuyện lúc đó là của một người trẻ hơn, sống và yêu một thành phố đến nay đã không còn tồn tại.
Về mặt kỹ thuật, cùng sử dụng một chất liệu là giấy ảnh đen trắng, tôi làm nên “9” trong phòng tối với mục tiêu tạo nên những bản in hoàn hảo, còn “Chloris” lại đưa chất liệu ấy ra ánh sáng, kết hợp cùng hoa lá, hơi nước. Phần kiểm soát của tôi ít đi rất nhiều. Tôi buộc phải thả lỏng bản thân để kết nối, cảm nhận chất liệu. Tôi có tương tác với đối tượng và ngược lại, không thể làm chủ mọi thứ. Quá trình sáng tác từ đó khác đi, tự nó định hướng cho tôi phải chọn chất liệu nào, phát triển ra sao…
Được biết, trước đây “Chloris” đã từng xuất hiện ở triển lãm Noirfoto Group Show và “Salon Ánh sáng,” điều gì tạo nên sự khác biệt của “Chloris” khi đứng một mình?
Phạm Tuấn Ngọc: Những sự kiện “Chloris” từng tham gia đều là triển lãm nhóm. Khi triển lãm cá nhân, số lượng cùng chất lượng tác phẩm phải hoàn thiện, có kết nối và đồng thời bổ sung một số tác phẩm mới. Đối với tôi, điểm khác biệt quan trọng nhất nằm ở “Chloris Tái sinh.” Chính sự ra đời của bộ tác phẩm này đã biến bộ ảnh trước đây từ “Chloris” đơn thuần thành “Chloris Bất tử.”
“Chloris Bất tử” vẫn rất gần với “9”, vì tôi nương theo chất liệu và phục vụ nó. Việc của nghệ sĩ chỉ là tìm cách để tạo nên hình ảnh bông hoa đẹp nhất trong trạng thái lụi tàn. Nhưng đến “Chloris Tái sinh,” nó đã trở thành chất liệu của tôi. Tôi có thể biến đổi, tàn phá nó theo ý mình. Mục đích không còn là giữ lại hình ảnh đẹp nguyên vẹn nữa mà là tạo nên hình ảnh mới.
Tôi thể hiện bản thân nhiều hơn, chủ động hơn và hạnh phúc với kết quả hơn. Tôi cảm thấy tự do hơn, gần như được giải thoát, và đổi lại, hình ảnh cũng mới lạ, khác biệt và mạnh mẽ hơn.
“Chloris” được chia làm 2 bộ tác phẩm: Bất tử và Tái sinh. Hai bộ ảnh này có liên hệ với nhau như thế nào? Làm sao một thứ trường tồn, bất tử, không thể mất đi lại có thể tái sinh?
Phạm Tuấn Ngọc: Tôi hay so sánh mọi thứ với đồ ăn (cười). Ví dụ từ gạo, ta có thể nấu thành cơm, cháo, hoặc bún, mì. “Chloris” cũng vậy: từ một kỹ thuật chung, rẽ sang hai nhánh khác nhau.
Đối với tôi, “Bất tử” không phủ định “Tái sinh” và ngược lại. Người ta vẫn mơ về vĩnh cửu, như khi tác giả qua đời nhưng tác phẩm vẫn mãi tồn tại. Đó là một động lực, một ước muốn rất lớn. Tuy nhiên, nó mang tính cố định, trong khi tôi mưu cầu tự do và sự tái sinh – sự biến chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác – trường tồn theo cách riêng. Tức là mọi thứ luân hồi, liên tục thay đổi. Bạn vẫn giữ cốt lõi của mình, nhưng thể trạng luôn luôn thay đổi.
Tái sinh còn phải đánh đổi. Trong phần tác phẩm này, những bông hoa đã bị thiêu đốt dưới nắng, phải nát đi, tương tự như nghệ sĩ phải trăn trở, vất vả mới tạo thành tác phẩm. Con người muốn phát triển phải trải qua thử thách và hi sinh. Tái sinh cần trả giá rất đắt, bởi nó là phép nhiệm màu ai cũng muốn đạt được.
Kỹ thuật “in nắng trên giấy ảnh đen trắng,” hay lumen print đã thu hút anh như thế nào?
Phạm Tuấn Ngọc: Trong hơn 10 năm cầm máy ảnh, từ lâu tôi đã cảm thấy mảnh đất này quá chật chội.
Số lượng người thực hành nhiếp ảnh ngày càng tăng, thêm sự phát triển của điện thoại, một năm có hàng nghìn tỷ bức ảnh được tạo ra. Chúng ta không có đủ thời gian để xem, nói gì đến cảm nhận.
Vậy nên tôi muốn làm những thứ khó hơn, mới lạ hơn, trở thành một nghệ sĩ có thể sáng tác trên đa chất liệu.
Tôi đến với lumen print như một sự tình cờ khi đang nghiên cứu và làm việc với các chất liệu nhạy sáng. Cùng là giấy đen trắng trong nhiếp ảnh, cùng là muối bạc sử dụng trong phòng tối, nhưng khi đến với lumen print, những chất liệu đó được đưa ra ánh sáng và hóa thành ảnh màu. Tôi cảm thấy sự kết nối đặc biệt với kỹ thuật này, nên có thể lồng ghép câu chuyện, triết lý sống cá nhân vào tác phẩm. Lumen print nói riêng, nhiếp ảnh nghệ thuật và chất liệu thủ công nói chung sở hữu tiềm năng rất lớn cho tôi và những nghệ sĩ khác; dù ở Việt Nam hay trên thế giới đều còn rất nhiều hướng đi cần được khám phá.
Nhiếp ảnh thủ công nói chung và lumen print nói riêng đòi hỏi tay nghề cao, cho ra hiệu ứng thị giác mà hội hoạ hay các phương tiện nghệ thuật thị giác khác không đạt được. Đó phải chăng là cách hiệu quả để tác phẩm nhiếp ảnh có được cả giá trị nghệ thuật và thị trường xứng tầm?
Nguyễn Thế Sơn: Tôi cho rằng mọi phương tiện nghệ thuật đều đòi hỏi tay nghề cao và đều cho những hiệu quả thị giác độc đáo riêng. Điều giúp tác phẩm nhiếp ảnh có được giá trị nghệ thuật và thị trường xứng tầm, cũng giống như các phương tiện và chất liệu khác, là các giá trị riêng có được tích lũy và phát triển một cách chuyên nghiệp từ khi bắt đầu thực hành cho tới lúc hoàn thiện và xuất hiện trong các thiết chế nghệ thuật. Các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật cần được phải được giới thiệu trong các gallery, các biennale và festival nghệ thuật chuyên nghiệp, và cuối cùng là được sưu tầm bởi các bảo tàng.
Một nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật cần phải lưu ý những gì để tiếp cận công chúng và phát triển bộ môn sáng tạo này?
Nguyễn Thế Sơn: Người nghệ sĩ phải không ngừng lao động và làm cho tốt để tác phẩm nhiếp ảnh có thể nằm trong mọi thiết chế nghệ thuật mà không bị phân biệt về chất liệu. Bên cạnh việc trưng bày một cách bài bản, người nghệ sĩ cũng cần thực hiện đầy đủ và chuyên nghiệp các hoạt động khác như trò chuyện, tiếp cận truyền thông, giới thiệu tới bảo tàng và các nhà sưu tập… Với công chúng phổ thông, nghệ sĩ cần tham gia các hoạt động giáo dục cộng đồng để phổ biến cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu biết cần thiết về nhiếp ảnh nghệ thuật. Thực tế thì những hoạt động như vậy là giống nhau với mọi thực hành nghệ thuật. Ta cần xây một nền tảng rộng và chắc để có thể đạt tới đỉnh cao nhất.
Những tác phẩm của Phạm Tuấn Ngọc kết hợp tay nghề thủ công với những phản ứng tự nhiên của chất hóa học và yếu tố môi trường. Với nhiều biến số không thể kiểm soát như vậy, một tác phẩm như thế nào sẽ đạt tiêu chuẩn “hoàn hảo,” đủ để xuất hiện tại triển lãm?
Phạm Tuấn Ngọc: Thế nào là hoàn hảo?
Nếu mục tiêu là kiểm soát, như với bộ ảnh Paris hay “Chloris Bất tử”, khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn, nằm ngoài dự định thì tôi sẽ cảm thấy không hài lòng. Ngược lại, nếu mục tiêu từ đầu là tự do, thì dẫu mọi chuyện có xảy ra như thế nào, tôi cũng sẽ đón nhận. Khởi sự mà không mong chờ, để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
Tôi không tìm kiếm sự hoàn hảo, và từ bỏ kiểm soát không đồng nghĩa với mất kiểm soát. Tôi luôn cố gắng làm tốt hơn, nếu giải pháp nằm trong khả năng, thời gian và điều kiện. Điều tôi tìm kiếm là sự tự do, và nó nằm ở yếu tố ngẫu nhiên tạo nên tác phẩm. Đó chính là một phần ý nghĩa của bộ tác phẩm lần này: Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ. Phải đón nhận những gì đến với mình và lựa chọn tập trung năng lượng, tiền bạc và thời gian vào những gì xứng đáng.
Nguyễn Thế Sơn: Sự ngẫu nhiên đến từ các biến số không thể kiểm soát của môi trường hay các chất hoá học thì không phải là đặc thù chỉ kỹ thuật in nắng trên giấy ảnh đen trắng mới có. Các chất liệu mỹ thuật truyền thống như sơn mài hay tranh in đều có sự ngẫu nhiên như vậy.
Một tác phẩm “đạt tiêu chuẩn” để triển lãm tại “Chloris,” cũng giống như mọi tác phẩm nghệ thuật khác, cần phải cân đối giữa kỹ thuật và thẩm mỹ. Tác phẩm nhiếp ảnh cũng được đánh giá với các tiêu chuẩn của một tác phẩm hội hoạ như cân bằng thị giác của sắc độ, màu sắc, bố cục, sự tương phản về chất, gợi nên sự thú vị… Khi đứng cùng với nhau, các tác phẩm của triển lãm cũng cần thể hiện sự đa dạng về loại hoa, trạng thái khi hoa hóa thân, màu sắc mà chất liệu có thể tạo ra… Tất nhiên, các tác phẩm được ưu tiên lựa chọn cần phải đảm bảo làm bật được chủ đề của triển lãm là “Bất tử” và “Tái sinh.”
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho rằng triển lãm là sự “giao hòa giữa hội họa và nhiếp ảnh.” “Chloris” có chịu ảnh hưởng từ một phong cách sáng tác hay một họa sĩ nào không?
Phạm Tuấn Ngọc: Hội họa và nhiếp ảnh đều là những bộ môn nghệ thuật thị giác tác động lẫn nhau rất nhiều. Khi tôi cảm thấy kết nối với một tác giả và tác phẩm, có thể coi đó là nguồn cảm hứng, nhưng không phải ảnh hưởng. Tôi không theo học một người thầy rồi chịu tác động bởi một phong cách nhất định, tôi chỉ có cảm hứng.
Cảm hứng cho bộ tác phẩm “Chloris” xuất phát từ họa sĩ Georgia O’Keeffe. Bà vẽ cánh hoa rất chi tiết, với kích thước tranh rất lớn. Bà đi sâu vào cánh hoa và khiến chủ thể mất đi hình dáng ban đầu, hóa thành trừu tượng. Tác phẩm của bà trở thành cảm hứng, vì tôi cũng khai thác chủ đề hoa, nhưng tất nhiên tôi không cố gắng lặp lại phong cách đó.
Ở “Chloris” còn có những tác phẩm vô tình khiến ta liên tưởng đến một số bức tranh nổi tiếng. Ví dụ, tác phẩm “Klimt Obsession” gợi nhớ đến Klimt nhờ màu sắc, bố cục và họa tiết xoáy vặn. Hay bức “Sunset on a Distance Land” có nhiều tương đồng với “Meditative Rose” của Dalí. Ngẫu nhiên tôi tạo ra những hình ảnh đấy – Đó chính là điểm hay của kỹ thuật này. Lumen print tạo hiệu ứng kỳ ảo như một bức tranh nghệ thuật, nên có tương đồng về mặt thị giác với tranh sơn dầu hoặc sơn mài.
Nguyễn Thế Sơn: Các tác phẩm của loạt “Bất tử” gợi ra cho tôi cảm giác của chất liệu thuốc nước hay lụa. Độ rung của hình ảnh, giống như độ rung được tạo ra bằng cọ hay độ nhoè của nước trên một bức tranh, trong kỹ thuật lumen print thì được tạo ra bởi gió thổi những đám mây làm thay đổi điều kiện ánh sáng… Các tác phẩm của loạt Tái sinh được in trên giấy ánh kim (metallic) lại khiến tôi liên tưởng tới sơn mài.
Những cuộc xung đột của các lực lượng tự nhiên được thể hiện trên loại giấy ảnh này tạo ra những màu sắc không còn tự nhiên nữa và hiệu ứng chồng lớp, phát sáng giống như sơn mài. Có đôi bức, tôi thấy gợi nhớ tới bạc quỳ, có lúc lại giống vàng xay, lại có lúc như bạc dầm nằm lẫn trong các lớp then.
Cuối cùng, anh Phạm Tuấn Ngọc mong muốn người xem có cảm giác gì khi bước ra khỏi không gian triển lãm?
Phạm Tuấn Ngọc: Khi giới thiệu tác phẩm đến công chúng, tôi chỉ muốn kể câu chuyện của mình, có tâm lý muốn được tán thưởng và công nhận. Nếu ích kỷ một chút, tôi muốn mọi người bất ngờ, choáng ngợp và mê mẩn; mong họ có được nguồn cảm hứng. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của một tác phẩm nghệ thuật là khả năng truyền tải thông điệp và cảm xúc.
Tất nhiên, mọi người có quyền cảm thấy bất cứ cảm xúc nào họ muốn – Đó là nỗi lo mà tôi không thể kiểm soát được. Nhưng tôi cũng có quyền mong muốn, phải không? Tôi hy vọng mọi người cảm thấy tích cực, như rũ bỏ được một phần gánh nặng cuộc đời.
Tôi không thay đổi được cuộc sống, nhưng nếu có thể giúp khán giả chủ động hơn trong quan điểm, hiểu được quy luật rằng chúng ta không kiểm soát mọi thứ – không thay đổi, mà thay vào đó là đón nhận – tôi thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng.
Triển lãm cá nhân “Chloris” của Phạm Tuấn Ngọc, diễn ra từ 16/9/2022 – 30/9/2022 tại VY Gallery, 20 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.