Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Phạm Tuấn Ngọc: Từ kẻ mộng mơ tới nghệ sĩ thị giác

Sep 13, 2022 | By Bảo Châu

Đối với Phạm Tuấn Ngọc, nếu như Thụy Điển giới thiệu anh với nhiếp ảnh và phòng tối, thì Paris trở thành nơi dung dưỡng cho đam mê ảnh phim đen trắng – bằng chính tình yêu của tác giả với thành phố.

Từ một nghệ sĩ – nhiếp ảnh gia thủ công tại “9 – Paris đen trắng,” Phạm Tuấn Ngọc trở thành một nghệ sĩ thị giác sử dụng vật liệu nhạy sáng trong “Chloris.” Từ một chàng trai trẻ say sưa ghi lại những khoảnh khắc thơ mộng của thành phố mình yêu say đắm, anh đã trưởng thành như một nhà tạo tác thực thụ, thai nghén những tác phẩm hoàn toàn độc bản và độc đáo bằng các lực lượng tự nhiên kết hợp với kỹ thuật thủ công tinh xảo.

Đối với Phạm Tuấn Ngọc, nếu như Thụy Điển giới thiệu anh với nhiếp ảnh và phòng tối, thì Paris trở thành nơi dung dưỡng cho đam mê ảnh phim đen trắng – bằng chính tình yêu của tác giả với thành phố. Hai năm sống và làm việc tại Paris, Phạm Tuấn Ngọc rong ruổi mọi nơi và chụp ảnh mọi lúc có thể. Bẵng đi gần một thập kỷ, từ hàng ngàn thước phim vẫn được lưu giữ cẩn thận, anh đã dựng nên triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “9” vào năm 2019, kể về một người, một thành phố, một tình yêu đã thuộc về quá khứ. Đó vừa như một lời chia tay dịu dàng da diết, lại vừa là cơ hội để anh bước đầu ra mắt công chúng như một nghệ sĩ đã đạt đến độ chín trong sáng tác với kỹ thuật bậc thầy.

“Sau chín năm, Paris đổi khác, tôi cũng vậy. Câu chuyện lúc đó là của một người trẻ hơn, sống và yêu một thành phố đến nay đã không còn tồn tại.”

Trải qua mười sáu năm kể từ lần đầu tiên bước vào phòng tối, Phạm Tuấn Ngọc hiện tại không còn là chàng trai trẻ tìm kiếm chính mình trên những góc phố hay buổi đêm lang thang. Không còn tái hiện cái đẹp có sẵn, anh kiến tạo ra cái đẹp, tác phẩm, và do vậy là chính mình. Không còn kể lại những kỷ niệm lãng mạn trong Thành phố Tình Yêu, với “Chloris” – triển lãm cá nhân thứ hai, Ngọc thể hiện những suy tưởng của một nghệ sĩ đã trưởng thành trong cả quan điểm sống và ý niệm nghệ thuật. 

Tạm gác chiếc máy ảnh, Phạm Tuấn Ngọc tìm đến những kỹ thuật in ấn nhiếp ảnh thủ công lâu đời nhưng còn ẩn chứa vô vàn tiềm năng sáng tạo, trong đó đặc biệt có “in nắng trên giấy ảnh đen trắng”, hay lumen print – một kỹ thuật chưa từng được biết đến ở Việt Nam và cũng hiếm nghệ sĩ tận dụng triệt để để sáng tác trên thế giới. Kết hợp giấy ảnh phủ Bạc Chloride và các loài hoa, anh dung hòa giữa chất liệu nhân tạo với tinh túy từ thiên nhiên, giữa kỹ thuật cần kiểm soát tuyệt đối với sự ngẫu hứng. Phạm Tuấn Ngọc từ một người hoàn toàn giữ quyền kiểm soát, dần thả lỏng để có thể tương tác thay vì điều khiển, cảm nhận thay vì can thiệp, để tự chất liệu vẽ ra hướng đi mà nó muốn.

Cũng chính vì vậy, qua hàng trăm lần thử nghiệm, anh đã đưa được giấy ảnh đen trắng và vô số các loại hoa khác nhau với những tính chất riêng biệt, dưới những điều kiện môi trường khắc nghiệt của xứ phương Nam, tới những kết quả hình ảnh kỳ diệu đủ màu sắc: hồng, tím, vàng, xanh, cam…, đường nét khi tỏ khi mờ, khi mềm mại khi mãnh liệt.

Những bông hoa của Phạm Tuấn Ngọc trút đi thân xác cũ để đưa linh hồn cùng toàn bộ vẻ đẹp của nó hoá thân vào giấy ảnh để trở thành tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu. Đó chính là “Chloris Bất tử” – mở đầu cho “Chloris”. Phần tác phẩm này đã cùng Phạm Tuấn Ngọc tham gia triển lãm nhóm “Noirfoto Group Show” tại TP Hồ Chí Minh, triển lãm “Cabcon” ở Hội An và “Salon Ánh sáng” tại Hà Nội, gây được nhiều ấn tượng và sự yêu thích của khán giả và giới chuyên môn.

Nhưng, nghệ sĩ vẫn đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân, ở tiềm năng của chất liệu, vượt qua giới hạn của sự bất tử và đến với “Tái sinh”. Trong phần tác phẩm mới này, những bông hoa ấy, dưới bàn tay điều khiển của nghệ sĩ, giày vò và biển đổi khốc liệt như loài phượng hoàng trải qua nỗi đau tột cùng, kiên nhẫn chịu đựng chờ khoảnh khắc tái sinh lộng lẫy từ tro tàn. Kết quả là những hiện thân thực sự khác lạ, lại càng choáng ngợp khi được phóng lớn và in trên chất liệu giấy ảnh chuyên nghiệp với chất lượng hàng đầu thế giới. Từ đó hiện ra một vũ trụ bất tận trong những chi tiết nhỏ nhất của một bông hoa.

“Nghệ sĩ phải trăn trở, vất vả mới tạo ra được một tác phẩm. Con người muốn phát triển phải trải qua thử thách và hi sinh. Tái sinh cần trả giá rất đắt, bởi nó là phép nhiệm màu ai cũng muốn đạt được.”

Ở Việt Nam hiện chưa có nhiều người thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật, lại càng ít người thực hành nhiếp ảnh thủ công, và đi sâu vào từng ngóc ngách của các kỹ thuật truyền thống phức tạp tinh tế mà công chúng đã biết đến – có lẽ chỉ có Phạm Tuấn Ngọc. Sử dụng những chất liệu chưa được nhiều người khám phá, anh đã thành thạo đến mức có thể lồng ghép những câu hỏi triết học không chỉ của cá nhân mà của toàn bộ nhân loại vào trong ý đồ kỹ thuật và tác phẩm: những vấn đề cơ bản nhất của cuộc sống con người, như sự sống và cái chết, sự sinh sản, lý do tồn tại, mục đích cuộc sống… 

Đó là những vấn đề sâu sắc và vĩnh cửu mà đã, đang, và sẽ tồn tại đến chừng nào nhân loại còn tồn tại, con người còn suy tưởng. Các vấn đề như chính trị, môi trường, bình đẳng xã hội… dù hiện thời có quan trọng tới đâu thì tôi cho là cục bộ và nhất thời, và vì thế chúng không thu hút được tôi.”

Từ xa xưa, con người đã mơ tưởng về trường sinh, đã đặt câu hỏi về vĩnh cửu dù thân xác hữu hạn. “Tái sinh” là một phần của thuyết luân hồi vẫn được thảo luận trong các nền văn hoá từ Đông sang Tây. “Chloris” tóm gọn suy niệm của tác giả về sống-chết đã hiện hữu ngàn năm, thể hiện nó bằng hình ảnh trực quan, qua những hiệu ứng hấp dẫn từ tay nghề thủ công điêu luyện.

Đến với triển lãm “Chloris”, ta có cơ hội được ngắm nhìn những tác phẩm kỳ ảo, lãng mạn, khi buồn dịu dàng man mác khi chói lòa tỏa sáng. Nhưng hơn thế, “Chloris” là quá trình biến đổi liên tục của cả chủ thể tác phẩm và tác giả; là sự bồi đắp liên tục những suy nghĩ, kinh nghiệm và đam mê của người nghệ sĩ. Từ “Chloris”, ta hiểu sự đánh đổi, thậm chí đánh đổi tất cả, là điều tối cần thiết, để dẫn đến bất tử hay tái sinh – để cho bạn tùy ý lựa chọn.


Triển lãm cá nhân “Chloris” của Phạm Tuấn Ngọc sẽ diễn ra từ 16/9/2022 – 30/9/2022 tại VY Gallery, 20 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.


 
Back to top