Triển lãm “Tiếng chuông nhà thờ”: Khúc ngân vang từ sâu thẳm tâm hồn
Triển lãm “Tiếng chuông nhà thờ” của họa sĩ Hà Hùng khiến tôi liên tưởng nhiều đến những vần thơ của thi sĩ Basho. Nếu thơ Basho mộc mạc, dung dị bao nhiêu thì những nét cọ của Hà Hùng cũng hồn nhiên và trong trẻo bấy nhiêu.
Một lần nọ, Basho chia sẻ về nghệ thuật làm thơ của mình: “Khi sáng tác, ta chớ để tâm hồn mình tách biệt với thực tại dầu chỉ là một khoảng cách mỏng như sợi tóc. Ta chỉ có thể học từ cây thông ngay từ chính cây thông. Và chính cái thấy như thực ấy sẽ thai nghén nên bài thơ của mình.” Thật vậy, những vần thơ của Basho dùng những từ thật đơn sơ nhưng ý thơ lại gợi ra những nhiệm màu, chẳng hạn:
“Chuông chùa tắt
Hương hoa đêm
Làm chuông ngân thêm.”
Thơ Haiku nhìn dễ mà khó, vì đòi hỏi sự cô đọng và chắt lọc đến bậc thầy. Hội họa tối giản cũng vậy. Để tối giản là một sự cô đọng của bút pháp và tâm hồn một cách tự nhiên và sâu sắc. Như bức “Gió thổi xạc xào” trên của Hà Hùng, những nguệch ngoạc tưởng chừng vô thức vậy thôi mà tạo ra được tính động – tính đưa của gió mới tài tình làm sao.
Hay như bức “Bóng nước chiều tà” này, chỉ một màu với những sắc độ mạnh nhẹ khác nhau mà ra được cả một hồn không gian bảng lảng, trữ tĩnh, nơi mà văng vẳng bên tai ta vừa là sự tĩnh lặng êm ả của sông nước mênh mang vừa là tính linh thiêng vang vọng từ tiếng chuông nhà thờ. Trong hình vừa có thanh, vừa có không gian ba chiều, vừa có cả tiếng lòng dội lên từ sâu thẳm.
“Tiếng chuông nhà thờ” là một hình ảnh ẩn dụ cho những khoảng lặng thiêng liêng mà con người giữa chốn phù hoa này mong muốn tìm về và ẩn nấu. Khi một tiếng chuông ngân vang, lòng người như tĩnh lại rất sâu sau những xốn trộn và thăng trầm. Hình-sắc trong tranh Hùng bao trùm không gian một âm thanh ngân dài vang vọng nhưng sự vang vọng ấy lại như thức tỉnh bản giác của mỗi người về tính thiện và lòng vị tha.
Vẽ đơn giản sẽ rất dễ tạo ra sự sơ sài. Và như một ai đó từng nói rằng, để đơn giản thì người ta phải kinh qua rất nhiều phức tạp và đa đoan. Không biết điều đó đúng hay sai, nhưng Hà Hùng là một tuýp người như vậy. Sự xung đột nội tâm qua nhiều năm tháng nhưng lại bén duyên với hơi thở nhà Phật đã khiến anh được hít bầu không khí hỷ xả suốt một thời gian đủ dài, để từ đó mà hình và sắc trong tranh cũng được chuyển hóa một cách mạnh mẽ. Bộ tranh này là một cuộc chuyển hóa mới của anh, nơi màu sắc và hình tượng không còn quá chú trọng mà chỉ đóng vai trò như sự “phác thảo” để gợi về những tâm hồn bao la biết ẩn dật tĩnh yên.