Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Art Republik Next Gen: Hà Ninh Phạm & Con đường nghệ thuật xoay quanh việc tự xây dựng niềm tin

Oct 12, 2020 | By Trang Ps

Hà Ninh Phạm là một họa sỹ và nhà điêu khắc trẻ tài năng đến từ thủ đô Hà Nội. Nhiều tác phẩm của anh đã được triển lãm tại Hà Nội, Philadelphia và New York… Nghệ thuật của Ninh xoay quanh quyết định xây dựng niềm tin cho chính mình.

Trong 5 năm trở lại đây, Hà Ninh tập trung nghiên cứu vấn đề gì và từ đó hình thành suy niệm đặc biệt nào?

5 năm vừa qua là quãng thời gian nhiều thay đổi với tôi. Tôi tròn 24 tuổi khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Việt Nam. Lúc đó, trong tôi tồn tại cảm giác hoang mang và mất phương hướng thường trực, dường như bản thân khó đặt niềm tin vào những gì mình đã được dạy bảo và kế thừa. Không phải những điều đó sai, hay tôi không trân trọng chúng, mà thế giới mới đã mở ra và đòi hỏi ở những người như tôi những thứ chưa từng đòi hỏi ở các thế hệ trước.

Tôi quyết định du học ở Hoa Kỳ với hy vọng bản thân sẽ tìm được một cái gì đó để tin. Nhưng càng học, càng lao động và tiếp xúc thì tôi càng thấy Hoa Kỳ xa lạ và thật khó để đặt niềm tin ở lại nơi ấy.

Sống mà không thể tin thì rất vất vả. Vậy, nếu không thể tìm ra cái gì đó để tin thì cách tốt nhất là cố gắng tự xây dựng niềm tin cho mình.

Nghệ thuật của tôi xoay quanh quyết định đó. Nó là phương tiện để tôi suy nghĩ về một niềm tin giúp tôi tiến lên phía trước trong thời buổi toàn cầu hóa này.

Anh có thể chia sẻ về dự án đang thực hiện? 

Từ năm 2017 đến nay, tôi thực hiện một dự án dài hơi mang tên Đất Mình (My Land). Trong dự án này, tôi thiết kế các bản đồ và đồ tạo tác của một vùng đất tưởng tượng khác lạ. Đất Mình có những cấu trúc không gian, quy luật vật lý, ngôn ngữ và hệ thống đo lường đặc biệt không tương ứng với bất kỳ nền văn hóa nào được biết đến trong lịch sử loài người. Tôi muốn bất kỳ ai, thuộc bất kỳ nền văn hóa và lịch sử nào, khi khám phá Đất Mình đều cảm thấy họ là sinh vật ngoại lai phải vật lộn để thích ứng với một môi trường khác thường.

Tôi đang cố gắng để có thể thiết kế Đất Mình thêm nhiều năm về sau nữa.

Thông qua triển lãm “Hư cấu không thể thiếu”, theo anh vì sao loại hình nghệ thuật bản đồ huyền thoại và những câu chuyện lịch sử xã hội có khả năng gây ảnh hưởng lên nhận thức nội tại của con người?

Tôi thích những câu chuyện huyền thoại. Chúng chuyên chở những ý niệm sâu xa bằng ngôn ngữ bình dị.

Thật ra, các câu chuyện huyền thoại chính xác là nhận thức nội tại. Thông thường, người ta nghĩ huyền thoại là chuyện bịa đặt nhưng kỳ thực đó là điều chân thành nhất mà chúng ta có thể sáng tạo ra. Huyền thoại không thể thay đổi nhận thức người khác, chúng chỉ phát lộ và châm ngòi cho những uẩn khúc tâm lí đã có sẵn, ẩn sau trong nhận thức.

Con người trong những chiều sâu tâm lí rất phức tạp. Tôi may mắn vì nghề nghiệp của bản thân cho phép mình khám phá điều đó tự do và kết nối với người khác theo một cách không thể thực hiện bằng bất cứ loại hình nào khác ngoài nghệ thuật.

Chất liệu nào làm nền móng cho anh trong quá trình sáng tạo?

Bút chì trên giấy là chất liệu tôi được tiếp xúc đầu tiên, khi còn là học trò của họa sỹ Lai Thành, người nổi tiếng về dòng tranh cổ động. Bút chì cũng ở lại với tôi cho đến tận bây giờ. Tôi đã dùng nó thường xuyên trong 19 năm qua. Thời gian đủ lâu để nó trở thành một phản xạ vô điều kiện khi tôi chuyển sang các chất liệu khác như điêu khắc gỗ, sắp đặt hay thậm chí là các loại hình điện tử.

Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng bất kỳ chất liệu nào có thể là trọng tâm trong sáng tác của tôi. Trọng tâm phải là ý tưởng nghệ thuật, và chất liệu phục vụ cho điều đó.

Theo anh, trải nghiệm nào mang tính quan trọng và cần thiết với một người nghệ sỹ như anh?

Là làm những điều mình ghét. Càng ghét càng tốt. Nếu thành công trong việc buộc mình làm điều mình rất không thích, mình sẽ khám phá ra con người khác của mình đang bị chế ngự bởi ý muốn làm điều mình cảm thấy thích. Rồi từ đó cái quan niệm về yêu và ghét sẽ sụp đổ bất ngờ và từ đó một con người mới, nhân cách mới hình thành. Quá trình này tiếp tục đến vô hạn.

Chẳng hạn, tôi nghĩ rằng tôi rất ghét đi du lịch và di chuyển. Nếu có thể, tôi chỉ muốn ăn ở một quán quen, ở một ngôi nhà và tiếp xúc một vài người tri kỉ. Nhưng từ xưa tới nay, công việc làm nghệ sỹ đã khiến tôi phải di chuyển rất nhiều từ tổ chức sự kiện, đi lưu trú, hay xem triển lãm. Tôi phải nói chuyện và thậm chí sống với nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa. Những lần như vậy, tôi đều bị căng thẳng cực độ. Nhưng nếu kiểm soát tốt, tôi cảm thấy thoải mái khi làm điều mình thích cũng thú vị, mà cảm giác tò mò, xấu hổ, hoang mang khi khám phá điều mình ghét cũng thú vị.

Rồi thì, tôi chẳng biết mình yêu hay ghét cái gì nữa, và tôi sẽ trở thành một con người khác. Và tôi thường thích con người mới đó hơn là con người cũ.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!


Về Art Republik Next Gen 2020

Là một dự án mới mẻ trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly, Art Republik Next Gen 2020 có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng sáng tạo. Thông qua góc nhìn và nhận định của đội ngũ giám khảo dày dạn kinh nghiệm, Art Republik đã tìm kiếm thành công 19 gương mặt trẻ tài năng (trong tổng số 30 hồ sơ được lựa chọn và 70 hồ sơ gửi về) với những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế chứ không đơn thuần dừng lại ở chức năng duy mỹ, trong đó nổi bật rõ sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt.

+ Đọc thêm về dự án và danh sách tại: https://bit.ly/32w8TZV

Về Art Republik Vietnam:

Trong những năm gần đây, thị trường nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mới mẻ, có thể kể đến việc các nghệ sĩ đang tìm cho chính mình những con đường mới với nhiều sáng tạo ra đời, hoặc thị trường nghệ thuật của chúng ta đang đứng trước bước ngoặt cách tân quan trọng..

Do đó, chúng tôi cảm thấy thời điểm này chính là cơ hội để ấn phẩm Mag/Book song ngữ Art Republik Vietnam ra đời để đóng vai trò cầu nối giữa người yêu nghệ thuật và nghệ sĩ, nhà sưu tầm tại Việt Nam, Đông Nam Á hay xa hơn thế nữa.

+ Đọc thêm về ấn phẩm số 1: Một diễn ngôn mới: https://bit.ly/39aieI8

+ Đặt mua ấn phẩm Art Republik: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top