ART & CULTURE

Trò chuyện Art Republik: Léopold Franckowiak – Xác định lại bản thân, chính xác hiện tại của tôi bây giờ là gì

May 02, 2021 | By Trần Đan Vy

Là một giáo viên dạy tiếng Đức, tiếng Pháp và có bằng đại học ngành Toán Học, điều gì khiến Léopold Franckowiak – một người Pháp gốc Ba Lan và đang sinh sống ở Huế, trở thành một nghệ sĩ tự học và sáng tác trên chất liệu sơn dầu?

“Quan lại (Les mandarins)” (2018), sơn dầu, 100 x 120 cm

Sống ở Huế từ năm 2011, Léopold Franckowiak (sinh năm 1951) là họa sỹ người Pháp gốc Ba Lan, ông làm giáo viên dạy tiếng Pháp tại Viện Pháp và đến với hội họa sơn dầu vào năm 2016. Dù chưa bao giờ vẽ sơn dầu, ông quyết định tự học để kết nối với con người từ các nền văn hóa khác bằng thế giới hình ảnh.

Kính mời độc giả tìm hiểu cách một người hoạ sĩ “xác định lại bản thân” qua cuộc trò chuyện giữa Léopold và Art Republik Vietnam.

Ông có bằng đại học ngành Toán học và Đức học. Rồi sau đó ông dạy tiếng Đức? Điều gì đã khiến ông quyết định theo đuổi nghệ thuật?

Tôi dạy tiếng Đức chưa đầy một năm. Tôi thấy mình giống cảnh sát hơn là giáo viên, kỷ luật ở trường học Pháp là một vấn đề lớn. Nhưng bước ngoặt thực sự trong cuộc đời là khi tôi gặp một số sinh viên nghệ thuật và nhận ra rằng họ có một nền giáo dục lý tưởng.

Mọi môn học được dạy đều có giá trị như nhau; mọi thứ đều có thể trở nên đáng giá chỉ cần bạn phát triển nó và mang lại ý nghĩa cho nó. Trong 5 năm ở Beaux- Arts Academy, tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Hơn nữa, tôi cùng tuổi với các giáo sư là những nghệ sỹ đương đại quan trọng lúc bấy giờ như Daniel Buren, Christian Boltanski, Annette Messager, Yan Pei-Ming và Jenny Saville. Họ cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người và mở ra nhiều cánh cửa, kể cả cánh cửa bên trong tôi.

Năm 1981, khi nhập học ở Academy of Fine Arts vào tuổi 30, chúng tôi đang ở giữa thời đại “ý niệm”. Không ai muốn “làm” bất cứ điều gì bằng tay nữa và chỉ chơi đùa với ý nghĩ.

Ông chuẩn bị cho những bức tranh của mình như thế nào? Ông có vẽ từ mẫu thực không?

Khi bắt đầu một bức tranh, tôi chỉ đánh dấu một vài điểm để tính kích thước và tỷ lệ cho phù hợp. Với chân dung, tôi dùng ảnh trên máy tính và bắt đầu trực tiếp với sơn dầu. Vẽ từ mẫu thực là kế hoạch tiếp theo của tôi. Hiện tại, cùng với vợ, chúng tôi thỉnh thoảng vẽ và làm mẫu cho nhau.

“Thời Độc Thân (Kawalerka)” (2018), sơn dầu trên canvas, 90 x 140 cm

Thật tuyệt khi vợ ông cũng vẽ. Ông sử dụng chất liệu nào để vẽ hình họa (drawing)? Ông có từng học giải phẫu tại Regional Fine Art Academy of Tourcoing?

15 năm nay vợ tôi phục chế tranh tường trong các cung điện và đền thờ ở châu Á, đặc biệt là ở Huế, Việt Nam. Khi vẽ (drawing), chúng tôi dùng bút chì, than chì hoặc phấn màu. Nhưng bà ấy thường rất bận, và các buổi vẽ của chúng tôi không thường xuyên.

Năm 1981, khi nhập học ở Academy of Fine Arts vào tuổi 30, chúng tôi đang ở giữa thời đại “ý niệm”. Không ai muốn “làm” bất cứ điều gì bằng tay nữa và chỉ chơi đùa với ý nghĩ. Thật đáng tiếc khi kỹ thuật nghệ thuật hầu như không được thảo luận trong suốt 5 năm học. Vì vậy, khi bắt đầu vẽ tranh, tôi phải tự học mọi thứ. Nhưng tôi không hối tiếc vì việc học này đã mở rộng tầm nhìn của tôi, thậm chí cả bên ngoài nghệ thuật. Tôi nghĩ nghệ sỹ cần có tầm nhìn rộng nhất có thể để phát triển tác phẩm của mình.

Ông tự học vẽ như thế nào? Từ sách và Internet?

Cả hai. Nhưng tôi tiến bộ chủ yếu là nhờ việc luyện tập hàng ngày. Tôi cũng sử dụng Internet, như đi thăm bảo tàng. Tôi xem các tác phẩm của nhiều họa sỹ từ mọi thời kỳ, và cố gắng tiếp cận những gì tôi quan tâm để xem họ chọn màu như thế nào, mức độ hoàn thiện ra sao…

Nhưng tôi nhận thấy rằng bằng cách luyện tập mỗi ngày, bạn sẽ tiến bộ và trở nên thoải mái hơn với kỹ thuật vẽ.

Sống xa các mối liên hệ văn hoá của mình, tôi buộc phải xác định lại bản thân, để xem chính xác hiện tại của tôi bây giờ là gì

Đôi khi, tôi nghĩ mình nên dành nhiều thời gian hơn để vẽ hình họa (drawing). Nó sẽ giúp tôi rất nhiều lúc bắt đầu, nhưng vì việc vẽ hình họa của tôi mất nhiều công sức, tôi luôn thích vẽ thẳng bằng sơn dầu. Một vài điểm tham khảo và rồi tôi vẽ. Thực ra, tôi không biết liệu mình có thực sự cần vẽ hình họa để tiến nhanh hơn không. Tôi rất ngưỡng mộ nét vẽ của một số họa sỹ vĩ đại, như Egon Schiele, Picasso, Donghi, Cézanne… Họ khiến tôi muốn có khả năng vẽ dễ dàng như vậy. Tuổi của tôi cũng có nghĩa là tôi không thể đi học nữa. Tôi phải bắt đầu ngay lập tức, sử dụng kinh nghiệm từ trước và kiến thức tôi học được để làm nền tảng. Rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra.

“Tự họa với chó (Autoportrait au chien)” (2017), sơn dầu, 70 x 180 cm

Ông sẽ mô tả phong cách của mình như thế nào? Trường phái hiện thực huyền ảo, biểu hiện hay tượng trưng?

Biểu hiện hay tượng trưng, chắc chắn là không! Trong số những họa sỹ tự nhận là “họa sỹ hiện thực huyền ảo”, có những tác phẩm tôi thích, nhưng tôi không đứng về phía họ. Nghệ sỹ mà tôi cảm thấy gần gũi nhất là Frida Khalo, theo nghĩa tôi không có một bức tranh như trong mơ. Tôi không liên quan gì đến những người theo chủ nghĩa siêu thực. Bà ấy vẽ hiện thực của mình, cuộc sống như bà đã sống. Tôi nghĩ mình cũng đang đi theo hướng đó. Về mặt trí tuệ, tôi thấy gần hơn với “Nabis”, theo nghĩa họ quan tâm đến ảnh hưởng từ Đông Nam Á.

“Tự hoạ, hiện tại và sau 200 năm” (2016), sơn dầu, 30 x 60 cm

Sống xa các mối liên hệ văn hóa của mình, tôi buộc phải xác định lại bản thân, để xem chính xác hiện tại của tôi bây giờ là gì. Không có ai ở đây có thể gợi lại quá khứ của tôi, vì vậy đôi khi tôi bắt gặp quá khứ qua album ảnh. Vào những dịp ấy, tôi lưu giữ khoảnh khắc này bằng cách lồng ghép nó vào các bức tranh của mình. Tôi kết hợp những người trong quá khứ với những người tôi gặp hàng ngày, biến nó thành một câu chuyện đương đại cho người xem. Tôi rất vui vì không bị bó buộc bởi bất kỳ phong cách nào và tự do vẽ mà không cần sử dụng bất cứ “công thức” nào.

Khi tôi trao đổi về nghệ thuật với các nghệ sỹ Việt Nam, tôi thường thấy chúng tôi không nói về cùng một thứ.

Ông không phải là người theo chủ nghĩa tượng trưng nhưng tranh ông có thông điệp ẩn gì không? Ví dụ, các ngón tay đang trỏ trong “Độc nhất vô nhị” (2017) dường như có ý nghĩa nào đó. Nó làm tôi nhớ đến câu chuyện về Đức Phật. Đề tài tôn giáo trong “Ba Lan (Giả trang)” (2018) cũng khơi dậy trí tò mò của người xem.

Tôi mô phỏng cử chỉ của Đức Phật trong tranh để tạo phản ứng ban đầu. Tôi chưa từng bình luận về bất cứ điều gì mình vẽ. Tôi nghĩ, nếu giới thiệu một dấu hiệu mà mọi người ở đây có thể đọc được, tôi có thể nhận được nhiều phản ứng hơn, nhưng nó không thay đổi nhiều, mọi người có thể thấy phiền với hình khỏa thân của tôi. Tôi học được từ một người bạn rằng cử chỉ đó của Đức Phật có nghĩa là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

“L’Unique” (2017), 70 x 180 cm

Tôi nghĩ tư cách của nghệ sỹ là trong cách tiếp cận độc nhất của họ. Vì vậy, tôi tự vẽ mình khỏa thân như một bức tượng Hy Lạp nhưng dùng ngôn ngữ nước sở tại. Tôi không muốn thể hiện bất kỳ mối liên hệ tôn giáo nào, chỉ là mang lại một dấu hiệu cụ thể cho những thần thoại tương ứng của ta, cố gắng sử dụng một ngôn ngữ chung.

Polska (Mascarade) là một bức tranh hơi khác biệt, và tôi không còn hứng thú vẽ chủ đề này nữa. Là người gốc Ba Lan, tôi có một người bà cực kỳ cố chấp, điều đó không ngăn bà trở thành một người xấu xa. Do đó mà có tên tranh “trò hề”, chỉ để nhắc lại sự lừa gạt vốn là sự cố chấp của bà.

Nhưng để trả lời câu hỏi của cô, không có thông điệp nào trong tranh của tôi cả.

“Polska (mascarade)” (2018), 100 x 170 cm

Kỹ thuật vẽ chân dung “Anh em nhà Lê” khác hẳn những bức còn lại. Ông đã mất bao lâu để vẽ bộ tranh này, tại sao ông lại chọn vẽ hai anh em và mẹ của họ theo những phong cách khác nhau?

Anh em nhà Lê đã đề nghị tôi tham gia một buổi triển lãm của họ và hỏi liệu tôi có muốn vẽ họ trong những bức chân dung khổ lớn không. Đây là lần đầu những bức chân dung của tôi có kích thước lớn như vậy (2 x 1.6 m). Tôi rất thích vẽ những bức tranh này, mặc dù ban đầu nó rất ấn tượng. Nhưng tôi biết rõ hai anh em họ, và điều này cho phép tôi rời xa những bức ảnh mà họ đưa cho tôi. Để chắc chắn tạo ra một khối thống nhất, một sự đồng bộ, tôi vẽ hai bức cùng một lúc. Cứ ba hoặc bốn ngày, tôi kiểm soát các màu chủ đạo và cân bằng lại chúng.

Bộ tranh “Lê brothers’ portraits” (2019), từ trái qua: “Hai” (160 x 200 cm) và “Thanh” (160 x 200 cm)

Tôi bắt đầu với đồng phục rằn ri của họ và sau đó tô màu để thể hiện chúng như trong cuộc sống hàng ngày, tức là quần áo màu sáng. Sau đó tôi đề nghị vẽ mẹ của họ–một người phụ nữ nhỏ bé kín đáo – người mà tôi định vẽ theo phong cách cực kỳ cổ điển, trái ngược với sự lập dị của hai nghệ sỹ song sinh. Chỉ có đôi bàn tay bà mẹ là được vẽ với màu sắc lung linh như trang phục của những người con. Tôi mất khoảng hai tháng để vẽ bộ ba tranh này. Cuối cùng, cuộc triển lãm chung đã không diễn ra và ở triển lãm “Chân ngã” (True-self) là lần đầu tiên tôi đưa những bức tranh này ra công chúng.

Bộ tranh “Lê Brother’s portraits” (2019), “Madame Lê” (160 x 200 cm)

Một số bức tranh đề cập đến đại dịch. Tại sao ông cảm thấy cần phải thể hiện chủ đề này? Chẳng hạn như “Arlequin et Colombine” (2020) và “Snezana” (2020) đặc biệt cuốn hút.

Bộ tranh được thực hiện trong nhiều giai đoạn. Trước khi có nhận thức thực sự về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, việc đột nhiên mọi người đều đeo khẩu trang khiến tôi muốn đùa vui với hình ảnh mọi người đang tự gán cho họ. Nên tôi bắt đầu vẽ một người bạn, Betty.

Sau đó, với tin tức về sự thiếu hụt khẩu trang trên khắp thế giới, tôi tưởng tượng rằng bạn có thể làm một chiếc từ tóc của chính mình (tác phẩm “Snezana”). Rồi vụ Corona diễn ra ở mức độ như chúng ta biết. Tôi nghĩ có lẽ vai trò của họa sỹ là làm nhân chứng cho lịch sử đương đại khi ở quy mô thế này.

“Snezana” (2020), 50 x 70 cm

Trong bức tranh vẽ vợ tôi đứng giữa một y tá và một người lính, bà ấy tự hào cầm giấy chứng nhận “sức khỏe tốt” được chứng thực bằng con dấu đỏ. Bức tranh này thể hiện một cảnh tương tự việc ký kết hiệp ước hòa bình. Còn với “Harlequin”, tôi ám chỉ dịch bệnh đã giết chết một nửa dân số Venice vào thế kỷ 17 (khoảng năm 1630). Mô- típ hài kịch ứng tác (dell’arte), bao gồm các nhân vật trong thế giới của họ, nhắc đến những chiếc mặt nạ hình mỏ chim màu trắng. Ngày nay chúng vẫn xuất hiện tại lễ hội Carnival ở Venice như một ám chỉ về dịch bệnh.

“The safe Foreigner” (2020), 110 x 155 cm

Ông có nhận định thế nào về nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung và hội họa Việt Nam nói riêng?

Đây quả là một câu hỏi thú vị vì tôi thường tự hỏi mình câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi chưa từng có cơ hội để trả lời. Đó là vì những lý do sau: khi tôi trao đổi về nghệ thuật với các nghệ sỹ Việt Nam, tôi thường thấy chúng tôi không nói về cùng một thứ.

Tôi có ấn tượng rằng nghệ thuật đương đại Việt Nam đang cố gắng đề xuất một sự sáng tạo theo mô hình phương Tây, phỏng theo mô hình của thị trường quốc tế. Và điều này có lẽ đúng với tất cả các nước không phải Tây phương vì chỉ có một loại thị trường nghệ thuật.

“Les rats” (2017), 90 x 100 cm

Giả sử tôi đề cập đến “trình diễn” hoặc “sắp đặt”, ở mọi nơi trên thế giới. Trong trường hợp đó, hình thức biểu đạt này tham khảo từ phương Tây. Ngay cả ở Nhật Bản, “Gutai” là sự trỗi dậy của phong trào Dada. Những gì tôi có thể nghĩ khi xem tranh graffiti vẽ bởi các nghệ sỹ Việt Nam ngày nay, đó là một hình thức thể hiện được sinh ra từ cuộc nổi dậy ở New York 50 năm trước? Làm thế nào để họ liên hệ với nguồn gốc của chính mình?

Đối với hội họa lại càng khó hơn vì Việt Nam một mặt có truyền thống về họa sỹ, đặc biệt là sơn mài; mặt khác đối với những người thuộc thế hệ này, kết hợp với di sản của việc giảng dạy thuộc địa dựa trên lịch sử mỹ thuật phương Tây.

Tôi vẫn tin rằng khi xem tranh, tôi chỉ có thể “đọc” nó bằng con mắt phê bình được đào tạo bởi các bảo tàng châu Âu và lịch sử nghệ thuật phương Tây. Không có hiểu biết tương ứng về văn hóa Việt Nam, tôi không có cách nào để có một lập trường phê bình đúng đắn. Tôi không có đủ công cụ.

“Les rats” (2017), 90 x 100 cm

Điều này có lẽ cũng đúng với hầu hết người Việt Nam khi xem tác phẩm của tôi. Họ nghĩ gì khi tôi vẽ mình như tôi của ngày hôm nay, đứng bên “tổ tiên” trong cùng một bức tranh? Mặc dù đối với tôi, những người tổ tiên này không có linh hồn, họ chỉ là những người đã chết, nhưng trí nhớ của tôi có thể khiến họ sống lại. Có thể đôi khi chúng ta tham gia với chính mình trong hình thức gọi là “trừu tượng” này, bởi vì ở đó, đối với người Việt Nam hoặc tôi, ta phản ứng trong phạm vi nhận thức của “võng mạc”.

Nhưng có chắc vậy không? Khi tôi xem tác phẩm phi thường của Phan Thảo Nguyên chẳng hạn, cách tiếp cận nghệ thuật của cô ấy chắc chắn mâu thuẫn với những điều tôi đã nói. Đối với tác phẩm của cô ấy, tôi rất thích “Những chuyến du hành của Rhodes”. Đó là loạt tranh màu nước được vẽ trực tiếp trên các trang sách mà Alexandre de Rhodes mô tả các chuyến đi của ông trên khắp thế giới. Tôi thích cách Phan Thảo Nguyên gợi lên những nghi ngờ về thân phận của cô ấy và những điều tạo nên thân phận mình, không để ý đến những điều tốt và ít tốt hơn.

Một phần của bộ tranh “Voyages of Rhodes” (2014 – 2017), màu nước trên những quyển sách được tìm thấy. Triển lãm cá nhân “Poetic Amnesia” của Phan Thảo Nguyên, Protégé in Visual Arts, The Factory Contemporary Arts Centre, giám tuyển bởi Zoe Butt. Nguồn: thaonguyenphan.com/voyages

Cám ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!

 

Ảnh bìa: Tác phẩm “‘2005-15” (2019), sơn dầu, 70 x 90 cm

Thực hiện: Trần Đan Vy


 
Back to top