Veronika Radulovic: ‘Tôi coi mình là người học nghệ thuật Việt Nam”
“Là một giảng viên, cô phải biết tất cả mọi thứ rồi chứ!”, Veronika Radulovic cho biết nhiều sinh viên nói với bà như thế, dù chuyện đó là bất khả. Trò chuyện với Tường Linh, bà chia sẻ: “… tôi cũng muốn học hỏi về nghệ thuật Việt Nam và coi mình cũng như một sinh viên mà thôi”.
Veronika Radulovic (sn. 1954) lần đầu đến Hà Nội vào những năm 90 để học sơn mài Việt Nam. Từ 1994 đến 2004 bà là giảng viên nước ngoài đầu tiên tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Hậu-Đổi Mới. Bà đóng vai trò kết nối, thúc đẩy nghệ thuật đương đại Việt Nam từ những năm 90 đến những năm 2000. Hiện bà đang sống và làm việc tại Berlin, Đức.
Đã từng đặt chân đến nhiều quốc gia trước đó, có lý do nào khiến Việt Nam trở thành quê hương của bà trong gần một thập kỷ không?
Tôi biết đến nghệ thuật Việt Nam trong thời gian lưu trú tại Làng Nghệ sỹ ở Singapore vào năm 1993. Giống như nhiều người cùng thế hệ, hình dung của tôi về Việt Nam chỉ xoay quanh chiến tranh. Đó là lý do khiến tôi bị hấp dẫn bởi việc làm quen các nghệ sỹ Việt Nam. Tôi muốn khởi xướng một dự án liên văn hóa tại đây; tuy nhiên, việc này khó khăn hơn tôi nghĩ. Đã diễn ra rất nhiều hiểu lầm lẫn ngạc nhiên về văn hóa trong chuyến thăm đầu tiên của tôi đến Việt Nam, cũng như triển lãm Gang of Five tại Ngô Quyền. Dẫu vậy, tôi yêu Hà Nội và con người nơi đây ngay từ phút ban đầu; thành phố này đem lại cho tôi cảm giác gần gũi hơn các thành phố châu Á khác.
Ban đầu, tôi không có một kế hoạch cụ thể nào ngoài việc học về sơn mài. Nhưng khoảng thời gian ở Hà Nội đã khiến tôi tự vấn về những gì mình học được: thế giới quan nghệ thuật của tôi như sụp đổ, và tôi nhận ra trải nghiệm sống của mình không còn xoay quanh nước Đức nữa. 12 năm ở Việt Nam là khoảng thời gian thật tuyệt vời.
Cộng đồng nghệ thuật trong nước thường nhắc đến bà như một nhân vật góp phần vào sự hình thành nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bà nghĩ sao về những ý kiến này, và liệu các nghệ sỹ nơi đây có ảnh hưởng ngược lại đến bà hay không?
Tôi chắc chắn đã đảm nhận một vai trò đặc biệt, xuất phát từ quan hệ chính trị song phương trước đó giữa Việt Nam và Đông Đức. Trao đổi quốc tế vào đầu những năm 90 tại Việt Nam khá hạn chế, và nếu có thì chỉ thông qua quan hệ ngoại giao. Vào thời điểm đó, Đại học Mỹ thuật Hà Nội thiếu những giáo trình nước ngoài và tài liệu về nghệ thuật. Tôi chỉ đơn thuần muốn chia sẻ những kiến thức của mình về lịch sử nghệ thuật châu Âu; đổi lại, tôi cũng muốn học hỏi về nghệ thuật Việt Nam và coi mình cũng như một sinh viên mà thôi. Nhưng nhiều sinh viên lại nói với tôi, “Là một giảng viên, cô phải biết tất cả mọi thứ rồi chứ!”, dù chuyện đó là bất khả. Trong các bài viết, tôi thường chỉ rõ những gì mình đã học được từ Việt Nam, nhưng tiếc là điều này lại thường bị bỏ qua.
“Tôi yêu Hà Nội và con người nơi đây ngay từ phút ban đầu; thành phố này đem lại cho tôi cảm giác gần gũi hơn các thành phố châu Á khác.”
Bà có thể chia sẻ thêm về hai cuốn sách của bà, “Khoảng cách an toàn” (Sicherheitsabstand Vietnam) năm 2005 và “Đừng gọi đó là Nghệ thuật!” (Don’t call it Art!) năm 2021 không?
Cuốn sách “Khoảng cách an toàn” ra đời khi tôi mới rời khỏi Hà Nội sau hơn 12 năm gắn bó. Đó là một sự thay đổi rất lớn; tôi cảm thấy như người tha hương trên chính nước Đức. Tôi đã rất nhớ Hà Nội, nên vì thế cuốn sách mang màu sắc tự truyện. Nó kể lại câu chuyện về quá trình hình thành nên nền nghệ thuật trẻ ở Hà Nội mà tôi đã may mắn là người đồng hành.
Cùng với cộng sự Annette Bhagwati, tôi tập trung vào bốn nghệ sỹ “tiên phong” của thập niên 90 và các tác phẩm ít được biết đến của họ trong “Đừng gọi đó là Nghệ thuật!”. Đặt trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế Việt Nam khi ấy, theo sau đó là sự xuất hiện của các quỹ bảo trợ và hợp tác quốc tế, cuốn sách nói về những khởi đầu: những tác phẩm đầu tiên có tính độc lập và định hướng chủ đề; những chuyến đi lưu trú đầu tiên ra nước ngoài; và thời điểm các nghệ sỹ Việt Nam nhận được sự chú ý từ quốc tế.
Bà đã tổ chức và giám tuyển nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế cho các nghệ sỹ Việt Nam, trong số đó có “Gặp Vietnam” tại House of the World Culture, Berlin (1998-1999). Bà có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng cho dự án này không?
Dự án triển lãm “Gặp Vietnam” là triển lãm lớn đầu tiên về nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Đức. Đội ngũ giám tuyển ngoài tôi còn có Sabine Vogel và Michael Thoss từ House of the World Culture Berlin. Triển lãm có sự tham gia của các nghệ sỹ đến từ Việt Nam cũng như cộng đồng Việt Nam hải ngoại tại Thụy Sỹ, Đức, Pháp và Mỹ. Theo mô hình workshop, hầu hết tất cả các tác phẩm đều được tạo ra ngay tại Berlin.
Theo Birgit Hussfeld, “Với mỗi tiếp xúc quốc tế mới, yêu sách độc quyền về chính trị văn hóa ở Việt Nam lại bị đưa ra chất vấn. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng như có mối quan hệ mật thiết với các quốc gia khác đã tạo ra những nhịp cầu liên tục, thúc đẩy trao đổi văn hóa. Nghệ thuật cần công chúng, và do đó, nghệ thuật Việt Nam được diễn ra ở nơi nào không còn là vấn đề của riêng nhà nước Việt Nam nữa.”
“Hai mươi năm trước, tôi thậm chí đã không thể trả lời câu hỏi “Có nghệ sỹ nữ ở Việt Nam hay không?”. Ngày hôm nay, câu hỏi ấy đã được trả lời.”
Bà đã đặt ra nhiều câu hỏi trong các dự án nghệ thuật cá nhân của mình, đặc biệt là khám phá những tham chiếu văn hóa giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Bà có thể chia sẻ thêm về quá trình hoạt động nghệ thuật đó không?
Kỹ thuật sơn mài đã dạy tôi nhiều về thời gian và lòng kiên nhẫn. Tác phẩm sơn mài đầu tiên của tôi – về sông Hồng – được sáng tác ở Việt Nam và nhìn nhận chủ đề thời gian. Thời điểm tôi đến Việt Nam là lúc kinh tế đang chuyển mình dòng chảy, và dòng sông đỏ phù sa tượng trưng cho sự thay đổi không ngừng của vạn vật. Chúng ta vừa luôn có thứ để bỏ lại phía sau, vừa có điều gì đó phía trước để trông đợi.
Trong các năm qua, ba dự án của tôi đã nhận được tài trợ để thực hiện: từ điển thuật ngữ nghệ thuật quốc tế S.E.A., cùng hai dự án NƯỚC và CÂY. Dự án NƯỚC nối tiếp nguồn cảm hứng của tôi với tranh phong cảnh cũng như câu hỏi về các vấn đề sinh thái, trong khi dự án CÂY lại bén rễ từ tình yêu tôi dành cho cây cối ở Hà Nội, nhưng cũng là để khám phá ý nghĩa của cây trong đời sống.
Ngoài ra, quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Nghệ thuật Hà Nội cũng giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của việc học bất cứ lúc nào, kể cả ở ngoài không gian lớp học. Tôi luôn thích việc xây dựng dự án cùng với những người khác, không phân biệt vị thế. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm khi tôi chiếu một video của Joseph Beuys trong lớp: ông ấy cảm ơn tôi vì đã giới thiệu video triết lý rất thú vị này, nhưng ông ấy cho rằng họ vẫn chưa sẵn sàng cho điều đó. Giờ đây, khi nghĩ lại, tôi rất thích câu trả lời ấy. Mọi thứ đều cần thời gian.
Bà có suy nghĩ gì về tương lai của các nghệ sỹ Việt Nam trong bối cảnh nghệ thuật đương đại toàn cầu?
Thật khó có thể đánh giá sự phát triển của các nghệ sỹ Việt Nam khi họ đã trở thành một phần của cộng đồng nghệ thuật quốc tế năng động. Với tôi, một trong những thay đổi lớn nhất là sự xuất hiện mạnh mẽ của các nữ nghệ sỹ. Hai mươi năm trước, tôi thậm chí đã không thể trả lời câu hỏi “Có nghệ sỹ nữ ở Việt Nam hay không?”. Ngày hôm nay, câu hỏi ấy đã được trả lời.
Rất cảm ơn bà và rất mong chờ ngày cuốn sách “Đừng gọi đó là Nghệ thuật!” sẽ ra mắt tại Việt Nam!
Đỗ Tường Linh