Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Nhà điêu khắc Đào Châu Hải

Feb 19, 2021 | By Trang Ps

Nhân dịp trưng bày điêu khắc địa hình THINH tại Manzi Art Space, Hà Nội, 1/2021, nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Huy Thông đã có cuộc trò chuyện sâu sắc với nhà điêu khắc tài hoa Đào Châu Hải, với những vấn đề rộng mở trải dài từ không gian trưng bày chuyên biệt, thông điệp của THINH, ý tưởng nguồn sáng đến phong cách cá nhân hay bản sắc văn hóa,…

Chào nghệ sĩ Đào Châu Hải! Trước hết, chúng tôi xin được chúc mừng ông với cuộc trưng bày THINH lần này tại không gian Manzi Art Space. Ông có hài lòng với không gian trưng bày ở đây không, và nếu có thay đổi, ông muốn tác phẩm sẽ được sắp đặt, như thế nào? Nói một cách khác, không gian phù hợp cho tác phẩm của ông cần những yếu tố gì?

Chắc chắn, tôi chưa bao giờ hài lòng với không gian dạng nhà dân sự bình thường như thế này. Công việc liên quan tới nghệ thuật thị giác, liên quan tới sáng tạo đòi hỏi có những không gian chuyên biệt cho nó. Cụ thể trong trưng bày này, mong muốn của tôi là không gian hình vuông thay vì nhà dài hình ống như vậy. Nhưng thực tế, để tìm một không gian theo nhu cầu – yêu cầu cá nhân trong thời điểm này thật khó.

Ngoài mặt bằng vuông thì còn nhiều yếu tố khác liên quan, ví dụ như ánh sáng, độ cao của trần, hệ thống chiếu sáng được thiết kế riêng biệt và đúng yêu cầu cụ thể của mình, sơn tường, v.v… Tất cả những điều ấy chi phối mạnh mẽ đến câu chuyện của vật thể được mang ra sắp đặt tại đó.

Từ khi nào đối với ông, nhu cầu có một không gian chuyên biệt cho tác phẩm xuất hiện?

Có lẽ là từ khi tôi bước chân vào làm điêu khắc với thái độ có tính chuyên nghiệp. Khi ta bắt đầu làm việc chuyên nghiệp, suy nghĩ có hệ thống và có những câu chuyện, ý tưởng cần phải biểu hiện ra bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình thì chắc chắn rằng lúc bấy giờ sẽ có những cách đặt vấn đề khác hẳn.

Hãy nói về ngôn ngữ tạo hình của tác phẩm THINH, trước đây ông đã sáng tác nhiều tác phẩm điêu khắc độc lập, điều gì đã thay đổi trong tư duy sáng tạo của ông? Đây là tư duy khác về tạo hình của ông, hay sự thay đổi này đến từ đòi hỏi của nội dung hoặc ý tưởng tác phẩm?

Rõ ràng đây là tư duy tạo hình khác, đúng hơn là bắt đầu từ những nhu cầu, đòi hỏi từ trong ý tưởng, trong suy nghĩ của câu chuyện tôi mong muốn thể hiện. Hai điều đó kết hợp với nhau, tạo ra sự thay đổi về hình thức cũng như thay đổi về tính nội hàm của ngôn ngữ tạo hình.

Vâng, vậy ý tưởng tác phẩm THINH của ông là gì?

Nói một cách cụ thể thì đấy không phải là ý tưởng theo đúng nghĩa đen và nghĩa cụ thể của nó. Bởi khi suy nghĩ làm cái gì đó thuộc về tạo hình thì bản thân thường bắt đầu từ những cái câu chuyện riêng với nhận thức riêng. Cách đây một năm, Vietnam Art House tại La Haye (Hà Lan) có lời mời đến tôi, với mong muốn một trưng bày tại địa điểm của họ, và sau đó tôi nhận lời. Tôi thấy rằng mình cần suy nghĩ một cách sâu sắc và thực tế. Tôi biết bản thân không phải là người có sự khéo léo hoặc khả năng trình bày mang tính đại diện văn hóa cho một quốc gia hay một cộng đồng. Tốt hơn cả là kể câu chuyện mà mình suy nghĩ và nhận thức.

Thông qua các chuyến đi tới nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với những người Việt sống hải ngoại, tất cả làm cho tôi suy nghĩ. Tôi mong muốn rằng qua trưng bày này, tôi sẽ có thể hòa đồng được một phần nào, hay chia sẻ một phần nào với những người Việt sống ở nước ngoài, trong một tâm thế, đời sống và môi trường hoàn toàn khắc nghiệt và phức tạp. Ở đấy, người Việt Nam bước ra, đi đến và trưởng thành và cũng mất mát rất nhiều. Tất cả tạo cho tôi những suy tư, cảm hứng, cảm xúc sâu sắc. Nó khác với nhận thức mà khi chúng ta ngồi đây giao tiếp trong môi trường tương đối khép kín như thế này, những phẩm chất của người Việt chưa bộc lộ hết. Những suy nghĩ của họ về cuộc sống, về cuộc đời, về văn hóa,… cần phải có sự va đập, từ đấy mới đưa tới những nhận thức, cảm xúc của cá nhân tôi đối với những vấn đề như vậy. Đây là câu chuyện cá nhân của tôi.

Tại sao ông chọn lựa chất liệu hợp kim nhôm? Điều gì khiến ông loại bỏ hầu như toàn bộ dấu tích biểu hiện cá nhân và truyền thống điêu khắc, thay vào đó là những kết cấu hình ảnh đầy tính chính xác của kỹ nghệ cơ khí hiện đại?

Với tôi, ngôn ngữ biểu hiện cũng như chất liệu biểu hiện, nó rất phong phú và không đóng khung trong ý nghĩa cụ thể nào. Cái gì thuộc về vật chất không cần phải đắt tiền, quý hiếm hay bền vững, miễn là phù hợp với việc sử dụng để truyền tải câu chuyện mình muốn. Đó là chất liệu tôi chọn, có thể là đá, kim loại, gỗ, thậm chí là nước,…

Như chúng ta thấy rõ ràng là việc sử dụng công nghệ hiện đại ở đây là kĩ thuật cắt lazer trên kim loại nhôm, ông đã tạo ra những hình ảnh có thể gọi là hình tượng đúng không ạ? Từ khi nào việc tạo ra một biểu tượng đối với ông là quan trọng? Biểu tượng của THINH có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân ông?

Thông thường, chúng ta nhận thức về nghệ thuật tạo hình có phần cứng nhắc. Cá nhân tôi nghĩ là không nhất thiết phải xây dựng một hình tượng hay biểu tượng gì. Tính “hình tượng” ở đây nói chung cũng chỉ là vấn đề lí thuyết. Còn trong ngôn ngữ cũng như cách biểu hiện, anh bắt đầu bằng hình thái gì, hình thể gì của vật chất lại phụ thuộc rất nhiều trong nhận thức sâu thẳm: nhận thức về hình thể, không gian, màu sắc. Thật khó để diễn tả qua lời nói hay chữ viết. Thế nên cách giản dị nhất  mình truyền tải là câu chuyện, suy nghĩ riêng tư. Như trong cuộc trưng bày này, hình thể ở đây giống như là cánh chim, hay một con người, cũng thể là người chim. Nó bắt đầu từ câu chuyện khi mà tôi nhìn lên bầu trời vào một sáng sớm hay buổi chiều mùa thu, bản thân bắt gặp những cánh chim xếp thành hình chữ V bay đi về một phương nào đấy.

Những đàn chim di cư?

Cũng có thể là một đàn chim di cư. Mùa đông, chúng bay về vùng ấm áp và ngược lại vào mùa hè. Tất cả gợi cho tôi nhiều cảm xúc, neo đậu trong tâm trí tôi một hình ảnh có thể tự suy diễn. Hình ảnh ấy gợi ra nhiều câu chuyện ở đâu đấy sâu xa trong quá khứ hay tiềm thức, giống như câu chuyện những con người di cư.

Tôi muốn hỏi thêm về việc sử dụng những nguồn sáng ở bên trong khối trụ, nguồn sáng bên ngoài, và những khay nước, mặt gương khúc xạ những hình ảnh phản chiếu, chúng có tiếng nói cụ thể như thế nào trong tác phẩm?

Một vật thể được tạo tác ra đều cần ánh sáng, mà ánh sáng ở đây xuất phát từ rất nhiều nguyên do khác nhau, có thể là ánh sáng tự nhiên, nhân tạo, khúc xạ của ánh sáng, và mỗi nguồn sáng ấy đều có ý nghĩa nội hàm. Như trong Kinh Thánh, khi hình hài của thế giới được tạo tác ra, điều quan trọng nhất là chưa có ánh sáng, và khi Chúa mang ánh sáng đến thì câu chuyện mới trọn vẹn, và cuộc sống mới bắt đầu. Trong hình thể điêu khắc, điều đó cũng quan trọng giống như ánh sáng với cuộc sống. Nó chuyển tải và kể câu chuyện riêng bằng một nguồn sáng riêng biệt, nhất là với tác phẩm được trưng bày không gian tương đối kín như thế này, hoặc trong bối cảnh không có ánh sáng tự nhiên thì ánh sáng đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Điều mà tôi đang làm ở đây là lựa chọn hình thức ánh sáng không rõ ràng, không rực rỡ, không chỉ biểu hiện hình thể bên ngoài hình khối, mà muốn ánh sáng đi sâu vào bên trong hình – cơ thể của hình khối điêu khắc, hoặc chạy theo những đường viền contour của hình thể đó. Tất cả gợi cho tôi nhiều vấn đề liên quan tới câu chuyện mà chúng ta vừa nói là sự liên tưởng.

Thêm nữa, những cột trụ rỗng có những phần kim loại đã được đục hay cắt đi. Những thành phần đó được ghép thành những khối trụ đặc hay các tấm phù điêu phẳng. Chúng có tính chất chính phụ hay tiếng nói gì khác?

Chắc chắn là có. Vì tôi rất quan tâm đến vấn đề bên trong bên ngoài của một hình thể. Cái diễn biến bên ngoài của một hình khối gần như trái ngược với diễn biến bên trong của cơ thể đó. Cũng giống như là hình viền contour của một hình thể con người, thì mới chỉ là đọc ra dạng bề mặt. Còn nếu muốn đi sâu giải phẫu cơ thể đó, bề mặt đó thì chúng ta phải lôi được cái cấu trúc đó ra. Cũng giống như giải phẫu hình khối, đục, đẽo một tảng đá hay khối gỗ thì quá trình đục đẽo ấy tạo ra một cảm hứng đặc biệt, gần như là sự khoái trá.

Vâng. Và người xem sẽ phải tiếp cận tác phẩm của ông như thế nào trong trường hợp trưng bày tại không gian Manzi Art Space khi mà cả mặt ngoài tòa nhà được treo tác phẩm và bên trong không gian nữa. Họ sẽ phải xem từ ngoài vào trong và đôi lúc lại phải vòng trở ra?

Đúng thế!

Với những cấu trúc ông trình bày ở đây thì có lẽ nếu người đọc, người xem có những diễn dịch khác cũng không khiến ông thất vọng?

Đúng vậy. Nếu tôi mong muốn tất cả đều cảm nhận, nhìn nhận và suy nghĩ như tôi thì đấy là áp đặt. Hơn thế nữa, tôi muốn mọi người nhận thức theo các quan điểm cá nhân họ là tốt nhất, nhưng cũng cần phải có sự dẫn dắt từ câu chuyện mà tác giả muốn thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật của mình.

Tôi nghĩ nếu mình cảm nhận được năng lượng tích cực thì đó là điều hữu ích cho người khác, cộng thêm nhận thức cá nhân của họ nữa để hiểu thế giới bên cạnh – bên trong – bên trên – bên dưới chúng ta càng nhiều bao nhiêu càng tốt. Tôi muốn tôi cùng mọi người hiểu thế giới, hiểu cuộc sống theo nhiều chiều khác nhau. Đấy điều cần thiết, cũng là một tiêu chí của nghệ thuật.

Một tác phẩm nghệ thuật ngày nay sẽ cần hướng tới hoặc chú trọng nhiều hơn tới việc tạo ra môi trường tư tưởng hơn là đơn thuần dành cho các sở thích thẩm mỹ. Và cảm thụ thẩm m sẽ đến từ sự song hành giữa tính vật chất của tác phẩm và khả năng chuyên chở một hoặc nhiều nội dung vô hình.

Để làm được điều đó thì tôi nghĩ rằng phải có những nghệ sĩ lớn, tác phẩm lớn, họ đứng trên một nền tảng văn hóa lớn để khai mở nhận thức văn hóa cho cộng đồng. Đó thực sự là văn hóa rất cao, là điều chúng ta vươn tới và đang cảm thấy thiếu trong cơ thể mỗi cá nhân.

Ông sẽ nói gì về phong cách cá nhân hoặc bản sắc văn hóa, điều đó có còn quan trọng trong bối cảnh nghệ thuật hiện nay hay không?

Đối với tôi thì phong cách cá nhân không chuyển tải điều gì quá nghiêm trọng. Nhiều khi phong cách làm trói buộc và khiến tư duy sáng tạo hạn chế. Nói như vậy không có nghĩa rằng là không cần phải có phong cách. Phong cách ở đây ta nên hiểu theo một cách có hệ thống, lộ trình. Muốn tìm hiểu phong cách, muốn tìm hiểu tư duy của một người sáng tác, anh phải hiểu rất nhiều về quá trình, cuộc đời, cuộc sống và làm việc của nghệ sỹ, còn chỉ thông qua một vài tác phẩm thì chưa chắc đã có thể giải mã hình thức biểu hiện đó.

Đối với tôi, phong cách không quá quan trọng bởi bản thân luôn mong muốn thay đổi hình thức và ngôn ngữ biểu hiện. Mong muốn thay đổi ở đây không có nghĩa là theo chủ nghĩa hình thức, mà là thay đổi và lựa chọn ngôn ngữ biểu hiện nào hay chất liệu nào miễn là chuyển tải đúng ý niệm cá nhân với câu chuyện tôi muốn chuyển thể.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải.

Trở lại câu hỏi tiếp theo là bản sắc văn hóa, tôi nghĩ đó là một câu chuyện hơi mơ hồ. Thí dụ, tôi nhận thức về bản sắc văn hóa của cá nhân tôi đối với văn hóa cộng đồng của người Việt thì chỉ có một đoạn rất ngắn. Tất nhiên, ai cũng trân trọng, lưu giữ, hoài niệm về nó. Nhưng đó chưa chắc đã được gọi là truyền thống, bởi vì nếu ngắn như vậy thì chưa gọi là truyền thống được. Truyền thống là điều gì đó cần sự tiếp diễn, cộng với ngày hôm nay, cộng với ngày hôm qua, cộng với ngày dài hơn nữa thì mới trở thành truyền thống. Thế cho nên, truyền thống chúng ta là điều chúng ta đang tạo ra hôm nay. Còn những gì nằm trong quá khứ chỉ là một chút hoài niệm mà thôi.

Một câu hỏi cuối cùng, ông sẽ tiếp tục theo đuổi cái cách thức làm việc tương tự như tác phẩm THINH chứ?

Tôi còn muốn nó mở rộng ra hơn nữa, muốn phát triển ra hơn nữa trên tư duy mà một phần tôi được trình bày ở đây.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông giàu sức khỏe và năng lượng sáng tạo.

Bài: Vũ Huy Thông | Ảnh: Hoang Nguyen


 
Back to top