Tự trong lòng tác phẩm gợi mở lời trong lòng người nghệ sĩ
Một cuộc trò chuyện hiếm có với nghệ sĩ Văn Ngọc, nhân triển lãm “Tường Biển” đang diễn ra tại Vũng Tàu đến hết tháng 12 năm 2024.
Nghệ sĩ Văn Ngọc sinh năm 1959 tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Ông từng theo học trung cấp mỹ thuật ở quê nhà, sau đó vào bộ đội vào năm 1983 và tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau khi xuất ngũ, ông học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1986–1992). Năm 1993, Văn Ngọc cùng vợ chuyển vào Nam và định cư ở Vũng Tàu cho đến nay. Nhiều năm qua, Nhà tù Văn Ngọc được biết đến là một trong những địa điểm nghệ thuật nổi tiếng ở thành phố biển Vũng Tàu. “Nhà tù” bắt đầu được nghệ sĩ Văn Ngọc xây dựng từ năm 1999, vừa là nhà ở vừa là xưởng sáng tác lẫn không gian trưng bày tác phẩm, dần dần đã trở thành “một tác phẩm”, một thể thống nhất, một ngôn ngữ nghệ thuật, tiếp diễn và phát triển song hành với đời sống thường nhật của chính nghệ sĩ.
Giờ đây, Văn Ngọc mở triển lãm “Tường Biển”, hay “Tường Biển” mở ra Văn Ngọc; Mở ra một không gian ngổn ngang thô ráp, cũ kỹ, gãy vỡ… những mảng những khối, nhưng cũng liền mạch một cuộc chuyện trò đa phương giữa người nghệ sĩ với tác phẩm, giữa tác phẩm với người xem, giữa người xem với biển, tường, gương, cột, sàn, trần, không-thời, ánh sáng-thanh âm; giữa ta và họ, tôi và chúng tôi.
Nếu như nói nghệ thuật của Văn Ngọc thấm đẫm hơi thở cuộc sống, thì cũng có thể nói rằng, người nghệ sĩ ấy sống một cuộc đời nghệ thuật hệt như những mảnh kính lấp loáng ánh sáng của “Tường Biển”. “Mảnh kính” tiếp nhận tất cả những gì mà cuộc sống quanh nó soi rọi vào, rồi phản chiếu tất cả đến tâm thức của người xem, nơi tự mỗi người, có những trạng thái ý thức – nhận thức về bản thân, tri thức về thế giới xung quanh – theo những cách khác nhau. Rồi từ đó, “mảnh kính” tiếp tục phản ánh người xem, tiếp tục “công việc” khúc xạ của mình trước diễn biến không ngừng của cuộc sống, trước sự đổi thay liên tục của cảm xúc con người. Cứ thế, nghệ thuật Văn Ngọc không bao giờ tách rời cuộc sống, và thông qua tác phẩm của Văn Ngọc, người xem trở về với cuộc sống (nhận ra chính họ cũng chưa bao giờ tách rời) bằng phương tiện “nghệ thuật Văn Ngọc”, một phương tiện khác với cách họ bước đến ban đầu.
Bốn mươi năm làm nghệ thuật, một hành trình dài như thế, Văn Ngọc đã đang tìm kiếm điều gì trong thực hành nghệ thuật của mình?
Mình là một người làm nghề, là nghệ sĩ… làm nghề. Mình chỉ đi tìm kiếm những gì mà cuộc sống phản ánh vào mình và mình chấp nhận nó. Cuộc sống có tất cả những số phận của xã hội và của con người. Mình phản ánh điều đó trong tác phẩm của mình. Nghề của mình cứ thế không thể tách rời cuộc sống được, đó là điều chắc chắn.
Ở Vũng Tàu, hơi thở cuộc sống nào đã chạm đến tâm hồn anh, ảnh hưởng đến sự sáng tạo nghệ thuật của anh?
Mình sinh ra ở vùng trung du Bắc bộ, sau khi học xong ở Hà Nội thì chuyển đến sống ở vùng biển này. Và một khi cuộc sống của mình đã có sự chuyển đổi như thế, mọi tác động bên ngoài từ xã hội, thiên nhiên đến những thứ nhỏ nhặt nhất, đều ảnh hưởng đến sự sáng tạo của mình.
Đã ba mươi hai năm. Gần như một nửa cuộc đời mình đã sinh sống ở vùng biển. Biển, vùng biển… đời sống miền biển, là điều mà mình theo đuổi. Năm 2005 là “Dư Chấn” và bây giờ là “Tường Biển”. Thời gian dài như thế mình vẫn tiếp tục cái chuỗi về biển. Nhưng mà, thiên nhiên giờ đây đã thay đổi rất nhiều, và vẫn tiếp tục đổi thay không ngừng, ảnh hưởng trực tiếp đến trái đất, con người, và tất cả những thứ liên quan đến đời sống. Nên, có lẽ đến sau này, mình vẫn gắn kết với biển. Vì biển gần gũi với đời sống của mình nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến mình, đến sáng tạo của mình.
Những gì mà anh tìm thấy trong đời sống, anh có phải cố gắng sàng lọc hay nó cứ đi vào tác phẩm của anh một cách tự nhiên?
Mình nghĩ, nghệ thuật của một nghệ sĩ, phải liên quan đến đời sống của anh ta. Nếu mà tách rời đời sống ra thì nghệ thuật của mình không truyền tải được tình cảm và cảm xúc của mình với mọi người. Cho nên là, mình sống như thế nào thì nghệ thuật của mình là như thế.
Nghệ thuật là những gì đời sống thâm nhập vào mình. Có nhiều trạng thái khác nhau, những giai đoạn khác nhau, tạo ra tác phẩm mang hơi thở của riêng nó.
Những người đã biết đến Nhà tù Văn Ngọc có lẽ quen cho rằng anh là một người hoài niệm quá khứ. Với thực trạng đời sống hiện tại, anh nghĩ sao nếu người ta cho rằng “Tường Biển” mang tính thời sự?
Thật ra “Nhà tù” của mình chứa rất nhiều tác phẩm, rất nhiều câu chuyện. Mình quan niệm “Nhà tù” giống như một cái kho. Cái người ta nhìn thấy ở Nhà tù – rồi cho rằng mình hoài niệm, mình nghĩ, đó là do chất liệu. Chất liệu đó là những đồ dùng, vật liệu, vật chất đã trải qua thời gian, trải qua cuộc đời của chính nó. Bề mặt của chúng đã phản ánh đời sống riêng của chúng rồi. Mình giữ nguyên bề mặt có câu chuyện quá khứ của chất liệu, thế nên người xem cảm giác đó là một phần hoài niệm, một phần ký ức của mình. Nhưng mình không khư khư mãi với hoài niệm đấy. Mình xem câu chuyện của chất liệu là một phần của tác phẩm. Chất liệu là phần cốt để mình nói về cái hiện tại của mình. Mình không mô phỏng quá khứ của chất liệu hay hoài niệm của mình, của ai.
Thế nên “Tường Biển” cũng có câu chuyện của riêng nó. Câu chuyện đó tiếp nối từ “Dư chấn” của năm 2005 cho đến tận bây giờ. Nếu mà nói “Tường Biển” mang tính thời sự, thì trong Nhà tù của mình có rất nhiều. Và hình như tác phẩm nào cũng bắt đầu từ một sự kiện nào đấy chứ không hề ra đời vu vơ.
Thông điệp của “Tường Biển” đến với mọi người ngay lúc này có thời sự nhưng chỉ là một phần. Vì nghệ thuật không cứ bấu víu vào thời sự, mà nó còn một cái quan trọng nữa, là tình cảm, là tính truyền cảm, khơi gợi cảm xúc. Nghệ thuật mà thiếu đi phần này thì không còn gọi là nghệ thuật nữa.
Anh đã thực hiện loạt tác phẩm “Tường Biển” trong suốt ba năm qua. Một thời gian dài, một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Và như anh nói, đó là câu chuyện của một chuỗi về biển trải hai mươi năm ròng. Vậy cuộc trưng bày lần này có coi như khép lại chuỗi sáng tác ấy không?
Mình nghĩ là không. Mình bày bộ “Tường Biển” ra bởi vì mình tìm được không gian thích ứng cho nó mặc dù vẫn không đủ không gian để trưng bày tất cả. Biển, là một câu chuyện dài; “Tường Biển” sẽ không ngắt quãng sáng tạo về nó ở đây. Không phải vẽ xong bức tranh này thì chuyển sang bức tranh khác. Công việc này không làm như thế. Trừ khi nào mình dời nơi ở và sinh sống tại một vùng khác, với những áp lực khác, chuyển động khác va đập vào mình, thì có thể cách tư duy, mạch sáng tạo của mình sẽ thay đổi. Chứ còn mình vẫn ở vùng biển này, hằng ngày đối mặt với thiên nhiên, với xã hội, con người, cuộc sống của, thì dù có thay đổi hình dạng, cấu trúc tác phẩm, thì cái tinh thần rất khó đổi.
Bản chất của nghệ thuật phụ thuộc vào tác giả, vào con người của anh ta. Bản chất ấy thay đổi, thì anh ta mất chính mình rồi.
Anh dùng từ “công việc” chứ không dùng từ “sáng tác”. Vậy với anh, cái gọi là “công việc nghệ thuật” khác với “sáng tác nghệ thuật” như thế nào?
Mình tự gọi thế, bởi vì những việc mình làm không chỉ vẽ, nặn, trí óc, mà cả chân tay, những hoạt động liên quan khác như khuân vác, tìm kiếm này nọ – mà tất nhiên những hoạt động đấy đều liên quan đến nghệ thuật của mình cả. Vậy nên mình cho đó là “công việc”. Thậm chí có lúc mình rõ ràng đang sáng tác nhưng mình cũng thấy bản thân đang làm cái công việc gì gì đâu đâu. Tức là trong khi mình đang làm việc này thì thực ra mình “đang đi tìm kiếm” ở chỗ khác. Mọi người nhìn vào sẽ không thấy đó là “sáng tác”, thì đúng là cái việc đấy không hề là “sáng tác”, nhưng cuối cùng lại chính là tác phẩm, là nghệ thuật của mình. Nên mình nói mình “làm công việc”, cho người ta khỏi phải thắc mắc. Mọi người sẽ thấy công việc sáng tạo đó khi thưởng thức tác phẩm, khi mình trưng bày.
Với anh, chất liệu nó có ý nghĩa như thế nào?
Chất liệu là một phần của sáng tạo. Sáng tạo không phải là ta vẽ ra hình gì, có ý nghĩa gì. Mình cho là từ chất liệu, ta sẽ nảy ra ý tưởng này, ý tưởng kia. Từ ý tưởng, ta lại đi tìm chất liệu này chất liệu kia để thực hiện. Thế nên, chất liệu là một phần cực kỳ quan trọng của tiến trình sáng tạo. Và tiến trình đấy thuộc về tạo tính của từng người. Chất liệu dẫn mình đi tìm theo hướng này, đối với người khác thì hướng khác. Cái cách chất liệu làm nảy sinh ý tưởng và dẫn dắt ý tưởng thì thuộc về cá nhân. Nó giống như là ranh giới. Chất liệu thuộc về ranh giới… của người người sĩ này với người nghệ sĩ khác.
Anh đã chuyển từ chất liệu gỗ đậm tính Á Đông sang những chất liệu đương đại như sắt, thép, gương kính. Và dù chuyển đổi, có vẻ anh thích những chất liệu nặng. Vì sao? Cái sự nặng ký của chất liệu đem đến cho anh sự hứng thú gì?
Cái sự nặng của nó… tức là ta nói đến cái “trọng lượng”. Mình cho là “trọng lượng” liên hệ với “cảm giác”.
Lụa, sơn dầu, giấy dó hay sắt, thép, gỗ, gương… về hình thức hay cấu trúc tác phẩm thì không thể diễn giải cái nào nghệ thuật hơn, hoặc là hay hơn, kém hơn. Cái khác biệt ở đây, hẳn hoi là thuộc về “cảm giác”. Cảm giác của người làm ra nó và người thưởng thức nó. Cái cảm giác “Thấy Đã” đấy mình cho là một phần… quan trọng của tác phẩm.
Trường hợp mình, mình đã chuyển từ sơn dầu (nhẹ) sang tổng hợp, có gỗ có gương (nặng dần); đến bây giờ, là sắt với thép và những thứ khác (nặng thêm nữa). Nhưng nếu như làm nhẹ lại, mình cảm thấy… mình không thích thú. Cái trọng lượng, cái cảm giác – nó thay đổi.
Anh có bảo rằng, anh là một người làm không gian. Vậy có phải nếu không có không gian thì anh sẽ… không trưng bày?
Điều đấy là chắc chắn. Mình nghĩ nghệ sĩ nào cũng thế, không chỉ riêng mình. Nhưng mình không bó hẹp khái niệm không gian trong một ngôi nhà hay trong một căn phòng. Ngoài trời cũng là không gian. Trong tự nhiên cũng là không gian. Nghệ thuật đương đại bây giờ đâu đơn thuần là tranh trên mặt phẳng. Tác phẩm đòi hỏi không gian phù hợp với nó, đòi hỏi sự tương tác đa chiều, với ánh sáng, thời gian, âm thanh và từng cử động của con người, cùng với rất nhiều thứ xung quanh nó. Hiệu ứng tổng hợp đấy, mạnh mẽ hơn, gay gắt hơn bình thường xem một bức tranh, đúng không?
Nói về ánh sáng, lại thấy cứ như anh đã không làm gì với ánh sáng ở không gian “Tường Biển”?
Đây chính là chú trọng ánh sáng đấy, để giữ nguyên cảm giác… “tối” như hôm đầu tiên mình tìm thấy không gian này. Cái ánh sáng kể lại một câu chuyện thuộc về tâm trạng. Còn tâm trạng tùy ở người thưởng thức.
Cái thú vị của nghệ thuật làm thay đổi cảm giác, kích thích sự tưởng tượng của người xem. Điều này cực kỳ quan trọng với nghệ thuật đương đại. Vậy nên, trông như chả làm gì mà thật ra là làm rất nhiều, trông như chả xài đèn mà thật là đầu tư ánh sáng.
Nên ánh sáng của “Tường Biển” cứ tự do thay đổi, như có cảm xúc…
Mình ở đây từ sáng đến tận tối 9 giờ, theo dõi từng thời khắc, xem cái sự thay đổi ánh sáng giữa ban ngày và buổi tối như thế nào, giữa buổi trưa và chập tối như thế nào. Ngày nào mình cũng ngồi đây nhìn. Mình thích nhìn nó thay đổi như thế. Mình thấy nghệ thuật giống con người, là con người. Thay đổi từng thời điểm một. Có lúc buồn, có lúc rất vui. Như mình làm mà có lúc mình còn nghi ngờ luôn bản thân mình. Có lúc mình cảm thấy… sao hay thế, lát sau lại cảm thấy… sao chán thế. Mà nghi ngờ chính mình thì cũng là chuyện bình thường. Với nghệ thuật đương đại, chính điều đấy lại hay. Mình thoái mái hơn, tự do hơn, để thay đổi, dịch chuyển tác phẩm, theo cảm xúc, cho đến khi mình thấy… ổn.
Có phải vì vậy mà anh thích làm sắp đặt?
Không phải. Thực ra, ngày xưa mình đã từng nói là mình không làm sắp đặt, mà mình cũng không làm hội họa, không làm điêu khắc. Mình chỉ nói một câu chung chung là mình làm nghệ thuật. Tất cả mọi thứ đều ngẫu nhiên.
Cho đến bây giờ, mình vẫn rất mơ hồ về khái niệm làm sắp đặt, trình diễn, các thứ này nọ. Chẳng qua là, trong một không gian như thế này, bức tường như thế kia, thậm chí trong nhà, mình cứ sắp xếp, điều chỉnh, cho đến khi mà cái đầu của mình cảm thấy… nó thuận mắt, thì là ok.
Tất nhiên mọi người cứ việc nói sắp đặt, nói trình diễn, cho dễ hiểu nhau. Mình thì mình không quan niệm thế. Mình không làm rõ khái niệm để làm gì. Mình thấy mình chưa phải là nghệ sĩ sắp đặt. Mình cũng chưa phải là nghệ sĩ trình diễn. Cảm giác của mình là mình làm nghệ thuật.
Nhưng mà, mình rất thích cái chỗ đó… thích một cái thứ nửa vời. Nửa vời cũng đã ấy chứ! Mơ hồ có khi là hay cơ mà. Có khi nhìn rõ tinh tường cả cái sợi tóc mà cảm thấy nó chán đời, có khi nhìn không thấy gì, cứ lơ mơ lơ mơ lại thấy hay. Đấy là cái thú vị trong nghệ thuật.
Với người xem, điều anh quan tâm nhất là gì?
Đối với người xem, mình chỉ nghĩ mỗi một điều: Người ta cảm thấy gì, và nó có ý nghĩa với người ta hay không, nó có gây cho người ta… những phản ứng gì hay không?
Mình nghĩ, nếu như người ta đến xem tác phẩm, thà người ta căm ghét nó tới mức cầm cà chua ném vào mình, còn hơn là tác phẩm nhạt nhẽo đến độ người ta rời khỏi mà không để lại cảm giác gì. Phản ứng của người xem có lợi cho người làm nghệ thuật. Giúp nghệ sĩ biết mình được ở đâu, không được ở chỗ nào, và người ta hiểu mình đến như thế nào. Mà người xem thì có đa dạng tầng lớp, lứa tuổi, trình độ, góc nhìn và quan niệm khác nhau, mức độ thưởng thức khác nhau, cách phản ứng cũng khác nhau. Nhưng nghệ thuật sẽ kích thích sự tưởng tượng của mỗi người, chứ không thụ động. Nghệ thuật đương đại không thụ động.
Anh quan niệm như thế nào về sự liên quan giữa “cái đẹp” và “nghệ thuật”? Tức là, nghệ thuật chính là cái đẹp, hay nghệ thuật chỉ đẹp khi nó đem lại cái đẹp cho cuộc sống?
Mình nghĩ… làm nghệ thuật là làm cho cuộc sống thêm “vẻ đẹp”. Có thêm “vẻ đẹp” tức là hay lên, là tốt thêm. Thế nên mới có nhiều người, nhiều nghệ sĩ đi tìm cái đẹp. Vì nghệ thuật không thuộc về lý trí, mà thuộc về cảm xúc.
Vậy ra nhiều nghệ sĩ vẫn đang đi tìm cái đẹp, chứ không phải cái đẹp đã sẵn có trong nghệ thuật?
Mình nghĩ bất kể làm nghề gì trong đời, người ta cũng mong muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp lên. Người làm nghệ thuật chẳng qua là làm việc ở phạm trù thuộc về tâm hồn.
Rất cám ơn nghệ sĩ Văn Ngọc vì cuộc trò chuyện và vì “công việc” nghệ thuật của anh!
————————–