Con đường Michelin Kỳ 1: Các đầu bếp thực sự muốn gì?
Các giải thưởng ẩm thực danh giá đã xuất hiện từ lâu ở các quốc gia phương Tây và trở thành thước đo đánh giá chất lượng của một nhà hàng. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về chúng, nhưng không thể phủ nhận các giải thưởng này đã tạo thay đổi lớn cho sự phát triển của ngành ẩm thực toàn cầu. Một ngôi sao Michelin có ý nghĩa “Nấu ăn chất lượng cao, đáng để dừng chân”, hai sao là “Nấu ăn tuyệt vời, đáng quay lại”, ba sao là “Ẩm thực ngoại hạng, đáng giá cho một hành trình đặc biệt”. Trong khi đó, James Beard Awards là chiếc “huân chương” ngực áo được nhiều đầu bếp trong giới khao khát, vì như thế có nghĩa là “họ đã trở thành một phần của cộng đồng đầu bếp tinh hoa, được công nhận bởi chính các đàn anh và cộng sự của mình”.
Nhộn nhịp những giải thưởng
Nửa đầu năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự sôi động của thế giới F&B quốc tế khi liên tiếp các sự kiện trao giải đã diễn ra.
Asia’s 50 Best chứng kiến sự thăng hạng của nhà hàng Sézanne ở Tokyo từ vị trí thứ 2 lên vị trí thứ 1, cho thấy sự ổn định và phát triển không ngừng của ẩm thực Nhật Bản. Bên cạnh một nhà hàng quán quân, Nhật Bản còn có 4 đại diện khác lọt vào top 10, thể hiện chất lượng ngày càng cao của các nhà hàng của xứ sở hoa anh đào. Thái Lan tỏa sáng với 3 đại diện trong top 10 là Gaggan Anand, Nusara và Suhring, kế đến là Hong Kong với 2 đại diện. Danh sách năm 2024 phản ánh sự đa dạng và sự phát triển không ngừng của ẩm thực châu Á, với sự bứt phá của các quốc gia như Thái Lan và Hong Kong. Đại diện của Việt Nam – nhà hàng Ăn Ăn – vẫn giữ được hiện diện trong bảng xếp hạng, đánh dấu 4 năm liên tiếp có mặt trong bảng xếp hạng này.
Tiếp đến, World’s 50 Best vừa diễn ra hôm 5 tháng 6 vừa qua ở Las Vegas đánh dấu một sự kiện đầy nhộn nhịp và giàu cảm xúc cho các đầu bếp thế giới. Nhà hàng Disfrutar (Hy Lạp) đã nhận danh hiệu Nhà hàng Tốt nhất thế giới năm 2024, khẳng định thành công xứng đáng sau quá trình thăng hạng một cách ổn định (top 3 năm 2022 và top 2 năm 2023). Bên cạnh đó, The Chairman (Hong Kong) đạt giải Nhà hàng Thăng hạng tốt nhất khi ngoạn mục chinh phục vị trí 26 trong năm nay, sau khi lần đầu tiên lọt vào danh sách ở thứ hạng 50 vào năm ngoái. Nhiều giải thưởng cá nhân và tập thể khác đã xướng tên chủ nhân của chúng, như Nữ đầu bếp Giỏi nhất thế giới thuộc về đầu bếp Janaína Torres, Đầu bếp bếp bánh Giỏi nhất thế giới thuộc về nữ đầu bếp Nina Métayer, và những Nhà vô địch Thay đổi trong năm 2024 là đầu bếp João Diamante với những chương trình giáo dục ẩm thực và kỹ năng kinh doanh cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, hai đầu bếp Caroline Caporossi và Jessica Rosval với Nhà hàng doanh nghiệp xã hội Roots.
Kết quả World’s 50 Best 2024 phản ánh sự đa dạng, sáng tạo và chất lượng của các nhà hàng hàng đầu thế giới, cũng như sự công nhận và tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho ngành công nghiệp ẩm thực toàn cầu.
Tại Việt Nam, cộng đồng ẩm thực cũng đang chộn rộn trước những lá thư được gửi đi từ Michelin Guide, mời tham dự sự kiện trao giải vào ngày 27/06 tới tại Khách sạn InterContinental Saigon, Thành phố Hồ Chí Minh. Câu hỏi đặt ra là: Tác động thật sự của những giải thưởng này và cách các nhà hàng cũng như đầu bếp có thể tận dụng đòn bẩy của giải thưởng để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của họ thật sự như thế nào?
Giá trị thật sự xứng đáng để theo đuổi
Cộng đồng đầu bếp xưa nay vẫn luôn có nhiều ý kiến trái chiều xoay xung quanh các giải thưởng. Không phủ nhận những tác động tích cực của giải thưởng đối với sự nghiệp cá nhân và kết quả hoạt động của nhà hàng, nhưng cũng kéo theo không ít rắc rối phức tạp. Đầu bếp Dave Beran của nhà hàng Next (Chicago), người từng nhận giải Đầu bếp giỏi nhất năm 2014 của James Beard Award, chia sẻ góc nhìn của mình với giải thưởng này:
“Khi còn làm việc ở một nhà hàng khác tại Chicago, chúng tôi luôn là người phụ trách gây quỹ cho giải thưởng James Beard, nhưng tôi chưa từng biết nó có nghĩa là gì trong suốt thời gian đó, chỉ biết rằng các danh sách đề cử đầu bếp thường rất quan trọng. Sau đó, tôi đến Tru và nhận thấy họ đã nhận được tất cả các giải thưởng của James Beard được treo trên tường. Và rồi ở Alinea, khi tôi được chứng kiến quá trình mà chúng tôi chinh phục các giải thưởng, tôi mới thật sự hiểu chiếc huân chương James Beard có nghĩa là gì. Đó là giải thưởng được đánh giá bởi đồng sự và tất cả những người có ảnh hưởng đến công việc cũng như sự nghiệp của bạn, và nó thật sự gây phấn khích!” (*)
Đầu bếp Jon Shook của nhà hàng Animal (Chicago), một trong hai người lọt vào danh sách đề cử cuối cùng cho giải Đầu bếp giỏi nhất năm 2014 của Tây Hoa Kỳ cũng có quan điểm tương tự: “Được tôn vinh bởi chính cộng đồng của mình cho dù bằng hình thức nào, cũng là điều cực kỳ tuyệt vời. Tuy tôi không theo đuổi các giải thưởng, nhưng vẫn thật đáng kinh ngạc khi nhận được sự công nhận và tôn vinh mà chúng tôi có ở LA, cũng như khi nói chuyện với các đầu bếp về cách họ nghĩ và tiếp cận các giải thưởng. Chúng đơn giản là thật khó tin!” (*)
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều dành cho kết quả của các giải thưởng. Jon cho rằng: “Cảm nhận ẩm thực là ý kiến cá nhân. Bạn có thể đến Animal và nói ‘Tôi yêu nhà hàng, nó thật tuyệt vời!’ nhưng có thể một vị khách khác bị dị ứng với gluten và họ sẽ khó chịu kiểu ‘Chết tiệt! Mấy gã đó còn không chịu đổi món ăn cho tôi!’. Chỉ một người thôi cũng có thể làm thay đổi quan điểm trên các bảng xếp hạng về chúng tôi”, vị đầu bếp bày tỏ. Anh cũng cho rằng các bảng xếp hạng và đánh giá không thể bao quát hết được chất lượng của các nhà hàng, bởi các thanh tra viên được gửi đến các nhà hàng khác nhau và… “Làm sao bạn có thể so sánh một nhà hàng với một nhà hàng Michelin khác khi bạn thậm chí còn chưa đến đó?” Điều này khiến anh và nhiều đầu bếp khác quyết định thay vì tập trung chạy theo các giải thưởng, họ sẽ chỉ theo đuổi những món ăn có chất lượng tốt nhất có thể và tận hưởng cảm giác được làm công việc mình muốn mỗi ngày. Vậy nên, nếu có “bỏ lỡ” cơ hội được xướng tên trên những bảng xếp hạng thì họ cũng không quá buồn lòng.
(*) Nguồn tham khảo: Chefs Weigh In on the Influence and Importance of Awards
Đón đọc Con đường Michelin Kỳ 2: Những giải thưởng có “danh” và có “giá”