DINING LIBRARY / Dining Culture & Art

Dining Library Tháng 7: Ẩm thực – Hương liệu của vùng đất

Jul 15, 2024 | By Stephanie Nguyen

Mỗi món ăn là một câu thơ, mỗi hương vị là một dòng ký ức được tạc lại trong lòng người sáng tác và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người thưởng thức, dù có hay không tạo ra những áng văn chương hay những câu hát sau đó, thì bản thân họ cũng đã trở thành một phần trong cuộc giao hòa hân hoan của đất trời. Bởi thưởng thức hương vị tinh tế của mỗi vùng đất cũng đã là một nghệ thuật.

​Văn học, ẩm thực và những chuyến đi

Từ xưa đến nay, bàn về cái ăn vẫn luôn là một đề tài lôi cuốn với các nhà văn, thi sĩ. Ẩm thực đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cây bút đại tài trong văn học Việt.

Nguyễn Tuân là nhà văn nổi tiếng với bút pháp bộc trực, thẳng thắn, quyết liệt, thể hiện cách nhìn đời ngạo nghễ. Người mến văn ông đều biết sự giàu có và phong phú trong ngôn từ, lối diễn đạt và góc nhìn của Nguyễn Tuân đa phần đến từ những chuyến đi. Trong vô số tác phẩm để lại cho hậu thế, Nguyễn Tuân không thiếu những trang viết về ẩm thực. Ông viết về cốm làng Vòng: “Ăn cốm phải nhai kỹ, nhai lâu, phải kiên nhẫn ít nhiều thì mới thấy được cái tính nết quý hóa của hạt nếp bao tử”. Ông gọi cốm là “một thú chơi nghệ thuật” hay “một nét văn minh của tâm hồn dân tộc” vậy.

Nhà văn Nguyễn Tuân cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhạc sĩ Văn Cao (ảnh chụp năm 1982). Nguồn ảnh: Sưu tầm

Lớp nhà văn thế hệ sau cũng có nhiều cây bút bị lôi cuốn vào thế giới ẩm thực qua những chuyến đi, chẳng hạn như Di Li với cuốn tùy bút “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa”. Cô ghi lại những trải nghiệm ẩm thực đa dạng trên hành trình rong ruổi khắp mọi miền đất nước trong 53 mẩu chuyện. Cô gọi mùi thơm quyến rũ của món phở là “Mùi xứ sở”, dành những trang viết đầy trân trọng cho ẩm thực Hà Nội quê hương cô, bên cạnh vô số kỷ niệm với từng vùng đất qua món ăn, như: đêm Noel rực sáng với món bánh đa cua Bà Cụ ở Hải Phòng, những thức quà vặt của Sài Gòn, hay hàng bánh cuốn ở vùng biên giới,…

Sự gắn bó của món ăn không chỉ cuốn chân người mới đến, mà còn trở thành ký ức mãi không phai đối với những người đã rời xa. Chẳng thế mà Nguyễn Quang Thiều đã viết “Tôi khóc những cánh đồng rau khúc” để mở đầu tuyển tập tản văn “Mùi của ký ức”. Với giọng văn đầm ấm có phần hoang dã của người đàn ông đã trải quá nửa đời người, anh dẫn độc giả ngược dòng ký ức trở về với những hoài niệm yêu thương của làng quê Bắc Bộ, nơi những món ăn của bà, của mẹ đã luôn đóng một phần quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn.

Bữa sáng chợ phiên. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, da diết nhất về quê hương vẫn là những câu hát của nhạc sĩ tài hoa Bắc Sơn trong ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Những ca từ của nó mỗi khi vang lên lại khiến người con xa xứ rơi nước mắt và chỉ muốn tìm về với chái bếp, sân nhà thân thương với món canh rau đắng đơn sơ mà giàu tình cảm quê nhà.

“Xin sống lại tình yêu đơn sơ
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
Đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Xin nắng hạ thôi buồn một mình ngồi
Nhớ lũy tre xanh
dạo quanh
Khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh…”

Ẩm thực – Hương liệu của vùng đất

Gọi ẩm thực là hương liệu, với “hương” là hương vị, hương thơm và “liệu” là nguyên liệu tạo nên món ăn và là chất liệu đặc trưng, riêng có của mỗi vùng đất.

Tại sao người ta hay nói “đã đến đây rồi phải thưởng thức món…”?

Bởi bạn có thể đọc rất nhiều sách về du lịch và ẩm thực, xem mọi chương trình khám phá đó đây mà bạn biết, nghe qua vô số câu chuyện của những người đi trước, nhưng không gì làm bạn hiểu và thấm một cách rõ ràng, trực diện, mạnh mẽ về một vùng đất cho bằng thưởng thức món ăn của vùng đất ấy. Để làm nên một món ăn, đó không chỉ là nguyên liệu gắn liền với thổ nhưỡng, khí hậu, phương pháp canh tác, mà còn là quá trình sáng tạo từ lối sống và phong tục tập quán của người dân. Có những món ăn sinh ra trong những dịp đặc biệt; có những món ăn phát triển từ thói quen hàng ngày mà nên. Dù cho cách nào, chúng cũng đã thấm đượm đậm đà bản sắc văn hóa của vùng đất và con người nơi đó.

Văn hóa ẩm thực có sức mạnh như thế đấy.

Bạn không thể đến Hà Nội mà không thèm gọi một bát phở nóng để húp sì sụp vào giữa một ngày đông, hay không thể thăm Sài Gòn mà không muốn đãi mình một đĩa cơm tấm. Tương tự như vậy, một ổ bánh mì thơm phức mùi bơ ở Paris, hay một đĩa pasta vàng ươm sợi mì cùng những loại topping đầy màu sắc ở Ý đều là những ký ức khiến người ta không thể nào quên. Ngay cả khi thế giới đã có sự giao thoa mạnh mẽ, thì việc thưởng thức một món ăn tại đúng nơi nó được sinh ra vẫn là trải nghiệm không gì có thể thay thế.

Tháng 7 này, hãy để Dining Library đưa bạn đến khám phá các vùng đất ẩm thực và các món ăn, nguyên liệu thú vị tại đó. Dĩ nhiên, chúng tôi không tham vọng thay thế những trải nghiệm “mắt thấy, tai nghe, tay cầm, miệng nếm” của bạn (chúng tôi cũng không khuyên bạn chỉ đọc mà không đi), nhưng hy vọng với những bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau trở thành nghệ sĩ, để cho tâm hồn mở rộng thênh thang với những hương vị tuyệt mỹ của địa đàng trên trần thế này.


 
Back to top