DINING LIBRARY

Khi ẩm thực đưa ta về tuổi thơ

Jul 23, 2024 | By Stephanie Nguyen

Ẩm thực là hành trình trở về với kỷ niệm và tái khám phá những giá trị văn hóa tưởng đã phai nhạt giữa cuộc sống bộn bề, ấy hóa ra vẫn sống mạnh mẽ và thậm chí sống còn sâu đậm hơn qua những lớp bụi thời gian.

Không gian ấm áp càng tăng thêm hương vị cho mâm cơm quê nhà

Trong buổi chiều mưa, ngồi giữa không gian ấm cúng và thưởng thức bữa tối theo set thực đơn với 14 món ăn nhỏ khác nhau của nhà hàng Miên, tôi thấy mình như được đưa trở về sân nhà tuổi thơ.

Thực đơn được thiết kế theo cách khiến người ta phải tò mò. Một hình minh họa đơn giản. Một từ khóa có vẻ không liên quan. Phải ăn đến món thứ tư, tôi mới hiểu ẩn ý của cách trình bày này. Nó thật hợp với cái tên Vạn Hoa, làm tôi liên tưởng đến chiếc kính muôn màu muôn sắc từng làm mình thích thú chờ đợi sau mỗi lần lắc nó lên! Thực đơn này mang lại chính xác cảm giác như thế. Tôi không biết điều gì sẽ đến trong món ăn tiếp theo, chỉ mơ hồ đoán được qua những hình vẽ và từ khóa được sắp đặt rất đẹp. Phải chăng, đó cũng chính là công thức mà ngày xưa các bà, các mẹ thường mê hoặc những đứa trẻ con bằng những câu chuyện kể, mỗi lúc chỉ hé mở một chi tiết một.

Trong số các món khai vị, bánh nậm khiến tôi nhớ nhất. Lấy tên từ món bánh Huế vốn đã rất quen thuộc, nhưng ngoài tên gọi đó, thì bạn chắc chắn sẽ không thể đoán được có gì trong món ăn này. Sử dụng chỉ một nguyên liệu là nấm, “bánh nậm chay” khiến tôi bất ngờ nhờ sự cách kết hợp khéo léo và vô cùng đa dạng: purée nấm mềm mềm, beo béo bên dưới, một lớp nấm mối xắt hạt lựu và xào lên cho thật thơm, và một lớp nấm sợi chiên giòn. Cuối cùng, một vài giọt dầu ớt làm dậy lên hương vị nồng nàn. Tôi phải kìm hãm tốc độ của mình để có thể nấn ná lâu hơn một chút và thưởng thức hết cái vui thú của món ăn này.

Món bánh nậm với thành phần chính là nấm

Các món ăn chơi, món ăn “đường phố” mà một đứa trẻ con chỉ chờ đến đúng giờ là chạy ào ra đầu ngõ, để mua với vài tờ tiền lẻ đã nhăn nhúm trong lúc chúng quá khích chạy đi, được tái hiện lại hết sức sinh động. Món bánh bò với chiếc bánh làm từ bột mì trắng xinh xinh, rải một lớp nước cốt dừa mặn, tạo nên tổ hợp “lai” thú vị giữa một món mặn và ngọt. Món xôi bắp nhão gợi lên da diết miền ký ức của tuổi thơ với câu rao “Ai bắp hầm bắp chà không?” Xôi bắp dẻo bùi, ăn cùng với thịt kho, dưa muối mặn, kết thúc với một miếng bánh giòn tạo nên miếng ăn hồ hởi như một trò vui tuổi thơ.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi, có lẽ là món canh mướp với cá mú bông. Nước xúp được nấu theo phong cách consomme trong ngần, lấp lánh với hương thơm của tôm với sự quyến rũ của bơ và khói thoảng. Vừa nhìn thấy, tôi đã nhớ ngay những tô canh ngày hè, với vị ngọt đậm tự nhiên của tôm hòa quyện hoàn hảo với những miếng mướp xanh mềm. Nhưng trung tâm của món này là cá mú bông, được xử lý khéo léo khiến phần thịt bên dưới thật mềm mại, trong khi lớp da ngoài vẫn dai và giòn. Độ tươi ngon nhìn bằng mắt đã sướng, cắn vào lại tăng thêm trải nghiệm thật sâu. Món ăn được sắp đặt khéo léo, tạo nên một chỉnh thể hoàn hảo về cả hương vị lẫn thẩm mỹ.

Món cà tím (ảnh trái) và canh mướp cá mú bông (ảnh phải)

Bữa tối kết lại với cơm rượu, một món ăn miền Nam hội đủ các vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng nhờ phương pháp lên men. Cơm rượu làm nền cho viên kem sữa chua ngọt ngào, béo nhẹ, rắc thêm ít vỏ chanh làm mọi thứ bỗng chốc trở nên tươi mát. Các viên thạch nhỏ và kẹo trứng phủ màu nếp cẩm thêm vào phần màu sắc cho cái kết tuyệt hảo.

Tasting menu Vạn Hoa mà tôi được trải nghiệm, không chỉ là một bữa tiệc với 14 món ăn từ ăn chơi đến mâm cơm gia đình đầy đủ món, mà thực chất là một chuyến hành trình đưa người ta về lại với quá khứ bằng không chỉ vị giác, không gian, mà còn bằng những âm thanh xì xèo từ căn bếp lúc nào cũng chộn rộn, nơi tỏa ra hơi ấm quê nhà.

Ảnh: Nhà hàng Miên


 
Back to top