Mâm cơm người Nhật: các món nhỏ điểm xuyết cùng cơm
Người Nhật và bữa cơm truyền thống có gì đặc biệt? Hãy cùng LUXUO khám phá thông qua bài viết dưới đây.
Không coi cơm là trung tâm
Người Nhật Bản vốn nổi tiếng với nền ẩm thực được đánh giá rất cao trên thế giới. Ẩm thực Nhật Bản không quá đa dạng, phong phú như các nước Đông Nam Á trù phú hay Trung Quốc rộng lớn nhưng lại có thế mạnh ở việc thể hiện bản sắc quốc gia thông qua từng món ăn riêng lẻ. Cho dù hệ thống tài nguyên về thực phẩm và nguyên liệu không quá mạnh mẽ, nhưng các món ăn trứ danh thuộc xứ sở mặt trời mọc vẫn đủ sức khiến cho cả thế giới phải ngỡ ngàng khi có dịp thưởng thức. Ẩm thực chung là thế, vậy bữa cơm hàng ngày của họ sẽ ra sao? Liệu có đầy bản sắc và cá tính riêng như chúng ta vẫn biết về sushi, sashimi, mì ramen…?
Người Nhật Bản vốn có thói quen ăn cơm trong bữa ăn hàng ngày giống như nhiều nước châu Á trồng lúa gạo khác. Tuy nhiên, về cấu trúc bữa ăn của Nhật Bản không lấy cơm làm trung tâm bữa ăn như người Việt mà chọn cách trải đều các thành phần có trong mâm cơm. Một bát cơm đi kèm với một bát canh, các món ăn phụ nhỏ điểm xuyết với hai tới ba món chính.
Cấu trúc này nếu so với bữa cơm Việt Nam sẽ thấy nhiều điểm khác biệt. Người Việt coi cơm tẻ là trung tâm bữa ăn và cơm không cần đơm sẵn mà tới bữa sẽ đơm cho từng thành viên. Trái lại, người Nhật ưu tiên việc ăn canh trước, ăn một chút thức ăn nhẹ hoặc cá sống, sau cùng mới tới món cơm trắng. Họ có thể ăn ngon lành món cơm với một quả mơ muối, sau khi đã ăn hết canh và các món ăn khác.
Cấu trúc bữa cơm truyền thống
Thời hiện đại, cuộc sống tại Nhật Bản vốn được coi là một cuộc sống áp lực và bận rộn nhất thế giới. Người Nhật hiện đại duy trì thói quen ăn hàng, tiêu thụ thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn tại siêu thị song song với những bữa cơm nhà. Những ai còn duy trì bữa cơm nhà thì cấu trúc bữa ăn cũng ngẫu hứng, phong phú và không quá quy chuẩn như xưa. Dù vẫn là cơm, canh, mặn nhưng dường như những quy định khắc nghiệt đã ít có cơ hội len lỏi vào đời sống đương thời.
Thời đại xưa, bữa cơm Nhật tuân thủ theo trình tự: món canh xúp, món mặn, cơm. Món canh xúp mà phổ biến nhất là xúp cá sẽ là món ăn đầu tiên. Tiếp theo, người ăn sẽ dùng các món mặn với số lượng thường thấy là món nướng, món hấp, món hầm. Cuối cùng mới tới món cơm. Món cơm và hạt gạo chưa từng là trung tâm của bữa ăn mà trái lại, ba món mặn mới là tâm điểm của bàn ăn, và chén xúp đóng vai trò như một món dẫn đường cho vị giác khám phá mâm cơm. Người Nhật chọn ăn cơm vào cuối bữa ăn như một cách “chống đói” triệt để sau khi đã thưởng thức trọn vẹn các hương vị của các món ăn trước.
Cấu trúc bữa ăn này chỉ ra rằng người Nhật Bản vô cùng coi trọng sự hài hòa ngay cả trong những bản sắc riêng. Các món được coi rằng chúng dinh dưỡng hơn, cũng được ưu tiên ăn sớm hơn, nhiều hơn.
Cơm đãi tiệc truyền thống xưa
Bữa cơm truyền thống hàng ngày thời xa xưa là vậy, nhưng bữa cơm đãi khách sẽ có thêm nhiều món ăn xen lẫn để thể hiện sự hiếu khách của chủ tiệc cũng như nhấn mạnh vào sự trang trọng. Hiện nay, tại một số nhà hàng kaiseki tại Nhật vẫn duy trì thực đơn phức tạp này, nhưng tại các nhà hàng hiện đại hơn, mọi thứ đã được giản lược hoặc thêm mới để hòa nhập với thời cuộc.
Thực đơn bữa cơm đãi khách thời xưa thường chuộng các món cá sống như một biểu tượng của sự thịnh vượng, sung túc khi mùa màng bội thu. Khách quý sẽ được mời các món zensai (khai vị); suimono (món xúp) hoặc sunomono (món cá trộn giấm); tiếp theo là tới sashimi (cá sống). Sau khi các món ăn lạnh, món ăn nhẹ được dọn lên và dùng hết, chủ tiệc sẽ dọn các món đạm nóng hổi, có hương vị mạnh hơn như yakimono (món xiên nướng); mushimono (món hấp); agemono hoặc tempura (món chiên) và cuối cùng là nimono (món hầm). Tới gần cuối bữa, một chén cơm và một chén canh cùng một chút rau muối chua sẽ được dọn lên. Bữa tiệc luôn kết thúc với một ấm trà và trái cây hoặc bánh ngọt.
Nhìn vào cấu trúc bữa tiệc trên, ta có thể thấy rõ sự ưu tiên các món xúp và cá, tức là sự ưu tiên về các nhóm thức ăn giàu chất đạm, thay vì các thức ăn giàu tinh bột, no lâu.
Trên đây chỉ là bữa cơm thịnh soạn và bữa tiệc nhỏ mang phạm vi gia đình, người thân thiết theo kiểu đầm ấm, trang trọng hơn ngày thường chứ chưa phải một buổi yến tiệc to lớn mang tính thết đãi cầu kỳ, nhưng ta có thể thấy rằng người Nhật đã tỉ mỉ và chú trọng tới từng giai đoạn của bữa ăn ra sao.
Có thể nói, người Nhật Bản và bữa cơm truyền thống xưa là một nét văn hóa rất đáng để tìm hiểu. Sự tỉ mỉ, cầu kỳ và chu đáo của người dân xứ sở mặt trời mọc đã được thể hiện phần nào qua bữa cơm họ ăn, qua bữa cơm họ mời khách, và trên hết là tư duy ăn uống chứa đựng bản sắc và triết lý riêng.
Bài: Hà Chuu