Nghệ thuật khác biệt giữa ẩm thực chay phương Đông và phương Tây
Ẩm thực chay đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực toàn cầu nhờ sự đa dạng trong cách chế biến món ăn và hương vị phong phú, giàu bản sắc. Tuy nhiên, cũng như địa hạt ẩm thực chung, các món chay tại các nơi trên thế giới, điển hình là phương Tây và phương Đông có sự khác biệt. Điều này hình thành nhờ văn hóa và thói quen khác nhau giữa các khu vực.

Ẩm thực chay phương Đông và phương Tây mang những nét đặc trưng riêng. Bữa ăn chay đậm nét Ý với bánh mì ăn cùng cà chua, lá basil, phô mai, giấm đen cùng xốt phết bánh mì làm từ kem tươi.
Ẩm thực chay phương Đông và phương Tây mang những nét đặc trưng riêng, phản ánh sâu sắc văn hóa, tôn giáo và lối sống của từng vùng. Sự khác biệt giữa ẩm thực chay của hai nền văn hóa này có thể thấy rõ từ nguyên liệu, phương pháp chế biến hay sâu xa hơn chính là triết lý ẩm thực giữa hai châu lục.
Phương Đông huyền bí
Từ xa xưa, ngược về những tháng ngày mà Con Đường Tơ Lụa còn thịnh hành, người dân của châu lục Âu xa xôi bên kia hành tinh vẫn nhìn về phương Đông xa xôi, bí ẩn với cái nhìn đấy tò mò, quan tâm. Đối với phương Tây, phương Đông thật huyền bí, kín đáo, nhẹ nhàng mà chứa đựng đầy những nét bí ẩn, phức tạp. Đồ ăn phương Đông chính là một trong những thứ bên cạnh văn hóa, thói quen khiến phương Tây dấy lên sự tò mò, mong muốn khám phá.
Riêng với địa hạt đồ chay, phương Đông đã khiến thế giới phải bất ngờ. Trở lại với ẩm thực hiện đại và đương đại, nơi thói quen ăn chay đã len lỏi và bùng nổ, phương Đông thể hiện trọn vẹn tính nhất quán và hài hòa của mình trong cách nấu các món chay tưởng chừng như nhạt nhẽo, đạm bạc mà hóa ra ngon lành, giàu hương vị.
- Món rau củ xào chay theo phong cách Trung Hoa
- Món chay Việt Nam
- Món chay tại thành phố Kyoto, Nhật Bản
Ẩm thực chay phương Đông, đặc biệt ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam, thường sử dụng đa dạng các loại rau củ quả, đậu phụ, các loại hạt và nấm. Đậu phụ, được làm từ đậu nành, là nguồn protein chính và xuất hiện trong nhiều món ăn chay. Nấm cũng đóng vai trò quan trọng, chứa hàm lượng protein và vitamin cao, mang lại hương vị đậm đà và kết cấu phong phú cho món ăn. Ngoài ra, các loại đậu, hạt và ngũ cốc như gạo, mì làm từ bột mì cũng được sử dụng rộng rãi.
Phương pháp chế biến trong ẩm thực chay phương Đông thể hiện rõ nét sự đa dạng, đặc biệt là món chay của Trung Quốc. Các món chay nhìn chung thường bao gồm hấp, xào, luộc và chiên. Một số kỹ thuật nấu nướng khác như tần, om, táu cũng là cách để nhiều đầu bếp thể hiện kỹ năng nấu món chay của mình. Vì những kỹ thuật này phù hợp với thịt, cá, hải sản hơn bởi chúng vốn giàu hương vị sẵn có; nên khi dùng chúng để xử lý nguyên liệu nấu đồ chay, người nấu phải thực sự tài giỏi. Gia vị như xì dầu, nước mắm chay, gừng, tỏi và các loại thảo mộc được sử dụng để tăng hương vị tối đa cho thực phẩm, mà vẫn phải giữ được nét thanh đạm vốn có. Món ăn chay phương Đông thường có hương vị cân bằng, kết hợp giữa ngọt, chua, mặn và cay.
Tại phương Đông, các món chay gắn liền với đời sống hơn khi rất nhiều người ăn chay trường và ăn chay theo các ngày đặc biệt như ngày mùng 1 và 15 hàng tháng theo lịch tiết mặt trăng. Lý do tôn giáo choán giữ mục đích ăn chay của nhiều người dân phương Đông, khiến cho thói quen ăn chay của họ thật… bí ẩn mà vẫn chứa đựng nhiều vẻ đẹp sâu sắc. Ăn chay kiểu Á Đông thường gắn liền với tôn giáo và triết lý sống.

Món mì ramen chay hấp dẫn
Theo quan điểm của Phật giáo, ăn chay được coi là cách tu dưỡng tâm hồn và tránh làm hại động vật. Triết lý này ảnh hưởng sâu sắc đến cách chế biến và thưởng thức món ăn, nhấn mạnh sự thanh đạm và tôn trọng tự nhiên. Chẳng hạn, trong ẩm thực Nhật Bản, phong cách “Shojin Ryori” được các nhà sư phát triển, tập trung vào việc sử dụng nguyên liệu tươi sạch, chế biến đơn giản để giữ nguyên hương vị gốc của món ăn. Điều này có phần hơi khác biệt với các cách chế biến món chay thông thường tại các nước Á Đông, chúng chứa đựng đầy sự tối giản.
Phương Tây cởi mở và thích trải nghiệm
Trong khi ẩm thực chay Á Đông thú vị, giàu triết lý như vậy, ẩm thực chay phương Tây tập trung vào tính trải nghiệm, sự cởi mở và tôn trọng tự nhiên. Ẩm thực chay phương Tây đề cao việc sử dụng các loại rau củ theo mùa, đậu lăng, đậu xanh và các loại hạt như hạnh nhân, óc chó. Các sản phẩm từ sữa và trứng cũng thường xuất hiện trong chế độ ăn chay kiểu phương Tây, trừ khi theo đuổi chế độ ăn thuần chay (vegan). Gần đây, các sản phẩm thay thế thịt từ đậu nành, thịt nhân tạo hay đậu Hà Lan và các loại ngũ cốc khác trở nên phổ biến, đáp ứng nhu cầu của người ăn chay thời hiện đại.

Món rau củ nấu chay theo công thức Pháp
Ẩm thực chay phương Tây thường chú trọng đến việc giữ nguyên hương vị tự nhiên của nguyên liệu. Phương pháp nấu nướng phổ biến bao gồm nướng, hấp và hầm. Người ăn chay tại các quốc gia này tin rằng việc nấu nướng đơn giản sẽ phù hợp cho chế độ ăn chay hơn là cách nấu nướng quá trình diễn, phức tạp và đẩy mạnh kỹ thuật như sous vide… Tuy nhiên, một vài củ cà rốt được ướp gia vị kỹ càng, nấu theo phong cách nấu chậm (sous vide) có khi lại trở thành điểm sáng trên bàn tiệc. Chúng nên xuất hiện cho những dịp đặc biệt, thay vì trở thành thói quen hàng ngày. Những người theo đuổi xu hướng ăn chay tại phương Tây tin là vậy.
Một số nhóm người ăn chay khác tại phương Tây lại theo đuổi sự tự nhiên tới mức cực đoan khi họ chọn ăn thô và hạn chế gia vị nhất có thể. Các món như rau củ quả sống được ăn liền sẽ là điều họ ưu tiên thay vì chế biến các món ăn từ bột mì, các loại hạt chứa lipid (chất béo) hay nấm. Phải nhắc lại rằng, các chất béo trong các loại hạt như hạt điều, hạt óc chó, mè đen, lạc… là những chất béo tối thiểu giúp cơ thể chuyển hóa được dinh dưỡng (đặc biệt là protein) trong món ăn. Thiếu lipid, các món chay trở nên thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Món chay kiểu Anh nhìn không khác lắm món bánh nhân thịt quen thuộc
Quay trở lại với món chay kiểu Tây, yếu tố gia vị cũng rất quan trọng. Điều tích cực ở phong cách ăn chay đi liền sức khỏe của người dân phương Tây chính là họ sử dụng rất khéo léo các loại gia vị tự nhiên. Họ tận dụng được tinh dầu từ các loại rau gia vị để bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn cho cơ thể. Các loại thảo mộc như húng quế, hương thảo, thì là và gia vị như tiêu đen, ớt bột được sử dụng để tạo ra hương thơm đặc trưng cho món ăn. Món ăn chay phương Tây thường đơn giản nhưng tinh tế, như salad quinoa, cơm risotto rau củ, súp lơ nướng phô mai và lasagna chay.
Ở phương Tây, ăn chay ban đầu phổ biến trong các cộng đồng tôn giáo như Thiên Chúa giáo, với các ngày kiêng thịt được ghi rõ ràng theo lịch mặt trời. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, việc ăn chay thường xuất phát từ ý thức về sức khỏe, bảo vệ môi trường và quyền động vật. Phong trào ăn chay hiện đại ở phương Tây thúc đẩy sự sáng tạo trong ẩm thực, với việc phát triển các sản phẩm thay thế thịt và sữa từ thực vật, cùng với việc mở rộng các nhà hàng chay và thuần chay.
Người dân phương Tây khi ăn chay, trừ chế độ thuần chay, các chế độ khác đều tích cực sử dụng các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, sữa và kem tươi. Điều này tạo ra những khác biệt nho nhỏ đầy thú vị giữa hai nền ẩm thực lớn bởi tại phương Đông, các món chay truyền thống thường hiếm khi có xuất hiện hương vị của sữa.

Món chay làm từ kem tươi và lớp vỏ bánh giòn rụm hấp dẫn
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ẩm thực chay phương Đông và phương Tây ngày càng có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau. Nhiều nhà hàng chay phương Tây bắt đầu giới thiệu các món ăn chay Á Đông như đậu phụ theo phong cách Tứ Xuyên (Trung Quốc), đậu phụ xào, sushi chay, canh rau củ… trong khi các nhà hàng chay ở châu Á cũng đưa vào thực đơn các món bánh mì nướng phô mai kiểu chay, salad, pasta chay theo phong cách phương Tây. Sự kết hợp này tạo ra những trải nghiệm ẩm thực đa dạng cho người thưởng thức. Tại Việt Nam, những món ăn chay cũng ngày càng cởi mở, phong phú và fusion hóa để phù hợp với nhu cầu của người ăn, cũng như để hòa nhập vào sự phát triển chung của ngành hàng F&B đầy tiềm năng.
Sự khác biệt giữa ẩm thực chay phương Đông và phương Tây phần nào phản ánh sự đa dạng văn hóa, tôn giáo cùng lối sống của từng khu vực. Tuy nhiên, cả hai đều chia sẻ mục tiêu chung là mang lại sức khỏe, sự bền vững và tôn trọng đối với tự nhiên. Việc thấu hiểu, trân trọng những khác biệt này không chỉ giúp chúng ta mở rộng kiến thức ẩm thực trong thời đại cởi mở và giữa thời đại toàn cầu hóa ngành hàng F&B mà còn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, sự tôn trọng lẫn nhau trong thế giới đa dạng, đầy bản sắc.
Bài: Hà Chuu