Cartier Santos trở lại: Vẻ đẹp tân thời của một di sản thời gian
Xu hướng đồng hồ thể thao quen thuộc thời hiện đại thực chất bắt đầu vào những năm 1970, khi Gerald Genta thiết kế Audemars Piguet Royal Oak, và Patek Philippe Nautilus ra đời ngay sau đó. Để tận dụng điều này, Cartier đã lấy chiếc Santos-Dumont đổi tên thành Santos cho ngắn gọn và đưa nó vào phần vỏ cùng dây đeo làm từ thép không gỉ.
Đây được xem là một động thái triệt để của thương hiệu vốn vẫn gắn liền với kim loại quý vào thời điểm đó. Để giữ lại cảm giác sang trọng, Cartier sử dụng vàng trên đường viền của vỏ và ốc vít trên dây đeo. Tất cả ý định và mục đích này đều được lặp lại trên chiếc Santos hiện đại mà bạn thấy ngày nay.
Vào những năm 1980, mẫu đồng hồ hai tông màu này trở nên rất phổ biến, đặc biệt trong thế giới tài chính nơi các nhân viên ngân hàng và đồng nghiệp của họ đeo đồng hồ với bộ suit sọc và giày lười.
Tuy nhiên, điều không may là cuộc khủng hoảng thạch anh kéo dài hơn hai thập kỷ đã gần như huỷ hoại dòng sản phẩm. Mặc dù Cartier đã cố gắng duy trì sự hiện diện bằng cách mang đến chiếc Santos thạch anh có tên là Galbée, nhưng bộ sưu tập vẫn không được chú ý như kỳ vọng và dần dần bị rơi vào quên lãng.
Sự trở lại của Santos
Sau hơn một thập kỷ im hơi lặng tiếng, Cartier Santos đã trở lại đầy hoành tráng vào năm ngoái. Nhà chế tác mang đến không chỉ một mà 13 chiếc đồng hồ với hai kích cỡ vừa và lớn. Trong đó, nhiều dấu ấn thiết kế cũ vẫn hiện diện nhưng được điều chỉnh đôi chút để phù hợp hơn với thế hệ người dùng mới.
Vấu và vỏ được uốn cong để yên vị êm ái trên cổ tay người đeo, trong khi kích thước mới lớn hơn so với các phiên bản trước đây, để phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng ngày nay. Tuy nhiên, nếu bạn đặt Santos-Dumont cũ từ đầu thế kỷ 20 bên cạnh các mẫu của Santos Santos hiện tại, bạn sẽ thấy mọi thứ vẫn đâu vào đấy.
Năm nay, Cartier tiếp tục làm mới bộ sưu tập Santos bằng cách thêm chức năng bấm giờ không giống với bất kỳ thứ gì mà chúng ta từng thấy. Thay vì cắt chiếc Cartier Santos nguyên bản ra để nhét vào bộ máy bấm giờ điển hình, Cartier lại hướng đến giải pháp mang tính thẩm mỹ hơn.
Thương hiệu đã điều chỉnh bộ máy 1904-CH MC hiện có sao cho nút khởi động và dừng của cơ chế bấm giờ nằm về phía bên trái của vỏ, trong khi nút bấm cài đặt lại được tích hợp vào núm vặn đồng hồ, giúp duy trì vẻ mượt mà của thiết kế và đường nét biểu tượng.
Santos Chronograph có vỏ làm từ thép không gỉ với khung thép được xử lý PVD màu đen, viền bezel làm từ thép không gỉ, vàng vàng hoặc vàng hồng. Mẫu đồng hồ có kích thước khá cồng kềnh 43,3mm x 51,3mm, nhưng các vấu được uốn cong vẫn đảm bảo đồng hồ sẽ ôm trọn cổ tay.
Cartier cũng trang bị cho đồng hồ hệ thống QuickSwitch và SmartLink đầy khéo léo. Trước đó, dây đeo thường được xem là khái niệm thuộc dịch vụ của các thương hiệu đồng hồ khác: bạn được điều chỉnh từ cửa hàng sau khi mua, và tiếp tục đem nó đến cửa hàng lần nữa nếu như muốn thay đổi độ dài. Nhưng với hệ thống SmartLink, bạn có thể dễ dàng tự điều chỉnh mà không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào.
Tương tự, hệ thống QuickSwitch cho phép người dùng chuyển đổi giữa dây đeo da hay dây đeo kim loại mà không cần dùng đến công cụ chuyên dụng.
Đây đều là những sáng tạo rất thông minh từ Cartier, điều luôn nằm trong DNA của nhà chế tác Pháp. Rốt cuộc, đó là thương hiệu đầu tiên tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay cho nam giới từ năm 1904, và chiếc mà Alberto Santos-Dumont đã chọn đeo trên tay khi ông bay trên trời.