Chơi và đầu tư đồng hồ: Thị trường có dễ dàng cho những gã tay mơ?
Thị trường đồng hồ cao cấp vốn được xem là phương tiện đầu tư mạnh của những người có tiềm năng tài chính. Nhưng sự thật có đơn giản như vậy?
Với việc các rocker xăm trổ đầy mình, những ông trùm công nghệ và thế hệ influencer trên mạng xã hội đang đổ dồn vào đầu tư đồng hồ, giá cho những cỗ máy thời gian kinh điển từ Rolex, Omega hay Patek Philippe ngày càng tăng vọt. Trong một vài trường hợp, giá của chúng thậm chí còn tăng gấp đôi chỉ trong một vài năm.
Thế hệ những nhà sưu tầm mới này không chỉ nhìn nhận đồng hồ cũ như món phụ kiện sành điệu để kết hợp cùng áo phông và quần jean, mà còn là một tài sản mới đầy hấp dẫn trong danh mục đầu tư. Trong một thị trường mà cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản dường như đang bấp bênh trên đỉnh, đồng hồ cổ điển liệu có mang lại cơ hội tăng trưởng, hay thực chất cũng mong manh như bong bóng Bitcoin năm 2017?
Peter Goodwin, một nhà đầu tư tư nhân tại Charlottesville, Va. và cũng là nhà sưu tầm đồng hồ, cho biết ông lo ngại về tính phù phiếm trong thị trường đồng hồ cổ, mặc dù khoản đầu tư vào đồng hồ của ông đã tăng gấp đôi giá trị chỉ sau 18 tháng.
“Điều này cũng giống như đà đầu tư chứng khoán”, ông nói. “Mọi người nhìn thấy cổ phiếu của Facebook gia tăng, họ thấy Mark Zuckerberg và họ muốn đón đầu. Điều đó cũng xảy ra tương tự với những chiếc đồng hồ đang được nhiều người chú ý trong các buổi đấu giá – Paul Newman Rolex, Omega Speedmasters, và các mẫu Submariners.”
“Câu hỏi là”, ông Goodwin nói, “khi nào chuyện này sẽ dừng lại?”
Đó là rủi ro mà thế hệ nhà sưu tầm đồng hồ mới như chàng sinh viên mới tốt nghiệp trường kinh doanh tại Los Angeles là Shahien Hendizadeh sẵn sàng chấp nhận. “Việc mua một chiếc Rolex cổ điển tốt cũng giống như mua lại cổ phiếu từ những công ty như Nestlé hay Google vậy”, Hendizadeh nói.
Sau khi tham gia vào một khoản đầu tư trị giá 2.000 USD vào cổ phiếu American Outfit chỉ vài tháng trước khi công ty tuyên bố phá sản, chàng trai trẻ đã mua chiếc Rolex Submariner 1982 với giá 13.000 USD, đồng thời tin chắc rằng giá trị của nó sẽ tăng lên 10.000 USD chỉ trong vòng hai năm.
Và trong trường hợp suy thoái kinh tế, những chiếc đồng hồ có giá trị có thể trở thành kiểu tài sản an toàn, tương tự như kim loại quý, đá quý cho những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Vậy, điều gì thậm chí làm cho một chiếc đồng hồ có giá trị?
Hãy xem xét đến khung viền bezel từ mẫu Rolex Submariner năm 1957, được làm từ đĩa nhôm nhẹ tựa lông hồng với các số bao quanh. Trên các phiên bản Submariners được xuất xưởng vào quý 3 năm 1957, khung viền bezel được tạo ra với một hình tam giác màu đỏ kỳ lạ tại vị trí 12 giờ và các chữ số có kiểu cách khác nhau. Theo Eric Wind, một người bán đồng hồ cổ tại Florida, nhờ độ hiếm này mà viền bezel được nhiều nhà sưu tầm săn lùng đến mức giá trị có thể tăng từ 10.000 USD trong vài năm trước đến 30.000 USD ở thời điểm hiện tại.
Điều này không nhất thiết phải mang lại ý nghĩa nào đó. Nó cũng không có nghĩa là đồng hồ cổ điển tốt hơn đồng hồ mới. Trên thực tế, chúng kém hơn về mọi mặt. Chẳng hạn như chiếc Rolex Submariner mới là phiên bản nâng cấp của mẫu cổ điển hàng chục năm tuổi. Sub mới có thể được xem như tuyệt tác của kỹ thuật cơ khí, với khung viền gốm công nghệ cao hầu như sẽ không bị phai màu, dây đeo chắc chắn, và mặt kính sapphire hoàn toàn chống trầy xước. Có thể nói, đây là mẫu đồng hồ không thể bị tổn hại dù có đồng hành trong chuyến lặn sâu ở “nơi tận cùng thế giới” là rãnh Mariana.
Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định điều tương tự về phiên bản trước đó, những chiếc Submariners 50 tuổi đã trở nên nổi tiếng nhờ tác phẩm James Bond của Sean Connery. Giá trị của chúng vẫn ngày một tăng lên dù thay cho mặt kính sapphire là mặt acrylic (nghĩa là bằng nhựa) dễ bị trầy xước và nứt vỡ, dây đeo thép mỏng manh có thể bị kéo dãn như đàn accordion, và mặt số phủ sơn có thể bị đổi từ màu đen sang nâu espresso (mà các nhà sưu tầm gọi là mặt số “tropical”)
Phai màu, có xuất xứ, và linh hồn là những thứ làm nên giá trị của những chiếc đồng hồ cũ.
Dẫu vậy, đó cũng chính là những điều làm nên giá trị của những chiếc đồng hồ cũ: chúng phai màu, có xuất xứ, và linh hồn. Đối với các thế hệ quý ông trân quý vẻ đẹp của những cỗ máy cơ cũ kỹ giống như đĩa vinyl, đây chính là điểm mấu chốt.
“Đồng hồ cổ nên thể hiện rõ nét giá trị tuổi tác của chúng,” nhiếp ảnh gia 31 tuổi và là nhà sưu tầm thế hệ mới tại San Francisco là Neil Murray cho biết. Ví dụ điển hình là chiếc Rolex GMT-Master của anh, mẫu đồng hồ phi công cổ điển từ những năm 1980, “luôn gợi lên cảm giác phiêu lưu với nhiều vết trầy xước như minh chứng cho tinh thần thử thách.”
Paul Altieri đến từ Bob’s Clock, một nhà bán lẻ nổi tiếng ở Newport Beach, California cho biết đối với các mẫu này, nếu như ở tình trạng thích hợp, giá trị có thể tăng lên đến 16.000 USD so với chỉ từ 8.000 USD khoảng 2, 3 năm trước.
Benjamin Clymer, người sáng lập trang web đồng hồ Hodinkee, đã phát triển từ blog cá nhân sang chuyên trang đồng hồ có sức tác động đến cả thị trường đồng hồ cũ và mới, cũng là một trường hợp thú vị về đầu cơ đồng hồ. Vào năm 2012, anh mua một chiếc Patek Philippe Nautilus với giá 18.000 USD, và gờ đây, giá của nó đã tăng lên đến 75.000 USD. Hay một lần khác, anh chi ra 30.000 USD để mua về chiếc Omega Speedmaster của những năm 1950, và giờ đây, cỗ máy thời gian này có giá 100.000 USD.
Giá trị bùng nổ
Với những bức ảnh chụp cổ tay ngày càng nở rộ trên Instagram, Facebook và cả các trang web đồng hồ như Hodinkee và Monochrom, nhu cầu của những người sưu tầm đã không còn giới hạn trong các thương hiệu khổng lồ như Rolex và Omega, mà mở rộng cho những nhà sản xuất ít tên tuổi hơn như Universal Genève.
Một phiên bản đặc biệt của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đáng kính này là Compron chronograph, từng nổi tiếng khi xuất hiện trên cổ tay của Nina Rindt, người vợ phong cách của tay đua Công thức 1 thập niên 1970 Jochen Rindt. Gần đây, chiếc đồng hồ được giao dịch với giá gần 45.000 USD so với mức 2.800 USD vào năm 2011, mặc dù thị trường đã hạ nhiệt.
Nhưng có lẽ, không có chiếc đồng hồ nào bùng nổ về giá trị như Paul Newman Daytona. Là kiểu đồng hồ bấm giờ tự động dành cho dân đua xe, cỗ máy vốn dĩ có vị thế nhất định trong thế giới đồng hồ. Joanne Woodward đã vô tình biến chiếc đồng hồ thành biểu tượng khi cô mua cho chồng là Paul Newman với một chiếc Daytona có giá khoảng 250 USD vào cuối những năm 1960.
Không biết là vô tình hay hữu ý, chiếc đồng hồ bà chọn cho Newman thuộc mẫu hiếm, với các chữ số đặc trưng Art Deco trên ba mặt số phụ biểu thị giây, phút và giờ. Điều này chỉ xuất hiện trên một trong 20 chiếc Daytona từ cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.
Với con số 17.8 triệu USD đạt được tại phiên đấu giá năm 2017, mỗi chiếc Paul Newman giờ đây đều gần như trở thành tác phẩm đến từ Picasso.
Nhiều năm qua, Paul Newman được xem như biểu tượng của phong cách, và điều đó lan truyền đến cả chiếc Rolex ông đeo trên trang bìa tạp chí. Trong một bài đăng năm 2014, Hodinkee đã lùng sục các danh mục đấu giá cũ có đồng hồ Paul Newman, và nhận thấy giá trị của đồng hồ dao động ở mức thấp nhất là 9.257 USD vào năm 1992 đến mức thấp của năm 2008 là 66.000 USD.
Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ. Sau khi cỗ máy từng năm trên tay Paul Newman được bán sau 12 phút đấu giá đầy căng thăng với con số 17.8 triệu USD năm 2017, mỗi chiếc Paul Newman giờ đây đều gần như trở thành tác phẩm đến từ Picasso.
Một phiên bản khác gây ngạc nhiên không kém được biết đến với cái tên Oyster Mk 1 “panda” đạt mức giá hơn 750.000 USD tại một cuộc đấu giá Phillips ở Geneva vào đầu năm, một con số gây sốc cho cả ông Clymer, người từng sở hữu chiếc đồng hồ.
Đầu tư đồng hồ: Con dao hai lưỡi
Tuy nhiên, đầu tư đồng hồ chưa bao giờ dễ dàng như thế, mà những gì vừa được kể trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, không phải chiếc đồng hồ cũ nào cũng có giá trị. Bất cứ ai kiếm được một hộp Bulova rẻ tiền từ những năm 1950 cũng có thể kết thúc với đúng hộp Bulova đó, với giá trị gia tăng là bằng không.
Sưu tầm đồng hồ cổ có thể là mỏ vàng cho những người mới chơi. Nhưng để làm được điều đó, người mua cần phải thực sự tường tận cả những chi tiết nhỏ nhất, như liệu chiếc đồng hồ có được đánh bóng qua các năm – điều mà trên thực tế lại mang đến ý nghĩa tiêu cực khi làm mòn các cạnh sắc nét trên phần vỏ. Bên cạnh đó, họ cũng cần dè chừng những nhà buôn vô đạo đức, với việc đưa vào mẫu đồng hồ nguyên bản những thành phần giả tạo, khiến giá trị của đồng hồ gần như trở về không.
Bên cạnh đó, việc sưu tầm đồng hồ có thể cũng tương tự như sưu tập nghệ thuật ở chỗ các nhà buôn có xu hướng ưu tiên hơn cho những người thân thiết và những nhà sưu tầm có tiếng, mà hiếm khi công bố cho những người mua khác. Bên cạnh đó, cũng cần dè chừng thị hiếu hay thay đổi mà bất kỳ nhà sưu tầm nào cũng phải cố gắng dự đoán. Hiện tại, mọi sự chú ý đều đang đổ dồn vào các mẫu thể thao dây đeo thép như Nautilus, Submariner và GMT, các phiên bản đầu của Speedmasters, Audemars Piguet Royal Oak và một số chiếc Tudors và TAG Heuers cổ điển.
Cũng không thể nói trước nhu cầu dành cho chiếc đồng hồ hàng chục ngàn USD sẽ dao động thế nào, sau những hiện tượng như khủng hoảng tín dụng ở Trung Quốc, hay sự chia rẽ của khu vực đồng euro, điều góp phần tạo nên hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc các nhà theo chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Washington hứa hẹn về mức thuế 70% đối với những mẫu đồng hồ có giá trị sưu tầm cũng là nhân tố ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Nhà đầu tư không phải là nhà sưu tầm, và nhà sưu tầm cũng không phải là nhà đầu tư.
Nếu như những điều này xảy ra, ngay cả những điều nghe có vẻ chắc chắn như Daytona dường như cũng trở nên ít thuyết phục. Theo ông Clymer, “thị trường dành cho Daytona chỉ trở nên điên rồ trong một khoảng thời gian. Chúng tôi có các mẫu đáng giá đến 20.000 USD, 25.000 USD trong năm 2011 đến 2015, sau đó đột ngột tăng vọt lên 50.000 USD, và sau đó là 80.000 USD. Giờ đây, những chiếc tương tự lại có giá 65.000 USD. Tuy vẫn cao hơn đáng kể so với trước, nhưng chúng đã hạ giá khi xét đến vài thời điểm nhất định.
Matthew Bain, một nhà buôn đồng hồ cao cấp tại Miami Beach cho biết, trong suốt quãng thời gian từ năm 2008 đến 2009, giá của một số mẫu cổ điển từng có giá tăng vọt như Paul Newman lại giảm từ 30 đến 40%. Nhưng, cũng giống như chứng khoán, chúng lại bật đến mức giá cao hơn trước.
Hiện tượng nhảy giá này có vẻ là không tổn hại nhiều. Nhưng ông Khoo lưu ý rằng khi so sánh với giao dịch thương mại, những người xem đồng hồ như món đồ đầu tư có thể bị sốc khi nhận ra rằng chúng thường đi kèm với phí dealer khá lớn, chưa kể đến các khoản chi đáng kể cho bảo hiểm, lưu trữ an toàn và các chi phí khác.
“Nhà đầu tư không phải là nhà sưu tầm, và nhà sưu tầm cũng không phải là nhà đầu tư,” ông Khoo nói. “Cộng đồng Watch Fund của tôi có cơ sở dữ liệu của hơn 9.000 nhà sưu tầm đồng hồ trên toàn thế giới, và tôi chưa bao giờ gặp ai trong số đó mua hàng trăm chiếc đồng hồ yêu thích và bán đi toàn bộ để kiếm được lợi nhuận tuyệt đối.”
Nói cách khác, những người mới tham gia vào thế giới đồng hồ có thể cần lưu ý rằng cũng giống như những khoản đầu tư khác, kết quả vượt trội trong quá khứ không đảm bảo cho thành tựu tương lai.