Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Bộ tứ Đông Dương bên trời Âu (kỳ 4): Họa sỹ Lê Thị Lựu

Jun 22, 2021 | By Xu

Bộ tứ Đông Dương: Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương đã thành danh ở Pháp. Đó là một hành trình của quá nhiều khó khăn và cay đắng.

Họa sỹ Lê Thị Lựu tại Paris, năm 1947

Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu, bốn họa sỹ Việt Nam đầu tiên xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và là những học trò xuất sắc nhất của trường. Mai Thứ được Lê Phổ coi là người vẽ giỏi nhất khóa I (1925-1930). Lê Phổ là học trò “cưng” của giáo sư Tardieu, thường tháp tùng ông sang Pháp. Vũ Cao Đàm đỗ thủ khoa điêu khắc khóa II (1926-1931). Và Lê Thị Lựu, thủ khoa hội họa khóa III (1927-1932).

Mỗi người có một cá tính và con đường riêng, nhưng đều giữ được nguồn gốc văn hóa Việt; cũng là nhờ quan điểm giảng dạy của các giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương, khác với quan niệm dạy vẽ của người Anh ở Ấn Độ: hoàn toàn hướng học sinh về mỹ thuật Tây phương, chối bỏ nguồn gốc văn minh Ấn Độ.

Nữ họa sỹ bên chồng và con

Trích bài viết nghiên cứu của tác giả Thuỵ Khuê về bộ tứ Đông Dương (đã đăng trên ấn phẩm Art Republik Việt Nam issue 2), các bài viết sẽ lần lượt khái quát về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của 4 danh hoạ đời đầu của trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Hoạ sỹ Lê Thị Lựu

Phong Hóa số 18 (20-10-1932), có bài Trường Mỹ thuật Đông Pháp, không ký tên, chắc của Nhất Linh, vì chỉ có Nhất Linh là người trong Phong Hóa, đã từng học năm thứ nhất tại trường. Bài viết ghi công lao của giáo sư Tardieu: “Nền mỹ thuật của nước nhà mà có được cái kết quả tốt đẹp như vậy cũng là nhờ công trình của cụ Victor Tardieu, người đã sáng lập ra nhà trường. Cụ khéo điều hòa hai nền mỹ thuật Âu Á, hết lòng chỉ bảo học trò noi theo cái tinh hoa của mỹ thuật Đông phương lấy đấy làm gốc của sự học.”

Sau đó, tác giả kể đến những tài năng: Nguyễn Phan Chánh đứng đầu về tranh lụa, nhưng “những cái khéo của ông [Nguyễn Phan Chánh] không thể để ta quên được cái tài của các họa sỹ khác. Lối vẽ bằng sơn, ta phải kể đến ông Nam Sơn, ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu”.

“Sơn nữ”, lụa, 41 x 33 cm, khoảng năm 1980. Tranh & ảnh được đăng trong sách “Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn” của nhà sưu tầm/nhà phê bình văn học Thụy Khuê

“Bến Honfleur”. Nguồn: Thuykhue.free.fr

Như vậy, về sơn dầu, từ năm 1932, Nhất Linh đã xếp Lê Thị Lựu ngang tài với Nam Sơn, Lê Phổ, hai bậc đàn anh hơn cô hai lớp, ngay từ khi mới ra trường.

Lê Thị Lựu sinh ngày 19.1.1911, tại làng Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh. Cha là Lê Văn Quế, công chức tòa sứ, mẹ là Nguyễn Thị Quế. Năm 1927, đỗ vào Trường Mỹ Thuật Ðông Dương, khóa III. Năm 1932, tốt nghiệp thủ khoa. Năm 1933, được bổ dạy trường Bưởi. Năm 1934, bà kết duyên với Ngô Thế Tân, kỹ sư canh nông.

Từ năm 1935 đến 1937, bà vào Nam dạy vẽ ở trường Áo Tím (sau này là Gia Long, Nguyễn Thị Minh Khai), vẽ ký họa cho các báo Phụ Nữ Tân Văn, Đàn Bà Mới, ký tên Văn Đỏ. Năm 1938, bà bị lao phải trở về Hà Nội điều trị. Năm 1939, bà dạy trường Bưởi, trường Nữ Sư Phạm (Trưng Vương sau này) ở Hà Nội.

Bà Lê Thị Lựu (nữ họa sỹ đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và chồng, kỹ sư Ngô Thế Tân. Ảnh chụp vào năm ông bà kết hôn với nhau, năm 1935, tại Bắc Ninh. Nguồn: Style-Republik.com

Tháng 3.1940, Lê Thị Lựu theo chồng sang Pháp, làm việc ở sở Canh nông nhiệt đới. Năm 1941, bà sinh con trai duy nhất Ngô Mạnh Ðức tại Paris. Tháng 7.1941, bà xuống Marseille định đáp tàu về nước, nhưng đường thủy đã bị cắt. Lên Nice, bà ở nhà Lê Phổ, gặp lại Mai Thứ. Tháng 7.1942, bà theo chồng đi Phi châu. Năm 1945, bà trở lại Paris, ở nhà Mai Thứ.

Năm 1947, bà dọn nhà về số 41 phố Blomet, quận 15, cùng địa chỉ với Lê Phổ, là nhà của bác sĩ Trấn Hữu Tước nhượng lại. Năm 1953, bà dời về số 10 Impasse Joséphine, Gentilly, ngoại ô Paris. Năm 1956-1958, Ngô Thế Tân về Hà Nội làm việc. Lê Thị Lựu ở lại Pháp, quyết định trở lại với hội họa.

Từ năm 1957, bà tham gia triển lãm thường xuyên ở Galerie Le Chapelin, 41 Faubourg Saint Honoré, Paris. Năm 1959, bà trưng bày tranh tại Salon de l’Union des Femmes Peintres, Sculpteurs et Graveurs, giành được giải nhất. Năm 1971, bà dọn nhà xuống miền Nam, vùng Ðịa Trung Hải, biệt thự An Trang, đường Renaude, làng Spéracèdes.

Bức “Trẻ em nghịch hoa” của Lê Thị Lựu được mua với giá 207.821 USD trong phiên “Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại” của nhà Sotheby’s Hong Kong, diễn ra từ lúc 10h ngày 1/4/2018. Nguồn: Thethaovanhoa.vn

Lê Thị Lựu, Dông tố, lụa, 35x27cm, khoảng 1980. Tranh & ảnh được đăng trong sách “Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn” của nhà sưu tầm/nhà phê bình văn học Thụy Khuê

Năm 1975, Lê Thị Lựu về thăm Hà Nội và cảm thấy nhiều thất vọng. Năm 1979, bà mắc bệnh tim đập không đều (arythmie) nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Ngày 6.6.1988, Lê Thị Lựu đột ngột từ trần vì bị xuất huyết não tại bệnh viện Antibes.

Về tranh sơn dầu, bà vẽ tự nhiên, phi trường phái. Bút pháp sơn dầu của bà đặc sắc, đầy cá tính. Sở trường là chân dung. Bức chân dung người Guinée, vẽ bút chì trên giấy dầu, thời kỳ ở Phi châu (1943) là thành công đầu tiên còn lại dấu vết. Bà đã thể hiện được cái đau nô lệ trong tâm hồn người da đen.

Bức chân dung người Guinée. Tranh & ảnh được đăng trong sách “Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn” của nhà sưu tầm/nhà phê bình văn học Thụy Khuê

Những bức chân dung người cha bằng sơn dầu là những thành công khác, bà đã lột tả được những đau khổ thầm kín của cha già, xa xứ, sống trong một xã hội Tây phương hoàn toàn khác với mình, với người con rể cay nghiệt, không thông cảm, nỗi nhớ nước, nhớ nhà, hiện lên trong đôi mắt buồn rầu nhìn xuống của ông cụ, tạo cho người ngắm tranh một mặc cảm tội lỗi, vì đã không can thiệp.

Chỉ qua vài bức chân dung tiêu biểu, Lê Thị Lựu đã diễn tả được tinh thần người Pháp, đó là điểm bà khác biệt hẳn ba họa sỹ đàn anh. Họ không sống với xã hội Pháp, họ không để ý đến người Pháp, mặc dù có vợ đầm. Chỉ trong một chuyến nghỉ hè về miền quê trung tâm nước Pháp, bà đã vẽ hai bức chân dung toàn bích, còn lại dấu vết, đó là chân dung vợ chồng quê miền Auvergne.

Bà lột được cá tính mạnh mẽ của người đàn bà Auvergne, người Pháp, gốc Ý, và sự an phận của ông chồng tòng phụ, tựa như Nam Cao tả Chí Phèo, Lỗ Tấn tả AQ. Bà thể hiện sự nổi dậy của tuổi trẻ Pháp trong bức tranh Phẫn nộ, vẽ Max, bạn của Đức, con trai bà, trong bức chân dung rất quyết liệt, rất Van Gogh. Tuy chưa sống ba đời trên đất Pháp, nhưng Lê Thị Lựu đã lột tả được dân tộc tính người Pháp qua chân dung, điều mà biết bao nhiêu họa sỹ ngoại quốc sống trên đất Pháp cả một đời không làm được.

Tác phẩm “Phẫn nộ”. Nguồn: Thuykhue.free.fr

Tác phẩm “Bà Cụ vùng Auvergne”. Nguồn: Thuykhue.free.fr

Tranh lụa của Lê Thị Lựu là một thế giới khác hẳn, bà tái tạo xã hội Việt Nam tiền chiến với những đứa bé ngây thơ, những nàng sơn nữ tuyệt đẹp, những người phụ nữ dáng dấp Tự Lực văn đoàn, trong một nghệ thuật ấn tượng toàn bích, vì thế tôi gọi tranh bà là Ấn tượng hoàng hôn. Hoàng hôn, bởi vì khi bà trở lại với hội họa năm 1956, thì trường phái Ấn tượng đã về chiều, không mấy ai vẽ nữa. Bà đem cái hoàng hôn thơ mộng ấy, xây dựng lại một thế giới mới, thế giới Việt Nam của riêng bà, để giới thiệu với bên ngoài.

“Thiếu nữ tắm hồ sen”, lụa, 55 x 46 cm, khoảng 1971-1972. Tranh & ảnh được đăng trong sách “Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn” của nhà sưu tầm/nhà phê bình văn học Thụy Khuê

Tác phẩm “Thiếu nữ và cây đàn thập lục”. Nguồn: Thuykhue.free.fr

Một xã hội có người phụ nữ vấn tóc trần tuổi nửa chừng xuân, có những mỹ nhân dịu dàng như Thúy Kiều đài các trong tiếng đàn tỳ bà, thập lục, có những nàng sơn nữ địu em trong rừng hoa… Thế giới ấy được bà họa lại, dưới nét bút, màu sắc, ánh sáng, thơ mộng, đầy yêu thương của hội họa ấn tượng sắp phôi pha. Lê Thị Lựu đã để lại cho ta một thế giới thứ tư về xã hội Việt Nam, khác hẳn với ba thế giới trước của Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ.

Mẹ và con, khoảng thập niên 1960, mực và gouache trên lụa, 63cm x 49cm / Mèreet Enfant, 1960s, ink and gouache on silk, 63cm x 49cm

Thực hiện: Thuỵ Khuê

Về tác giả:

Nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê là bạn lâu năm của hoạ sỹ Lê Thị Lựu. Từ tháng 6 – 10/2018, tại Paris, ông bà Thuỵ Khuê – Lê Tất Luyện đã trao tặng bộ sưu tập riêng của gia đình cho bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM, gồm 29 tác phẩm cùng nhiều tư liệu hình ảnh, bản thảo thơ, bút tích của nữ danh hoạ (giới thiệu đến công chúng qua triển lãm “Ấn tượng hoàng hôn“).

 


 
Back to top