Còn ngôi sao nào là “sạch sẽ” và “an toàn” ở Trung Quốc?
Trong vài tuần qua, giới giải trí và người hâm mộ Trung Quốc trải qua hàng loạt vụ bê bối kịch tính – chủ yếu đến từ những nhà lãnh đạo trong ngành công nghệ và nghệ sỹ hàng đầu giới giải trí.
Cuộc bê bối này gây ảnh hưởng đến cuộc thanh trừng đang được cho là “thập tự chinh đạo đức” của Bắc Kinh. Xóa bỏ, phong sát, bắt giữ. Câu chuyện đã vượt qua ranh giới riêng của showbiz và khiến chúng ta tự hỏi: Có còn ngôi sao nào là “sạch sẽ” và “an toàn” ở Trung Quốc?
Gây sốc và kịch tính nhất chắc chắn là vụ án của ngôi sao nhạc pop kiêm diễn viên Ngô Diệc Phàm. Anh bị bắt vì tấn công tình dục hàng loạt trẻ em gái vị thành niên cùng đời sống riêng tư bê bối với ma túy. Cuộc phong sát diễn ra ngay sau đó gây ra một làn sóng chấn động; hàng loạt thương hiệu xa xỉ, vốn trước đây tranh giành để được cái gật đầu của Phàm, giờ đây phải xóa bỏ dấu vết của ngôi sao này trên các chiến dịch truyền thông và bài đăng trên mạng xã hội.
Một chân dung khác là Hoàng Húc Hy, một trong những đại sứ của chiến dịch quảng bá dịp Lễ Thất tịch của Gucci. Ngôi sao giải trí này cũng thừa nhận đời sống tình dục có phần phóng túng với người hâm mộ.
Trong lĩnh vực công nghệ, Li Yonghe đã rời bỏ vị trí Giám đốc điều hành của Alibaba Local Services trong một vụ bê bối tương tự, sau khi một nữ nhân viên tố cáo về ăn hóa uống rượu “kinh tởm” của Alibaba. Theo bản tố cáo dài 11 trang này, tại Alibaba, nữ nhân viên thường bị sếp ép đi công tác, uống rượu, đưa vào khách sạn và thức dậy vào sáng hôm sau trong tình trạng khỏa thân.
Sự ô nhục còn đổ dồn lên nam diễn viên Trương Triết Hạn, hiện nằm trong danh sách đen khi đăng tải một bức ảnh tự chụp tại Yasukuni – một đài tưởng niệm chiến tranh ở Nhật Bản, khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ. Hay mới đây, CCTV cũng đưa tin nữ diễn viên gây tranh cãi Trịnh Sảng – gương mặt cựu đại sứ Prada, đã bị phạt 46,1 triệu USD vì không kê khai đầy đủ thu nhập chịu thuế.
Đỉnh điểm, chỉ hai ngày cuối tuần qua, nữ diễn viên hàng đầu Trung Quốc đại lục, Triệu Vy – đại sứ thương hiệu của các nhãn hàng sang trọng như Fendi, Chanel và nhiều thương hiệu danh tiếng khác cũng tiếp tục trở thành cái tên bị “đấu tố”. Tên tuổi của Triệu Vy đã bị xóa khỏi ekip sản xuất hay diễn viên của tất cả các bộ phim và chương trình mà cô từng tham dự. Lý do về việc Triệu Vy bị “phong sát” đến nay vẫn còn mơ hồ.
Còn ngôi sao nào là “sạch sẽ” và “an toàn” ở Trung Quốc?
Những vụ đàn áp, bắt giữ và “xóa dấu vết” các ngôi sao được yêu mến này một lần nữa nhắc nhở người dân Trung Quốc rằng, bất kể một người đang có địa vị cao và danh tiếng lớn đến thế nào cũng có nguy cơ bị “phong sát” trên diện rộng đến mức phải tìm đường quy ẩn – cho dù đó là các CEO công nghệ như Jack Ma hay các ngôi sao nhạc pop được yêu mến như Ngô Diệc Phàm và Triệu Vy.
Ngoài ra, mức độ giàu có đáng kinh ngạc của những người nổi tiếng và các nhà lãnh đạo công nghệ C-suite này cũng đi ngược lại chính sách thịnh vượng chung mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó ông kêu gọi kiềm chế thu nhập cao và phân phối lại của cải. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua “quyền lực mềm” mà những người vừa bị “phong sát” sở hữu – những cái tên kể trên đều có lượng người theo dõi và khả năng hiển thị trên mạng xã hội lớn. Riêng Triệu Vy đã có hơn 85 triệu người theo dõi trên Weibo. Tầm ảnh hưởng trong phát ngôn và đời sống của họ lên lối sống giới trẻ là không thể đong đếm được.
Như một lẽ tất nhiên, cuộc thanh trừng sẽ gây tổn thất lớn đến các thương hiệu, cũng như khiến những tập đoàn quốc tế e ngại khi lựa chọn nghệ sỹ Trung Quốc làm đại sứ thương hiệu. Sau tất cả, rất nhiều nhà lãnh đạo của tập đoàn xa xỉ đang phải đặt ra câu hỏi: “Giá trị thực sự trong việc lựa chọn đại sứ thương hiệu là gì”.
Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, cuộc thanh trừng này đang được cho là tín hiệu tốt cho thương hiệu nội địa, những công ty vốn không thể tìm được đại sứ thương hiệu vì giá tiền phải chi trả khá đắt đỏ. Chưa kể, những cuộc khủng hoảng như thế này càng là cơ hội để các thương hiệu nội địa có thể tìm thấy tiếng nói riêng nếu biết ứng xử khéo léo.