Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Hoả mù Nghệ thuật (Kỳ 2): Nghệ thuật có cần phải PR theo hình thức đa cấp?

Aug 30, 2021 | By Xu

Cá nhân tự PR trình độ nghệ thuật một cách phóng đại, tiếp tay là những tổ chức/cá nhân có ảnh hưởng xã hội quảng bá thông tin mù quáng, thiếu kiểm chứng, tô vẽ “trừu tượng” mập mờ, cắt gọt để tạo luận điểm “đòn bẩy”…Tất cả chúng tương hỗ nhau tạo nên một giá trị ẢO đầy ngạo nghễ và có vẻ rất chính thống. Hậu quả sẽ như thế nào khi một thị trường nghệ thuật thỏa hiệp với chiêu trò tán dương theo hình thức đa cấp?

Tường thuật: 

Nối dòng sự kiện, sau khi chủ đề Hoả mù Nghệ thuật: Khuyến cáo mở về 3 chữ “lạm” của giám tuyển Ace Lê mở ra một cuộc thảo luận công khai và phản biện sôi nổi trên mạng xã hội, nhiều nghệ sỹ không chỉ để lại bình luận mà còn bổ sung những góc nhìn khách quan, trải nghiệm và quan điểm cá nhân. Nổi bật trong số đó là status của nghệ sỹ Trần Lương, thu hút giới nghệ sỹ gạo cội bày tỏ ý kiến. 

Sự thẳng thắn và kiên định đối thoại minh bạch của nghệ sỹ Trần Lương đã nhận được một làn sóng ủng hộ, từ những người thực hành lẫn những ai quan tâm văn hoá-nghệ thuật đơn thuần. Sự kiện đã kéo theo lời kêu gọi về tính trách nhiệm, đòi hỏi sự minh định lập trường của những ai đã từng “quảng bá” văn hoá-nghệ thuật ở dạng “ba chữ lạm” mà giám tuyển Ace Lê đề cập. 

Ở góc nhìn của Luxuo/Art Republik, từ việc khởi xướng cuộc thảo luận về “Hoả mù Nghệ thuật” của giám tuyển Ace Lê, đến quan điểm của một doanh nhân như Facebook-er “Người sưu tập”, và lời đề nghị về một cuộc tranh luận nghiêm túc, trung thực của nghệ sỹ Trần Lương; đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng để hướng tới một thị trường nghệ thuật nội địa phát triển lành mạnh. 

Được sự cho phép của tác giả, xin chia sẻ với độc giả Luxuo/Art Republik góc nhìn của nghệ sỹ Trần Lương, một cái tên không hề xa lạ đối với công chúng yêu nghệ thuật. Anh là một trong những họa sỹ nghiêm túc hướng tới thực hành nghệ thuật trong thời cuộc mới ở thập niên 90, cột mốc mà “nghệ thuật đương đại” còn là một khái niệm trái tai gai mắt.

Sau bài của Ace Le về NFT và một số phản biện liên quan đến hoạ sĩ Phạm An Hải, tôi nghĩ là mọi chuyện đã vừa đủ để rút kinh nghiệm và bổ ích cho con đường phát triển nghệ thuật lâu dài ở Việt Nam.

Nhưng sau đó khá bất ngờ là các tranh luận càng kịch tính và có cả tý căng thẳng. Những thông tin được mọi người chia sẻ cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn ta tưởng và bức tranh toàn cảnh như sau:

Cá nhân loan tin không chính xác => Một loạt báo chính thống đăng các tin sai này mà không thèm kiểm chứng => Các công ty kinh doanh nghệ thuật tiếp tục phát tán tin sai và còn tô vẽ thêm => Các cá nhân có ảnh hưởng xã hội thì trích, cắt gọt các thông tin này để minh hoạ cho những nhận định, luận điểm hay công việc của mình.

Chuỗi hiện tượng trên đã thành một hệ thống!

Và chúng tương hỗ nhau tạo nên những giá trị ẢO mới có vẻ rất chính thống (báo Nhân Dân mà đăng lên thì có tin được không nhỉ?). Và thế là kéo theo rất nhiều người yêu nghệ thuật, nhà sưu tập, công chúng và cả nghệ sĩ tin theo.

Có vẻ khá giống cách kinh doanh đa cấp và không nghi ngờ gì sự việc này là hệ quả của sự suy thoái đạo đức, bịa đặt, đạo nhái – vốn đã là một căn bệnh mãn tính.

Việc đánh tráo chữ nghĩa từ gallery tư nhân lên thành bảo tàng quốc gia là rất đáng ngại, vì chức năng và tầm nhìn của bảo tàng khác rất xa gallery

Thực chất là tôi đã biết nhiều hơn những gì Ace Le đã đưa ra về các chi tiết không chính xác của hoạ sĩ Phạm An Hải! Nhưng tôi chả có thời gian để nghĩ và viết về hội chứng háo danh đang rất phổ biến hiện nay. Tôi luôn giữ khoảng cách với thế hệ hoạ sĩ hiện đại như Hải. Không đối thoại hay quan hệ, không từng làm việc cùng trong quá khứ cũng không cùng khu vực sáng tạo trong tương lai. Không xung đột quyền lợi, danh vị… Nên chưa bao giờ lật ra những chuyện thị phi.

Vả lại, có khá nhiều hoạ sĩ ta khai trong lý lịch chung chung là “có tác phẩm ở nhiều bộ sưu tập và bảo tàng trên thế giới”! Đó là cách nói cho sang miệng, nếu không phát tán, đăng tải lung tung thì chả ai nhắc đến làm gì. Như kiểu, nếu chỉ bắn điếu thuốc lào bay đến mây xanh tự sướng và chả chết ai, thì dư luận đã chẳng chê trách!

Mới đây, một người bạn thân gửi cho link và phàn nàn về bài viết về Phạm An Hải của một người có nick FB là “Người Sưu Tập”, trong đó có đưa thông tin là tác phẩm của hoạ sĩ Phạm An Hải được sưu tập trong các bảo tàng quốc tế khu vực để làm một trong những chứng cớ đòn bẩy cho luận điểm của anh là “master/bậc thầy không phải bàn cãi”.

Tôi chưa hề quen biết “Người sưu tập” ngoài đời, tôi cũng không có dính líu quyền lợi hay mối liên hệ cá nhân với anh nên không phải cân nhắc và cả nể. Theo như một số bài trên Facebook của anh thời gian gần đây thì có thể nhận thấy đây là người có học vấn tốt, lịch duyệt, khá giả và có ảnh hưởng đến giới yêu nghệ thuật, bao gồm cả giới hoạ sĩ. Một người sưu tập tranh có quá trình và đang sưu tập tại thời điểm hiện tại thì chắc chắn có ảnh hưởng, được yêu quý và có “quyền lực” với nhiều hoạ sĩ cả nhóm đủ sống lẫn nhóm còn đang chật vật.

Dù không quan tâm đến thị trường, nhưng tôi nghĩ bụng “cũng cần một thế hệ thực hành sưu tập như người này, sẽ là tác động tích cực cho quá trình hình thành thị trường nghệ thuật nội địa”

Phản biện: “Người sưu tập” có bảo chứng cho nghệ thuật “bậc thầy” của hoạ sĩ Phạm An Hải không? 

Bỏ qua gu thẩm mỹ của một cá nhân vì nhiều nhận định của anh tôi thấy khá chủ quan. Nhưng cũng không cần thiết phải bàn cãi, vì mỗi người sẽ có một thang bậc riêng. Ca ngợi hay chê bai, đó là quyền cá nhân của họ. Xa hơn, nếu họ có thể khẳng định như một nhà phê bình về một tác phẩm hay về một nghệ sĩ nào đó, thì cũng là quyền và trách nhiệm của họ. Chưa kể, nếu phía sau là mục đích để củng cố uy tín và vụ lợi thì cũng là quyền của họ nốt, vì họ sẽ được hưởng hay tự chịu trách nhiệm trước thành bại về uy tín hay quyền lợi kinh tế.

Một bài post khác của “Người Sưu Tập” giới thiệu tác phẩm “Dòng thời gian” (2019) của hoạ sỹ Phạm An Hải mà anh vừa sưu tập, đồng thời đưa thông tin “Hoạ sỹ Phạm An Hải có tranh trong sưu tập rất khắt khe của bảo tàng Quốc gia Malaysia”

Nhưng nếu họ đưa ra những thông tin và khẳng định những điều không chính xác hoặc không có thật, để chứng minh cho những luận điểm và kiến thức của họ thì lại hoàn toàn là chuyện khác! Vì nó sẽ gây hiệu ứng lan truyền tiêu cực, tạo nên hào quang ảo và nhiều người sẽ tin vào cách quảng bá “đòn bẩy” này.

Về những thông tin mà Ace Le chứng minh là đã bị “đánh bóng” quá mức của hoạ sĩ Phạm An Hải thì “Người sưu tập” không nhắc đến và cũng không bàn là nó đúng hay sai trong hai bài viết của anh về Phạm An Hải đăng ngay sau bài của Ace Le. Nhưng anh vẫn khẳng định là hoạ sĩ Phạm An Hải có tác phẩm trong bảo tàng ở Singapore và bảo tàng ở Malaysia như một trong những luận điểm bậc thang để khẳng định trình độ nghệ thuật “bậc thầy không phải bàn cãi” của Phạm An Hải  (Thật tích cực là vài ngày sau thì cụm từ “bảo tàng Singapore” đã được “Người sưu tập” xoá đi trong status vì chắc đã nhận ra sự ảo diệu của nó)

Tôi nghĩ bụng “cũng cần một thế hệ thực hành sưu tập như người này, sẽ là tác động tích cực cho quá trình hình thành thị trường nghệ thuật nội địa”

Đây chính là điều tôi nói là đã biết từ trước: Cả trong cổng dữ liệu điện tử liên thông các bảo tàng mỹ thuật ở Singapore [1] và lời khẳng định của các curator ở SAM – Singapore Art Museum và NGS – National Gallery Singapore đều nói là không có bức tranh nào của Phạm An Hải!

Còn về “Bảo tàng Quốc gia Malaysia Petronas” như hoạ sĩ có nói trong phỏng vấn, thì ở Malaysia không có cái bảo tàng nào tên như trên cả! Cũng không có Petronas Art Museum luôn.

Ở Malaysia chỉ có National Museum nơi trưng bầy về lịch sử, dân tộc và văn hoá quốc gia, mà mỹ thuật ở đây là thứ yếu. Bảo tàng lớn nữa là National Gallery Malaysia là bảo tàng quốc gia không dính gì đến Petronas. Một số gallery lớn có bộ sưu tập riêng (Như kiểu Apricot gallery/Mơ space ở Hanoi). trong đó có uy tín và danh tiếng là Ilham gallery với bộ sưu tập chất lượng cao, mà thực chất đây là một collection đương đại tương đương như một bảo tàng [2]

Bài phỏng vấn hoạ sỹ Phạm An Hải của Giaoducthoidai.vn

Tháng 9.2020, bài phỏng vấn hoạ sỹ Phạm An Hải của Giaoducthoidai.vn cho biết hoạ sỹ có 2 bức tranh tại “Bảo tàng Quốc gia Malaysia Petronas”

Tôi đã từng đăng một số tác phẩm trong bộ sưu tập của Ilham vào tháng 8/2019 [3]; Còn lại thì rất nhiều gallery trong đó có Galeri Petronas [4] là dính đến chữ Petronas và chắc là Phạm An Hải có tranh trong collection của gallery này (gallery vừa mới đóng cửa vì dịch covid-19. Tin mới nhất từ người quản lý bộ sưu tập của galeri Petronas: 1 trong 2 tranh của Phạm An Hải  có tên “Autumn” đang treo ở văn phòng của hãng dầu khí Petronas tại Việt Nam!)

Có vài tờ báo lớn ở Việt Nam đã đăng cụ thể là: hoạ sĩ Phạm An Hải có 1 bức trong bộ sưu tập của Singapore Art Museum, và 2 bức ở Bảo tàng Quốc gia Malaysia Petronas. Trong bài phỏng vấn ở báo Nhân Dân [5a][5b], Hải còn nói có tác phẩm trong cả bảo tàng ở Nhật (!?), mà không nói rõ là bảo tàng nào, nhưng nếu có tên bảo tàng thì sẽ tìm ra ngay. Trên trang báo Nhân Dân còn đăng cả ảnh cô nhà báo ngồi cùng tác giả, điều này minh chứng cho sự nông cạn về nghiệp vụ của nhà báo mảng văn hoá, nhưng lại mắc bệnh hình thức mà không hiểu rằng mình đang giơ mặt ra để bảo chứng cho những thông tin ảo!

Trả lời phỏng vấn của Nhandan.vn về lối đi riêng trong nghệ thuật trừu tượng, hoạ sỹ Phạm An Hải có đề cập rằng các bảo tàng ở Việt Nam, Malaysia, Mỹ, Nhật đã sưu tập tranh của anh. [Biên tập đính chính (09.09.2021): hoạ sỹ Phạm An Hải chỉ trả lời rằng “Bảo tàng Galeri Petronas KCLL (Malaysia), bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế” sưu tập tranh của anh. Và ở Mỹ, Nhật là thuộc trường hợp “các bộ sưu tập lớn”, tức không đề cập có bảo tàng ở Mỹ, Nhật sưu tập tranh]

Vì sao cần chứng thực về “trình độ” bảo tàng?

Nghệ sĩ nói riêng và trí thức nói chung là nhóm người cuối cùng trong xã hội cần bảo trì sự trung thực, trong sáng, không khuất phục và dám phản biện, và đó chính là nguyên khí quốc gia. Nếu họ cũng lươn lẹo, cũng tham lam thực dụng, thì xã hội biết trông vào đâu? 

Việc đánh tráo chữ nghĩa từ gallery tư nhân lên thành bảo tàng quốc gia là rất đáng ngại, vì chức năng và tầm nhìn của bảo tàng khác rất xa gallery.

Với cách làm việc có phương pháp, hệ thống và có tầm nhìn xa. Bảo tàng thực hiện cùng lúc nhiều việc như: sưu tập, lưu trữ, trưng bày, trao đổi triển lãm và tác phẩm, xuất bản, giáo dục, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển… Vì thế cần rất nhiều ban bệ như: kỹ thuật, thiết kế, quảng bá, giáo dục, lưu trữ thư viện, curatorial, production, phục chế, luật di sản, bản quyền, và cần cả nhiều cộng tác viên nữa… Bảo tàng còn đỡ đầu tổ chức các festival đương đại lớn như Biennale, Triennale…. Chất lượng và tiêu chí sưu tập của bảo tàng cũng cẩn thận và khắt khe hơn gallery nhiều (các bảo tàng ở Việt Nam chưa có đủ các ban bệ và chưa làm nhiều việc hỗ trợ và phát triển nghệ thuật như trên!)

Có một số (rất ít) cơ chế mặc định gắn mác “Gallery” trên toàn cầu nhưng không phải gallery thương mại. Các art space này đều là tên tuổi cụ thể, có thông tin minh bạch không nhầm lẫn được, và ai trong giới chuyên môn cũng biết họ là bảo tàng. Rất nhiều nước trên thế giới có National Gallery (phòng trưng bày quốc gia), một số nước phát triển còn có đến vài phòng trưng bầy nghệ thuật quốc gia của từng vùng (như Ý, Anh…). Ở Đông Nam Á thì có National Gallery Singapore, National Gallery Malaysia, National Gallery of Indonesia, National Gallery of Thailand… đều là phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia bảo trợ bởi nhà nước. Hay ở Anh có Tate gallery nay đã thành 2 bảo tàng là Tate Britain (trước đây tên là National Gallery of British Art) và một bảo tàng khác là Tate Modern. Hay Saatchi Gallery đều là tư nhân nhưng chất lượng và danh tiếng toàn cầu, và là niềm tự hào quốc gia.

Chưa kể là các bảo tàng thì cũng có nhiều loại: từ quốc gia, đến khu vực, đến vùng, đến châu lục, đến toàn cầu. Cấp độ cao thấp còn do cá nhân, địa phương, quốc gia khởi xướng, với các định hướng và tầm nhìn khác nhau!

Với một người có vẻ rất văn minh, hay đề cập các vấn đề toàn cầu như “Người sưu tập” thì tôi không nghĩ anh tin vào thông tin của mấy tờ báo “James bond không không thấy” ở Việt Nam. Và nếu muốn tin điều gì thì với tác phong khoa học, anh cũng phải kiểm chứng chứ. Tôi sẽ xin lỗi nếu anh ta giải thích được một cách thuyết phục, còn nếu không thì tôi sẽ suy diễn đây là vì mục đích nào đó không ổn! Và như thế thì về hình thức cũng vấp phải vấn đề như “Cổng Trời” mà thôi!

Cổng Trời hết lời ca ngợi “kiệt tác NFT triệu $ của danh họa Phạm An Hải”. Bức tranh được đưa ra đấu giá ở mức khởi điểm 9999999KAI (theo Cổng Trời là tương đương 1,000,000$), do đó được ghi nhận kỷ lục mới tại Cổng Trời NFT Việt Nam.

Trách nhiệm và nghĩa vụ

Ở đây, chịu trách nhiệm xã hội to nhất là mấy tờ báo chính thống đăng tin rởm! Họ sẽ xử lý ra sao và chịu trách nhiệm như thế nào?

Khác với trước kia, ngày nay, khi trích dẫn tin không chính xác trên mạng xã hội trong thời đại 4.0 thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị đóng trang từ tạm thời đến vĩnh viễn (Bài học của một số người nổi tiếng share và chế biến tin giả mới nóng hổi đây thôi). Đó là chưa nói đến nguồn chủ đăng tin rởm thì tội còn nặng nữa.

Vì thế, các nghệ sĩ và trí thức nói chung cần cẩn trọng trong khi trích dẫn nguồn tin nếu không phải là nguồn tin gốc (vì nguồn gốc mà phao tin sai thì người viết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm)

Nếu họ đưa ra những thông tin và khẳng định những điều không chính xác hoặc không có thật, để chứng minh cho những luận điểm và kiến thức của họ thì lại hoàn toàn là chuyện khác! Vì nó sẽ gây hiệu ứng lan truyền tiêu cực, tạo nên hào quang ảo và nhiều người sẽ tin vào cách quảng bá “đòn bẩy” này

Nghệ sĩ PR cho mình cũng chả sao nhưng cần trung thực. Tiền bạc là rất cần cho sáng tạo nhưng nó cũng có thể chôn vùi sự nghiệp và cuộc sống tươi đẹp. Ba cái danh hão không nâng tầm được tài năng và tư cách. Hơn nữa nếu âm mưu cái gì thì phải nhớ rằng có ngày nó quay lại đớp cho phát là thân bại danh liệt.  

Tháng 2.2020, bài phỏng vấn hoạ sỹ Phạm An Hải của Tienphong.vn cũng đưa tin tác phẩm của anh có mặt ở những nơi danh giá như “Bảo tàng Singapore 2008”, “Bảo tàng Quốc gia Petronas Malaysia 2008”

Nhà báo Hong Dieu Nong bình luận vào post của nghệ sỹ Trần Lương, cho biết “nguồn gốc của hoạ sỹ triệu đô” có thể là từ “link trên thể thao văn hoá”. Nhà báo cũng mong đợi hoạ sỹ Phạm An Hải lên tiếng về sự kiện “Hoả mù Nghệ thuật” này.

Cần một câu trả lời thẳng thắn và trung thực từ các phía liên quan! 

Xin nói rõ là: tôi không bàn và nhận định gì về nghệ thuật của hoạ sĩ Phạm An Hải, mà chỉ bàn về các hiện tượng xã hội của giới nghệ thuật thị giác. Nó có thể là đề tài để các bên liên quan đánh giá, phản biện, minh định và điều chỉnh. Tôi chịu trách nhiệm với những điều mình viết và vui mừng chờ đón những chia sẻ tích cực để những mong cộng đồng nghệ thuật phát triển tốt và khoẻ mạnh. Nhưng tôi cũng không ngần ngại nếu có những phản ứng tiêu cực thậm chí đe dọa vì những điều này cũng là bằng chứng thừa nhận của cái xấu. 

Một số các comment ở trang của “Người sưu tập” chỉ trích các lời bình của nhiều người bên trang của Ace Le là “tấn công cá nhân” và cả ngụ ý Ace Le tư thù cá nhân hay “đố kỵ” với hoạ sĩ Phạm An Hải.

Cần phân biệt rõ là:

1/ “tấn công cá nhân” là chỉ khi công kích vào đối tượng trung thực, trong sáng, bị oan. Còn đã làm sai rõ ràng thì khi lộ ra sẽ bị công luận mổ xẻ và tỏ thái độ là bình thường và đáng phải nhận. Ai bưng bít, quay mặt với cái xấu mới là đáng lên án! 

2/ “tư thù” là chỉ khi có quan hệ ân oán từ trước, có quan hệ làm ăn, lợi lộc, có các liên hệ thân quen, gia đình… Còn không quen biết, không liên quan quyền lợi, không cùng khu vực làm việc và sáng tạo…thì làm gì có “tư” mà “thù”!

3/ “Đố kỵ” là thấy người nào đó hay quá mình không bằng nên sinh ghen ghét. Thực tế vẫn còn các sự thiếu minh bạch thông tin từ phía hoạ sĩ Phạm An Hải, vậy không ai lại đi đố kỵ/ghen là mình chưa xấu hơn đối tượng đó cả!

Không lâu sau khi nghệ sỹ Trần Lương đăng status, “Người Sưu Tập” đã để lại bình luận và hẹn rằng “sẽ có một trả lời đầy đủ với anh [Trần Lương] và cộng đồng. Mọi người xứng đáng được cư xử tốt.”

Nguồn:

[1] Cổng dữ liệu liên thông các bảo tàng mỹ thuật ở Singapore)    

[2] Về Ilham Gallery

[3] FB Tran Luong – BST của Ilham Gallery

[4] Về Galeri Petronas

[5a] Bài phỏng vấn trên Nhandan.vn

[5b] Bài phỏng vấn trên Tienphong.vn (Hiện không còn bài)

Về nghệ sỹ Trần Lương:

Nghệ sỹ Trần Lương (sinh năm 1960) tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1983, đồng sáng lập không gian nghệ thuật Nhà Sàn Studio, và là một trong 5 thành viên của “Gang of Five” – một nhóm nghệ sỹ nổi bật dẫn dắt sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, trong bối cảnh Đổi Mới đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước. 

Cách đây gần 20 năm, Trần Lương còn được biết đến là giám tuyển nghệ thuật đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam (ít nhất tính đến năm 2003). Và mặc dù đã bắt đầu “cái nghề tay trái không lương” này từ khoảng năm 1997-1998, nhưng khi đó, nghệ sỹ Trần Lương chỉ nhận mình là “một tay amateur”.

———-

* Kính mời Quý độc giả tham gia thảo luận:

Tin rằng Quý độc giả sẽ muốn theo dõi sự kiện một cách khách quan và tường minh, Luxuo/Art Republik sẽ lần lượt tường thuật lại các chia sẻ tâm huyết, các quan điểm phản biện và mở ra một cuộc thảo luận sâu trong thời gian tới. Từ ngày 30.08 – 06.09.2021, Luxuo/Art Republik rất mong nhận được mọi câu hỏi, ý kiến đóng góp, lời chất vấn, yêu cầu và đề nghị của độc giả đối với sự kiện này, thông qua email: info@artrepublik.vn

Cùng nhau, đối thoại với tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng, chúng ta sẽ nhìn thấy hướng đi của một nền nghệ thuật đáng tự hào ở Việt Nam. 

———-


 
Back to top