ART & CULTURE

Hỏa mù Nghệ thuật (Kỳ 3): Ý kiến của curator Trần Lương về kinh doanh/đầu tư NFT tại Việt Nam

Aug 30, 2021 | By Trang Ps

Gần đây, vấn đề kinh doanh NFT tại Việt Nam với sự nổi lên của các sàn như Cổng Trời, và sắp tới là AvatarArt có nhiều bất cập, và đã được các curator (giám tuyển) Việt phản ánh trên các trang mạng xã hội. LUXUO vừa có cuộc trò chuyện với curator Trần Lương về đề tài này, từ đó giải quyết một số câu hỏi quan trọng như: tại sao nên/không nên đầu tư vào NFT, NFT có thể hoạt động khả thi tại Việt Nam hay không, làm sao để giới báo chí không tiếp tay cho thông tin giả, và bảo tàng, gallery, giới nghệ sĩ và curator có thể rút ra bài học gì trong vấn đề này.

Theo nhận định của curator Ace Lê, anh cho rằng không nên đầu tư vào NFT do thị trường NFT Việt Nam chưa giải quyết được 3 chữ lạm: lạm dụng thuật ngữ, lạm phát danh xưng và lạm định giá cả. Về ý kiến cá nhân của anh Trần Lương thì sao? Lý do tại sao nhà đầu tư nên/không nên đầu tư NFT tại Việt Nam? 

Hiện thời NFT chỉ phù hợp với các sáng tạo và sản phẩm công nghệ kỹ thuật số. Vì còn những hữu hạn về công nghệ mà hiện nay sự liên quan của NFT với nghệ thuật hàn lâm là chưa thể khả thi!

Ở Việt Nam, chỉ mới có một cộng đồng trẻ sáng tạo sản phẩm new media art liên quan đến thiết kế và Game. Còn số nghệ sĩ làm video art và hình ảnh kỹ thuật số đã xác lập được chất lượng chuyên môn và tên tuổi ở tầm quốc tế là rất ít. Và chỉ dạng nghệ thuật gắn với công nghệ kỹ thuật số này may ra có thể phù hợp với NFT và tạo giá trị kinh tế luỹ tiến nào đó.

Tuy nhiên ngay cả với digital art thì cũng còn rất nhiều khu vực chưa được minh định rõ ràng, và hiện nay việc mua bán NFT trên thế giới phần lớn tồn tại trong giới người nổi tiếng, giới nhà giàu. Nó như một thứ mốt, và là cách thể hiện sự đi trước thời đại của họ khi tập dượt sống trong một thế giới công nghệ cao trong tương lai, nhiều hơn là tính khả thi cho đại chúng.

Có những nhóm nhỏ người trẻ tuổi ở các nước phát triển cũng dùng NFT vào những việc cụ thể, với thoả thuận cụ thể trong công viêc kỹ thuật cao của họ, liên quan đến thiết kế kỹ thuật số, video game, virtual art, computer graphics, computer animation, digital art, interactive art, sound art, Internet art, robotics, 3D printing và cyborg art.

NFT còn có cả khả năng về những lobby giá trị khá bí ẩn cho những mục đích vụ lợi và danh vọng khác.

Còn ở Việt Nam, hầu hết nghệ sĩ vẫn đang làm object art như tranh, tượng. Với dạng tác phẩm này thì không thể có sự bảo đảm nào về giá trị và các cơ chế bảo vệ bản quyền hình ảnh khi cộng tác với NFT. Mà nếu phát triển bán và đầu tư vào hình ảnh của tác phẩm nghệ thuật vật lý, thì sẽ vướng vào một loạt chế tài bản quyền tác phẩm thật và sản xuất vật phẩm lưu niệm du lịch. Chưa kể cao hơn là việc này sẽ động vào sự thiêng liêng của tác phẩm độc bản mà người nghệ sĩ có tư cách coi như hình ảnh đứa con yêu quý của mình bị rò rỉ vung vãi khắp nơi. Không phải lúc nào cũng lấy tiền ra đo giá trị nghệ thuật! Hoặc nếu tác phẩm trong trong sưu tập bảo tàng cũng cần được tiết chế đúng với vị trí và giá trị tinh thần của nó.

Trên mặt bằng chung toàn cầu thì có những loại tác phẩm nghệ thuật vật lý ở ngoài không gian công cộng có thể áp dụng NFT thuận tiện như graffiti art, satirical street art (Banksy’s artwork). Vì chúng đã phá vỡ những điều kiện vật lý của một tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kiểu cũ, bỏ mặc khái niệm tác quyền, cởi bỏ những ràng buộc với tác giả, và luôn là tác phẩm site-specific (tác phẩm sáng tác giành cho 1 nơi chốn cụ thể).

Nhưng ở Việt Nam thì đúng như anh Ace Lê nói, ai bỏ tiền ra mua tác phẩm NFT từ gốc là tác phẩm vật lý, tức là mua “cái bóng dưới ao” cùng “hình ảnh cái biển số” của ngôi nhà, mà nhà thì vẫn của người ta, không có một chút bản quyền sở hữu nào cả! Bỏ tiền mua cái mà người ta có thể tải miễn phí trên mạng! Người bỏ tiền mua chỉ hơn người tải miễn phí hình ảnh của tác phẩm là có thể dùng hình ảnh đó trang trí trên trang ảo của mình hoặc in ra để trang trí thiết kế cho các không gian mình sở hữu một cách hợp pháp mà thôi.

Vì NFT chưa được thừa nhận chính thức trên thế giới, vì thế còn rất nhiều khoảng trống luật và chế tài để bảo đảm hợp pháp cho các bên giao dịch hay bảo vệ quyền lợi người mua và bán nếu có bất đồng hay sự việc phát sinh.

Ngay cả với các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số như Video art chẳng hạn, các nghệ sĩ cũng đã có thể bán một vài still trong phim, hoặc một đoạn rất ngắn cho người mua qua gallery hay NFT để dùng/trưng bày dưới dạng ảnh phân giải cao, néon box hay file cao phân giải để phát qua màn hình.

Thế nhưng:

Bán still video hay đoạn ngắn video như thế nào? Tác giả cần chọn chính xác vị trí toạ độ của still trong tác phẩm, sau đó tái xử lý và đặt kèm theo các điều kiện kỹ thuật và thẩm mỹ rất gắt gao cho người mua biết sẽ trưng bày nó ra sao (instruction for  artwork’s presentation). Người mua mà bầy sai nếu bị phát hiện có thể phạt hoặc thu hồi tác phẩm (vì nghệ sĩ sẽ tự hại mình khi cho khách hàng tự do và họ có thể cho hình ảnh này, hoặc tái chế nó thành phông của một quảng cáo bất hợp pháp chẳng hạn).

Bình thường, tác giả cũng có thể đặt ra số edition (số lượng copy) tuỳ theo thỏa thuận từ 3 đến N bản và chỉ bán trong số đó, số edition càng ít càng quý, chứ không phải phát tán vô độ như tái bản đĩa nhạc hay sách. Vì càng nhiều người sở hữu thì tác phẩm càng nhạt đi cho đến vô giá trị. Như kiểu ai cũng có thế có cái xe máy Wave, nếu mua vào thì oai với ai và đầu tư thì bán cho ai!

Đây là chỉ nói riêng với khu vực bán chác và lợi nhuận, còn nguyên tắc đạo đức và ứng xử với các mảng giáo dục, thiện nguyện, nghiên cứu, phát triển thì nghệ sĩ lại hiến free với các điều kiện kỹ thuật cụ thể.

Binance NFT hợp tác với Jim Thompson và NFKings Productions trong đợt bán Mystery Boxes nhằm kỷ niệm Ngày của Voi vào ngày 12/08/2021.

Nếu các đơn vị NFT Việt Nam vẫn muốn hoạt động ngay bây giờ tại Việt Nam thì điều đó có khả thi hay không?

Tính khả thi rất thấp như nó đã phơi bầy những bất cập.

Những sự khởi đầu với phát minh hay công nghệ mới đều khó khăn hay có vấp váp, cần thời gian để hoàn thiện. Dù thế nào thì ý kiến cá nhân của tôi là NFT có vị trí hiện thực ở một thời điểm thích hợp nào đó trong tương lai gần.

Tuy nhiên vào lúc này, NFT dùng công nghệ blockchain vẫn còn rất hạn chế về dung lượng chuỗi dữ liệu (như anh Ace Lê đã có giải thích trước) nên chưa đủ sức để dung nạp các thông tin đa dạng của tác giả và tác phẩm nghệ thuật.

Tức là chưa có thực chất và chưa đủ khả năng đáp ứng thực tế. Và nếu ai đó chỉ đánh tráo khái niệm một chút thì rất dễ biến tướng thành những việc không tốt cho phát triển nghệ thuật, hoặc có thể bị lợi dụng để lừa đảo.

Tôi cũng là người “mê” công nghệ và luôn cố học, tiếp cận nhằm giúp cho công việc và tác phẩm của mình. Nhưng tôi không biết là những người thành lập và điều hành các công ty NFT này có thực sự nhận thức được trách nhiệm, hiệu quả, tính chính danh và tính bền vững của những việc đang làm hay không? Như qua các lời quảng cáo và cách thực hành quảng bá ban đầu, chúng ta đã nhận thấy một loạt vấn đề mâu thuẫn về tính sở hữu và bản quyền, sự siêu thực về giá. Chưa kể về sự hiểu biết các khái niệm và vai trò của các loại hình nghệ thuật, cách tuyển chọn và vai trò của curator.

“Degradation” của nghệ sỹ Ash Thorp trị giá 68.750 USD. Kể từ đầu năm 2021, Christie’s đã đi đầu khi trở thành nhà đấu giá tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường NFT.

Như anh nhận định rằng chưa nên đầu tư vào NFT Việt Nam, nhưng các nhà sưu tập Việt có thể đầu tư vào NFT quốc tế như thế nào để không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa bịp nào đó ? 

Tôi luôn đứng khá xa với thị trường nghệ thuật vì tôi định hướng làm và phát triển nghệ thuật ở đó với việc sử dụng nguồn hỗ trợ phi lợi nhuận và hỗ trợ tri thức nhiều hơn. Tôi không phải một chuyên gia NFT để có lời khuyên cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tư vào đâu cũng cần kiến thức và tư vấn chứ không riêng NFT! Đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật vật lý cũng bị lừa và giả rất nhiều mặc dù còn có nhiều cơ hội kiểm chứng hơn trên mạng ảo. Nhà đấu giá Sotheby’s cũng bán đồ giả rất nhiều, và đã từng có nhà sưu tập Việt Nam mua cả một bộ tranh giả từ Pháp. Thế nên trước hết phải học để hiểu rõ hình thức và cơ chế của NFT là gì? Thị trường đó đang đi theo hướng nào? Loại hình thức nghệ thuật thị giác nào phù hợp và đang đi lên? Có luật không và ai/công ty nào sẽ bảo vệ mình khi có sự cố? Cơ chế lưu trữ và bảo vệ tác phẩm ảo sau khi đầu tư như thế nào? Có nhìn thấy tiềm năng đầu ra hay không?

Và nếu đã quyết định đầu tư thì nên thuê chuyên gia tư vấn mới có thể thành công.

Anh từng đề cập đến việc một số báo chính thống đăng tin mà không kiểm chứng, nhà báo phỏng vấn họa sĩ nhưng không biết mình đang tiếp tay cho thông tin giả. Vậy theo anh, giới báo chí cần rút kinh nghiệm ra sao trong vấn đề này để họ không bị “vô tình” trở thành nạn nhân hay ngây ngô tiếp tay cho thông tin giả? 

Hiện thực này phản ánh rất rộng các mặt tồn dọng của xã hội Việt Nam.

Gần đây khi xã hội đã minh bạch hơn mới lộ ra có nhiều vụ báo chí lạm dụng quyền hạn, thao túng thị trường và doanh nghiệp. Ở tầm thấp, chúng ta mở đâu cũng thấy đầy rẫy tin bài thổi phồng hàng hoá và doanh nghiệp. Từ việc báo chí có “quyền lực” mới sinh ra cả nạn đóng giả nhà báo! Hiện tượng này chứng minh việc một số phóng viên của các báo chính thống luôn thấy mình có “quyền lực” hơn là họ vốn có. Và trong môi trường nhiều năm, họ đã quen cách lèo lái tin theo định hướng họ “phải” làm, và không loại trừ sau đó là theo cả điều họ muốn.

Có hai vấn đề bất cập rất phổ biến là trình độ chuyên môn về môn nghệ thuật mà họ viết và trình độ nghiệp vụ. Người viết mà không có kiến thức về cái mình viết thấu đáo thì rất dễ bị qua mặt! Thế nên, bảo ngây thơ cũng không đúng, mà là làm việc mà mình không đủ năng lực, làm việc của người khác. Còn nếu bắt buộc phải làm, thì nên chỉ viết về hiện tượng một cách “khô” và cơ học nhất, kiểu tường trình thông tin. Đừng cố nhận định về nghệ thuật, cố tỏ ra ta hiểu biết. Ở các nước phát triển, các nhà báo của bản tin văn hoá chỉ đưa tin “trơ”, hoặc nếu cần, họ trích lời của các nhà phê bình, hay trong sách với nguồn trích dẫn rõ ràng. Còn về nhận định chuyên môn, các báo đều có các nhà phê bình nghệ thuật ruột.

Hai là, với nghiệp vụ báo chí tối thiểu thì cần phải kiểm chứng các tin nào có khối lượng, địa điểm và thời gian rõ ràng! Phải hỏi rõ nguồn gốc thông tin từ nhiều nguồn. Khi phỏng vấn, chi tiết nào người trả lời không rõ thì không nên đưa vào bài.

Không kiểm chứng là vì lười? Vì quá tin người nổi tiếng? Vì sĩ diện cho là mình biết rồi nên hỏi thì ngượng? Vì đang mong chờ thông tin “bắt mắt” như vậy để đưa vào bài cho thuyết phục? Các lý do này đều không thể chấp nhận với một nhà báo đã thề là trung thực khi nhận thẻ nhà báo! Nhưng còn lý do tệ nhất thì tôi đã nhắc ở trên: lạm quyền và chủ quan cho là mình và báo mình đăng lên thì còn ai dám nói ngược?

Không nên coi thường pháp luật và coi thường người đọc! Nếu một bài báo mà đăng tin sai vì bất cứ lý do gì, ngay khi bị xã hội phản biện nếu có đính chính/ sửa bài, người viết phải đề rõ công khai ngay trên bài về lý do tại sao phải đính chính. Nếu không là vi phạm luật báo chí! Chuyện này xảy ra thường xuyên mà cứ ngấm ngầm như không ai biết!

NFT của AI robot Sophia

AI Robot Sophia đang thực hành ‘vòng lặp của quá trình tiến hoá’ trên chất liệu giấy trước khi tác phẩm nghệ thuật NFT của cô được bán đấu giá tại Nifty Gateway. Ảnh chụp bởi Reuters, vảo ngày 16 tháng 3 năm 2021, tại trung tâm nghiên cứu của công ty Hanson Robotics (Hồng Kông).

Nghệ sĩ Phạm An Hải là một ví dụ điển hình trong việc lạm dụng danh xưng và lạm dụng thuật ngữ trong loạt bài về NFT Việt Nam gần đây, nhưng có lẽ ông cũng đồng thời là “nạn nhân” trong vụ việc, do chưa thật sự hiểu NFT là gì mà bị mê hoặc bởi những thuật ngữ/marketing ảo mà các đơn vị NFT tung lên.

Về việc lạm dụng danh xưng và lạm dụng thuật ngữ, anh Hải đã lạm dụng từ trước khi NFT công bố cộng tác với anh ta và nhóm của anh ta. Có rất nhiều chứng cứ trên các báo chính thống (kể cả có báo sửa chữa rồi vẫn tiếp tục mắc).

Còn về anh ta có là nạn nhân hay không vì do chưa hiểu NFT và bị mê hoặc bởi thuật ngữ ảo thì hoàn toàn có thể có!

Nhưng là người trưởng thành, mạnh khỏe và có ý thức nên mọi quyết định trong thoả thuận hợp tác chắc chắn phải được xem xét cẩn thận. Có thể không hiểu hết công nghệ mới mà sơ ý, nhưng những sự lạm danh xưng và giá trị là anh ta chủ động tự nhận về mình. Kể cả nếu bị bên công ty NFT tô vẽ thêm sau lưng thì sau đó anh ta vẫn có thể đề nghị sửa chữa cho đúng ý mình.

Tôi không nghĩ đặt giá 1 triệu đô la Mỹ là “ngây thơ” hay “nạn nhân”. Chưa kể các chức danh khi đã nhận thì phải biết là mình có biết làm curate (giám tuyển) hay không đã. Tôi có thể khẳng định là anh ta chưa biết làm curate, cụ thể như triển lãm ở VCCA hồi năm kia, anh Hải với chức danh là curator nhưng lại treo chính tranh của mình ngay nơi trang trọng nhất của triển lãm! Điều này tối kỵ trong nghề! Nói nôm na là vừa thổi còi vừa đá bóng! Nếu biết mình biết ta thì sẽ không nhận ký những thông tin và chức danh này. Mặt khác, đúng ra, hội đồng của Cổng Trời chỉ là hội đồng thẩm định, vì đâu có gì ở đó để curate! Có thể, họ lạm dụng danh curator, hoặc không hiểu chức năng ấy cụ thể là làm cái gì.

Theo anh, nghệ sĩ Việt Nam nói riêng cũng như các thành tố khác như curator, gallery, bảo tàng… cần đúc rút bài học gì trong vấn đề này? 

Với bảo tàng, gallery, curator và nghệ sĩ sẽ rút ra kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau tuỳ thuộc vào mục đích lợi nhuận (nhưng các viện nghệ thuật và cá nhân trong khu vực phi lợi nhuận không liên quan đến việc này), Bảo tàng cần cẩn trọng hơn và có điều kiện và cơ chế để thẩm định tốt hơn. Còn gallery và nghệ sĩ, họ trước hết cần trung thực, chứ thật khó nói thay cho nhu cầu kinh tế và nhu cầu tồn tại của họ. Về cơ bản mọi tổ chức, nghệ sĩ và curator cũng đều nên có những điều kiện giống như với các nhà đầu tư vào NFT mà tôi nói ở trên ấy.

Lần cuối cùng, GucciGhost được bán với giá 3.600 đô la Mỹ nhưng bây giờ chủ sở hữu đang yêu cầu 16.300 đô la Mỹ.

Được biết, NFT cung cấp cho chủ sở hữu quyền sở hữu tác phẩm, đồng thời quyền sao chép, giống như các tác phẩm nghệ thuật thực tế. Chẳng hạn, ai cũng có thể mua một bản in của Monet, nhưng chỉ một người sở hữu bản gốc. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các nhà sưu tập lại trả tiền cho một thứ có thể dễ dàng sao chép?

Về việc mua NFT cho hình ảnh của tác phẩm nghệ thuật vật lý thì những điều mà công ty NFT cung cấp kia là vô lý, vi phạm luôn bản quyền tác phẩm gốc và hoang tưởng!

Còn với các sản phẩm new media art thì như tôi đã nói ở trên, nếu mua thì có thêm các tiện ích sử dụng hơn người sao chép miễn phí! Vì sao chép miễn phí để dùng vào các việc cá nhân, giáo dục, thiện nguyện, nghiên cứu, phát triển xã hội thì không vướng mắc gì và không ai muốn kiện các việc này. Nhưng người dùng có mục đích và ý tưởng sinh lợi nhuận từ vật NFT, định dùng thành biểu tượng (icon) cho trang kinh doanh của mình, dùng cho một nhân vật hay đồ đạc ảo trong game có thể bán được, định dùng một câu chữ hay hình ảnh để cho vào minh hoạ cho tác phẩm của mình…đều là những ý đồ có lợi cho mình thì nên mua, vì sẽ bảo vệ được mình và không bị chính chủ kiện. Xa hơn còn có thể bán lại được, dĩ nhiên nếu có người cần nó và chỉ trong giai đoạn nó có giá trị sử dụng (nếu có).

Tuy nhiên, phải chuẩn bị tâm lý là việc này rất bất trắc!

Đã có nhiều trí thức, nhà khoa học, các chính trị gia và các nhân vật có trách nhiệm xã hội khác lên tiếng phản đối phát triển NFT trong giai đoạn hiện nay, vì việc giao dịch NFT góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và làm tan chảy Greenland!

Các NFT sử dụng cùng một công nghệ blockchain như một số loại tiền điện tử ngốn năng lượng, và chúng cũng sẽ sử dụng rất nhiều điện. Dĩ nhiên có những cố gắng nghiên cứu để giảm thiểu vấn đề này, nhưng cho đến nay, hầu hết các NFT vẫn bị ràng buộc với tiền điện tử tạo ra nhiều khí thải nhà kính. Đã có những trường hợp các nghệ sĩ quyết định không bán NFT hoặc hủy bỏ các đợt giảm giá trong tương lai sau khi nghe về những ảnh hưởng mà chúng có thể gây ra đối với biến đổi khí hậu.

Trái đất đang nóng lên từng ngày, hậu quả rõ ràng là vụ lụt kinh hoàng ở Đức mới cách đây 2 tuần, chỉ cần nóng lên 1,5 độ nữa, 30% lãnh thổ Việt Nam sẽ ngập dưới lòng biển! Vì tương lai của ngôi nhà chung, hãy cẩn thận với đầu tư của bạn!

———-

* Kính mời Quý độc giả tham gia thảo luận:

Tin rằng Quý độc giả sẽ muốn theo dõi sự kiện một cách khách quan và tường minh, Luxuo/Art Republik sẽ lần lượt tường thuật lại các chia sẻ tâm huyết, các quan điểm phản biện và mở ra một cuộc thảo luận sâu trong thời gian tới. Từ ngày 30.08 – 06.09.2021, Luxuo/Art Republik rất mong nhận được mọi câu hỏi, ý kiến đóng góp, lời chất vấn, yêu cầu và đề nghị của độc giả đối với sự kiện này, thông qua email: info@artrepublik.vn

Cùng nhau, đối thoại với tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng, chúng ta sẽ nhìn thấy hướng đi của một nền nghệ thuật đáng tự hào ở Việt Nam.

———-


 
Back to top