BUSINESS OF LUXURY

Doanh thu các dịch vụ phát trực tuyến không khả quan trong 5 năm tới

Jul 04, 2022 | By Ton Binh

Thị trường Hoa Kỳ bao gồm các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại trong 5 năm tiếp theo, theo báo cáo thường niên của Global Entertainment & Media Outlook của PwC.

Vào năm 2021, doanh thu mà các nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Disney+ và HBO Max… cũng như các nền tảng cho phép người dùng mua hoặc thuê nội dung đã tăng 19.9% so với trước đó năm. Con số đó thật ra đã giảm nhiều so với một đợt tăng trưởng vượt bậc vào năm 2020, khi thị trường tăng 35.6% so với năm 2019.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống mức trung bình 6.8% trong 5 năm tới, khi người tiêu dùng cân nhắc và có chọn lọc nhiều hơn trong việc đăng ký mua/gia hạn các gói đăng ký xem phim trên các ứng dụng. Nguyên nhân đầu tiên được cho là đến từ lạm phát, những bất ổn về kinh tế đang ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu cá nhân là điều không thể tránh. Giờ điều quan trọng trước mắt là cần phải giữ chặt túi tiền trước.

Sau một thời gian bị thất thu vì dịch bệnh thì lạm phát là cú giáng tiếp theo khiến mọi người lo ngại. Điều tác động tiếp theo đến hành vi người tiêu dùng đến từ sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến đang tăng lên. Cụ thể, Disney dự kiến ​​sẽ chi 33 tỷ USD cho nội dung của mình vào năm 2022 và Netflix chi khoảng 17 tỷ USD.

Dù vậy, các chuyên gia nói rằng các công ty phát trực tuyến phải có mục tiêu rõ ràng hơn về những khoản đầu tư đó, nếu không muốn mọi thứ đổ sông đổ biển. Vì mỗi công ty sẽ cần phải cung cấp “giá trị vượt trội” cho người tiêu dùng, trong khi vẫn phải đảm bảo lợi nhuận của hãng để đảm bảo mình vẫn ở trong cuộc chơi. Cuộc chiến của các ông lớn ở một khía cạnh nào đó đang “khích lệ” các khách hàng của mình trở nên khó tính hơn. Vì nay họ có thể thỏa sức chọn cho mình những nội dung chất lượng và hợp với sở thích nhất để đăng ký. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các khách hàng của họ cũng khó có thể trung thành lâu dài vì mọi nội dung xung quanh họ đang ngày một hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, để đối phó lại sự sụt giảm về doanh thu, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến ​​nhiều sự hợp nhất hoặc các mối quan hệ đối tác mới được hình thành giữa những nền tảng trực tuyến hiện tại, cũng như nhiều công ty sẽ bắt đầu thích ứng với mô hình Amazon-esque, trong đó nền tảng sẽ mở rộng để cung cấp nhạc, podcast và nhiều hơn thế với mục đích cá nhân hóa tốt hơn trải nghiệm của người dùng.

Nhìn chung, Hoa Kỳ vẫn là thị trường OTT (Over the Top – dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet) lớn nhất trên thế giới, khi mang lại 29 tỷ USD vào năm 2021 – một sự gia tăng vượt trội so với Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai. Tổng doanh thu ở Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ tăng lên 40.4 tỷ đô la vào cuối năm 2026, với phân khúc dịch vụ trực tuyến video tăng lên 33.6 tỷ đô la trong năm đó. Trong khi đó, thị trường TVOD (Transactional Video on Demand – video giao dịch theo yêu cầu) dự kiến ​​sẽ thu hẹp lại, khi các hãng phim quay trở lại rạp nhiều hơn.

Bài: Trương Huyền My


 
Back to top