BUSINESS OF LUXURY

LUXUO Point: NFT – Thị trường độc lập hay niềm tin “xa xỉ”?

Jul 11, 2022 | By Ton Binh

Dù mới nổi lên khoảng một năm, NFT cho thấy đủ tiềm năng phát triển như một thị trường độc lập nếu nó có thể thoát khỏi cái bóng của tiền điện tử.

Nhiều tháng gần đây, giới đầu tư đặt nghi vấn về sự trở lại của “mùa đông” tiền điện tử. Nỗi lo đó càng hiện hữu vào tuần qua, khi hàng loạt “coin top” tiếp tục trượt dốc. Bitcoin đâm thủng ngưỡng hỗ trợ cứng 30.000 USD/BTC, Ethereum rơi xuống dưới 2.000 USD/ETC. Ngay cả đồng stablecoin như Tether cũng giảm xuống 0,98 USD/USDT lần đầu sau hai năm.

Trong bầu không khí hoảng loạn bao trùm các sàn giao dịch, NFT (Non-Fungible Token) khó tránh khỏi ảnh hưởng. Ngày 8/5, sàn giao dịch NFT OpenSea ghi nhận tổng giá trị giao dịch NFT vỏn vẹn 52 triệu USD, con số thấp kỷ lục kể từ tháng 12/2021 và chỉ bằng một nửa hồi tháng 4/2021. Giá trung bình của mỗi NFT trong bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club giảm còn khoảng 20.000 USD, so với mức 500.000 USD cách đây vài tuần.

Thực tế, thông tin về bong bóng NFT sắp vỡ đã xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông kể từ cuối năm ngoái. Đầu tháng này, Wall Street Journal lại lên tiếng cảnh báo về tình hình ảm đạm của thị trường NFT. Trang tin này trích dẫn thống kê của NonFungile cho thấy lượng giao dịch NFT trên thị trường toàn cầu giảm 92% so với bảy tháng trước.

Tất cả tín hiệu tiêu cực xuất hiện dồn dập mang theo hoài nghi về triển vọng dài hạn của NFT, một thị trường non trẻ nổi lên cùng ngành công nghiệp tiền điện tử.

LUXUO Point: NFT – Thị trường độc lập hay niềm tin “xa xỉ”?

“Cơn sốt” NFT hình thành

NFT hay Token không thể thay thế đại diện cho các tài sản ảo, loại hình phổ biến hiện nay là tác phẩm hội họa, âm nhạc, đồ sưu tầm hay các vật phẩm trong trò chơi. NFT thường được giao dịch bằng tiền điện tử, thông qua hợp đồng thông minh của blockchain. Nhờ metadata mô tả thuộc tính thiết yếu lưu trữ trong sổ cái, chủ NFT có thể chứng minh quyền sở hữu duy nhất đối với tài sản đó.

Ban đầu, NFT được coi như một phần của hệ sinh thái Ethereum. Điển hình là Crypto Kitties, dự án cho phép người dùng mua bán, thu thập và lai tạo mèo ảo, Tháng 12/2017 đánh dấu cột mốc quan trọng, khi các giao dịch Crypto Kitties làm nghẽn mạng Ethereum.

Everyday: The First 5000 Days, tác phẩm nghệ thuật đang nắm giữ kỷ lục của thị trường NFT. Ảnh: BBC.

Nền kinh tế NFT bắt đầu tăng trưởng vào tháng 7/2020. Song phải đến tháng 3/2021, thị trường này mới cất cánh nhờ thương vụ mua bán trị giá 69,3 triệu USD với tác phẩm Everyday: The First 5000 Days trên sàn Christie’s. Qua đó, tác giả Michael Winkelmann, biệt danh Beeple, đã lọt vào danh sách ba nghệ sĩ đương đại có tác phẩm đấu giá cao nhất, chỉ sau Jeff Koons và David Hockney.

Ngoài ra, có thể kể đến một số thương vụ nổi tiếng khác là bộ ba Crypto Punks với tổng giá trị 27 triệu USD, bài đăng đầu tiên của cựu CEO Twitter Jack Dorsey với giá 2,9 triệu USD.

Cuối năm 2021, CoinMetrics ghi nhận hàng ngàn dự án NFT khác nhau ra mắt mỗi ngày. Cũng bởi cơn sốt NFT, số giao dịch hàng ngày trên mạng Ethereum tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm. Ngay cả các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Dolce&Gabbana, Gucci… cũng không thể từ chối miếng bánh béo bở này và rốt ráo phát triển bộ sưu tập NFT; kết hợp công nghệ AR/VR để nâng cao trải nghiệm người dùng trên metaverse của riêng họ.

“Ba năm trước, khi nói về câu chuyện mua NFT sẽ có một nhóm người phản bác rằng chúng thật ngớ ngẩn và vô giá trị”, Griffin Cock Foster, đồng sáng lập sàn giao dịch Nifty Gateway chia sẻ với Business Insider: “Điều thay đổi chỉ sau hai năm là số lượng người tin tưởng và tham gia thị trường này tăng chóng mặt. Chính chúng tôi cũng bất ngờ về sự phát triển của NFT”.

Theo DappRadar, 25 tỷ USD đã được rót vào thị trường NFT riêng trong năm 2021, con số thậm chí còn vượt qua doanh thu của phòng vé toàn cầu. Tại Việt Nam, dự án Axie Infinity của Sky Mavis cũng gây chấn động khi gọi vốn thành công 152 triệu USD và thu về 1,3 tỷ USD cùng kỳ.

Mối quan hệ phức tạp với tiền điện tử

Mối quan hệ giữa NFT và tiền điện tử giống như cha và con. Ở giai đoạn sơ khai, NFT được định giá dựa trên giá trị của các đồng tiền điện tử. Đấy là cho đến khi nó thực sự trưởng thành và có thể bứt phá.

Trong QI/2022, thị trường tiền điện tử bắt đầu dấu hiệu trượt dốc lại là giai đoạn cực thịnh của NFT. Minh chứng rõ ràng là sàn giao dịch OpenSea ghi nhận doanh thu kỷ lục 5 tỷ USD vào tháng 1/2022. Điều đó nhen nhóm cuộc tranh luận về việc liệu có mối tương quan ngược giữa thị trường NFT và tiền điện tử: Khi tiền điện tử phi mã, giá trị của NFT sẽ đi xuống và ngược lại.

Số ít tài liệu nghiên cứu chuyên nghiệp (do thị trường NFT hầu như chưa tồn tại vài năm trước) cho thấy những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong nghiên cứu Is Non-Fungible Token Pricing Driven by Cryptocurrencies, Giáo sư Michael Downing của Đại học Dublin mô tả như sau: “Bất kỳ ai tham gia thị trường NFT cũng nhận thức được sự giao thoa mạnh mẽ giữa NFT và tiền điện tử”.

Quan điểm của Downing một phần dựa trên việc cần sở hữu tiền điện tử để mua NFT. Việc làm quen với phương thức thanh toán phức tạp hơn là rào cản không nhỏ đối với nhiều người.

Instagram thử nghiệm tính năng chia sẻ NFT từ tháng 5/2022. Ảnh: Engadget.

Nhưng các nền tảng trực tuyến lớn như eBay, Reddit, Instagram đều công bố kế hoạch tích hợp NFT và úp mở khả năng cho phép dùng tiền pháp định giao dịch. Nếu thành sự thật, động thái của các ông lớn công nghệ sẽ đưa NFT dần thoát khỏi cái bóng của tiền điện tử. Còn hiện tại, thị trường NFT và tiền điện tử vẫn giữ mối liên hệ mật thiết. Hơn nữa, NFT luôn cần nền tảng blockchain như Ethereum hay Solana để hoạt động.

“So với tiền điện tử, mức độ lan tỏa của NFT thấp hơn nhiều”, Downing cho biết thêm. “Nhưng kể cả khi NFT có sức lan tỏa hạn chế, hai thị trường này vẫn có những điểm khác biệt”.

Nghiên cứu The non-fungible token (NFT) market and its relationship with Bitcoin and Ethereum xuất bản hồi tháng 6/2021 cũng có chung quan điểm với Giáo sư Downing. 

“Giá trị của tiền điện tử giảm đồng nghĩa với sức mua đi xuống. Nó có khả năng làm suy yếu thị trường NFT”, nhóm chuyên gia của Blockchain Research Lab viết. “Ngược lại, khi tiền điện tử tăng giá, mọi người sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư mới hoặc thay thế. Điều này đặc biệt hợp lý trong trường hợp của ETH, mệnh giá tiêu chuẩn đối với NFT”.

Tuy nhiên, cả hai nghiên cứu trên đều căn cứ vào dữ liệu nửa đầu năm 2021. Số liệu thống kê công bố sau đó đã chỉ ra mối tương quan không nhất quán giữa NFT và tiền điện tử.

Thị trường độc lập hay niềm tin “xa xỉ”

Hồi tháng 2/2022, công ty nghiên cứu thị trường blockchain CoinMetrics đã xem xét mối tương quan giữa giá ETH và khối lượng giao dịch trên OpenSea để kiểm chứng xem giá ETH tăng có làm giảm doanh số NFT hay không.

So sánh mối tương quan giữa giá ETH và khối lượng giao dịch trên sàn OpenSea. Ảnh: CoinMetrics.

“Nhìn vào dữ liệu, có vẻ như không có mối tương quan nhất quán giữa khối lượng bán ra của OpenSea và giá ETH”, CoinMetrics nhận xét. “Dường như NFT là thị trường tương đối độc lập và phần lớn có thể tách biệt với những gì còn lại của thị trường tiền điện tử”.

DappRadar cũng kết luận rằng NFT phản ứng với các yếu tố vĩ mô, khác với phần còn lại của thị trường tiền điện tử. Báo cáo hồi tháng 1/2022 của công ty viết: “NFT có vai trò không thể phủ nhận trong cả metaverse và câu chuyện đầu tư kiếm lời”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác vẫn nhìn nhận ra mô hình giữa thị trường NFT và tiền điện tử. Họ lập luận khi giá Bitcoin và Altcoin giảm, dòng tiền sẽ chảy vào NFT. Nguyên nhân bởi giới đầu tư muốn tìm kiếm một kênh khác để chốt lời hoặc theo đuổi lợi nhuận lớn hơn; hoặc đơn giản vì mua bán NFT là cuộc chơi thú vị trong giai đoạn hỗn loạn của thị trường.

Dựa trên khối lượng giao dịch hàng ngày của OpenSea, CoinDesk đã xác định hai đợt tăng giá chính của NFT cho đến nay. Đầu tiên là khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, trước khi giảm vào tháng 9/2021. Đợt thứ hai là giữa tháng 12/2021 cho đến lúc đạt đỉnh vào đầu tháng 2/2022.

Ở đợt một, khối lượng giao dịch NFT bắt đầu tăng vào tháng 7, khi giá BTC ở mức thấp. Cả hai bắt đầu tăng vào tháng 8, trước khi giảm vào tháng 9/2021. Mối tương quan ngược chỉ thể hiện ở đợt tăng giá NFT thứ hai, khi khối lượng NFT bùng nổ còn Bitcoin và Altcoin giảm mạnh.

Rõ ràng, còn quá sớm để khẳng định NFT đã phát triển như một thị trường độc lập với tiền điện tử. Lennart Ante, nhà đồng sáng lập Blockchain Research Lab, nhận định: “Sự bùng nổ của thị trường NFT trong tháng đầu năm 2022 chủ yếu do sự cường điệu và nỗi lo sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Nó còn chặng đường dài để đi và bạn không thể đoán trước nó sẽ lớn tới mức nào”.

Tương lai phụ thuộc metaverse

NFT là thị trường non trẻ, nhưng không phải vô cơ khi tin rằng nó đã sẵn sàng cho một cuộc chuyển tiếp. Để so sánh, NFT giống như cậu thanh niên nổi loạn, khao khát tách khỏi tiền điện tử để đi theo con đường của riêng mình.

Để phát triển như hiện nay, NFT cũng như các xu hướng như ICO, DeFi… cần một bong bóng đủ lớn như điểm tựa để nâng cao vị thế trên thị trường tiền điện tử vốn đầy biến động.

Bất chấp NFT hạ nhiệt trong thời gian gần đây, Gauthier Zuppinger, Giám đốc điều hành NonFungible, khẳng định trên Fortune “các trang tin không thể đưa ra kết luận thị trường NFT đang sụp đổ” và họ đã “hiểu lầm khi phân tích dữ liệu của chúng tôi”.

Báo cáo QI/2022 của NonFungible cũng trấn an giới đầu tư rằng thị trường NFT chậm lại hoàn toàn có thể dự đoán được, đặc biệt sau năm 2021 bùng nổ. Việc tạm ngừng để “hít thở” là tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành công nghiệp.

Tương tự, chuyên gia kinh tế học Ethan McMahon từ Chainalysis cũng phủ nhận dự đoán về sự sụp đổ của thị trường NFT. Ông giải thích rằng NonFungible chậm hơn đơn vị khác trong việc thống kê doanh thu từ Otherside. Bộ sưu tập NFT bất động sản ảo trên metaverse Bored Ape Yacht Club đã giúp Yuga Labs xác lập thương vụ kỷ lục trị giá 1,5 triệu USD cho một mảnh đất Otherdeed chỉ sau 10 ngày ra mắt, kể từ cuối tháng 4/2022.

Năm nay, số lượng dự án NFT tung ra thị trường cũng giảm đáng kể so với năm 2021. Khối lượng giao dịch NFT chủ yếu sinh ra từ các dự án “blue-chip” đáng tin cậy như CryptoPunks, Bored Ape Yacht Club… Sự thay đổi đó phản ánh việc thị trường NFT đang trải qua thời kỳ tự thanh lọc.

“NFT đang bước vào một trong nhiều giai đoạn trưởng thành”, Mason Nystrom, chuyên gia phân tích cấp cao tại Messari khẳng định. “Chúng tôi đã trông đợi điều này và tin rằng đó là sự phát triển bình thường của một công nghệ như vậy”.

Nike xâm lăng thị trường NFT qua thương vụ thâu tóm startup RTFKT, đồng thời tạo ra metaverse NikeLand trong trò chơi Roblox. Ảnh: Nike.

Cuối cùng, NFT đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển metaverse lý tưởng. Nó được coi như chìa khóa mở cánh cổng truy cập vào thế giới kỹ thuật số, cung cấp cơ hội cho người dùng và các công ty luân chuyển tài sản, dịch vụ liền mạch giữa hai thế giới. NFT cũng góp phần tạo nên nền kinh tế mở và minh bạch dựa trên blockchain.

Andrew Steinwold, đồng sở hữu Sfermion và là nhân vật lọt vào danh sách Fortune NFTs 50, phát biểu trên Business Insider: “NFT là mảnh ghép còn thiếu của câu đố. Giờ đây, khi nó đã được tìm ra, metaverse sẽ trở thành sự thật”.

Như đã đề cập ở phần đầu, hàng loạt ông lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau; từ Google, Meta, Microsoft đến Nike, Adidas, Prada; đã đầu tư hàng tỷ USD cùng nguồn nhân lực khổng lồ theo đuổi metaverse. Ngay cả các nhà phát triển NFT như Yuga Labs cũng không giấu diếm tham vọng đưa các tác phẩm NFT từ sàn OpenSea tới thế giới thực.

“Thật khó để xác định thương hiệu nguồn gốc metaverse, nhưng chúng đã làm được những điều thực sự thú vị. Đó là thu hút người dùng bằng trải nghiệm, thưởng cho họ bằng NFT, mang lại cảm giác cộng đồng và cho phép người dùng thể hiện họ chính là tương lai”, Steinwold chia sẻ khi đề cập đến một số dự án NFT như Bored Ape Yacht Club, Doodles và RTFKT.

Song cho đến khi metaverse thành hiện thực, thị trường NFT phải tiếp tục phát triển, khắc phục những yếu điểm cố hữu về tính an toàn, ổn định, bền vững và cả phí giao dịch (gas) cao đến phi lý.

Từ Vũ 


 
Back to top