Không gian sống

Bài toán kiến trúc: Những chất liệu xây dựng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe

Aug 10, 2022 | By Trang Ps

Một nghiên cứu toàn diện đã xác định 55 hóa chất được sử dụng trong xây dựng có thể gây hại cho sức khỏe. Thuật ngữ “hội chứng tòa nhà ốm yếu” (sick building syndrome – SBS) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận vào năm 1982. Tất cả những vấn đề này đã đặt ra nhiều thách thức mới trong kiến trúc, bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến người cư trú và người xây dựng.

Trong mũi có hai loại dây thần kinh đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe của chúng ta. Các dây thần kinh khứu giác và sinh ba nắm bắt mùi và gửi thông tin đến não. Hệ thống này liên lạc với vỏ não, chịu trách nhiệm về nhận thức có ý thức về mùi, cùng với hệ thống limbic, điều khiển tâm trạng và cảm xúc vô thức. Đây là cơ chế bảo vệ của cơ thể nhằm chống lại mùi hôi, mùi khó chịu hoặc nồng nặc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác lẫn tinh thần chúng ta.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chất ô nhiễm đều có thể được phát hiện thông qua hệ thống tinh vi này. Chúng có khả năng ngấm ngầm ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta. Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng không khí có thể khá kém và thậm chí đáng lo ngại ở nhiều môi trường nhà ở. Điều này thường đến từ nguyên nhân không gian thiếu thông gió, ô nhiễm bên ngoài và các chất gây ô nhiễm sinh học. Nhưng chủ yếu các chất ô nhiễm hóa học đến từ các nguồn bên trong, tức những vật liệu xây dựng được sử dụng trong ngôi nhà. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể chúng ta nên tránh sử dụng một số sản phẩm, vật liệu xây dựng có hại.

Chất lượng không khí trong nhà từng ít được quan tâm, nhưng nó đã trở nên phổ biến gần đây, thậm chí xuất hiện trong các chứng nhận và công bố sản phẩm. Thuật ngữ “hội chứng tòa nhà ốm yếu” (sick building syndrome – SBS) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận vào năm 1982, được sử dụng để mô tả những tình huống trong đó người cư ngụ trong tòa nhà gặp phải những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng cũng như sự thiếu thoải mái liên quan trực tiếp đến thời gian ở trong nhà. Mệt mỏi, đau đầu và chóng mặt là một trong những triệu chứng phổ biến nhất. Khi khoảng 1/5 số người cư ngụ phàn nàn về điều này, tòa nhà được coi là “bị bệnh”.

Nhiều vật liệu xây dựng chứa các hóa chất đáng lo ngại có thể dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Một số tác động ngắn hạn bao gồm dị ứng da, kích ứng mắt, ngứa họng và hắt hơi, trong khi các tác động lâu dài có thể bao gồm hen suyễn, ung thư, vô sinh…

Một nghiên cứu toàn diện đã xác định 55 hóa chất được sử dụng trong xây dựng có thể gây hại cho sức khỏe. Những hóa chất chính và phổ biến nhất là:

1/ Amiăng (Asbestos)

Amiăng hình thành từ các sợi siêu nhỏ, được sử dụng trên một số bề mặt trong xây dựng dân dụng, chẳng hạn như tấm lợp, bể chứa nước, trần nhà, vật liệu cách nhiệt… Ví dụ, nó đã từng được sử dụng trên mái công trình Neue Nationalgalerie tại Đức, và gần đây mới được cải tạo thay thế. Việc sử dụng amiăng bị cấm ở nhiều quốc gia vì những sợi vật liệu này khi đi vào đường hô hấp có thể gây ra các bệnh như u trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng và một số loại ung thư khác.

2/ Volatile Organic Compounds (VOC)

Ngôi nhà này với vật liệu gỗ tự nhiên có không gian thông thoáng ra khu rừng bên ngoài, một giải pháp kiến trúc nhằm tiết kiệm năng lượng tối đa.

VOC được thải ra bởi một loạt các sản phẩm, chẳng hạn như sơn, vecni, ván tường, gạch lát, đồ nội thất, và thậm chí cả các sản phẩm tẩy rửa, keo và chất kết dính… Chúng là những chất biến thành khí khi tiếp xúc với khí quyển và việc tiếp xúc với chúng có thể gây dị ứng da, kích ứng mắt hoặc đường thở, đau đầu, thậm chí khó thở và mất trí nhớ. Chúng thường có thể được cảm nhận thông qua khứu giác. Trong thời gian dài tiếp xúc, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có thể gây tổn thương gan và hệ thần kinh trung ương.

3/ Đồng asenat mạ crom (CCA)

Nhà gạch thoáng mát này đã tận dụng được yếu tố hòa hợp với tự nhiên, một biểu tượng của kiến trúc Nam bộ.

Chất bảo quản gỗ dựa trên các kim loại crom, đồng và asen, được sử dụng để ngâm tẩm các miếng gỗ, chủ yếu thông qua kỹ thuật hấp tiệt trùng. Các sản phẩm gỗ được xử lý bằng CCA có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người, do sự rửa trôi và tích tụ các kim loại này, đặc biệt là asen, từ gỗ ra môi trường. Các mô bị ảnh hưởng có thể bao gồm não, phổi, gan, dạ dày, lá lách, thận và các cơ quan sinh sản.

4/ Chì

Trong xây dựng, chì thường được sử dụng cho mái nhà, phào chỉ, lót bể và ống luồn dây điện. Nó cũng được sử dụng trong một số loại sơn trong các tòa nhà cũ. Chì là một chất độc hại tích lũy và dai dẳng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi hít phải hoặc ăn vào một lượng quá mức, chì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ sinh sản, máu, thận và gây ra các vấn đề về tiêu hóa, trí nhớ và khả năng tập trung, đau cơ và khớp.

5/ Formaldehyde

Ngôi nhà Nhật Bản này có khoảng thở lớn từ bên trong. Bảng màu vật liệu giữ ở mức tối thiểu, bao gồm bê tong, tấm lớn lát gạch, kính và sàn gỗ cứng, phù hợp với phong cách kiến trúc tối giản.

Formaldehyde là sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy và các quá trình tự nhiên khác. Nó có thể được tìm thấy trong nhiều loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là các sản phẩm gỗ composite và vật liệu cách nhiệt. Nó xuất hiện trong nhiều vật liệu khác, trong các tấm ván dăm, ván ép và gỗ MDF. Hít phải nó có thể gây kích ứng phổi, mắt, da, mũi và màng nhầy, cũng như viêm da, hen suyễn và viêm mũi.

Ngoài những thành phần này, nhiều thành phần khác trong vật liệu xây dựng có thể gây rủi ro cho sức khỏe của người sử dụng và chủ yếu là của những người xử lý chúng trong quá trình xây dựng. Nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn của từng loại vật liệu là điều cần thiết để đưa ra quyết định xây dựng bền vững. Việc tìm hiểu danh sách thành phần chi tiết của từng sản phẩm sẽ giúp bạn đưa ra quyết định cẩn trọng hơn.

(Theo Archdaily)


 
Back to top