Sống / Nội thất

Alex Kerr và nghệ thuật hồi sinh kiến trúc cổ Nhật Bản

May 11, 2020 | By Stephanie Nguyen

Cuộc cải cách mà Alex Kerr tạo nên cho ngôi nhà nông thôn phong cách Nhật từ thế kỷ 18 của mình đã thổi bùng lên một cuộc cải cách khác trong kho tàng kiến ​​trúc truyền thống.

Ngôi nhà Nhật Bản truyền thống đầu tiên được Alex Kerr cải tạo Chiiori nhìn từ bên ngoài. Ảnh : Alex Kerr

Nhà nghiên cứu Nhật Bản, Alex Kerr, từng mơ ước về việc sở hữu một tòa lâu đài cho riêng mình từ năm mới sáu tuổi. Ông nhớ cha mình từng nói: “Con hoàn toàn có thể tự mua cho mình một tòa lâu đài, khi lớn lên.” Và Kerr đã hoàn thành mơ ước ấy ở tuổi 20. Tuy nhiên, tòa lâu đài của ông không phải là một pháo đài đồ sộ như trong tưởng tượng của nhiều người, mà là một căn nhà mái tranh đang xuống cấp nằm lọt thỏm trong thung lũng Iya, vùng nông thôn hẻo lánh của Nhật Bản. Kerr không những đem lại sự sống cho căn nhà cũ đang mục nát mà ông yêu mến đặt cho cái tên Chiiori (nhà cây sáo), mà còn đem lại sự sống cho một văn hóa Nhật Bản truyền thống đang bên bờ vực tuyệt chủng.

Kerr đã trở thành chuyên gia kiến ​​trúc bản địa, cảnh quan nông thôn và cảnh văn hóa nghệ thuật của Nhật. Ông chia sẻ: “Từ giữa những năm 1960, Nhật Bản trải qua sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Dân di cư từ khu vực nông thôn đến các thành phố lớn ngày càng đông. Hàng triệu ngôi nhà xinh đẹp như Chiiori bị bỏ hoang (gọi là akiya).”

Kerr bắt đầu sứ mệnh bảo tồn những ngôi nhà mục nát gần nửa thế kỷ trước. Đến nay, ông đã cải tạo được 44 ngôi nhà truyền thống, biến hầu hết thành tài sản cho thuê để thúc đẩy kinh tế địa phương. Sau đó, nhà thiết kế sinh ra ở Mỹ này bắt đầu cuộc tái thiết nhà hoang tại những vùng đất khác. Năm 1993, Kerr xuất bản cuốn sách đầu tiên, Lost Japan, là lời than thở của chính tác giả về sự thất lạc văn hóa bản địa của nước Nhật trong thời hiện đại.

Căn phòng có bếp âm cổ điển. Ảnh: Alex Kerr.

Là con trai của một sĩ quan hải quân Mỹ, Kerr đến Nhật Bản lần đầu tiên vào những năm 1960. Ông nhớ lại: “Vào mùa đông, phụ nữ Nhật sẽ mặc kimono và đi xe điện, còn tôi ngủ thiếp đi trong tiếng dép geta gỗ lộc cộc trên đường.” Kể từ khoảnh khắc đó, cậu bé Kerr 12 tuổi đã bị mê hoặc bởi những ngôi nhà cổ lúc bấy giờ vẫn còn có người ở. “Khi nhìn từ bên ngoài, những bức tường vững chắc sẽ không cho bạn bất kỳ manh mối nào về những gì bạn sẽ tìm thấy bên trong. Mỗi ngôi nhà được thiết kế để hiển lộ theo từng giai đoạn, giống cách bạn mở một cuốn sổ tay vậy.”

Khi thời gian công tác của cha kết thúc, Kerr quay lại Mỹ và theo học ngành Nhật Bản học tại Yale rồi ngành Trung Quốc học tại Oxford. Năm 1971, ông trở lại Nhật Bản dưới vai trò sinh viên trao đổi. “Tôi đã đi dọc đất nước và vô tình tìm thấy Thung lũng Iya, một trong những hẻm núi sâu nhất của Nhật Bản. Các vách đá cao chót vót như những hòn ngọc chạm khắc. Khi sương mù tỏa ra từ thung lũng, bao phủ lấy những ngôi nhà tranh nằm rải rác trên sườn dốc đứng, cảnh tượng đẹp hệt như một bức tranh mực tàu.”

Vẻ ấm cúng bên trong căn nhà về đêm, sau khi được Alex Kerr dựng vách ngăn.

Thung lũng Iya từng là vùng đất bí ẩn nằm ở phía đông đảo Shikoku, hòn đảo ít được biết đến nhất trong số bốn đảo lớn tại Nhật Bản. Shikoku được bao quanh bởi những ngọn núi và rừng rậm. Từ thế kỷ 12, nơi đây trở thành một tòa thành tự nhiên cho những người tị nạn chính trị và vẫn cô lập cho đến khi tuyến đường đầu tiên được xây dựng vào những năm 1920. Khi Kerr đến đây vào đầu những năm 1970, phần lớn lối sống truyền thống vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù phong trào dịch chuyển đến thành phố đã bắt đầu. Kerr kể lại: “Nông dân vẫn làm việc trên cánh đồng trong những chiếc áo mưa dệt bằng rơm như trong những bộ phim samurai và nấu ăn bằng lò sưởi ẩn dưới sàn nhà.”

Kerr đã dành sáu tháng lùng sục khắp nơi và tìm hiểu. Những ngôi nhà ở đây cũ đến độ chỉ cần đẩy nhẹ cửa chớp bằng gỗ đã bung bản lề là ông đã có thể lẻn vào và chiêm ngưỡng bên trong. Tất cả những gì vốn là đặc trưng của cuộc sống Nhật Bản trong cả thiên niên kỷ đã bị bỏ lại phía sau trong chớp mắt. Một số ngôi nhà tráng lệ bị bỏ hoang và mục nát. Những căn biệt thự sang trọng ngả màu theo thời gian. Những mái hiên rộng đến hai mét bao quanh ngôi nhà giờ chỉ còn là kiến trúc được nhìn thấy tại lâu đài Nijō ở Kyoto. Những tấm ván sàn dày hơn 10cm làm từ gỗ keyaki quý giá.

Cuối cùng, ông tình cờ đến với trang trại tồn tại từ thế kỷ 18 tại thôn Tsurui. Trang trại này chứa đựng tất cả những gì ông tìm kiếm: sàn gỗ đen cháy, lò sưởi chìm, trần nhà hình vòm và mái bằng tranh. Ông đã mua mảnh đất chỉ với 1.300 USD, vì ngôi nhà bị cho là không còn giá trị. Sau đó, Kerr bắt tay vào quá trình phục hồi đầy kỳ công từ năm 1973.

Bước đi đầu tiên là làm thế nào để biến một không gian cũ kỹ trở thành nơi có thể sống được. Theo lối kiến trúc truyền thống, căn nhà gần như không có tường, mà chỉ như một gian hàng ngoài trời, mặc cho nắng gắt và gió thổi. Để tránh lạnh vào ban đêm và đem đến sự riêng tư, Kerr đã chia không gian thành các phòng nhỏ bằng cửa trượt giấy shoji hoặc fusuma. 

“Khi tôi mua Chiiori, căn nhà có những cánh cửa gỗ màu đen rất nặng và khó di chuyển. Sau khi loại bỏ chúng, không gian được mở rộng đáng kể.” Kerr ví việc sắp xếp lại nội thất giống như giải ô chữ, với những gợi ý đến từ phong cách xử lý ánh sáng của người Nhật. “Nhà cổ Nhật Bản có màu đen đặc trưng. Bất cứ ai từng sống ở đây đều biết cảm giác như thể đang lặn dưới bể sâu mỗi khi đặt chân vào nhà.” Do đó, Kerr đã sử dụng đèn lồng công suất thấp để giữ lại phong cách chiaroscuro truyền thống, nhưng tận dụng kính hai lớp từ sàn đến trần để mang lại dáng vẻ hiện đại và góc nhìn toàn cảnh ngoạn mục cho căn nhà.

Kerr đã phải vật lộn một khoảng thời gian để giúp căn nhà đạt được vẻ đẹp tối giản. Bởi mặc cho phong cách tối giản là điển hình của Nhật Bản, thì vùng Iya vẫn quyến rũ Kerr với cả một kho tàng thủ công mỹ nghệ dân gian đồ sộ. Quá trình sửa chữa cấu trúc tốn rất nhiều công sức, Kerr phải vận chuyển vật liệu từ khoảng cách một giờ đi bộ. Nhưng việc cải tạo mái nhà dột nát mới là công việc rắc rối nhất. Để thay thế 1.440 bó tranh dùng để lợp mái còn tốn kém hơn việc mua hẳn một ngôi nhà khác và tháo dỡ mái để lắp cho Chiiori.

Cây cầu dây nho nối từ Thung lũng Iya đến nơi Chiiori tọa lạc.

Mái nhà tranh Nhật Bản được làm bằng một loại cỏ gọi là susuki, sau khi được cắt và buộc lại thì gọi là kaya. Ngày đó, mỗi ngôi làng đều có một cánh đồng cỏ riêng. “Cỏ tranh vốn không đắt, nhưng khi mái tranh bắt đầu được thay thế bằng mái thiếc hoặc nhôm thì giá của loại cỏ này tăng vọt, đến nỗi người ta chỉ có thể thấy chúng trong đền thờ, quán trà và các địa danh văn hóa lớn. Điều trớ trêu là cỏ tranh không biến mất vì giá đắt, mà chính vì chúng đang ngày càng hiếm nên mới có mức giá như vậy. Cỏ tranh cũng giống những thợ thủ công Nhật Bản truyền thống, ngày càng khó tìm. Tất cả thợ thủ công từ thợ làm kimono, sơn mài, gốm sứ và làm cỏ cuộn mà tôi biết đều đang ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” và không có thế hệ tiếp nối”, Kerr buồn bã chia sẻ.

Năm 2004, với kinh nghiệm làm việc cho công ty bất động sản Trammell Crow tại Mỹ, Kerr bắt đầu mở rộng kinh doanh từ việc cải tạo những ngôi nhà machiya cũ ở Kyoto. “Tôi quan tâm đến việc định giá không gian truyền thống nhưng không muốn làm chuyên gia giám tuyển. Tôi muốn hồi sinh những căn nhà cổ để chúng có thể hòa hợp vào thời hiện đại.”

Alex Kerr tại Thung lũng Iya năm 1973, một ngày trước khi ông tìm ra. Ảnh: Alex Kerr

Ông cũng thực hiện các ý tưởng tương tự tại châu Âu và Mỹ, nhưng nhiều người nghi ngờ về sự tồn tại của một thị trường phù hợp. Vào thời đó, hầu hết khách du lịch Nhật Bản đều muốn ở trong các khách sạn kiểu Tây. Kerr nói: “Nhiều người từng nói du khách Nhật Bản sẽ không thèm ngó ngàng tới tôi đâu, nhưng ngày nay 80% khách của chúng tôi là người Nhật.”

Nếu khả năng thành công của ý tưởng tại trung tâm văn hóa lớn như Kyoto còn có thể châm chước, thì triển vọng ở một địa phương biệt lập như Iya là gần như không thể. Nhưng Kerr vẫn quyết tâm phát triển du lịch bền vững với nỗ lực ngăn chặn sự suy thoái ở khu vực nông thôn. Năm 2006, ông bắt đầu khôi phục tám căn nhà cho thuê ở Ochiai, cách Chiiori 20 phút. Iya lúc bấy giờ đã hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ, nhưng với sự cần mẫn và niềm tin mạnh mẽ, Kerr đã khiến Iya bừng tỉnh sức sống. Cho đến nay, thị trấn này thu hút 3.000 du khách mỗi năm, giúp duy trì kinh tế địa phương. Những người trẻ bắt đầu muốn về đây sinh sống và lập nghiệp.

Lưu lượng ổn định của khách địa phương và quốc tế tại những ngôi nhà cổ do Kerr khôi phục ở Kyoto, đảo Iya, đảo Ojika và xa hơn là Nagasaki cuối cùng đã thu hút sự chú ý của chính quyền. Chính phủ Nhật Bản đã bị thuyết phục rằng một môi trường nông thôn hiện đại hóa với đường xá được xây dựng và di tích được trùng tu sẽ giúp giá trị truyền thống phát triển. Khi có nhiều người hỏi tại sao những nơi này lại thu hút khách đến vậy, Kerr luôn trả lời: “Sự hấp dẫn đến từ chỗ chẳng có gì.”

Khu vực bếp của ngôi nhà Chiiori với tủ tansu và cửa shoji. Ảnh: Alex Kerr

Theo Kerr, hiện tại đã có khoảng hàng trăm ngôi nhà cổ được khôi phục trên khắp nước Nhật. Không những tích cực trong việc khôi phục kiến ​​trúc cổ, Kerr còn hết mình đóng góp trong việc khôi phục cảnh quan tự nhiên đang bị bê tông, neon và giá treo công nghiệp bóp nghẹt. Đây cũng là chủ đề nổi bật trong cuốn Dogs and Demons xuất bản năm 2001 của ông.

Và tinh thần ấy vẫn tiếp tục trong cuốn sách mới xuất bản năm 2019 của Kerr, hợp tác với Yumi Kiyono. Trong cuốn sách có tên Kanko Bokoku-ron (Tạm dịch: Phá hủy quốc gia bằng du lịch), Kerr đã tố cáo tác động của du lịch đến môi trường Nhật Bản và nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng so với số lượng trong ngành du lịch. 

“Hãy nhìn vào ngành sản xuất của Nhật, lĩnh vực đã từng gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp nhưng giờ đây đã được kiểm soát rất tốt, môi trường được bảo vệ và sản phẩm vẫn đạt chất lượng cao. Ngành du lịch cũng nên tiếp nối. Chúng ta phải áp dụng các biện pháp chống ô nhiễm văn hóa. Tôi đã nghe gió thì thầm thông điệp này trong nhiều thập kỷ, và bây giờ là thời điểm đúng đắn để thay đổi.”

How to spend it


 
Back to top