LIFE

Avatar 2: Học cách để trở thành đàn ông

Dec 25, 2022 | By Nguyen Huu Hon

Phần đông ý kiến cho rằng những phim quy mô như “Avatar” không nhất thiết phải sở hữu kịch bản xuất chúng; số còn lại ngoài việc hài lòng với kỹ xảo 3D tối ưu, nhận định phim… hời hợt!?

Năm của những phim… dài đằng đẵng

Để ấn tượng đầu tiên về “Avatar 2”, có thể là… thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ! Đây là con số kỷ lục trong lịch sử phim chiếu rạp nhiều thập niên vừa qua, nhưng không hiếm, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh 2022 nơi mà người hâm mộ chứng kiến một loạt phim ra rạp với định lượng thời gian không dưới hai giờ rưỡi đồng hồ! Ví dụ gần nhất là “The Batman” dài 176 phút; “Elvis” có 159 phút; “Black Panther: Wakanda Forever” vừa ra mắt cũng chiếm 160 phút; hay sắp tới là “Babylon” dài 188 phút, chỉ xếp sau “Avatar 2″… hai phút!

Điểm chung của những tác phẩm kéo dài này chính là phần kịch bản, hầu hết được đánh giá là có kịch bản sắc xảo, khắc họa câu chuyện và cảm xúc nhân vật một cách nổi bật. Có lẽ chính vì yếu tố này mà “Avatar 2” gặp trở ngại không nhỏ, khi phần nội dung luôn bị áp đảo bởi phần hình ảnh được đầu tư suốt 13 năm trời! Ngoài ra, việc phải xem quá nhiều phim dài trước đó, có thể khiến khán giả lẫn các nhà phê bình ngao ngán trước “Avatar 2” đặc biệt là khi các rạp phim vẫn chưa thật sự hồi phục hoàn toàn sau một năm “ra trận” kể từ thời điểm đại dịch kết thúc.

Việc ra mắt thời điểm cuối năm, cận các dịp lễ lớn ở phương Tây khiến giới mộ điệu có phần khắt khe với “Avatar 2”, đấy là chưa kể sau 13 năm, khán giả và giới phê bình đã quen với “kỹ xảo” mà “Avatar” từng mang lại, cho nên họ sẽ thấy một chút lê thê trước việc quảng bá quá nhiều đại cảnh dù đẹp nhưng không còn quá mới mẻ ở trong phần phim “The Way of Water”. Thêm một yếu tố khác, khiến “Avatar 2” gặp những phản ứng trái chiều chính là… phát ngôn của James Cameron, khi ông tuyên chiến với người hâm mộ DC và Marvel, thông qua các lời chê bai về kỹ xảo… trong khi nội dung các phim siêu anh hùng này luôn bị nhiều đạo diễn nổi danh ở Hollywood chê là “không phải điện ảnh!” – lời Martin Scorsese.

Vậy thì thực sự “Avatar 2” có đáng xem, và khán giả lẫn nhà phê bình có đang đòi hỏi quá nhiều ở nội dung khi James Cameron đã quay tiếp phần 3 và 4 của loạt phim này?

Mở đường” cho sự sống và tồn tại

Trong phần cuối của phần một, Jake Sully – một “kẻ chết đi sống lại” trong hình hài thế thân, đã quyết định thay đổi số phận bằng cách ở lại Pandora cùng với Neytiri, cô gái người Na’vi mà anh rất mực yêu thương. Để được tự do sống trong một thế giới khác xa thế giới Người Trời, Jake Sully chấp nhận đối mặt với thế lực hung bạo từ Người Trời, trở thành mục tiêu trả thù sau những tổn thất anh gây ra để bảo vệ cho Pandora và tộc Na’vi. 13 năm sau kết cục thảm khốc, Jake Sully và Neytiri hạ sinh ba người con, nhận nuôi một cô con gái và một cậu bé Người Trời bị mắc kẹt lại Pandora. Không chỉ trở thành người cha, người chú mà lúc này Jake đã trở thành vị thủ lĩnh rất được kính nể. Cuộc sống viên mãn đó, vừa khiến Jake nỗ lực gìn giữ vừa khiến anh lo âu vì hơn ai hết, anh hiểu rõ Người Trời hơn bất kì ai khác!

Nếu như ở phần một, Jake Sully hiện lên như một gã trai “máu liều” và tính nam được thể hiện rất rõ, thì trong phần hai, khi đã trở thành một người đàn ông trụ cột, Jake hiểu được việc tối ưu nhất không còn là… vì bản thân mình nữa, mà vì cả tộc Na’vi, dù họ có sức mạnh vượt trội cũng khó mà thắng nổi âm mưu và sự tàn bạo của Người Trời. Sau khi bị Người Trời xâm lược, cướp đi đứa cháu trai, gửi một thông điệp “chết” về vùng rừng núi Pandora yên bình, Jake quyết định từ bỏ bản thân để nghĩ cho tất cả. Anh rời Pandora, trả lại vị trí thủ lĩnh, vì nếu ở lại chống chọi với Người Trời, mối nguy không chỉ đổ dồn vào anh và các con, mà còn cả tộc Na’vi vốn dĩ không đáng được nhận bom đạn hoặc các vũ khí tiêu diệt hạng nặng…

Như một kẻ “mở đường” dò tìm vùng đất mới, sự sống mới, Jake đánh cược tất cả vào hạ nguồn, nơi đại dương trong lành và xanh thẳm, với lý tưởng rằng Người Trời sẽ không thể tìm ra được anh. Bên cạnh kế hoạch có một không hai này, Jake còn cho thấy anh là một tộc Na’vi thông minh hơn người: vì Người Trời lúc này đã phát triển được phiên bản thế thân hoàn hảo có sức mạnh tiệm cận, họ sẽ dễ dàng học cách sinh sống và hoạt động ở núi rừng Pandora; trong khi với đại dương, đó lại là một câu chuyện khác. Jake Sully tin rằng dòng nước có thể giúp anh và gia đình an yên, vì ít ra Người Trời khó mà làm quen với môi trường mới này ngay lập tức.

Mọi toan tính của Jake Sully cho thấy anh đã hi sinh bản thân, để bảo vệ gia đình một cách tối ưu. Và đây cũng là cách anh – với tư cách người bố, có thể rèn dũa ba người con của mình tiếp xúc với sự thay đổi về nhiều mặt. Từ cảm xúc choáng ngợp, ngỡ ngàng… đến hoang mang và hụt hẫng – Tất cả những điều có thể xây dựng nên một Neteyam và Lo’ak – hai người con trai lớn của Jake và Neytiri, tính cách ứng biến rất khác biệt. Cả Jake cũng vậy, anh chấp nhận học cách làm lại từ đôi bàn tay trắng, chiếm hữu dần dần các sinh vật có khả năng bay lượn trên không lẫn dưới nước, để tồn tại và phát triển cùng với người dân ở Metkayina nơi mà anh và gia đình xin trú ngụ.

Bản ngã thuần khiết của chiến binh

Jake Sully luôn dạy con mình về việc né xa những rắc rối, điều đó ăn sâu vào đầu Neteyam – con trai cả, người luôn ra sức bảo vệ em trai Lo’ak và Tuk khi cần thiết. Trong khi Tuk quá bé nhỏ và luôn ở trong vòng tay của người chị nuôi Kiri, thì Lo’ak lại cho thấy hình ảnh phản chiếu tương đồng với cha mình! Lo’ak liều lĩnh, gan dạ và quyết đoán chẳng kém Jake Sully, nhưng cũng chính vì vậy anh trở thành “nhân tố bước ngoặt” cho tổng thể câu chuyện “Avatar 2”.

Vì luôn có suy nghĩ rất khác anh trai, Lo’ak chấp nhận thử thách “vượt rào” y hệt Jake Sully; đôi khi điều tồi tệ sẽ đến nhưng đôi khi lại mở ra một chương mới cho cuộc đời của chàng thanh niên khác thường như Lo’ak. Điển hình là khi cố sức kết thân với những đứa trẻ ở Metkayina, Lo’ak bị lạc giữa hoang đảo và chịu sự tấn công của một loài sinh vật biển to lớn, xù xì và hung bạo. Đứng trước sự sinh tử, Lo’ak tìm được “quý nhân” – một chú tulkun, loài sinh vật biển thân thiện hiền lành với người Na’vi nói chung và người Metkayina nói riêng. Khi tiếp xúc với tulkun, Lo’ak dần học được cách để tồn tại và chấp nhận sự khác biệt của bản thân. Lo’ak luôn bị cha răn đe, khiến anh nghĩ mình là “phiên bản lỗi” so với Neteyam, như chú tulkun vì hiểu lầm mà bị cô độc giữa biển khơi.

Trong khi Neteyam được khắc họa khá nhạt nhòa, Lo’ak hiện lên nổi bật như một chiến binh triển vọng trong vũ trụ Pandora mà James Cameron và biên kịch Rick Jaffa, Amanda Silver dụng công xây dựng. Thực tế, Lo’ak không phải bất mãn với cha mình mà anh chỉ đang cố đi tìm bản ngã, cho đến khi gặp được tulkun và hiểu rõ câu chuyện của một kẻ “không giống ai”. Chính những sự kiện này sớm hình thành nên Lo’ak mạnh mẽ và kiên cường, thay cho người anh Neteyam có phần quy tắc, thậm chí là yếu ớt.

Bên cạnh việc khắc họa Lo’ak, tập phim “The Way of Water” còn dành “đất” khá nhiều cho một nhân vật khác, tưởng chừng ngoài lề nhưng rất có khả năng sẽ ảnh hưởng nhiều vào câu chuyện chung ở các phần phim sau. Đó là Spider – người cháu được Jake Sully nhận nuôi ngay Cổng địa ngục – căn cứ của Người Trời tại Pandora. Spider là con người, luôn phải đeo một chiếc mặt nạ để sinh tồn tại Pandora, và đã dần thích nghi lẫn yêu thích “mảnh đất” này. Nhưng trên tất cả, Spider vẫn mang ý chí con người, dù có mạnh mẽ đến đâu vẫn có thể bị “mind control” (tẩy não), đặc biệt là khi đối diện với những cái đầu toan tính, “mã độc” như Đại tá Miles Quaritch, trùm tổ chức chiếm đóng Pandora, kẻ đã chết nhưng được Người Trời sáng chế ra thành phiên bản thế thân hoàn hảo nửa Na’vi nửa Người Trời.

Vì vẫn mang bộ óc của Miles Quaritch, một đại tá Người Trời quỷ quyệt, ông dễ dàng thao túng tâm lý của Spider, khi bắt cóc được cậu bé này trong xâm lược đầu tiên ở Pandora. Spider thật sự còn quá trẻ con, khi đứng giữa hai làn đạn: một bên là tộc Na’vi mà anh sinh sống từ bé và một bên là Người Trời – nơi mà Spider hấp thụ được những tia năng lượng cực đoan, có thể khiến cậu thay đổi lý tưởng về tương lai của bản thân. Chỉ hơi tiếc rằng, với một nhân vật có số phận “tiến thoái lưỡng nan”, Spider lại hiện lên có phần “lạc nhịp” vì diễn xuất non nớt của tài tử Jack Champion. Trong khi đó, nếu nhìn xa hơn, với bản ngã thân phận như Spider, cậu hoàn toàn có thể trở thành một kẻ “hai mang” khó đoán cho phần ba và phần bốn!

Người hùng hay siêu anh hùng?

Hầu như các diễn viên của “Avatar” đều siêu phàm vượt ngưỡng, chẳng hạn như trường hợp Kate Winslet, diễn viên người Anh đã… nhịn thở 7 phút để quay các cảnh dưới nước của “The Way of Water”. Vai diễn của cô là Ronal – một thợ lặn tự do ở Metkayina, khiến nữ minh tinh quyết tâm phá kỷ lục nhịn thở dưới nước của Tom Cruise (phim “Mission: Impossible – Rogue Nation”). Tương tự Kate Winslet là diễn viên gạo cội đã ngoài 70 tuổi Sigourney Weaver – cũng có thời gian nhịn thở dưới nước, khoảng 6 phút để ghi hình “Avatar 2”. Hai diễn viên quen thuộc Sam Worthington và Zoe Saldana cũng tự mình đóng các cảnh hành động trong phim…

Nhưng hành động hay đại cảnh chiến đấu hoành tráng không phải là thứ duy nhất “Avatar 2” muốn truyền tải, so với phần phim năm 2009, “The Way of Water” nỗ lực đi sâu vào cốt cách từng nhân vật, vừa để bổ sung sức nặng cho nội dung vừa để làm chất xúc tác cho sự phát triển kịch bản của phần ba và phần bốn đang được khởi quay. Nhìn từ Jake Sully, chúng ta thấy được hai giai đoạn hình thành nên tính cách của người bố, người cha, người thủ lĩnh: thay vì chạy trốn, chi bằng phải đương đầu đến cùng! Và ở những phút sinh tử, Jake quyết định chọn chiến đấu với Đại tá Miles Quaritch… tay không. Đôi tay, cũng là hình ảnh chân chất nhất thể hiện cho tâm tính của một người bản lĩnh hơn bất kỳ loại vũ khí nào.

Lo’ak, ở khía cạnh khác, cũng trở thành người hùng của chính cha mình khi chứng minh được đôi bàn tay và khối óc có thể giúp ích khi mất đi mọi sự phương tiện phòng thủ… Dù mang tâm trạng của một đứa con ngỗ nghịch, song lúc nào Lo’ak cũng nghĩ về gia đình, hơn cả bản thân. Anh chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ người thân thay vì sợ hãi mà đứng nhìn họ đối diện với cái chết. Trong phim, không ít nhưng lần “tự ý quyết định” của Lo’ak thực tế lại mang đến vậy may cho gia đình mình. Đấy chính là sự phát triển về điểm nhìn, giúp Lo’ak trở thành hiện thân mới của một kiểu người hùng “chân đất”.

Thay vì “đao to búa lớn” với những câu chuyện tổng thể vĩ mô như… bảo vệ loài người khỏi thảm họa diệt vọng, với các tình tiết chồng chéo nhưng chỉ phục vụ trí tò mò của người xem… thì “Avatar 2” đi thẳng vào cốt lõi của mọi nguồn cơn: gia đình! Trở thành người hùng trong cuộc chiến giữ gìn hòa bình… cho người thân bao giờ cũng là lý tưởng gần gũi và dễ đồng cảm hơn. Tất nhiên, để học cách trở thành người hùng, Lo’ak hay Jake hay mỗi chúng ta đều phải trải qua tổn thương, tuyệt vọng, thậm chí là mất mát để rồi được thấu hiểu, được chữa lành, được hi vọng và hướng tới.

Một số nhà phê bình, đặc biệt tại Anh, đánh giá “Avatar 2” quá sướt mướt so với một phim bom tấn trăm triệu USD cần sự dũng mãnh, tuy vậy giữa thái cực mãn nhãn hình ảnh, thì một câu chuyện giản dị về gia đình, thông điệp bảo vệ núi rừng và biển cả, trở nên hài hòa và hợp lý. Chúng ta có thể chọn cách để bảo vệ người thân của mình, từ những điều nhỏ nhặt nhất: thay vì xả rác ở bãi biển hay công cộng, ta có thể chọn một cách sống khác để hít thở không khí “hòa bình” giữa thời đại quá nhiều “máy móc”, quá nhiều “kim loại”, quá nhiều “chất thải độc hại”…

“Avatar: The Way of Water” không có tham vọng, hoặc chưa phải lúc để nó điều khiển câu chuyện một cách phức tạp hơn. Nhưng với nhiều cung bậc cảm, những nhân vật có linh hồn, xen kẽ các khung hình đẹp đẽ, bộ phim phần nào đã hướng người xem tới cảm xúc tích cực – thứ mà điện ảnh hay bất kì loại hình nghệ thuật nào vốn dĩ nên làm, và cần phải làm được!

Bài: Đức Noise
Ảnh: Tổng hợp


 
Back to top