“Aun aprendo” của Goya: Xung đột giữa xiềng xích của tuổi già và ý chí tiếp tục tiến lên
“Tôi vẫn đang học” – nỗi hụt hẫng, bất lực của một người ở thời điểm cuộc đời xuống dốc; hay một lối thoát hướng đến ánh sáng tích cực, tuyệt vời ở phía trước.
Theo thông tin từ Bảo tàng Quốc gia Prado (Tây Ban Nha), “I am still learning” là một bức vẽ thuộc loạt tác phẩm [được gọi tên là] “Bordeaux Sketchbook G” của Goya y Lucientes.
Francisco José de Goya y Lucientes, hay Goya y Lucientes (1746–1828), là một thợ in và họa sỹ chủ nghĩa lãng mạn người Tây Ban Ban. Ông được coi là nghệ sỹ Tây Ban Nha quan trọng nhất vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Những bức tranh, bản vẽ và bản khắc của ông phản ánh những biến động lịch sử đương thời và ảnh hưởng đến các họa sỹ quan trọng của thế kỷ XIX và XX. Goya thường được coi là người cuối cùng của các Bậc thầy Cổ xưa (Old Masters) và đầu tiên của thế hệ nghệ sỹ hiện đại.
“Bordeaux Sketchbook G” tập hợp những bức tranh được Goya thực hiện trong những năm cuối đời, khoảng từ năm 1825 đến 1828, sau khi người họa sỹ đáng kính này rời khỏi quê hương Tây Ban Nha vào năm 1824, đến thành phố Bordeaux của Pháp để nghỉ dưỡng, cùng với cô hầu và một người bạn đồng hành trẻ tuổi. Sau đó, một cơn đột quỵ đã khiến Goya bị liệt nửa bên phải cơ thể, giảm thị lực và cuối cùng qua đời tại Bordeaux vào ngày 16 tháng 4 năm 1828, ở tuổi 82.
“I am still learning” [hay “Aun aprendo” trong tiếng Tây Ban Nha và được viết trên bức vẽ] có thể là tác phẩm tóm tắt rõ nhất tinh thần của Goya trong những năm cuối đời. Trên thực tế, bức tranh đã trở thành một tài liệu tham khảo thường xuyên khi nghiên cứu về tiểu sử của nghệ sỹ này, và điều đó khiến tác phẩm được coi như một bức chân dung tự họa mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn không ngừng phát triển cá nhân của Goya và thôi thúc ông tiếp tục đưa ra những ý tưởng mới của mình trên nhiều phương tiện khác nhau. Mặc dù các tác phẩm trước đây của ông đôi khi sử dụng hình ảnh người già để truyền tải khái niệm tiêu cực về thời gian trôi qua, nhưng góc nhìn ở đây lại khác biệt đáng kể, bắt đầu với tiêu đề hùng hồn và có nguồn gốc cổ điển, phản ánh sự lạc quan mới mẻ của Goya khi ở Bordeaux.
Tuy nhiên, trong một cuốn tiểu sử lãng mạn về họa sỹ, xuất bản năm 1858 [tại Pháp, bởi Schulz et Thuillié], tác giả Laurent Matheron kể một giai thoại gợi ý rằng chúng ta nên xem bức vẽ “Aun aprendo” của Goya theo cách gần gũi hơn với các tác phẩm khác của ông, tức là ở một góc nhìn u sầu hơn. Theo Laurent Matheron, không lâu sau khi Goya đến Bordeaux, ông đã không thể ra ngoài nếu không có sự giúp đỡ của người đồng hương trẻ tuổi, Brugada. Brugada giữ lấy cánh tay của ông, và ông cố gắng bước đi ở những khu vực ít người qua lại, nhưng nỗ lực cũng vô ích: đôi chân không còn chống đỡ được cơ thể. Sau đó, Goya giận dữ tuyên bố: Thật là nhục nhã! Ở tuổi tám mươi, tôi như đứa trẻ; Tôi phải học cách đi bộ!
Nhiều cách giải thích về bức vẽ đã dựa trên những tài liệu tham khảo trực quan mà Goya có thể đã biết và sử dụng. Cách tiếp cận này coi Goya là một nghệ sỹ có văn hóa thị giác và văn hóa văn học phi thường, một người biết tiếng Latin kinh điển trong bản dịch và các nguồn thông tin tiêu biểu của thời kỳ Phục hưng, điều đó thể hiện trong nhiều cuốn sách và bản in mà ông có thể đã sử dụng như điểm khởi đầu cho bức vẽ này.
Tiêu đề, “I am still learning” bắt nguồn từ câu “ancora imparo” [tạm dịch: Tôi vẫn đang học] từng được Plato và Plutarch sử dụng, trong khi hình ảnh một ông già chống hai cây gậy được liên kết với một bản in cùng tên mà Girolamo Fagiuolo đã khắc vào năm 1536, cho thấy một ông già đang sử dụng xe tập đi của trẻ em.
Vào nửa đầu thế kỷ XVI, người ta thường miêu tả Chronos[1] như một ông già có râu, mặc áo dài và tập tễnh chống hai chiếc gậy, giống như hình ảnh ông xuất hiện trong một bức tranh in của Marcantonio Raimondi (khoảng 1470/1482–1527/1534)[2].
Bức vẽ của Goya cũng có những điểm tương đồng nhất định về mặt hình thức với một bản in gần đây hơn, của William Blake (1757–1827)[3], minh họa “Lectures on Painting” (tạm dịch: Bài giảng về hội họa) của Henry Fuseli, mà Goya có thể đã biết[4].
Cuốn sách của Fuseli cho thấy M. Angelo Bonarotti [tức Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, thường được gọi là Michelangelo] đang chống đỡ bằng một cây gậy, trong khi hướng ánh mắt xuyên thẳng đến người xem. Ta có thể nhìn thấy Đấu trường La Mã trên nền tối. Bản in này cũng có chú thích “Ancora imparo”, cũng được cho là câu nói của Michelangelo trong tiểu sử của ông.
Trong bức vẽ “I am still learning” (1826), Goya y Lucientes chủ yếu thể hiện nỗi cô đơn của một người đàn ông trong những ngày cuối đời. Nhưng ông ấy cũng định nghĩa nó như một lối đi từ bóng tối đến ánh sáng, thể hiện điều tuyệt vời ở phía trước bằng những nét mãnh liệt của bút chì in thạch bản (lithographic pencil), và có sắc thái tinh tế với những vệt xiên nhẹ khó nhận thấy.
Goya sử dụng độ trắng của giấy để tượng trưng cho ánh sáng. Bước đi loạng choạng của ông – chỉ có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của hai cây gậy mà ông ấy đang cầm trên tay, được vẽ cẩn thận đến mức chúng ta có thể thấy các khớp [ngón tay] của ông bị sưng tấy do chứng viêm khớp như thế nào. Điều này giúp thể hiện sự mong manh của một ông già cần phải tập đi bất chấp tuổi tác, giống như một đứa trẻ còn thơ ấu.
Gương mặt đáng kính được bao quanh bởi mái tóc và bộ râu xoăn rậm rạp, để lộ ánh mắt, giống như trong rất nhiều tác phẩm của Goya, mang ý nghĩa sâu sắc nhất. Đôi mắt mệt mỏi chỉ có thể thoáng thấy con ngươi, thay vì nhìn về phía trước lại hướng sang một bên, và toát lên vẻ sầu não.
Nếu chúng ta hiểu bức vẽ này của Goya như sự tự quy chiếu, thì chúng ta có thể coi trạng thái căng, kéo giữa hướng bước đi và hướng nhìn nghiêng của ông, như một biểu hiện của sự xung đột giữa xiềng xích của tuổi già và ý chí tiếp tục tiến lên.
Chú thích
[1] Chronos: một vị thần đại diện cho thời gian hoặc sự thu hoạch trong thần thoại Hy Lạp, là con út của Uranus và Gaia.
[2] Marcantonio Raimondi: thường được gọi đơn giản là Marcantonio, một thợ khắc người Ý, được biết đến với vai trò là thợ in quan trọng đầu tiên với công việc chủ yếu là tạo ra các bản in sao chép các bức tranh. Marcantonio được xem là một nhân vật chủ chốt trong sự phát triển của bản in tái-sản xuất (reproductive prints), hay có thể hiểu là “bản in sao chép” hoặc “bản in mô tả” các bức tranh sơn dầu gốc.
[3] William Blake (1757–1827): họa sỹ người Anh, và là một trong những nhà thơ lớn của thế kỷ XVIII.
[4] Henry Fuseli là một nghệ sỹ chủ nghĩa lãng mạn người Thụy Sỹ, nhiều tác phẩm của ông thiên về trải nghiệm siêu nhiên. Phong cách của Henry Fuseli có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nghệ sỹ người Anh thế hệ sau, đặc biệt là nghệ sỹ từ Học viện Hoàng gia Anh.
* Ngoại trừ những nội dung trong [ ], bài viết này chuyển ngữ từ nguồn thông tin đăng trên website của Bảo tàng Quốc gia Prado (Tây Ban Nha), được bảo tàng trích đăng từ bài viết “Aun aprendo” của tác giả José Manuel Matilla Rodríguez, thuộc danh mục triển lãm “Goya: Luces y Sombras” (đồng tác giả: José Manuel Matilla Rodríguez và Manuela B. Mena Marqués), biên tập bởi Bảo tàng Quốc gia Prado, năm 2012, trang 314–317, số 95. Triển lãm “Goya: Luces y Sombras” diễn ra tại Bảo tàng Quốc gia Prado, Tây Ban Nha, từ ngày 16 tháng 3 đến ngày 24 tháng 6 năm 2012
(Nguồn: Museo del Prado, New York Public Library, Met Museum, Dialnet)