Gặp gỡ Nguyễn Bách Việt – Người mang ánh sáng đến những cộng đồng “đói” năng lượng
Không chỉ là nhà sáng lập startup công nghệ VIoT, anh Nguyễn Bách Việt còn là người tiên phong đưa dự án Liter of Light toàn cầu về Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với anh Việt, chúng tôi có dịp hiểu hơn về hành trình thắp sáng cộng đồng của đội ngũ cũng như kế hoạch nghiên cứu thiết bị công nghệ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Có thể đối với chúng ta, ánh sáng là điều gì đó quá ư dễ dàng. Nhưng với những vùng sâu vùng xa, những chiếc bóng 1 đến 2 W là xa xỉ phẩm. Vì thế, khi Liter of Light có mặt tại Việt Nam, nó đã mang đến ánh sáng và cả tương lai cho những cộng đồng thiếu thốn và hạn chế điện.
Trở về nước và xây dựng nên startup công nghệ VIoT, tôi tò mò không biết anh và đội ngũ đã bén duyên với dự án Liter of Light trong hoàn cảnh nào?
VIoT hướng đến công nghệ 4.0, tập trung phát triển thiết bị điều khiển đèn đường thông minh tích hợp quan trắc không dây ứng dụng trong phát triển thành phố thông minh để tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng cho đô thị. Nhờ hệ thống này, chúng ta có thể tiết kiệm từ 65 – 70% điện năng. Chẳng hạn, bình thường một chiếc bóng ngoài trời 250 W công nghệ cũ, khi nâng cấp với giải pháp đèn LED tích hợp hệ thống điều khiển thông minh, chúng ta có thể rút công suất tiêu thụ xuống còn khoảng 65W-70W. Còn với những chiếc bóng sân golf 2000 W, nhờ hệ thống thông minh, công suất giảm xuống còn 1/3. Một sân golf 36 lỗ cần 700 đến 800 bộ bóng như vậy, nếu không có công nghệ thông minh thì rõ ràng chúng ta đã tiêu hao lượng điện khủng khiếp.
Theo một thống kê, trung bình 10 bóng đèn đường thải ra lượng carbon tương đương với một chiếc xe hơi trong một năm. Thế nên, công nghệ thông minh ra đời nhằm giảm thải hiệu ứng nhà kính, từ đó, chúng tôi bắt tay nghiên cứu thêm những thiết bị cảm biến (censor), quan trắc môi trường, chất lượng nước, không khí, biển quảng cáo thông minh… VIoT xuất phát đơn thuần từ đèn thông minh từ đó lan rộng ra các thiết bị bền vững khác dựa trên nền tảng công nghệ.
Vào tháng 05/2019, khi tham dự sự kiện startup RISE quy mô lớn nhất châu Á tại Hồng Kông, tôi có cơ duyên gặp gỡ anh Illac Diaz, nhà sáng lập Liter of Light toàn cầu. Cuộc gặp gỡ với anh khơi gợi trong tôi niềm cảm hứng mạnh mẽ, đặc biệt là khi được mở mang về ý tưởng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của một chương trình hoạt động vì cộng đồng hợp xu thế và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Và càng đặc biệt hơn nữa khi giải pháp này là mảnh ghép hoàn hảo của VIoT trong việc chọn chương trình CSR mà có “synergies” phù hợp với sứ mệnh “For a brighter world”. Sau 4 tháng thuyết phục, cuối cùng, VIoT thành công trong việc đưa Liter of Light về Việt Nam.
Việt Nam là đất nước thứ 32 của Liter of Light toàn cầu. Tính lan tỏa này phần nào nhấn mạnh tính ảnh hưởng đặc biệt của dự án. Từ góc độ nhà sáng lập startup công nghệ đồng thời là người Việt, anh đã chọn dự án dựa trên yếu tố nào?
Liter of Light được thành lập vào năm 2013, là nền tảng mở giúp đào tạo và hướng dẫn cộng đồng (đặc biệt là vùng nông thôn còn nhiều hạn chế hoặc thiếu ánh sáng điện) sử dụng nguyên liệu từ rác thải nhựa tái chế để tạo nên những sản phẩm đèn năng lượng mặt trời giá rẻ, hiệu quả và thân thiện với môi trường, đồng thời được đánh giá là một trong những ý tưởng nhỏ nhưng có tác động lớn đến toàn cầu.
Dự án này bắt đầu từ các bạn sinh viên đại học MIT Hoa Kỳ. Họ đổ nước tẩy giặt đồ vào bình nước và phát hiện khi ánh sáng mặt trời đi qua nước tẩy này sẽ giúp khuếch đại ánh sáng. Từ ý tưởng giản đơn ấy, họ khoét lỗ, đặt bình nước lên trần nhà và làm sáng cả căn phòng. Từ ý tưởng nhỏ nhưng mang tính ứng dụng cao, Liter of Light đã lan tỏa trên diện rộng bằng cách ghép thêm tấm năng lượng mặt trời và pin để tích trữ điện, hỗ trợ việc thắp sáng vào ban đêm. Chỉ cần bật công tắc, bóng đèn này có thể thắp sáng tối đa khoảng 5 tiếng đồng hồ. Chỉ sau khoảng 7 năm, Liter of Light đã thắp sáng khoảng 1 triệu căn nhà trên toàn thế giới.
Có thể đối với chúng ta, ánh sáng là điều gì đó quá ư dễ dàng. Nhưng với những vùng sâu vùng xa, những chiếc bóng 1 đến 2 W là xa xỉ phẩm. Vì thế, khi Liter of Light có mặt tại Việt Nam, nó đã mang đến ánh sáng và cả tương lai cho những cộng đồng thiếu thốn, hạn chế điện.
Vừa qua, con tàu Green Peace đi 100 ngày vòng quanh thế giới, mang ánh sáng Liter of Light tuyên truyền về biến đổi khí hậu, hay có những người cầm đèn Liter of Light băng qua rừng Amazon để kêu gọi nhận thức về môi trường.
Là dự án sử dụng nguyên liệu từ rác thải nhựa tái chế tạo nên đèn năng lượng thân thiện với môi trường cho khu vực vùng sâu vùng xa, Liter of Light Vietnam có gặp khó khăn nào khi làm việc với bà con và sản xuất sản phẩm?
Dự án nhận được sự đồng thuận lớn từ chính quyền địa phương và người dân. Ví dụ, trong chuyến lắp đặt tài trợ ánh sáng nhà văn hóa cộng đồng và đường liên 5 thôn ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước mà chúng tôi kết hợp với An Bình Bank vào dịp Tết Canh Tý vừa qua đã diễn ra vô cùng thành công. Chúng tôi đã vận động và hướng dẫn từng cá nhân trong thôn tham gia và lắt đặt vì sau này họ chính là những người vận hành và bảo vệ hệ thống này.
Thực trạng của các thôn sát biên giới ấy là không có ánh sáng vào ban đêm dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội. Vì thế, khi tự lắt đặt thành công và cầm thành phẩm của chính mình lên, họ rất vui sướng và hạnh phúc. Các em lên rẫy và bộ đội biên phòng tuần tra vào ban đêm nay đã an tâm hơn vì có chiếc đèn trong tay, với thời gian chiếu sáng lên đến 10 giờ đồng hồ.
Ở Philippines, nơi thành lập dự án Liter of Light, họ đã rất thành công trong việc thành lập các hợp tác xã địa phương, cho người dân tham gia vào công đoạn lắp ráp bóng đèn, biến họ trở thành những người tạo ra giá trị và được trả lương, từ đó nâng cao chất lượng đời sống của cộng đồng đang còn nhiều thiếu thốn. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng áp dụng những thực hành tích cực đó, giúp kết nối cộng đồng và nâng cao nhận thức từng cá nhân, từ trẻ con đến người già, từ giai cấp cầm quyền đến công dân.
Quá trình sản xuất bóng đèn này thực sự đơn giản. Các nguyên liệu lấy từ chai nhựa tái chế, ống PVC và tận dụng các vật liệu khác từ chính địa phương ấy để vừa bảo vệ môi trường, vừa dễ dàng lắp đặt, sử dụng và hạn chế khâu vận chuyển, bảo trì cũng như bảo quản.
Theo như anh kể, quá trình lắp ráp bóng đèn năng lượng mặt trời này khá dễ và chúng ta có thể áp dụng nó bất kể nơi nào, không chỉ là vùng sâu vùng xa.
Ý tưởng của Liter of Light đơn giản nhưng có tác động rất lớn. Và khi đưa dự án này về Việt Nam, chúng tôi muốn biến nó trở thành nền tảng mở giúp bất cứ ai cũng có thể tiếp cận. Chỉ cần nhìn video và hướng dẫn cơ bản, các bạn sinh viên mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều thành công trong việc tạo ra bóng đèn. Bạn có thể mua các vật liệu cần thiết từ chợ, dùng chai nhựa đã sử dụng, và tấm panel để tạo ra thành phẩm cho chính mình. Hồi tưởng lại khoảnh khắc lắp ráp xong xuôi, bật công tắc và ánh sáng tỏa ra, ai ai cũng vui sướng!
Việc tự tay lắp đặt được chiếc đèn năng lượng mặt trời khiến mọi người thích thú vì trước đó, hầu hết mọi người chưa từng nghĩ đến điều này. Chi phí cho một bóng đèn như vậy rơi vào khoảng hơn 100 – 200 ngàn đồng, với tấm panel có thể sử dụng đến 5 năm.
Anh đã tối ưu hóa dự án Liter of Light Vietnam bằng cách hợp tác với nhiều ông lớn như thế nào?
Bản chất của dự án là “xin người có điều kiện, chia cho người cần” và về phía người thụ hưởng, bản chất là làm sao, chúng tôi vừa mang tới cho họ cần câu, vừa chỉ họ cách câu cá. Người dân phải được tiếp cận, thực hành và lan rộng dự án. Họ phải tự quản lý và bảo hành, và khi hư hỏng, họ phải được hướng dẫn cách thức giải quyết. Có như thế, họ mới trân trọng và nhận thức tầm quan trọng của dự án.
Thông thường, các doanh nghiệp và tập đoàn đều có chương trình CSR riêng. Và chúng tôi tìm cách đấu nối chương trình CSR của mình vào chương trình CSR của họ để làm sao phát huy thế mạnh của cả hai. Chẳng hạn, trong chương trình hợp tác với An Bình Bank tài trợ hệ thống đèn năng lượng mặt trời cho 5 thôn ở Huyện Bù Gia Mập, chúng tôi đồng hành cùng chương trình CSR Tết An Bình của Ngân Hàng TPCP An Bình và nhiều tổ chức khác cùng tham gia như Tập Đoàn Sơn KOVA, Cty CP I-Values, Sữa Gạo Lức Biolla và nhiều tổ chức khác cùng tham gia vào chương trình với nhiều sự hỗ trợ từ địa phương trong việc triển khai lắp đặt.
Đây là chương trình ý nghĩa và có hệ thống truyền thông toàn cầu nên các báo đài và kênh online ủng hộ chia sẻ miễn phí, từ đó tạo nên tác động mạnh mẽ trong cộng đồng. Sự kiện vừa rồi cũng được vô số báo đài đưa tin và doanh nghiệp không phải mất công sức đầu tư vào truyền thông nữa. Đặc biệt, Liter of Light là dự án toàn cầu được Liên Hợp Quốc và UNESCO bảo trợ, và khi tập đoàn có chiến lược toàn cầu thì truyền thông cũng mạnh mẽ hơn trên diện rộng.
Điều mà Liter of Light Vietnam tập trung là tạo dựng giá trị tốt nhất cho cộng đồng đồng thời khuyến khích người dân giảm thải rác nhựa, đặc biệt vùng sâu vùng xa thường có thói quen sử dụng túi nilon và đồ nhựa bừa bãi. Đừng quên, Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa.
Có thể bạn không biết, vào những thời điểm thiên tai như bão, lũ lụt, sóng thần,… các công ty/mạnh thường quân thường tài trợ các vùng này nơi lưu trú, đồ ăn, quần áo,… nhưng không ai trong số họ tài trợ ánh sáng. Khi không có ánh sáng ban đêm, tệ nạn xã hội tăng nhanh và không thể kiểm soát. Vì thế, Liter of Light đã được nhiều ông lớn ở nước ta quan tâm và hợp tác. Thay vì để họ tài trợ tiền và đồ đạc có sẵn, chúng tôi chỉ cho nhân viên các công ty cách lắp ráp bóng đèn năng lượng mặt trời, chia sẻ về giá trị hoạt động, rác thải nhựa, từ đó khiến nhân viên có ý thức và kết nối hơn.
Cùng với Liter of Light, VIoT đang có những nghiên cứu mới nào để hỗ trợ và nhân rộng dự án?
Đúng là chúng tôi đang thực hiện 4 chương trình mới, góp phần hỗ trợ dự án Liter of Light.
Thứ nhất là nghiên cứu công nghệ đèn đường 4.0 (connected street light), có thể tích hợp thêm wifi và sóng radio tầng thấp nhằm cung cấp thông tin cho người dân ở vùng sâu vùng xa các tiện ích như thư viện sách online và thông tin giúp nâng cao ý thức hệ của địa phương.
Thứ hai là hợp tác nghiên cứu chất liệu mới tái tạo từ nhựa (PET) với một chất liệu bền vững (tre) theo tỷ lệ phù hợp để tạo ra một loại nhựa mới thân thiện với môi trường.
Thứ ba là kết hợp với sinh viên các trường đại học và cao đẳng để làm các dự án liên quan đến đổi mới sáng với chủ đề là rác thải nhựa và năng lượng mặt trời, dựa trên sản phẩm nhựa tài trợ từ các nhãn hàng, từ đó thắp sáng tại cộng đồng thiếu thốn.
Và thứ tư, chúng tôi sẽ tạo ra một nền tảng Loyalty giúp kết nối nhà tài trợ, người thụ hưởng và các tổ chức liên quan online nhằm phục vụ các hoạt động liên quan đến chương trình CSR một cách hiệu quả hơn (giống như chương trình chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp). Chẳng hạn, các trường học thường có hoạt động gom chai nhựa. Và hoạt động gom chai nhựa này sẽ được tính điểm dựa trên thiết bị mà chúng tôi phát minh ra. Đạt đến lượng điểm nhất định, các tập đoàn lớn sẽ tặng quà. Vì các đơn vị này cần có trách nhiệm với lượng rác thải mà họ thải ra môi trường.
Được biết, Liter of Light Vietnam cũng kết hợp với chương trình nhảy vì môi trường iAN HIPFEST và Earth Day (Ngày Trái Đất)?
iAN HIPFEST là một cuộc thi nhảy HipHop toàn cầu do Hội Cựu Du Học Sinh Việt Nam Quốc Tế (International Alumni Network) tổ chức thường niên. Sự kiện ra mắt chương trình Nhảy Vì Môi Trường vào ngày 08/12/2019 vừa rồi thu hút 30 trường đại học Việt Nam và 18 nước tham dự. Việc tập trung các bạn trẻ lại với nhau đã góp phần lan tỏa thông điệp và nâng cao ý thức cộng đồng. Sự kiện này cũng giúp kết nối con người với con người và chắp cánh tương lai cho thế hệ trẻ. Vào tháng 12 năm nay, HIPFEST sẽ quy tụ 1.000 người nhảy vì môi trường.
Earth Day là sự kiện thu hút số người tham gia đông nhất thế giới, với khoảng 1 tỷ người từ 190 nước tham gia mỗi năm, trong đó bao gồm 75.000 cá nhân/tổ chức hợp tác. Năm nay, kỷ niệm Earth Day 50 năm, thế giới sẽ có chương trình Earth Day 50 Live Music ở 50 thành phố lớn nhất thế giới nhưng vì đại dịch Covid-19 nên sự kiện đã phải hoãn lại cho đến một ngày trong tương lai gần.
Anh có thể chia sẻ về tầm nhìn 5 năm nữa của dự án?
Trong 5 năm tới, Liter of Light Vietnam đặt mục tiêu thắp sáng và có tác động tích cực đến 100.000 người ở những vùng được thụ hưởng, đào tạo được 150 kỹ thuật viên để họ có thể giúp các cộng đồng tiếp cận với ánh sáng năng lượng mặt trời với ít nhất 70% là vật liệu tái chế của địa phương, xây dựng được Apps Loyalty để giúp cho doanh nghiệp và cộng đồng kết nối và hoạt động tích cực, hiệu quả hơn, giảm chi phí quản lý dự án và mang được thêm nhiều giá trị cộng hưởng đến cộng đồng Liter of Light toàn cầu, đặc biệt là giúp cho những người muốn đóng góp công sức và tài trợ các dự án thắp sáng cộng đồng được minh bạch, rõ ràng và hiệu quả hơn trên nền tảng mở do chúng tôi phát triển.
Liter of Light là nền tảng và chương trình CSR mở. Chúng tôi rất mong có sự đồng hành của tất cả các mạnh thường quân, các bạn trẻ, để lan toả sứ mệnh và hành động giảm thải rác thải nhựa, biến những sản phẩm nhựa tái chế thành những ngọn đèn năng lượng mặt trời bền vững thắp sáng cộng đồng, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho tương lai Việt Nam.
Cám ơn anh vì những chia sẻ rất ý nghĩa!
Ảnh: RAB HUU STUDIO
Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – chương trình LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ khởi xướng, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động vào tháng 8.2019