Sống / Ecoxury

Nỗ lực xanh chống khủng hoảng môi trường – khí hậu của các bảo tàng và gallery

Sep 05, 2020 | By Trang Ps

Hành tinh của chúng ta đang đối mặt với những diễn biến phức tạp, từ khủng hoảng khí hậu, sinh học đến ô nhiễm. Vì thế, các bảo tàng và phòng trưng bày có vai trò thiết thực trong việc lên tiếng về những cuộc khủng hoảng này và lên kế hoạch cho một tương lai xanh sạch đẹp hơn trước khi quá muộn.

Thiên nhiên 1 – sơn dầu trên bố – 100x240cm – 2020 – Nguyễn Thùy Hương

Các bảo tàng cần sử dụng khả năng ảnh hưởng của mình để biến khách tham quan thành những nhà hoạt động môi trường.

Việc chấm dứt cuộc sống bình thường trong thời gian đóng cửa cho phép các bảo tàng tái thiếp lập mục đích và kỳ vọng, nhằm tạo ra một tương lai bền vững, công bằng hơn. Các thể chế cần tìm kiếm những mối quan tâm về chính trị và kinh tế, đồng thời nỗ lực “xanh hơn” trong hoạt động và tận dụng ảnh hưởng thương hiệu để thu hút công chúng tham gia hành động vì môi trường.

Lòng tin của công chúng

Pollinator Bed in Horniman Gardens. Photo by Polly Heffer.

Theo một khảo sát công khai liên tục, các bảo tàng nằm trong số ít tổ chức giữ được lòng tin của công chúng. Các tổ chức này cũng có sức hút lớn: chỉ riêng tại Vương quốc Anh, trước đại dịch, có đến 85 triệu lượt người đến thăm các viện bảo tàng và phòng trưng bày mỗi năm, nhiều hơn số người tham dự các trận bóng đá hàng năm. Các viện bảo tàng là tổ chức lâu dài, thay mặt công chúng lưu giữ những bộ sưu tập trong sự tin cậy cho hiện tại và tương lai.

Như nhà thơ người Canada – Robert Janes – đã từng nói về khái niệm “tính trung lập có thẩm quyền”, và các bảo tàng chính là đại diện hoàn hảo cho điều đó, hoạt động hoàn toàn trung lập và cân bằng trong tất cả vấn đề. Tuy nhiên, trong bối cảnh trái đất đang đứng trước nhiều biến cố lớn và nguy cơ tiêu cực, việc duy trì lập trường trung lập là ích kỷ. Các bảo tàng (đại diện như một tổ chức giáo dục, thẩm mỹ, cộng đồng) phải tận dụng toàn bộ nguồn lực để nhìn xa hơn về các mối đe dọa mà hành tinh đang và sẽ trải qua, trong mối quan hệ giữa bảo tàng và phòng trưng bày; và trong mối quan hệ của các tổ chức này với công chúng.

Nỗ lực xanh

A visitor admiring a moon jellyfish in the Horniman Aquarium.

Trong khoảng ¼ thế kỷ trước, các nhà tài trợ và hội đồng quản trị đã kỳ vọng bảo tàng và phòng trưng bày sẽ là một trong những mô hình phát triển không ngừng. Nhiều du khách hơn, thu nhập lớn hơn được hứa hẹn mỗi năm, dẫn đến việc mở rộng nhiều hơn. Tuy nhiên trong đại dịch, hai tổ chức này đại diện cho mô hình dễ bị tổn thương. Vì thế, giờ đây, chúng ta phải chuyển đổi sang một mô hình bền vững hơn, dựa trên sứ mệnh phục vụ đa dạng công dân hơn và mang đến trải nghiệm chất lượng hơn.

Các tour triển lãm quốc tế sẽ phải giảm bớt, ít triển lãm hơn nhưng thời gian mỗi triển lãm sẽ kéo dài hơn. Hợp tác nhiều hơn ở quy mô quốc gia và toàn cầu. Chẳng hạn, Museums and Galleries Network for Exhibition Touring (MAGNET) bao gồm 12 bảo tàng ở Vương quốc Anh chia sẻ nguồn lực để tạo ra một loạt triển lãm dựa trên bộ sưu tập để tham quan giữa các nhóm đối tác.

Các sáng kiến “xanh hóa” phải được đẩy mạnh để các bảo tàng và phòng trưng bày trở nên trung hòa với khí nhà kính và ít gây ô nhiễm hơn trong hai thập kỷ tới. Một khoản đầu tư nữa cần cân nhắc là chuyển đổi thiết bị chiếu sáng sang điện xanh.

Dấy lên phong trào thay đổi

Đầu con sứa – tổng hợp trên giấy – 30x40cm – 2020 – Ciarna Hackett trong triển lãm Nguyên Thoái

Những nỗ lực của bảo tàng và phòng trưng bày chỉ là một phần nhỏ so với động thái của quốc gia và toàn cầu. Nhưng đó là nỗ lực thực sự quan trọng, mang tính giáo dục cao và có tiềm năng dấy lên phong trào thay đổi ở nhiều cấp bậc. Hai tổ chức này luôn thực hiện tốt vai trò thu hút khán giả về các hoạt động chính của mình, và một khi hoạt động đó nhấn mạnh về môi trường nữa thì quá trình thức tỉnh của người thụ hưởng sẽ trở nên rõ ràng.

Chẳng hạn, gần đây tại phòng trưng bày Hội Mỹ thuật Tp. HCM, triển lãm “Nguyên Thoái” diễn ra là sự kết hợp hoàn hảo giữa giáo dục và thẩm mỹ, những tác phẩm không chỉ chứa chan xúc cảm mà còn làm sống dậy trong ta tình yêu thiên nhiên, từ đó thức tỉnh loài người về thực trạng môi trường hiện nay, và dự báo sẽ là dấu chấm hết nếu mỗi cá nhân không chung tay gìn giữ hành tinh chung. Hay tại The Factory, triển lãm “Nhặt lá rừng xưa” của nghệ sĩ Võ Trân Châu cũng lên tiếng về nhu cầu phát triển của loài người và những hệ quả đối với môi trường.

‘Nhặt Lá Rừng Xưa’, triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Võ Trân Châu, một trong những nữ nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Ở tầm quốc tế, bảo tàng Horniman đang phát triển dự án “Environmental Champions”, giúp các hộ gia đình cam kết đạt được những mục tiêu phát triển bền vững bằng cách đưa họ vào mạng lưới hỗ trợ bao gồm những người có cùng chí hướng và cung cấp cho họ nguồn cảm hứng và công cụ cần thiết. Chương trình cũng kết nối họ với các tổ chức đang thúc đẩy hành động ở cấp chính phủ và doanh nghiệp. Nếu tất cả bảo tàng và phòng trưng bày cũng như những tổ chức di sản làm điều gì đó tương tự, chúng ta sẽ chứng kiến một phong trào thay đổi rộng khắp.

Vào tháng 11/ 2021, Vương quốc Anh tổ chức COP26, Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc được xem là cơ hội lớn cuối cùng để giảm thiểu khủng hoảng khí hậu và sinh thái trước khi quá muộn. Các bảo tàng và phòng trưng bày cần tinh nhạy trong việc tiếp cận và kêu gọi hành động.

Theo: artnet


 
Back to top