Sống

Giám đốc sáng tạo Alex Fox: “Sáng tạo giống như một cơn mưa rào…

Jun 21, 2021 | By Ton Binh

… bạn không biết nó xuất hiện lúc nào, nhưng bạn phải luôn sẵn sàng để đón lấy chúng.” Đó là một trong những điều mà Alex Fox, Giám đốc Sáng tạo của L’OFFICIEL Vietnam chia sẻ trong cuộc trò chuyện tiếp theo của 8PM The Talk Series do L’OFFICIEL Vietnam x Wink Hotels thực hiện.

Làm việc trong thời trang, một ngành rất dễ thay đổi và có tính đào thải cao, làm thế nào để anh giữ sự sáng tạo của mình luôn tươi mới?

Làm ngành nào thì phải thích nghi với ngành đó. Khi tôi chấp nhận bước vào cuộc chơi với thời trang thì đồng nghĩa tôi cũng đã xác định làm cách nào để mình luôn theo kịp được ngành công nghiệp này. Trước hết là phải luôn giữ cho bản thân được trẻ và liên tục học hỏi. Trẻ ở đây không phải về tuổi tác mà là trong cách nghĩ – phải luôn nghĩ mình còn rất nhiều điều để học. Khi một người bắt đầu nghĩ mình đã trưởng thành và biết đủ nhiều rồi thì chính là lúc họ đã già. Thứ hai, bên cạnh việc phải tự nhắc bản thân cố gắng mỗi ngày thì tôi sẽ liên tục tạo cơ hội cho bản thân gặp gỡ những người mới, tiếp xúc với nhiều thứ mới. Chẳng hạn bắt chuyện với một người chưa từng nói chuyện trên Facebook hoặc học một điều gì đó mới chẳng hạn. Chúng sẽ tạo nguồn cảm hứng cho tôi.

Anh có bao giờ sợ rằng mình sẽ bị đào thải không?

Tôi nghĩ là có và nỗi sợ đó là cần thiết. Đặc biệt khi mình nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật của những người trẻ. Mình thấy thán phục họ bởi các bạn có những suy nghĩ mới hơn và cũng khiến mình biết rằng khả năng bị đào thải hay thay thế là tất yếu. Nhưng chính những người trẻ đó cũng là một nguồn động lực để tôi có thể tự trau dồi thêm cho bản thân. Tôi nghĩ có một chút nỗi sợ làm động lực cho mình cũng tốt.

Cá nhân anh nghĩ như thế nào về thế hệ kế thừa thời trang ở Việt Nam?

Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ bây giờ đều đang giỏi hơn rất nhiều vì họ có cơ hội được tiếp xúc với lượng kiến thức khổng lồ của thế giới thông qua Internet từ sớm. Đầu óc của họ được mở mang hơn, đó là một lợi thế giúp họ đi nhanh hơn.

Nhưng đồng thời, tôi cũng nghĩ nếu chỉ hòa nhập mà không có gốc rễ, cội nguồn thì sẽ dễ bị hòa tan, đi theo cái đã có mà bỏ quên đi cá tính của mình. Do đó, tôi nghĩ bên cạnh việc đi theo xu hướng thì thế hệ kế thừa nên học cách trân trọng và phát triển từ những gì mình có.

Chẳng hạn, mình là người Việt Nam với những suy nghĩ chỉ người Việt Nam mới có, mình được lớn lên trong một môi trường mà chỉ những người Việt Nam mới được sống, thì hãy nên tận dụng góc nhìn khác biệt đó như một thế mạnh để khai thác và phát triển, chứ đừng chỉ cổ súy những tinh hoa của nước ngoài.

Anh nghĩ quá trình sáng tạo được sinh ra khi một người ở một mình hay ở bên cạnh người khác?

Tôi nghĩ sáng tạo được sinh ra một cách ngẫu nhiên và có thể ở khắp mọi nơi. Nhưng tôi sẽ thường dựa vào sự cân bằng trong cảm xúc của mình. Khi thấy cuộc sống của mình đang quá bận rộn, tôi sẽ tìm cách ở một mình để sáng tạo. Lúc đó, tôi sẽ tự xem phim và đọc sách. Sau khi đã cảm thấy đủ rồi thì tôi lại đi ra ngoài, tìm kiếm bạn bè và những hoạt động mới. Tức khi tôi đáp ứng được nhu cầu cảm xúc của mình thì nguồn cảm hứng cho sáng tạo cũng dễ đến hơn. Cá nhân tôi nghĩ sáng tạo giống như một cơn mưa vậy; trời muốn mưa chỗ nào thì mưa, và một người sáng tạo là người biết nắm bắt thời cơ khi cảm hứng ập đến.

Vật dụng nào luôn đi cùng để anh có thể bắt kịp những “thời cơ” như vậy?

Tôi có một chiếc notepad để vẽ sketch, điện thoại hoặc iPad để note ý tưởng. Tôi dùng tất cả mọi thứ có thể ghi chép và vẽ trên đó được.

Còn về mặt không gian thì sao? Đâu sẽ là không gian phù hợp nhất cho anh trong quá trình sáng tạo?

Tói không phải mê tín nhưng tôi có niềm tin vào phong thủy. Tôi rất thường coi hướng mỗi khi ngồi. Chẳng hạn như tôi thấy mình hợp với hướng đông vì mỗi khi ngồi hướng đó, tôi thấy mình tự nhiên có nhiều cảm hứng hơn thì tôi sẽ ưu tiện chọn ngồi theo hướng đó. Còn khi đến một chỗ lạ thì tôi thường ngồi ở những không gian có kiến trúc mở, nhiều cửa kính. Những nơi có thiết kế năng động, trẻ trung và màu sắc đa dạng cũng là những lựa chọn lý tưởng.

Chẳng hạn như khi bước vào Wink Hotels, đâu là vị trí gợi cho anh nhiều cảm hứng nhất?

Tôi biết Wink Hotels từ lúc khách sạn này còn đang xây. Khi đó, nhìn từ bên ngoài, tôi đã cảm thấy tòa nhà này khá thú vị và nghĩ có thể đó là một khu văn phòng dành cho dân creative – agency hoặc công ty quảng cáo chẳng hạn. Sau biết được đây là khách sạn, tôi đã rất thích thú. Tôi đặc biệt gợi ý các bạn làm trong agency hoặc ngành sáng tạo tới Wink Space để làm việc, vì không gian ở đây rất cảm hứng và mang lại cho tôi một nguồn năng lượng dồi dào. Tôi ấn tượng nhất với phần kính đổ xuống ở bên ngoài. Tôi thích cảm giác ngồi ở những cửa sổ trên cao nhìn dòng người qua lại, hoặc ngồi ở một góc và nhìn ra cuộc sống của những người xung quanh trôi qua trước mắt mình.

Với Alex Fox, trong sáng tạo thì mục đích đến trước hay cảm hứng đến trước?

Tôi nghĩ nó là cả hai tùy theo thời điểm. Trong công việc, dĩ nhiên mục đích phải tới trước. Vì tính chất công việc của tôi, mỗi tháng sẽ có một chủ đề sáng tạo khác nhau; những yêu cầu của khách hàng cũng khác nhau tùy vào từng dự án. Khi xác định được mục đích, tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu để cho ra ý tưởng.

Cũng có đôi khi sự sáng tạo tới trước thì tôi sẽ lưu trữ chúng lại cho các công việc sau này hoặc cho dự án cá nhân. Giống như tôi nói, sáng tạo như một cơn mưa vậy. Bạn sẽ không biết lúc nào nó đến, nên không thể chỉ ngồi im một chỗ để chờ. Hoặc là nó xuất hiện bất ngờ và mình đã chuẩn bị sẵn dụng cụ, hoặc là mình phải tự đi đào nguồn nước riêng.

Theo anh, trong sáng tạo, có ranh giới giữa sự độc đoán và kiên định không?

Đó là một ranh giới khá mong manh của những người làm sáng tạo. Họ thường có quy định và cách làm riêng mà đôi khi người khác nhìn vào có thể không hiểu nổi. Bản thân tôi và những người trong ngành ít nhiều đều có sự độc đoán riêng. Tôi nghĩ đó không phải điều xấu mà là một sự cần thiết để người làm sáng tạo giữ được cái tôi của mình. Nhưng mình phải học cách cân bằng.

Cái tôi sợ không phải là sự độc đoán, mà sợ chính cái tôi của mình có thể khiến mình trở nên cổ hủ. Do đó, đúng là tôi vẫn có những chuẩn mực của mình trong cuộc sống và cả trong sáng tạo, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng để học cách lắng nghe mọi người, nhìn lại tác phẩm của mình theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Giả sử trong một trường hợp nào đó, sáng tạo của anh không được chấp nhận bởi số đông thì…?

Thì tôi sẽ vẫn tiếp tục sáng tạo và làm nên những tác phẩm khác.

Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ làm hài lòng được số đông, nhưng chắc chắn phải làm hài lòng được bản thân mình. Đôi khi, có những dự án và sản phẩm tôi vẫn chưa hài lòng lắm nhưng mọi người thích, thì tôi sẽ giữ chuẩn mực của mình để tạo nên những sản phẩm tốt hơn về sau. Ngược lại, cũng có những lúc mình đã hài lòng với tác phẩm rồi nhưng mọi người lại không thích, đặc biệt là trong các dự án thương mại, thì tôi sẽ xem xét lại để tìm hiểu tại sao khách hàng lại thấy như thế, sản phẩm còn chưa ok chỗ nào,… Khi xác định rõ mục đích thì công việc của người làm sáng tạo cũng dễ thở hơn.

Và thật ra, tôi là kiểu người trong sáng tạo sẽ dùng lý trí nhiều hơn là cảm xúc.

Ồ, tôi khá bất ngờ với điều này đấy! Vì tôi cho rằng thường những người sáng tạo sẽ sống theo cảm xúc nhiều hơn?

Đúng. Ngày xưa tôi cũng từng nghĩ như thế. Tôi đinh ninh rằng mình thích theo đuổi con đường nghệ thuật thì mình sẽ có thiên hướng sống theo cảm xúc. Nhưng sau này tôi nhận ra, có rất nhiều kiểu nghệ sĩ và nhiều dạng sáng tạo khác nhau. Có những người mà tôi gọi là “true artist”, họ là chuyên gia tạo ra những cái mới hoàn toàn từ nơi không có gì. Nhưng đó không phải là tôi.

Sau nhiều năm làm việc, tôi nhận ra mình là kiểu người sáng tạo bằng lý trí. Tôi sẽ thu thập tất cả những thứ mình quan sát được từ thế giới xung quanh và từ đó chọn lọc để tạo ra cái mới của mình. Tôi luôn biết sẽ giữ lại cái gì và bỏ đi cái gì. Điều đó, tôi nghĩ, nằm ở tư duy lý trí nhiều hơn. Theo tôi, không phải cứ làm sáng tạo thì lúc nào cũng phải bay bổng hay phải lâng lâng ở đâu đó. Mọi người đều có thể sáng tạo và mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Khi nhận ra thế mạnh của mình là lúc tôi cảm thấy thoải mái với việc sáng tạo nhất.

Có vài người làm sáng tạo đến một mức nào đó thì không còn cảm thấy ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc nữa. Điều đó có đúng với anh Alex Fox không?

Tôi nghĩ cuộc sống của một người làm sáng tạo bản thân nó đã là một sự sáng tạo rồi. Như người ta nói rằng: khi bạn được làm công việc mình yêu thích thì bạn sẽ không có cảm giác làm việc một ngày nào. Người làm sáng tạo cũng như vậy. Vì đó là công việc họ yêu thích nhất, nên nó dường như đã trở thành một phần cuộc sống của họ rồi.

Cảm ơn anh Alex Fox về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ảnh: RabHuu Studios
Địa điểm: Wink Hotel Saigon Centre


 
Back to top