LIFE

Trần Điền: “Một điếu cigar cũng chỉ là một điếu cigar mà thôi.”

Jun 12, 2019 | By admin

Thú chơi cigar đang ngày một trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng để duy trì cuộc chơi lâu dài đòi hỏi vốn kiến thức cao về cigar và một niềm đam mê thực thụ. Ở Hà Nội có một doanh nhân đến với cigar chỉ bởi niềm yêu thích đơn thuần và đã đi khắp nơi trên thế giới để “tuyển quân” cho đội quân cigar của mình. Tín đồ cigar ấy chính là Trần Điền.

Tính tới nay, ông sở hữu hơn 400 loại tubo cigars và khoảng 5000 điếu cigars đến từ hàng chục quốc gia khác nhau, trong đó có Cuba, Dominica, Ý, Thuỵ Sĩ, Mỹ và Việt Nam. Ngoài số lượng đáng nể, bộ sưu tập cigar của ông còn có nhiều điều độc đáo khác sẽ được tiết lộ trong bài phỏng vấn của Luxuo.

Vừa bước chân vào phòng cigar của Trần Điền, giác quan đầu tiên được kích thích là khứu giác. Toàn bộ căn phòng toát lên hương khói nhẹ nhàng của cigar đang ủ. Rõ ràng là mùi hương cigar, nhưng không phải chỉ của một, hai loại mà là hương thơm hỗn hợp của rất nhiều loại cigar khác nhau. Mùi hương ấy thật tinh tế và cuốn hút nhờ những tầng lớp mùi vị phức tạp: khi thì từa tựa hương sô-cô-la, khi thì lại như mùi gỗ và đậm nét hơn cả là một thứ mùi vị của thời gian.

Dù là thú chơi công phu, nhưng chẳng có gì quá cầu kỳ, chỉ cần nhìn cách sắp xếp cigar rất tự nhiên của ông thì biết, vừa gọn gàng vừa ngẫu hứng, không theo một quy luật định sẵn.

Không gian nhỏ mang phong cách thanh lịch được bài trí giản dị với tông màu nâu là chủ đạo. Mỗi đồ vật đều là những kỷ niệm của gia đình ông, ví dụ chiếc bàn gỗ cổ của mẹ ông hay những bức tranh lưu niệm được con gái ông sưu tầm trong các chuyến đi. Quan sát kĩ, ta sẽ thấy một số điểm nhấn ngộ nghĩnh như bức tượng một khuôn mặt phá cách đang hút cigar. Dù là thú chơi công phu, nhưng chẳng có gì quá cầu kỳ, chỉ cần nhìn cách sắp xếp cigar rất tự nhiên của ông thì biết, vừa gọn gàng vừa ngẫu hứng, không theo một quy luật định sẵn. Thú vị nhất là khi ông mở các ngăn kéo và hộp đựng cigar của mình ra, trông như một kho báu đang dần được hé lộ.

Không gian cigar của Trần Điền không những ấm cúng và mang đậm dấu ấn cá nhân, mà còn mang đến cảm giác bình dị, thân thiện như chính chủ nhân bộ sưu tập vậy.

Điều gì đưa ông đến với cigar?

Tôi vốn là dân nghiện thuốc lá và cigar có thâm niên hơn 30 năm. Năm 2006, do chiều con gái nên tôi đã bỏ thuốc lá một cách tuyệt đối, kể cả ngửi cũng không. Sau 10 năm “chay tịnh”, đến năm 2016 tôi bắt đầu có thú sưu tầm cigar mà sưu tầm không thì cũng “nhạt miệng, buồn tay” nên tôi “hạ sơn” hút lại. Đối với tôi, cigar không gây nghiện như thuốc lá, “chay tịnh” cả tuần vẫn vô tư.

Cigar đem đến cho ông một trải nghiệm như thế nào?

Thưởng thức một điếu cigar hoàn toàn không đơn giản như đốt thuốc lá. Khung cảnh, địa điểm phải gây hứng thú, rồi còn các yếu tố khác như đồ ăn, thức uống đi kèm, cái này thì tuỳ sở thích mỗi người. Ví dụ, hút cigar ở vỉa hè Zurich khác hẳn hút cigar trên bờ kênh ở Venice.

Nhưng mà hút cigar một mình không thể bằng hút cùng bạn hữu! Thưởng thức cigar đặc biệt thú vị khi ngồi cùng những người bạn tâm giao của tôi, như bạn từ thuở ấu thơ Trần Bắc Nam, võ sư Trần Việt Trung, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, hoạ sỹ Đỗ Phấn, bạn đồng hương Bùi Quốc Hoàn và nhiều người bạn khác nữa.

Thưởng thức cigar đặc biệt thú vị khi ngồi cùng những người bạn tâm giao của tôi, như bạn từ thuở ấu thơ Trần Bắc Nam, võ sư Trần Việt Trung, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, hoạ sỹ Đỗ Phấn, bạn đồng hương Bùi Quốc Hoàn và nhiều người bạn khác nữa.

Điều gì làm nên sự độc đáo cho bộ sưu tập cigar của ông?

Chuyên đề sưu tầm của tôi là những điếu tubo cigars, tức là các điếu cigar được để trong ống hợp kim, nhôm, thủy tinh, nhựa hoặc bìa giấy. Cigar để trong ống tiện cho việc bảo quản và di chuyển. Ngoài ra thì mẫu mã của những chiếc vỏ ống cũng rất đa dạng, đẹp và lạ. Tôi thấy chúng rất đặc biệt, kết hợp với tem nhãn in ấn trên bao bì khiến nó dường như trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Hiện tại, tôi có 409 loại tubo cigars.

Tôi còn sưu tầm các điếu số 1 hàng năm do các chuyên gia đánh giá, chấm điểm và xếp hạng trên tạp chí Cigar Aficionado, tạp chí Mỹ đã hoạt động được 26 năm. Họ đánh giá cigar trên thang điểm 100 và dựa vào 4 yếu tố: hình thức, vị, chất lượng đốt và trải nghiệm chung. Trong bộ sưu tập của tôi có các điếu ngon nhất năm 2005 và từ năm 2010 đến năm 2018. Điếu số 1 của năm 2018 là điếu E.P. Carrillo Encore Majestic của Cộng hòa Dominica, được chấm 96/100 điểm.

Ngoài ra, tôi còn có các điếu cigar ngoại cỡ như điếu Victor Sinclair Serie ’55’Imperial Emperor (chiều dài: 28 cm; đường kính: 3,5 cm). Còn điếu dài nhất trong bộ sưu tập là điếu Santa Clara Magnum đến từ Mexico (chiều dài: 48,3 cm; đường kính: 2,1 cm). Trong khi đó, chiều dài và đường kính trung bình của một điếu cigar là 15 cm và 1,5 cm.

Trong bộ sưu tập của ông, điếu nào là giá trị nhất?

Thế thì phải kể đến điếu Gurkha His Majesty’s Reserve của Cộng hòa Dominica, trị giá 750 USD/điếu. Mỗi năm, hãng Gurkha chỉ sản xuất 100 hộp loại này. Điều làm nên sự độc đáo của điếu cigar này chính là việc nó được ủ bằng rượu Louis XIII Cognac, một trong những loại rượu thượng hạng quý hiếm nhất thế giới.

Quá trình tạo nên một điếu cigar thủ công là rất công phu, thế còn việc sưu tầm cigar thì sao?

Công phu chả kém! Trước tiên là phải hiểu biết về cigar, thuộc và nhớ những món đã có rồi còn phải bỏ công tìm tòi, săn lùng. Thứ hai là phải đến tận nơi lựa chọn những món mình còn thiếu. Cuối cùng là giao lưu, trao đổi với những người cùng đam mê để thu tập thêm những món mà mình chưa có. Đam mê và tinh nhanh thì “quân số” sẽ ngày càng tăng và bộ sưu tầm ngày càng phong phú.

Đam mê và tinh nhanh thì “quân số” sẽ ngày càng tăng và bộ sưu tầm ngày càng phong phú.

Được biết ông đi du lịch khắp thế giới để sưu tầm cigar và đã đến hơn 30 quốc gia, ông có thể kể một số kỷ niệm làm ông ấn tượng?

Có những thành phố tôi đi hết các hàng cigar ở đó, có những nơi chỉ một cửa hàng mà qua lại những ba bốn lần. Tôi thường tìm đến các cửa hàng cigar số 1 nơi mình đến. Tham quan các cửa hàng cigar lâu đời ở những quốc gia khác nhau là một cách hay để mua được cigar ưng ý. Phần lớn các cửa hàng này là của cha truyền con nối hoặc cửa hàng chính hãng của các thương hiệu lớn như La Casa del Habano và Davidoff of Geneva. Ngoài ra còn có nhiều hàng cigar khác để lại ấn tượng sâu đậm vì cách bài trí cổ kính và sang trọng như tiệm Fincato ở Rome, A la Civette ở Paris hay Sol Cigar Co AS ở Oslo.

Trần Điền và con gái.

Có tiệm lại mang phong cách trẻ trung hơn. Tôi còn nhớ có lần ngồi ngoài vỉa hè trước cửa tiệm Manuel’s ở Zurich vừa hút cigar vừa uống bia, xung quanh là các thanh niên địa phương cùng sở thích. Hay như tiệm Best Cigars mới mở ở Sofia có cậu bán hàng rất thân thiện, trước khi chia tay còn tặng tôi một vài món quà nhỏ. Hồi thăm con gái ở Venice, trên đảo Giudecca có tiệm kem ngon nhất nhì Venice, thế là tôi vừa hút cigar vừa ăn kem ngay trên bờ kè nhìn ra biển.

Tôi còn có sở thích ngồi hút cigar trên các rooftop bars, ví dụ như ở Nice, Venice,… Trong khi ngắm khung cảnh thành phố từ trên cao, tôi vừa nhâm nhi ly cocktail, vừa phả khói thuốc lên không trung. Đối với tôi, đây là một trải nghiệm vô cùng bay bổng.

Tôi còn nhớ có lần ngồi ngoài vỉa hè trước cửa tiệm Manuel’s ở Zurich vừa hút cigar vừa uống bia, xung quanh là các thanh niên địa phương cùng sở thích…

Ông có lời khuyên gì cho người mới chơi cigar?

Đầu tiên là lựa chọn nhà cung cấp cigar chuẩn, có uy tín. Tiếp theo là trao đổi, học hỏi từ những người đi trước. Ngoài ra thì tìm hiểu thêm thông tin trên internet và các tạp chí chuyên ngành về chủng loại, các hãng sản xuất và thương mại.

Ngoài cigar, ông còn sưu tầm gì khác không?

Có chứ! Tôi có hàng trăm các phụ kiện phục vụ cho việc hút cigar như diêm, khò, cắt, đục, gạt tàn và đồ lưu niệm sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi còn có thú vui sưu tầm sách, truyện tranh, đĩa nhạc, mô hình tàu hỏa đồ chơi và cả các tác phẩm có hình ảnh con gà hay Phúc Lộc Thọ. Hiện tại, gia đình tôi đang lưu giữ khoảng hơn 3000 cuốn sách yêu thích.

Cigar có ý nghĩa thế nào đối với ông?

Đối với tôi, một điếu cigar cũng chỉ là một điếu cigar mà thôi.

Thực hiện: Trần Đan Vy I Ảnh: Alvis Nguyễn 


 
Back to top