Tội phạm khí hậu: Gọi tên thế hệ ngôi sao sử dụng chuyên cơ cá nhân
Tuần trước, mạng xã hội nổ lên cuộc tranh cãi khi những ngôi sao nổi tiếng như Kylie Jenner và Taylor Swift thường xuyên cập nhật hình ảnh sử dụng chuyên cơ cá nhân. Điều đáng nói, thói quen sử dụng này đã gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là lượng khí thải từ những chiếc phi cơ này.
Theo đó, ngôi sao của series “The Kardashians” đã chia sẻ bức ảnh chụp cô với bạn đời của mình (rapper Travis Scott) đứng giữa hai chiếc máy bay phản lực cá nhân kèm dòng chú thích “bạn muốn lấy của tôi hay của bạn?”. Ngay lập tức, tài khoản Twitter chuyên dõi các chuyến bay của người nổi tiếng đã tiết lộ thông tin về chuyến bay dài 17 phút của đôi vợ chồng. Điều này đã khiến cô nhận về nhiều chỉ trích và dấy lên lo ngại về việc sử dụng vô tội vạ chuyên cơ cá nhân, phát thải ra môi trường.
Cùng với đó, những ngôi sao như Drake và Taylor Swift cũng bị gọi tên trong danh sách này.
Theo một khảo sát từ Yard, máy bay của Taylor Swift đã thực hiện 170 chuyến bay tính đến cuối tháng 7 năm nay, đạt gần 16 ngày trên không với thời gian trung bình là 80 phút và 139,36 dặm mỗi chuyến bay. Tổng lượng khí thải của các chuyến bay trong năm 2022 được tính đạt hơn 8000 tấn, gấp 1000 lần tổng lượng khí thải hàng năm của người bình thường.
Tuy nhiên, người đại diện của Taylor cho biết, máy bay tư nhân của cô thường xuyên cho mượn và dữ liệu đưa ra là không rõ ràng.
Đồng thời, Yard cũng tổng hợp dữ liệu từ tài khoản Twitter Celebrity Jets để chứng minh những tác hại của việc lạm dụng máy bay tư nhân. Rapper Drake từng che giấu việc sử dụng máy bay tư nhân Boeing 767 trị giá 185 triệu USD thành cho một loạt các chuyến bay chỉ kéo dài 20 phút bằng cách nói rằng máy bay được chuyển đến kho chứa.
Chris Butterworth, giám đốc phát triển bền vững kỹ thuật số của Yard cho biết: “Rất dễ để lạc vào cảm giác rực rỡ của cuộc sống người nổi tiếng nhưng họ là nhân tố chính gây nên vấn đề phát thải CO2 do lượng khí từ những lần sử dụng máy bay gây ra”.
Tiến sĩ Laura Kuhl lại chỉ ra: “Việc công chúng chú ý tới trách nhiệm sử dụng máy bay cá nhân của người nổi tiếng sẽ chuyển hướng các công ty nhiên liệu hoá thạch khỏi danh sách nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ô nhiễm không khí”. Một báo cáo từ năm 2017 có tiêu đề “Báo cáo chuyên ngành Carbon” tiết lộ chỉ 100 công ty chịu trách nhiệm cho 71% lượng khí thải toàn cầu. Các công ty bao gồm ExxonMobil, Shell, BP và Chevron là những công ty phát thải cao nhất kể từ năm 1988. Thay vì chịu trách nhiệm về lượng khí thải này, nhiều tập đoàn trong số này đổ lỗi cho người tiêu dùng, theo Tiến sĩ Kuhl.
Thu Thảo – Theo BoF, The Guardian