Bất động sản

5 kiến trúc sư nói gì về việc “bức tử” đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt?

Aug 21, 2020 | By Trang Ps

Những kiến trúc sư hàng đầu bao gồm: Đoàn Kỳ Thanh, Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Quốc Thông và Ngô Viết Nam Sơn đồng loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ 3 phương án kiến trúc được đưa ra nhằm quy hoạch lại khu đồi Dinh tỉnh trường Đà Lạt.

“Thô bạo”, “thiếu tinh tế”, “buồn cười”, “vô duyên”,… đều là những tính từ mà các KTS hàng đầu dùng để đánh giá về 3 phương án kiến trúc được đưa ra nhằm quy hoạch lại khu đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt. Theo ý kiến từ 5 KTS, bản chất của đề bài muốn đưa một công trình khối tích lớn lên đỉnh đồi đã sai cơ bản về tiêu chí quy hoạch bảo tồn di sản, vậy nên 3 phương án đưa ra đều không ổn.

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Các phương án đưa ra đều là “nhốt Dinh vào cũi”

Bày tỏ thẳn thắn góc nhìn của mình về vấn đề này, KTS Đoàn Kỳ Thanh coi các phương án kiến trúc cho đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt đều là “nhốt Dinh tỉnh trưởng vào cũi bê tông“. Với KTS, điều này thậm chí còn tệ hơn là việc phá bỏ Dinh tỉnh trưởng. Khu khách sạn được xây lên sẽ “bóp nghẹt” cảnh quan nơi đây, bởi xây dựng đồng nghĩa với việc chặt bỏ cây xanh, xây các bức tường bê tông “giam” không gian của khu Dinh tỉnh trưởng.

KTS Hoàng Thúc Hào: 3 bản quy hoạch “buồn cười”, “vô duyên”

“Bức tử” đồi Dinh tỉnh trưởng KTS nói gì?

KTS cho rằng những phương án thiết kế này khiến cho Dinh tỉnh trưởng trở thành đồ chơi của khách sạn, mang đến một sự bức xúc lớn với những người yêu mến kiến trúc Dinh và điều đó là hết sức vô lý, vô duyên. Với quan điểm của KTS, khai thác không gian văn hóa cộng đồng của khu vực Dinh tỉnh trưởng là một việc làm đúng đắn và hợp lý hơn so với việc biến nơi đây thành một khu thương mại, dịch vụ.

KTS Đoàn Thanh Hà: “Việc xây đã không cần thiết thì bàn về phương án kiến trúc là thừa.”

“Bức tử” đồi Dinh tỉnh trưởng KTS nói gì?

Ông đặt câu hỏi: “Cả thành phố Đà Lạt đã xây khách sạn rồi, tại sao họ phải “cố đấm ăn xôi” xây khách sạn ở đó làm gì?“ Theo KTS, nếu giữ lại khu đồi này thì “muôn đời có giá trị” còn nếu cố khai thác về mặt thương mại thì lời sẽ sinh nhanh tuy nhiên lại không bền và giảm giá trị của khu vực.

Còn nếu cố tình muốn khai thác, ít nhất trong kiến trúc phải có sự tinh tế. KTS đưa ra dẫn chứng về công trình Hilton Opera Hanoi được xây dựng cạnh nhà hát lớn Hà Nội đã làm âm xuống vài tầng để tổng chiều cao thấp hơn Nhà hát. Tuy nhiên với 3 phương án thiết kế trên đều đã không có được sự tinh tế này.

Ngoài ra với 3 bản quy hoạch này, KTS còn đánh giá đây là những dự án nếu được xây dựng sẽ bóp nghẹt không gian. Mật độ bê tông dày đặc trong bản quy hoạch đã lấy đi không gian thông thoáng vốn có và điều này không phù hợp với bối cảnh Đà Lạt.

KTS Nguyễn Quốc Thông: “Hủy phố Việt Hòa Bình là tự hủy đi mình.”

“Bức tử” đồi Dinh tỉnh trưởng KTS nói gì?

Theo phân tích của KTS, người Pháp cho xây dựng một khu phố Pháp tại Đà Lạt tạo thành một di sản lịch sử, cùng với đó nơi đây cũng có một khu phố do người Việt dựng lên. Nếu cho quy hoạch lại nơi này tức là đã xóa đi những dấu ấn, bản sắc văn hóa và sự đa dạng vốn có của Đà Lạt. Điều này không khác gì việc hủy đi chính mình.

Các di sản ở khu Hòa Bình – Đà Lạt gồm: rạp hát Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh tỉnh trưởng thuộc quần thể phố Việt – nơi lưu giữ nhiều giá trị lâu đời, đáng quý của người dân nơi đây.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Chỉ giữ phố Tây mà phá phố Việt là vết nhơ đáng xấu hổ với tiền nhân”

“Bức tử” đồi Dinh tỉnh trưởng KTS nói gì?

KTS bày tỏ một cách thẳng thắn, nếu thành phố quyết định chỉ giữ di sản phố Pháp và phá khu di sản phố Việt Hòa Bình để làm dự án địa ốc, mà các cơ quan chức trách của trung ương và những người có trách nhiệm không lên tiếng can ngăn, đây sẽ là một vết nhơ đáng xấu hổ với tiền nhân, của không chỉ người dân Đà Lạt, mà của cả chính quyền trung ương và địa phương, cũng như của những kiến trúc sư Việt Nam.

Khu phố Việt Hòa Bình gồm: rạp hát Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh tỉnh trưởng là những công trình có mặt ở Đà Lạt từ sớm, là hình ảnh đời sống Việt của thị dân nơi đây. Các di sản này có sự kết nối và sẽ rất vô nghĩa nếu chính quyền tỉnh Lâm Đồng phá bỏ cái này, di dời cái kia, giữ lại cái khác.

KTS khẳng định đây là một tổng thể hài hòa, cần phủi bỏ lớp bụi thời gian để làm nổi bật lên tính độc đáo của một quần thể di sản phố Việt ở trung tâm Đà Lạt.

Về quy hoạch khu Hòa Bình

Ngày 15/3/2019, Đà Lạt chính thức công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Bản đồ án về một khu thương mại phức hợp thay cho một khu mang nhiều dấu ấn lịch sử đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn.

Theo đó dinh thự di sản kiến trúc kiểu Pháp (Dinh tỉnh trưởng) sẽ dời đi, thay vào đó là cụm khách sạn cao 10 tầng, các con đường quanh Dinh sẽ thay bằng những trục giao thông rộng.

Sau khi vấp phải các ý kiến phản đối của dư luận và góp ý chuyên môn, đề nghị tổ chức hội thảo của: Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đông đảo người dân,… Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã “im hơi lặng tiếng” một thời gian dài, cùng với thông tin Đà Lạt giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng.

Bẵng đi một thời gian, cho đến lần trở lại này có 3 phương án kiến trúc được đưa ra và tổ chức trưng bày, lấy ý kiến về quy hoạch khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, từ ngày 14/8 đến 14/9/2020.

Phương án 1 đưa Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28m so với hiện nay. Phương án 2 giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng, bao quanh là khối nhà hình chữ U cao 10 tầng. Phương án 3 cũng để “yên vị” Dinh Tỉnh trưởng nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung, tựa như kiến trúc trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Theo kienviet

 


 
Back to top