HOUSE OF LUXE / Bất động sản

3 đề xuất cao tầng hóa ở khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt bị cộng đồng phản đối

Aug 17, 2020 | By Trang Ps

Ngày 14/8 vừa qua, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình. 

Thời gian trưng bày, lấy ý kiến diễn ra tại Nhà triển lãm khu Hòa Bình, thành phố Đà Lạt đến ngày 14/9.

Theo đó, có 3 phương án kiến trúc đi kèm thông tin về chỉ tiêu kiến trúc cùng các hình ảnh, mô hình trực quan, trình chiếu thuyết minh sinh động để người dân cho ý kiến tại chỗ bằng phiếu lấy ý kiến, nhằm chọn ra phương án tối ưu cho kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng.

Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt đã công bố trước đó, phân khu 3 (khu vực đồi Dinh) có quy mô diện tích khoảng 4,43 ha. Khu công trình tập trung vào các chức năng chính là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến, công trình cao 10 tầng, trong đó khối đế là khu vực thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm hội nghị; khối tháp là khu vực khách sạn và các tầng dịch vụ hỗ trợ, gồm vườn phong cách Pháp, hồ bơi tràn, spa, nhà hàng xoay…, tạo điểm nhấn và phù hợp cảnh quan khu vực.

Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản đối của dư luận, khối công trình Dinh Tỉnh trưởng (cũ) trong lô đất dự án (diện tích hơn 16.904 m2) sẽ được giữ nguyên, không di dời nguyên khối như phương án ban đầu, để cải tạo kết nối hài hòa với công trình mới, bảo đảm khai thác tốt giữa dịch vụ du lịch và yếu tố lịch sử của công trình này.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đồ án triển lãm chỉ chú trọng vẻ bề ngoài

Trước diễn tiến mới này, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã lên tiếng mạnh mẽ trên trang cá nhân. Dưới đây là một phần bài viết được ông đăng tải vào ngày 14/8.

Thật đáng thất vọng chỉ sau vài tháng Đà Lạt đề ra chủ trương phấn đấu trở thành đô thị di sản, mà sáng nay UBND thành phố Đà Lạt lại cho triển lãm phương án Khu Hòa Bình lấy ý kiến người dân trong một tháng.

Đồ án triển lãm này chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài, nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa Khu lịch sử Phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn Khu Hòa Bình của cộng đồng, và các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,…), và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Thật ra, dự án này vẫn có thể có giá trị cho Lâm Đồng, nếu chọn xây ở một khu đất trống phù hợp hơn tại Đà Lạt. Hiển nhiên, việc cố tình chọn xây dựng trên nền công trình di sản, bên cạnh ý chí lợi ích riêng của nhà đầu tư và của một số lãnh đạo địa phương, còn có sự tiếp tay của kiến trúc sư thiếu chữ Tâm.

Để chống chế cho các thiết kế phá hỏng không gian di sản Đà Lạt, tác giả thường nhắc đến ba công trình hiện đại từng bị phản đối mạnh mẽ tại Paris, sau đó trở thành di sản kiến trúc thế kỷ 21 được mọi người công nhận, là: Tháp Eiffel, Kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre, Trung tâm Văn hóa Pompidou…, với ngụ ý tự xem mình là một “kiến trúc sư vĩ đại” đi trước thời đại khi thiết kế cao tầng hóa Khu Hòa Bình, và hậu thế sẽ xem những công trình thế này là di sản.

Đó chỉ là một cách ngụy biện, thiếu cơ sở văn hóa và khoa học, chỉ dùng để thuyết phục chính quyền Đà Lạt, vì cả ba công trình trên không hề đề xuất phá bỏ di sản quý giá nào của Paris để xây dựng mới: Tháp Eiffel xây trên một khu đất trống; Kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre được thực hiện với yêu cầu tạo nên lối vào chính cho phần diện tích công trình mở rộng chính, hoàn toàn nằm dưới lòng đất, để bảo vệ cho di sản bảo tàng Louvre; Trung tâm Văn hóa Pompidou xây trên một khu vực không có giá trị di sản phải bảo tồn.

Cả ba công trình này bị phản đối ban đầu, chỉ vì lúc đó người dân chưa quen nhìn thấy các kiến trúc hiện đại quy mô, nằm trong không gian kiến trúc cổ điển của Paris, chứ không hề có nghĩa người dân ủng hộ phá các công trình di sản quý giá để hiện đại hóa Paris.

Điển hình là việc đề xuất phá bỏ di sản khu trung tâm để xây cao tầng cho thành phố Paris của KTS. Le Corbusier (một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới hơn rất nhiều so với ba vị kiến trúc sư làm ba công trình trên) gặp sự chống đối mạnh mẽ và bác bỏ hoàn toàn của người dân.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới đều phải công nhận, tuy đây là một đề xuất mang tính đột phá về tư duy quy hoạch, nhưng lại đặt sai chỗ, phải nói là điên rồ khi mơ tưởng xây dựng mới như vậy trên nền di sản đô thị Paris. Rất đáng mừng không chỉ cho người dân Paris mà cả cho nhân loại, khi thành phố Paris đã sớm bác bỏ dự án này.

Do đó, nói một cách thẳng thắn, Đà Lạt chỉ có hai khu di sản chính là: (1) Khu di sản Phố Pháp và (2) Khu di sản Phố Việt Hòa Bình. Việc nhất quyết phá bỏ di sản để xây dựng mới tại đây chỉ làm lợi cho nhà đầu tư, bất chấp mọi thiệt hại cho giá trị đô thị di sản của Đà Lạt.

Nếu thành phố Đà Lạt lại quyết định chỉ giữ di sản Phố Pháp, và phá hại khu di sản Phố Việt Hòa Bình để làm dự án địa ốc, đây sẽ là một vết nhơ đáng xấu hổ với tiền nhân, của không chỉ người dân Đà Lạt, mà của cả chính quyền trung ương và địa phương, cũng như của những kiến trúc sư Việt Nam.

Hành động phá bỏ di sản này không hề vinh quang mà có thể ví như việc: đề xuất xây dựng mới khu đô thị cao tầng, trên nền tảng phá bỏ khu trung tâm di sản Paris của Le Corbusier; Đập bỏ nhà thờ Notre Dame để xây Tháp Eiffel; Đập bỏ bảo tàng Louvre để xây một Kim tự tháp kính lớn hơn; Đập bỏ Nhà hát Opéra Garnier để xây Trung tâm Văn hóa Pompidou…, mà chắc chắn người dân có văn hóa của Paris không bao giờ cho phép xảy ra, dù với bất kỳ lý do nào!

Khu Hòa Bình không chỉ là di sản riêng của Đà Lạt, mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam, rất mong những người quan tâm hãy tiếp tục cùng chúng tôi bảo vệ cho di sản này của Đà Lạt, khuyến nghị chủ đầu tư hãy xây dựng dự án này ở rất nhiều khu đất trống khác của Lâm Đồng.

Cả ba phương án đề xuất trong triễn lãm đều không ổn, vì chỉ ngoan ngoãn thực hiện theo yêu cầu chủ đầu tư, trong khi bản chất của đề bài muốn đưa một công trình khối tích lớn lên đỉnh đồi đã sai cơ bản về tiêu chí quy hoạch bảo tồn di sản, mà KTS cần có ý thức trách nhiệm để từ chối phục vụ cho nhà đầu tư (Cho dù che dấu dưới lớp diễn họa không gian đồi xanh quanh công trình, như một phương án của KTS Pháp đi nữa, thì ban đêm đèn của công trình vẫn phải chiếu sáng tạo thành một khối ánh sáng khổng lồ, chưa kể đến việc phải điều hòa nhiệt độ cho toàn bộ công trình lớn này sẽ làm thay đổi vi khí hậu xung quanh, và việc chặt hết rừng thông hiếm hoi còn sót lại trên đồi Dinh).


 
Back to top