Bất động sản

The 2024 Luxury Property Issue: Bất động sản đón sóng chuyển đổi xanh toàn cầu

Sep 20, 2024 | By Luxuo Vietnam

Hòa cùng làn sóng phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt và toàn cầu đang tích cực chú trọng đến ESG để định hướng chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Khu Công nghiệp Deep C Hải Phòng. Ảnh: Internet

Công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu

Tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp vì những yếu tố này không chỉ phản ánh cam kết trách nhiệm xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức. Ông Thomas cho biết thêm, “Người tiêu dùng hiện đại có xu hướng ủng hộ các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu ESG. ESG cũng giúp các công ty quản lý rủi ro tốt hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, các sự cố môi trường và bất ổn xã hội, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.” Bên cạnh đó, các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội cũng buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ để tránh rủi ro pháp lý và các khoản phạt.

Cùng với xu hướng ESG đang dần phát triển, các khu công nghiệp xanh ngày càng được chú trọng với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiên tiến. Nhận định về vấn đề này, vị Quản lý Cấp cao của Savills Hà Nội phân tích rằng, “Phát triển khu công nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường với mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0”.

Trong hành trình chuyển đổi xanh này, không thể không kể đến dự án hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Bộ Khoa học, Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu chuyển đổi các Khu Công Nghiệp Tập Trung (OIZs) truyền thống thành các Khu Công Nghiệp Sinh Thái (EIPs) thông qua việc phát triển khung EIP quốc gia. Dự án này mong muốn gia tăng năng lực cạnh tranh cho khu công nghiệp này thông qua việc giảm chi phí vận hành doanh nghiệp bằng cách nâng cấp hiệu quả của nguồn nước và năng lượng. Cụ thể như áp dụng hệ thống giặt liên tục với dòng nước/ vải ngược chiều sau các quy trình nhuộm và in ấn có thể giúp tiết kiệm 16.100 m³ nước và 644.000 kWh điện mỗi năm.

Các chứng chỉ khu công nghiệp như LEED, EDGE, Green Mark,… sẽ giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong bối cảnh chuyển đổi công nghiệp xanh.

Việt Nam không nằm ngoài “cuộc chơi”

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về không gian, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Theo đó, bất động sản công nghiệp được dự đoán vẫn sẽ là một điểm sáng trong việc thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Để bắt kịp làn sóng phát triển bền vững ngày càng lan rộng, một khảo sát của KPMG với sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI cho biết rằng, bên cạnh các yếu tố vị trí, nguồn lao động hay hạ tầng logistics, các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty FDI khi chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các khu công nghiệp xanh ở Việt Nam có lợi thế hơn so với khu công nghiệp truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Tại Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40 – 50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái và 8-10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.

Các mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp xanh của doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam đã cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong việc đạt được tiêu chuẩn ESG cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường đòi hỏi mức chi phí tốn kém và cần xem xét kỹ lưỡng trong từng khâu vận hành. Chính vì vậy, hiện nay, số lượng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, với chỉ 4 trên tổng số hơn 400 khu công nghiệp. Điều này là tín hiệu cho thấy rằng việc phát triển khu công nghiệp xanh mới chỉ ở giai đoạn đầu, và sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện các công trình đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường bất động sản công nghiệp.

Bài viết: Bình An

Theo Thị trường & Thương gia 


 
Back to top