Phong cách / Làm đẹp

ECOXURY: Zegna – biểu tượng thủ lĩnh trong cuộc đấu tranh vì sự bền vững của toàn cầu

Aug 30, 2019 | By Trang Ps

Zegna vừa trở thành thành viên chính thức của The Fashion Pact, dự án bền vững toàn cầu được thúc đẩy thực hiện bởi tỷ phú Francois Henri Pinault – Chủ tịch tập đoàn Kering và dưới sự ủy thác của Tổng thống Pháp – Ngài Emmaunuel Macron. Dự án được ký kết bởi liên minh toàn cầu bao gồm các thương hiệu hàng đầu từ lĩnh vực thời trang cao cấp nói riêng và ngành hàng xa xỉ nói chung.

The Fashion Pact nhắm đến những ưu tiên và hành động liên quan đến tính bền vững giúp bảo vệ hành tinh, được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 45 diễn ra tại Biarritz, Pháp từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 08.

Dự án kỳ vọng ít nhất 20% ngành công nghiệp thời trang tạo ra sự khác biệt bằng cách giảm thiểu tác động của lĩnh vực dệt may lên môi trường, bao gồm đại dương, khí hậu hay đa dạng sinh học. Sự minh bạch ấy được thể hiện qua khối lượng lẫn chất lượng sản phẩm.

Như bạn đã biết, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đóng góp hơn 1,5 nghìn tỷ USD doanh thu mỗi năm. Điều đó nhấn mạnh tầm ảnh hưởng to lớn của lĩnh vực này trong hệ thống tư bản và tiêu dùng năng động của toàn thế giới. Như vậy, việc nó dẫn dắt cộng đồng người tiêu dùng quốc tế đấu tranh vì một tương lai bền vững là không thể tranh cãi hay phủ nhận.

Mới đây, qua lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 32 đơn vị trong ngành thời trang dệt may đã có cuộc gặp mặt với nhau tại Elysée Palace. Theo đó, The Fashion Pact cũng được trình bày trước các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz.

Vào tháng 4/2019, Tổng thống Macron đã trao cho François-Henri Pinault, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Kering, sứ mệnh tập hợp những thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang dệt may, đặt ra một mục tiêu thiết thực nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Zegna – biểu tượng thủ lĩnh trong cuộc đấu tranh vì sự bền vững của toàn cầu

Trong danh sách các thương hiệu thời trang xa xỉ tham gia phong trào bền vững The Fashion Pact, Zegna là đơn vị tiên phong, họ luôn nhận thức được vị trí quan trọng của mình trong lĩnh vực hàng nghìn tỷ USD này. Thương hiệu tập trung vào việc sử dụng các sợi tái chế trong các bộ sưu tập mới, đồng thời trích 5% lợi nhuận ròng của tập đoàn để quyên góp và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Không dừng lại ở đó, “biểu tượng thời trang của quý ông” cũng lên ý tưởng thực hành nhãn hiệu cao cấp 3 trong 1: “sang trọng” kết hợp “trung cấp” và “vừa túi tiền”. Từ đó, nhân rộng nhiều giải pháp bền vững thay thế và biến đổi sản xuất theo xu hướng hàm lượng carbon thấp, giảm thiểu tối đa tác động đa sinh học và phát triển khả năng phục hồi.

Show diễn thời trang mùa Xuân 2020 của Zegna đã vượt ra ngoài giới hạn thành phố, với địa điểm diễn ra ở nhà máy sắt rỉ sét Falck huyền thoại. Công trình này được thành lập từ năm 1903 và đóng cửa vào năm 1995 nhằm cung cấp nguyên liệu thô cho các công ty như Olivetti và Alfa Romeo. Ngày hôm nay, không gian khổng lồ ấy đã được thu dọn sạch sẽ, và sẽ sớm trở thành một ngôi nhà mới cho các bệnh viện ung thư và thần kinh trong khu vực.

Lấy bối cảnh sàn diễn là một di tích lịch sử để nâng tầm thông điệp của mình, Zegna khôn ngoan sử dụng 20% quần áo từ nylon và len tái chế từ sản phẩm thải mà thương hiệu hiện có. Ở đây, len và nylon đã được cắt thành từng mảnh hoàn toàn mới, hoặc trộn với các vật liệu “mới” để tạo ra những tuyệt tác thời trang. Từ đây, Zegna đã chứng minh cho quan niệm: “Tính bền vững không làm giảm chất lượng xa xỉ”. Thậm chí, một số món đồ tái chế có thể khiến các nếp nhăn phẳng lại một cách dễ dàng.

Chính thức trở thành thành viên của The Fashion Pact, Zegna cũng là biểu tượng cho sự sẵn sàng của thương hiệu trong việc trở thành thủ lĩnh trong làng thời trang thế giới, cùng chia sẻ những ý tưởng, giải pháp quan trọng và từng bước tháo gỡ các thử thách mà hành tinh đang đối mặt.

Đặc biệt hơn nữa, The Fashion Pact còn mở rộng biên giới, và xây dựng tính bền vững dựa trên các nền tảng có sẵn như Apparel Impact Institute, C&A Foundation, Ellen MacArthur Foundation, Fair Fashion Center, Fashion For Good, Sustainable Apparel Coalition, Textile Exchange, The United Nations Framework Convention on Climate Change (UNFCCC), UN International Labour Organization/Better Work, ZDHC.

Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo rằng các tổ chức này sẽ lấp đầy những khoảng trống trong chuỗi cung ứng thời trang.

Những mục tiêu mà Zegna và The Fashion Pact hy vọng đạt được

Cám kết thực hiện Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (Science-Based Targets -SBT) về khí hậu và thúc đẩy hành động tích cực của các công ty. Cụ thể như sau:

  • Thực hiện tất cả các biện pháp có thể để giảm và tránh phát thải carbon, cam kết bù đắp thông qua các chương trình có thể kiểm chứng như REDD+ để đạt ngưỡng “0” vào năm 2050.
  • Hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi thông qua nguồn cung ứng nguyên liệu thô bền vững.
  • Sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn bộ hoạt động chính, tham vọng khuyến khích thực hiện năng lượng tái tạo trong tất cả các quy trình sản xuất có tác động dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030.

Cam kết hỗ trợ phát triển SBT về đa dạng sinh học và thực hiện các mục tiêu này trong khu vực để đảm bảo sự đóng góp của The Fashion Pact trong việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ các loài chủ chốt. Đặc biệt:

  • Phương pháp nông nghiệp sinh thái, phục hồi đất và đồng cỏ, tối ưu hóa đa dạng sinh học trong các trang trại.
  • Hỗ trợ tối ưu hóa thời gian của động vật trên đồng cỏ tự nhiên phù hợp với việc áp dụng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật trong toàn ngành.
  • Hỗ trợ đổi mới vật chất và quy trình không có tác động tiêu cực đến các loài và hệ sinh thái quan trọng.
  • Đảm bảo không làm mất mát hoặc suy thoái rừng tự nhiên.
  • Các hành động hỗ trợ trong suốt chuỗi cung ứng nhằm khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ các loài chủ chốt.
  • Cách tiếp cận thân thiện với động vật hoang dã, khai thác lâm nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy việc bảo tồn các loài chủ chốt.

Cam kết giảm đáng kể các tác động tiêu cực đối với môi trường đại dương, bao gồm:

  • Loại bỏ việc sử dụng nhựa một lần (trong đó có bao bì B2B và B2C) vào năm 2030.
  • Hỗ trợ đổi mới để loại bỏ ô nhiễm vi sợi từ việc rửa các vật liệu tổng hợp.
  • Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và khai thác không dẫn đến ô nhiễm hóa học ở các con sông và địa dương.
  • Giáo dục người tiêu dùng về chăm sóc sản phẩm để tránh ô nhiệm nhựa khi giặt.
  • Hỗ trợ công nghệ mới và áp dụng biện pháp kiểm soát ô nhiễm để bảo vệ các dòng sông, đại dương khỏi hóa chất được giải phóng thông qua chuỗi cung ứng sản xuất thời trang
  • Hỗ trợ việc thực hiện các hướng dẫn về cách quản lý.

Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – một chương trình được khởi xướng của LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động từ tháng 8.2019.

 


 
Back to top