Phong cách / Làm đẹp

Thời trang thế giới 2018: Những dấu ấn đặc biệt

Dec 27, 2018 | By Trang Ps

Dàn nghệ sĩ Hollywood phủ đen thảm đỏ Quả Cầu Vàng 2018, làn sóng phẫn nộ Dolce & Gabanna từ Trung Quốc, Valentino đạt đến đỉnh cao couture, Virgil về Louis Vuitton, Prada trở lại… là một loạt sự kiện đã tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử thời trang.

Chúng ta đã đi qua năm 2018 cùng những tin tức và sự kiện nổi bật. Thật thiếu sót nếu bạn nghĩ thời trang chỉ đơn thuần là quần áo mà không điểm qua những dấu ấn đáng nhớ của ngành công nghiệp này trong năm qua.

Dàn sao phủ đen thảm đỏ Quả Cầu Vàng 2018

Năm 2017, phong trào #Metoo nổi lên và tốn khá nhiều “giấy mực” của báo chí nước ngoài. Năm 2018, chúng ta chứng kiến bức tranh màu đen ảm đạm tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng. Các nghệ sĩ đều đồng loạt hưởng ứng khẩu hiệu: “Giờ đã đến lúc: Vì sao hôm nay tôi mặc đồ đen” (Time really is Up). Cứ ba phụ nữ tuổi từ 18 – 34 thì có một người bị xâm hại tình dục khi làm việc. 71% trong số họ không biết tố cáo. Oprah Winfrey đã thực hiện bài phát biểu đầy xúc động trước “biển đen” trên thảm đỏ này.

Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện tại Tuần lễ Thời trang Luân Đôn

Nữ hoàng Anh khiến công chúng bất ngờ khi tham dự show diễn thời trang và trao giải thưởng British Design cho nhà thiết kế tài năng Richard Quinn. Tất cả khách mời đều đứng lên chào đón bà trong bầu không khí tĩnh lặng và đầy tôn kính. Nữ hoàng thanh lịch trong trang phục màu xanh nhạt kết hợp hài hòa với màu sắc găng tay và giày cao gót. Dù đã ở tuổi 91, bà vẫn rạng rỡ trong tuần lễ thời trang quan trọng này.

Prada lấy lại phong độ

Không ai có thể chối bỏ sức hấp dẫn vĩnh cửu của nhãn hiệu thời trang Prada. Tuy nhiên, vào năm 2016, hoạt động kinh doanh của công ty này bị đình trệ khi doanh số giảm 10%. Prada gần như phải đấu tranh quyết liệt để phục hồi cấu trúc giá cả và tiến đến những thị trường khác vào năm sau. Tháng 2 năm 2018, chương trình biểu diễn thương hiệu Ý đầy ấn tượng được tái khởi chạy và giúp Prada lấy lại được tiếng vang cho mình vào nửa đầu năm tài chính 2018. Doanh thu của tập đoàn đã cán mốc 1.5 tỷ euro, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nằm ngoài dự tính của các nhà phân tích.

Vẻ đẹp đa sắc tộc trên sàn diễn thời trang

19 sàn catwalks trình diễn bộ sưu tập Xuân Hè năm nay thể hiện nét đa sắc tộc chưa từng có. Báo cáo theo mùa của The Fashion Spot cho thấy sự đa dạng chủng tộc đạt mức cao nhất trong mọi thời đại, với 36.1% người mẫu đến từ các thành phố khác nhau và màu da khác nhau. Một  nửa số người mẫu hàng đầu là phụ nữ da màu, trong đó phải kể đến Adut Akech, Hyun Ji Shin, He Cong và Sora Choi.

The finale at Dolce & Gabbana Spring 2019.

Vào tháng 2, Anok Yai, người mẫu gốc Sudan, là người mẫu da đen đầu tiên mở màn cho show diễn của Prada kể từ thời của Naomi Campbell năm 1991. Lần đầu tiên, những người mẫu da đen xuất hiện tại Comme des Garçon – nhãn hiệu thời trang Nhật Bản, sau hơn hai thập kỷ. Và Balenciaga đã chọn 8 ngôi sao người Jamaica từ công ty mẹ là Saint International. Có thể nói ngành thời trang 2018 có sự đa dạng về vóc dáng và giới tính ở mức cao của mọi thời đại.

Phong cách thời trang của công nương Meghan Markle

Công nương Meghan Markle mang vẻ đẹp đa chủng tộc. Mẹ cô là diễn viên người Mỹ, cha cô lại có tổ tiên từ Hà Lan và Ireland. Meghan nổi tiếng là nghệ sĩ cống hiến cho hoạt động xã hội và cô cũng từng ly dị. Chính vì nhiều sự khác biệt đó mà chiếc váy cưới của Meghan Markle cũng trở nên vô cùng đặc biệt. Cô lựa chọn Givenchy, thương hiệu cô yêu thích từ lâu và Clare Waight Keller là nhà thiết kế váy cưới cho mình. Ngay khi nhà thiết kế Keller trình bày các ý tưởng, Markle đã bị thuyết phục hoàn toàn.

Rihanna diện phong cách giáo hoàng

Tại Met Gala 2018, Rihanna khiến giới mộ điệu phải cúi người thán phục  khi cô khoác lên set đồ lấy cảm hứng từ chính hình ảnh Giáo hoàng. Xuất hiện trong cùng sự kiện này, người chủ trì là “bà đầm thép” Anna Wintour cũng phải lép vế trong bộ đồ thanh lịch nhưng hơi nhạt nhòa của Chanel, Amal Clooney thậm chí còn mặc trông chẳng liên quan mấy, còn Donatella Versace thì khá im lìm trong vòng an toàn thiết kế của mình.

Sự thờ ơ của phu nhân Melania Trump

Melania, Melania, Melania! Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ như một… diễn viên hài bí mật bởi những lựa chọn trang phục kỳ quặc của bà. Để ý mới thấy, bà cũng có một vài khoảnh khắc thời trang đáng chú ý, nhưng chẳng có bộ quần áo nào được tôn kính. Chiếc áo choàng mang thương hiệu Zara được bà diện để thăm trung tâm giam giữ người di cư, hay đôi giày cao gót được Melania mang trên tàu để gặp những nạn nhân trong cơn bão Harvey tại Texas, bà còn đội mũ bảo hiểm tại Kenya và trang phục Poirot tại Ai Cập. Phong cách ăn mặc của bà còn phán ánh thái độ phân biệt chủng tộc khi bà diện set đồ mang thương hiệu Dolce & Gabbana trong chuyến thăm Trung Quốc.

Thời trang Crazy Rich Asians của giới siêu giàu châu Á

Trở thành bộ phim bom tấn 2018, Crazy Rich Asians phô diễn hàng loạt thiết kế thời trang đến từ những nhà mốt nổi tiếng trong khu vực và toàn cầu, tạo nên thế giới thời trang đậm chất riêng “con nhà giàu”. Crazy Rich Asians cũng được đánh giá sẽ kích thích tăng trưởng của mảng nữ trang cao cấp trong năm 2019 tới.

Valentino đạt đến đỉnh cao couture

Nhà mốt Ý đã khiến một cây bút của i-D thốt lên bất ngờ: “Màn trình diễn bộ sưu tập vào tháng 7 vừa rồi của Valentino chính là màn trình diễn ngoạn mục nhất mà tôi từng chứng kiến”. Màn ra mắt của Valentino đặc biệt thích hợp trong thời điểm mà thời trang cao cấp có nguy cơ mất đi ánh hào quang khi những bình luận tiêu cực có vẻ không bao giờ kết thúc.

Hit Podcast của John Galliano

Ai biết được huyền thoại John Galliano lại phù hợp với radio đến thế? Nhà thiết kế đã cho ra mắt podcast riêng của mình với tên gọi “The Memory of… With John Galliano” vào tháng 6, cùng thời gian với bộ sưu tập thời trang nam đầy nghệ thuật của ông.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng nói không với lông thú

Lông thú gắn liền với sự hào nhoáng và xa xỉ. Ngành thương mại lông thú cũng được định giá 40 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng hiện nay, các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Chanel, Versace, Gucci… lần lượt nói không với thời trang lông thú.

Theo nhiều nhà hoạt động xã hội thì thời trang lông thú thiếu tính nhân đạo. Nhưng ngành sản xuất lông thú phản biện rằng việc sản xuất chúng là tự nhiên, có thể tái sử dụng và giữ được tính bền vững. Màn tranh luận vẫn cứ thế tiếp tục.

Tinh thần “Just do it” với Colin Kaepernick

Colin Kaepernick là cựu vận động viên bộ môn bóng bầu dục bị cấm thi đấu từ năm 2017 vì một hành động mà anh cho đó là thái độ chống lại bất công sắc tộc. Sau đó, Colin bị đuổi khỏi câu lạc bộ và không có mặt ở bất cứ trận đấu bóng bầu dục nào nữa. Để thực hiện chiến dịch mới nhằm kỷ niệm “Just do it” trong 30 năm, Nike quyết định chọn Colin là gương mặt đại diện.

1545061857799-Kaep

Nike thiết kết bức ảnh có gương mặt Colin với dòng chữ: “Hãy cứ vững tin. Dù có phải hy sinh tất cả”. Nhờ điều này mà doanh số của Nike trong năm 2018 tăng vọt.

Những cuộc chuyển giao lớn

Giới mộ điệu đang chứng kiến những cuộc chuyển giao lớn tại vị trí đầu tàu sáng tạo của những nhà mốt nổi tiếng.

Ông trùm đế chế thời trang đường phố Off-White chính thức trở thành Giám đốc Nghệ thuật của mảng thời trang nam giới tại Louis Vuitton! Đây là một tin tức hết sức bất ngờ khi Virgil chỉ là một nhà thiết kế “tay ngang”. Cái tên Virgil Abloh chỉ được biết đến nhiều kể từ khi hợp tác với Kanye West sau một thời gian gặp gỡ và kết bạn, khi hai người cùng thực tập tại nhà mốt Fendi.

Vị trí này trước đó vốn dĩ là của Kim Jones, Virgil tiếp quản nó khi Kim rời khỏi nhà mốt Louis Vuitton để chính thức trở thành Giám đốc sáng tạo cho dòng thời trang nam Dior Homme của thương hiệu Dior – một sự kiện đã khiến dư luận không ngớt bàn ra tán vào. Còn người tiền nhiệm của Kim – Kris van Assche, thì rời khỏi Dior để đầu quân cho Berluti.

Những sự cố đình đám trong ngành thời trang

Năm 2018, làng thời trang đau buồn trước sự ra đi của những huyền thoại như Judy Blame, Hubert de Givenchy, Michael Howells, Annabelle Neilson, Anna Harvey… đồng thời cũng đặt để nhiều quan tâm đối với một loạt sự cố đáng tiếc liên quan đến ngành.

Sir Philip Green được mệnh danh là doanh nhân phá hoại #MeToo khi dính phải cáo buộc quấy rối tình dục và lạm dụng chủng tộc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ những hậu quả cho Philip sẽ như thế nào.

Công ty đồ hiệu Dolce & Gabbana nổi tiếng nước Ý đang phải chật vật thu dọn “đống lộn xộn” tự gây ra tại thị trường Trung Quốc. Vụ việc bắt nguồn từ một quảng cáo mà giới phê bình cho là thiếu sự tôn trọng và mang tính phân biệt chủng tộc về cặp đũa gắp thức ăn vốn được cho là vật dụng quen thuộc của người Trung Quốc. Giới chuyên gia đánh giá rằng đây là một cuộc khủng hoảng thương hiệu quy mô lớn mà khả năng khôi phục chỉ bằng 1/10.

Đọc thêm bài: 9 sự kiện nghệ thuật ấn tượng năm 2018


 
Back to top