BUSINESS OF LUXURY

Brooks Brothers, thương hiệu 200 năm tuổi của Mỹ nộp đơn phá sản

Jul 10, 2020 | By Stephanie Nguyen

Nhà bán lẻ thời trang đã thiết kế trang phục cho hàng chục tổng thống Mỹ, bao gồm cả Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt sẽ đóng cửa 51 cửa hàng ở Mỹ trong khi tìm người mua lại.

Brooks Brothers Files for Bankruptcy After 200 Years - InsideHook

Brooks Brothers, nhà bán lẻ trang phục nổi tiếng của Hoa Kỳ từ năm 1818, vừa nộp đơn xin phá sản vào hôm 08/07 do không chịu nổi áp lực từ đại dịch Covid-19. Hãng này cũng đã vật lộn nhiều năm với doanh thu sụt giảm từ khi khách hàng chuyển hướng sang hàng may sẵn và các cửa hàng trực tuyến.

Đây cũng là nhà bán lẻ thời trang cao cấp đầu tiên gục ngã do đại dịch Covid-19, kéo theo việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng và giảm doanh thu trên diện rộng, làm thay đổi đáng kể diện mạo các khu phố mua sắm tại các thành phố lớn của Mỹ.

Ông William Susman, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Đầu tư Threadstone Advisors cho biết: “Brooks Brothers là một trong những thương hiệu biểu tượng lâu đời nhất của Mỹ. Trong một hoàn cảnh khác, tôi tin rằng thương hiệu chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài. Đây là sự thất bại của một công ty, không phải sự thất bại của thương hiệu.”

Leonardo Del Vecchio, chủ sở hữu và CEO của Brooks Brothers đã một thuê ngân hàng đầu tư từ năm 2019 để nghiên cứu các phương án tái cấu trúc cho công ty. Ảnh: Karsten Moran / The New York Times

Thương hiệu cho biết họ đã quyết định đóng cửa 51 cửa hàng tại Mỹ, trong tổng số khoảng 250 cửa hàng trên toàn Bắc Mỹ. Đầu năm 2020, Brooks Brothers cũng cho biết sẽ đóng cửa ba nhà máy tại Queens, Haverhill (Mass) và Garland (N.C.), làm dấy lên mối lo ngại cho tương lai của thương hiệu “Made in America”. 

Công ty hiện đang phải đối diện một cuộc tranh chấp tại nhà máy Haverhill, nơi đại diện công đoàn 400 công nhân cho hay họ đã bị từ chối trả lương, một vài người trong số đó có thâm niên làm việc với công ty đến vài thập kỷ. Cụ thể, đại diện công đoàn cho biết công ty đã từ chối yêu cầu vào hôm thứ Ba về việc thanh toán lương thôi việc và các lợi ích khác khi quyết định đóng cửa nhà máy khiến người lao động phẫn nộ. Nhân sự công ty đã gặp gỡ phía công đoàn và giải thích về việc không có điều khoản thôi việc trong thỏa thuận hợp đồng của Haverhill, điều mà theo ông Ethan Snow, Chánh văn phòng của Hội đồng New England, một nhánh của công đoàn UNITE HERE với hơn 300.000 công nhân Bắc Mỹ, cho rằng trái ngược với quy định tại hai nhà máy còn lại.

Công nhân tại nhà máy Haverhill của Brooks Brothers cho hay họ đã bị từ chối trả lương và phúc lợi khi nhà máy đóng cửa. Ảnh chụp trước một cửa hàng Brooks Brothers tại New York. Ảnh: AP/Mark Lennihan

Thương hiệu Brooks Brothers có kết nối sâu sắc với nền văn hóa Mỹ. Những chiếc áo khoác ngoài cho lễ nhậm chức của tổng thống Abraham Lincoln, Barack Obama hay Donald J. Trump đều do Brooks Brothers chuẩn bị. Clark Gable, Andy Warhol và Stephen Colbert cũng lựa chọn trang phục của thương hiệu. Thậm chí Ralph Lauren cũng từng bắt đầu sự nghiệp với công việc bán hàng cho Brooks Brothers ở New York.

Trong nhiều thập kỷ, thương hiệu là đại diện cho trang phục nam chuyên nghiệp của Mỹ. Những bộ quần áo khuôn mẫu của họ là một bản phối ít thời trang hơn so với trang phục Anh và ít sặc sỡ hơn so với phong cách Ý, trở thành biểu tượng riêng gọi là “phong cách Ivy League”.

Một cửa hàng của Brooks Brothers tại Durham, N.C. Ảnh: Jeremy M. Lange/ The New York Times

“Đây là thương hiệu may mặc lâu đời nhất tại Mỹ”, ông Alan Flusser, một thợ may và tác giả của nhiều cuốn sách về phong cách đàn ông, nhận xét, “Tuy nhiên, những năm trở lại đây, các sản phẩm của thương hiệu đã mang tính hoài niệm nhiều hơn là thực tế, trong khả năng tạo ảnh hưởng hay truyền cảm hứng cho người mặc.”

Tạp chí Times từng đưa tin Claudio Del Vecchio, chủ sở hữu và CEO của Brooks Brothers đã thuê ngân hàng đầu tư PJ Solomon từ năm ngoái để nghiên cứu các phương án bán lại hoặc đầu tư. Một kế hoạch tái cấu trúc đã được dự tính từ trước khi có đại dịch và một nhóm các nhà đầu tư tiềm năng đã định giá công ty từ 300-350 triệu USD. Tuy nhiên, đầu năm nay, ông Del Vecchio cho rằng các cuộc thảo luận đều không đạt được yêu cầu. 

Doanh thu hàng năm của Brooks Brothers trong giai đoạn 2017-2019 ổn định ở mức khoảng 1 tỷ USD và nợ dưới 300 triệu USD. Brooks Brothers cho biết họ dự kiến ​​sẽ hoàn tất việc bán lại thương hiệu trong vòng vài tháng tới, coi trọng việc tìm được người mua có cùng giá trị cốt lõi, văn hóa và tầm nhìn của thương hiệu. Mặt khác, Robert Burke, người sáng lập Threadstone Advisors, cho biết đây có thể là sự kết thúc một thương hiệu chuyên quần áo nam đầu tiên của Mỹ.

Brooks Brothers là thương hiệu thời trang nam chuyên nghiệp với phong cách Ivy League.

Công ty đã dự trữ khoảng 75 triệu USD tài chính trong thời gian tìm người mua phù hợp. Trong số những người mua tiềm năng có Công ty Cổ phần Tư nhân Solitaire Partners, với David Jackson là Chủ tịch, người cũng đang nhắm đến việc mua lại Barneys, một thương hiệu bán lẻ thời trang sang trọng khác của Mỹ.

Ông Burke cũng nhận định thêm: “Điều quan trọng nhất là người mua có khả năng nâng tầm, tái tạo hình ảnh thương hiệu. Tương tự, rủi ro lớn nhất có thể xảy ra là thương hiệu phải cạnh tranh về giá, bán lại với mức chiết khấu hoặc trở thành các thương hiệu outlet. Đó sẽ là một sự xấu hổ thực sự.”


 
Back to top