Li Lam: “Phụ nữ đẹp nhất khi cô ấy tự do!”
Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện về Li Lam từ lần đầu hẹn chị cách đây hơn một năm, trên phố Nguyễn Siêu để đến một quán rượu cách đó không xa.
Sau đó gần nửa năm, Li Lam lại hẹn tôi đến quầy rượu ở Park Hyatt, nơi có quầy bar màu champage đặt dưới ánh đèn vàng hư ảo. Hầu như Li Lam không thể mở môi nói mà không nhâm nhi một thức gì. Mùi thơm của rượu ủ có lẽ làm ngôn từ của Lam ngọt và quyến rũ hơn. Thêm vải vóc là lượt và thanh âm trầm bổng của âm nhạc, Li Lam trở thành một người đàn bà khó đoán giữa chính thiên đường mà chị tạo dựng.
Tự do của Lam và những điều phức tạp được ẩn chứa bên trong
Trước buổi trình diễn “Lam Paradiso” gần hai tháng, Li Lam bảo tôi là chị đã hình dung ra tất cả, rằng khách của mình sẽ uống, nghe và ngắm những gì. Trong trí óc một người đàn bà đã quá hiểu về cuộc sống, chị biết rõ đời người phụ nữ điều gì là quan trọng: tự do và được thưởng thức tự do!
Ám ảnh bởi khao khát giải phóng phụ nữ, nhà thiết kế cho rằng họ đẹp nhất khi không mang trên vai chút vướng bận nào. Người ta bảo áo quần trong cửa tiệm màu xanh ngọc trên phố Mạc Thị Bưởi là “đồ canh khuya”, khi xuyên suốt bộ sưu tập chỉ toàn những mẫu slipdress khác màu và thay đổi hoạ tiết. Tôi đoán Lam sẽ cười và nói điều ấy thật tầm thường! Áo quần của Lam nên được ví như một loại nghệ thuật.
“Khi thiết kế, tôi nhắm mắt, tưởng tượng đang vẽ ngôi nhà, đàn chim hay cánh đồng. Mỗi chi tiết là một tấm vải, khi nối với nhau tạo ra bức họa lớn đầy màu sắc. Mọi người dùng đồ Lam bảo sao đơn giản quá. Nhưng không. Đó là cả một sự phức tạp trong tâm tưởng phía sau.” – Li Lam.
Thế giới tự do của Li Lam, suy cho cùng lại là một chuỗi suy nghiệm được thể hiện qua chi tiết của trang phục. Những chiếc đầm suông chiết nhẹ phần eo có khuôn cổ trễ, thêm pyjama-suit lả lơi hay áo khoác kimono hờ hững… đều mang ý niệm mãnh liệt về việc giải phóng bản ngã cá nhân, dẫu khoác lên bên ngoài vẻ giản đơn đến không tưởng.
Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy Li Lam pha nhiều chất liệu trong cùng trang phục, ví như vải thủ công thêu thùa phối với lụa, hay lụa Việt Nam ghép lụa xứ Ấn. Với Lam, mỗi tấm vải là một bức tranh, và người thiết kế sẽ ráp nối những câu chuyện lụa là vào cùng một chỉnh thể.
Đâu mới là thiên đường của những người phụ nữ?
Câu nói này của Lam gợi tôi nhớ đến buổi trình diễn “Lam Blanc” dạo trước. Những người phụ nữ ăn vận tinh giản, cầm ly rượu vang sóng sánh, khẽ đưa mình chuyển động theo giai điệu trầm bổng trong nhạc phẩm kinh điển Clair de Lune của Claude Debussy ngay trong không gian trắng muốt của Gallery Quynh.
Có khi Lam dẫn tất thảy những cô gái phóng khoáng nhất ở cái đất Sài Gòn hoa lệ lên tầng thượng của một quầy bar, rồi mời họ vào phòng xì-gà. Có mấy người phụ nữ dám vào uống rượu, ngắm váy vóc lụa là trong một không gian đặc sệt mùi nam tính như thế vào tối muộn? Có đấy! Là những cô gái của Lam.
Ngần ấy thời gian tôi quen Lam là ngần ấy những lần tôi nghe Lam nói về việc hưởng thụ cuộc sống và phóng khoáng tâm hồn. Trong duy niệm của nhà thiết kế, người phụ nữ đẹp nhất là khi cô ấy được tự do làm những gì mình muốn, hiểu rõ mình khao khát điều gì và đi tìm cái trần trụi của bản ngã cá nhân. Phụ nữ có thể uống rượu, hút thuốc, nhắm mắt và thậm chí đung đưa cơ thể giữa âm nhạc trầm bổng mà không ngượng ngùng, miễn sao cô ta thấy hạnh phúc.
Mảnh ghép mười năm của Li Lam
Vậy Lam tìm ra cho mình tự do riêng chưa? Nếu bất chợt câu hỏi ấy có đến với người yêu mến Lam sẽ tìm được đáp án trong Lam Paradiso. “Thiên đường Lam” suy cho cùng là cách Li Lam tự trào về khái niệm tự do và bình yên của mình. Bình yên vốn được tạo lập sau một quá trình hỗn loạn, đối với Li Lam là khối kiến thức văn hóa và chuyện đời trong suốt 10 năm theo nghề, và rút gọn nó lại trong chỉ vài mảnh vải.
May một chiếc đầm suông tưởng như không có gì lại là cả một quá trình chắt chiu. Một chiếc đầm hồng phớt nhẹ trong “Lam Paradiso” có thể đến từ hàng giờ nghiên cứu của Lam về nhân vật Meggie Cleary trong tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”(1983), hay chiếc khăn quấn cổ trong một phân cảnh “Mùa Hạ ở Venice” (1955) lại được tái hiện đâu đó trong mẫu đầm mà Hà Kino thể hiện trên sàn diễn. Lam bảo “Lam Paradiso” là mảnh ghép của những gì mình yêu thích nhất trong điện ảnh, hội họa và âm nhạc suốt những năm tháng vật lộn với lụa là vải gấm, với tự do tâm hồn.
Không phải ai cũng nhận ra câu chuyện bên trong những thiết kế của Li Lam. Áo quần Lam không đơn giản như vẻ bề ngoài. Đó là cả một sự đấu tranh của Lam trong suốt 10 năm thiết kế để ra được cái giản đơn, bình yên và tự do cho người phụ nữ. Đó mới thực sự là “Lam Paradiso”, chốn thiên đường để những người phụ đi tìm lại bản ngã trong tâm tưởng.