Nhà sưu tầm Đặng Văn Hào: Tôi không muốn quá quan tâm đến một chiếc đồng hồ!
LUXUO Vietnam đã có buổi trò chuyện với anh Đặng Văn Hào – một nhà sưu tầm đồng hồ trẻ tuổi. Anh đã chia sẻ thú vị về cách chơi đồng hồ của bản thân và kinh nghiệm rất hữu ích về đồng hồ dành cho những người trẻ tuổi năng động.
Khi gặp LUXUO Vietnam, anh Hào mang theo những chiếc đồng hồ của các thương hiệu như IWC, TAG Heuer, Omega, Panerai và Jaeger-LeCoultre, anh nói: “Hôm nay, chúng ta chỉ nói chuyện về những chiếc đồng hồ dưới 20.000 USD thôi nhé?” Nhưng câu chuyện đã xoay sang hướng khác. Chúng tôi đã không nói về giá tiền hay một chiếc đồng hồ cụ thể nào, mà bàn về tư duy đồng hồ, về thú chơi, cách chơi cũng như quan niệm thế nào là đam mê chơi đồng hồ một cách thực thụ.
Anh có đánh giá gì về cái gọi là thú chơi đồng hồ tại Việt Nam? Tại sao giữa thời điểm bùng nổ công nghệ với nhan nhản các loại smartphone các thiết bị chỉ thời gian thú chơi này vẫn tồn tại?
Lịch sử thú chơi đồng hồ tại Việt Nam không phải là mới. Thế hệ trước, các bác các chú đã chơi đồng hồ rồi. Giờ thế hệ con cháu như chúng ta lớn lên cũng sẽ thích đồng hồ theo. Một ai đó thích chơi đồng hồ có thể là do ảnh hưởng từ người thân trong gia đình, có thể là từ bạn bè mà cũng có thể vì một lý do ngẫu nhiên. Xuất phát điểm của việc tôi thích sưu tầm đồng hồ là vào thời điểm mà tôi chỉ muốn mua một chiếc đồng hồ để đeo. Khi đó, tôi muốn chọn một chiếc đồng hồ đẹp, nằm trong tầm giá mà mình mua được, cố gắng tìm mua của một thương hiệu tốt một chút. Tôi cũng hỏi bạn bè nên mua đồng hồ gì, giá bao nhiêu, chạy có đúng giờ hay không? Rồi tôi lên mạng đọc review, rồi chọn được một chiếc Omega Seamaster 300. Tôi đã có được chiếc đồng hồ đầu tiên như vậy. Sau đó, tôi đọc thêm về các loại đồng hồ khác và dần dần thích đồng hồ.
Thú chơi này vẫn tồn tại vì đồng hồ là di sản vĩ đại của nhân loại. Nó bắt nguồn từ những bộ phận đơn giản lắp ghép với nhau thành một cỗ máy đo thời gian. Đồng hồ là sự gắn bó. Nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mình, khi đeo trên tay đi làm, đi học, hẹn hò…
Gọi đồng hồ là thời trang thì cũng không phải. Nó rất khác, nó đẹp! Và có rất nhiều yếu tố có thể thể hiện trên một chiếc đồng hồ như cái đẹp, thẩm mỹ, máy móc cơ khí, tinh hoa về công nghệ, tinh hoa về chế tác, tính cá nhân, tính biểu tượng…
Anh có thể phân loại những hình thức chơi đồng hồ hay không? Người ta chơi theo thương hiệu? Chơi theo độ phức tạp hay chơi theo tính lịch sử?
Có rất nhiều cách chơi. Anh có thể chơi theo style đồng hồ mà anh thích. Như là chơi đồng hồ thể thao, dress watch, đồng hồ có tính năng phức tạp, đồng hồ mang tính thám hiểm explorer. Như anh thấy trong những chiếc đồng hồ tôi mang theo ở đây có tính “action” rất cao. Chúng có tính bền bỉ, cứng cáp, mạnh mẽ. Anh có thể dùng nó hàng ngày mà ko cần quan tâm quá nhiều như khi đi trong trời mưa ẩm…
Các loại đồng hồ này rất dễ bảo dưỡng, dễ dùng, đeo rất thoải mái. Style đồng hồ thì chúng tôi hay chia theo kiểu SKY – SEA – LAND. Ví dụ về SKY – như đồng hồ phi công của IWC có chức năng GMT có thể chỉ báo thời gian trên nhiều múi giờ, ở khắp nơi trên thế giới. Còn SEA là đồng hồ gắn liền với bơi lặn nhiều, độ chịu nước cao, chịu được áp lực nước lớn như các loại đồng hồ lặn mang tính biểu tượng: Rolex Submariner, Blancpain Fifty Fathoms, Panerai Radiomir có lịch sử gắn với lực lượng Hải quân Ý.
Những chiếc đồng hồ này có tính “action” rất cao. Với LAND thì như chiếc Tag Heuer bấm giờ dùng trong đua xe, đo tốc độ trong thể thao. Hay chiếc Jaeger-LeCoultre Reverso có thể lật úp mặt đồng hồ xuống cổ tay để tránh va đập, dành cho những vận động viên chơi polo ngày xưa. Ngoài ra còn phải kể tới Speedmaster Moonwatch là dòng đồng hồ biểu tượng của Omega, gắn rất nhiều với các hoạt động như bay lên mặt trăng, điệp viên 007, đua xe…
Những chiếc đồng hồ tôi mang theo hôm nay đều mang tính hành động cao, rất hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải đồng hồ để đeo đi dự tiệc hay đi họp… Những người chơi đồng hồ hay nói với tôi rằng “lúc đầu chỉ định mua có 1 chiếc, và rồi tủ đồng hồ của họ càng ngày càng nhiều mẫu, nhiều thương hiệu, nhiều kiểu dáng, ngân sách dành cho đồng hồ của họ cũng ngày càng đội lên”.
Anh giải thích điều này như thế nào?
Tủ đồng hồ của một nhà sưu tầm hay chỉ đơn giản là một người thích đồng hồ sẽ ngày càng nhiều lên vì lịch sử đồng hồ đã có từ rất lâu – với hàng trăm hãng đồng hồ khác nhau, những hãng có lịch sử hàng trăm năm như Vacheron Constantin thành lập từ năm 1755, Panerai, Omega, IWC ra đời từ đầu thế kỷ 20. Quá trình phát triển của ngành đồng hồ đã dẫn đến sự xuất hiện quá nhiều sản phẩm hay ho, rất nhiều công nghệ, rất nhiều thiết kế, nhiều những cải tiến mới mẻ. Điều này khiến người ta khi bước vào thú chơi đồng hồ sẽ không thể ngừng lại được. Trừ phi là anh hết tiền hoặc là khi anh có lý do gì đó thực sự đặc biệt để không chơi nữa.
Lại nói, chơi đồng hồ thì cũng có rất nhiều kiểu chơi không nhất thiết cứ phải mua nhiều sản phẩm thì mới là người chơi đồng hồ. Anh có thể gặp bạn bè trao đổi, trải nghiệm chiếc đồng hồ của bạn trên tay mình và so sánh với đồng hồ của mình. Anh có thể đi xem một chiếc đồng hồ tại hãng, trực tiếp trải nghiệm xem có gì hay không, thiết kế của nó thế nào? Thiết kế thì không chiếc đồng hồ nào giống chiếc nào, trừ phi là cùng một model. Trong một hãng cũng có hàng chục, hàng trăm thiết kế. Mảng đồng hồ quá rộng, có quá nhiều thứ để anh chơi. Chơi về thiết kế, chơi về thương hiệu, chơi để tìm hiểu, chơi để giao lưu bạn bè. Thú chơi đồng hồ cũng rất gần với chơi xe, như chơi xe cổ, xe mới, chơi theo thiết kế, tính năng, công nghệ…
Với tôi, thứ đập vào mắt đầu tiên bao giờ cũng là thiết kế. Đầu tiên, tôi phải xem nó trông thế nào. Sau đó đến những thứ xung quanh như lên tay của mình có vừa hay không? Máy móc thế nào? Có những tính năng gì? Tiếp theo là mình có thực sự thích hãng này hay không? Hãng có lịch sử phát triển và phong cách thế nào? Ví dụ như Patek Philippe sẽ không có mẫu nào giống như những chiếc đồng hồ tôi mang theo đây. Panerai cũng không bao giờ làm đồng hồ giống TAG Heuer. Một người có thể chỉ thích một style đồng hồ nhưng cũng có thể nay anh thích chiếc này, mai lại thích style khác – đây cũng là chuyện bình thường với bản tính con người.
Anh có thích một thiết kế đồng hồ nào đặc biệt không?
Panerai. Đây là chiếc Panerai Luminor nó rất đặc trưng – nó có phần gờ bảo vệ núm vặn. Và khi anh đeo Panerai, người biết về đồng hồ nhìn từ xa sẽ biết ngay là anh đang đeo nó. Hay một thiết kế khác mà tôi cũng thấy hay ho là Big Crown – tức núm vặn đồng hồ phi công trên chiếc IWC. Nhưng tôi vẫn thích nhất thiết kế của Panerai vì nó khỏe khoắn, mạnh mẽ, nhìn xa dễ nhận diện.
Nói về thiết kế đồng hồ, anh đánh giá thế nào về những nhà chế tác đồng hồ độc lập Independent Watchmaker?
Thực ra, nếu xét chung về các thương hiệu hiện nay thì trong quá khứ, thương hiệu nào cũng bắt nguồn là một nhà làm đồng hồ độc lập. Sẽ luôn là một cửa hàng nhỏ trước khi trở thành một công ty lớn. Vấn đề là họ có thể tồn tại và phát triển trong thế giới đồng hồ được lâu không? Đồng hồ của họ rất hay ho nhưng tiếp sau đó họ có tiến hóa được không trong ngành công nghiệp đồng hồ?
Về Independent Watchmaker thì tôi thích nhất F.P.Journe. Họ có rất nhiều đồng hồ đẹp nhưng hiện giờ giá đã lên quá cao. F.P.Journe vẫn giữ được sự kinh điển trong việc chế tác từ trước đến nay mà không bị áp lực phải cố gắng tạo ra gì đó quá mới mẻ, quá công nghệ. Hai thương hiệu khác là MB&F và Jacob & Co. thì đang đi theo xu hướng có những thiết kế vượt khỏi chuẩn đồng hồ. Anh có thể gọi nó là đồng hồ hay thiết bị đeo tay cũng được. Nó rất đa dạng, có thể tùy biến thêm chức năng thay vì xem giờ…
Nó có những chất liệu, chức năng khác hoàn toàn so với đồng hồ kinh điển mà chúng ta vẫn nhìn thấy. Tuy nhiên, nó cũng giống F.P.Journe hay Panerai thời mới ra. Người ta từng gọi Panerai là thứ đồng hồ kỳ quái. Hay đối với Urwerk, MB&F họ tạo ra một sản phẩm đeo tay phức tạp… hoàn toàn giống một thiết bị công nghệ, thiết bị đeo tay có chức năng xem được giờ.
Anh có đang sưu tầm một chiếc đồng hồ nào đó sở hữu các chức năng phức tạp quá không?
Không! Tôi chỉ dùng đến đồng hồ lịch thường niên. Tôi không nghĩ đến những chiếc phức tạp như lịch vạn niên hay tourbillon. Thứ nhất, những chiếc như vậy quá đắt tiền. Thứ 2, tôi không thích quá quan tâm đến 1 chiếc đồng hồ! Mình đeo đồng hồ chứ không phải đồng hồ đeo mình. Đeo một chiếc đồng hồ có chức năng phức tạp sẽ phải lo xem nó chạy có đúng ngày giờ hay không, phải dùng hộp xoay để giữ đồng hồ luôn chạy, phải xem tourbillon có hoạt động tốt không, liệu có bị nhiễm từ chỗ nọ chỗ kia không. Tôi không muốn bị phụ thuộc vào điều đó. Kiểu chơi đồng hồ của tôi không phải là trường phái đó.
Với tôi, đồng hồ phải có thiết kế đẹp, hợp với con người, hợp với cuộc sống hàng ngày và mình phải có cảm xúc khi đeo nó. Còn những chiếc có tính năng phức tạp hay thiết kế đặc biệt có thể sẽ là câu chuyện trong 10-20 năm nữa. Giờ tôi đi nhiều, di chuyển nhiều, hoạt động nhiều thì cần dùng chiếc đồng hồ nào mà mình không phải quá quan tâm đến nó. Đi trời mưa, đi dạo phố không cần phải quan tâm đến việc nước có lọt vào đồng hồ hay không, hay khi bị ngã thì đồng hồ có bị làm sao không?
Một phần lý do tôi thích những chiếc đồng hồ có tính năng vừa phải, không quá phức tạp là vì: Hiện tại, ở Việt Nam, anh sẽ gặp phải các vấn đề như va đập nhiều, khí hậu, độ ẩm cao, nhiều bụi, các hãng chính thức đặt trụ sở thì ít, đồng hồ khi gặp vấn đề sẽ phải gửi ra nước ngoài để sửa chữa. Nên tôi chọn những chiếc đồng hồ đơn giản, cùng lắm là có chức năng moonphase.
Còn về những chiếc đồng hồ vintage?
Tôi không chơi đồng hồ vintage. Đây là một thú chơi mạo hiểm, chỉ dành cho người có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Nhiều thợ già hay người chơi lâu năm vẫn gặp vấn đề với những sản phẩm này. Ví dụ, nó không phải là đồng hồ xịn hay không còn nguyên bản 100%, có thể kim đồng hồ, mặt số đã bị thay, sửa, đánh bóng lại, làm lại màu. Vấn đề tiếp theo là giấy tờ có đầy đủ hay không, có đúng với đồng hồ đó không? Có những nhà đấu giá chuyên nghiệp trên thế giới vẫn bị lỗi khi thẩm định đồng hồ vintage. Đồng hồ không nguyên bản 100% và giá cả thì vô cùng. Với đồng hồ mới đương nhiên anh có thể kiểm tra dễ hơn, thông tin tương đối nhiều, hãng vẫn còn, giấy bảo hành vẫn còn. Không nên mạo hiểm với đồng hồ vintage.
Những chiếc đồng hồ sử dụng vật liệu tái chế thì sao? Richemont đang đi đầu trong vấn đề minh bạch về vật liệu tái chế như vàng, nhưng chính các thương hiệu trực thuộc tập đoàn này lại không đề cập đến câu chuyện về vàng tái chế vì tư duy xa xỉ là “không sử dụng vật liệu tái chế?” Tôi nghĩ không đề cập đến vật liệu tái chế là tư duy tương đối bảo thủ. Nhưng cùng với thời gian và lứa tuổi của khách hàng điều này sẽ thay đổi. Giống như ngày xưa đồng hồ quý phải làm bằng vàng, vàng mới xịn. Nhưng hiện tại, thép cũng là đồng hồ xa xỉ, có những chiếc đồng hồ rất đắt dù không có chút vàng nào.
Đây chỉ là thói quen của con người theo thời gian. Và vật liệu tái chế sẽ là xu hướng tương lai. Thế hệ tiêu dùng mới, những người trẻ sẽ chấp nhận điều này. Mà lúc nào cũng sẽ tồn tại 2 trường phái thủ cựu và tân thời. Vấn đề là phe nào nhiều hơn. Nhưng bản chất các hãng cũng đã nghiên cứu thị trường rất sâu. Họ biết được khi ra mắt sản phẩm, thị trường có chấp nhận nó không. Họ có sự đo lường. Còn cách chúng ta đang nói chuyện hiện tại vẫn chỉ là cảm tính.
Vậy khi muốn chơi đồng hồ thì nên bắt đầu từ đâu?
Nên chơi những thứ gần nhất mà mình hiểu được, dễ mua được nhất trong tầm tiền mình có. Khi bắt đầu, không nên mua những thứ quá xa xỉ, quá đắt của những hãng quá cao cấp. Việc chơi đồng hồ cũng phụ thuộc vào lứa tuổi, như khi nhỏ hãy đeo 1 chiếc Swatch, đến 15-16 tuổi có thể mua một chiếc Sevenfriday vì nó trẻ trung hợp với tầm tuổi đó. 20 tuổi anh có thể mua được IWC hoặc Panerai.
Nhưng nếu anh là người chưa kiếm được ra tiền và phụ thuộc vào bố mẹ thì có thể mua những chiếc kiểu Orient, Seiko hay cơ bản và rẻ như Tissot. Những chiếc đồng hồ có thể mua được bằng tiền tiết kiệm, tiền đi làm thêm. Khi đã bắt đầu kiếm được nhiều tiền, anh có thể chơi đồng hồ theo mức thu nhập ở từng thời điểm. Như thu nhập của anh là 2.000 -3.000 USD/tháng anh có thể mua được một chiếc Longines. Cao hơn nữa, anh có thể mua Panerai, IWC. Còn khi thu nhập của anh lên đến hàng tỷ đồng, anh có thể mua Patek Philippe hay Rolex và Vacheron Constantin…
Còn một điểm nữa về mặt độ tuổi là người trẻ hay nhanh chán, đổi đi đổi lại nhiều. Vì thế, nên giữ chiếc đồng hồ ở lâu bên mình một chút. Vì có lúc mình chán, có lúc mình thích lại nó. Về lâu dài sẽ có một sợi dây vô hình khiến mình gắn bó với chiếc đồng hồ đó.
Theo anh điểm mấu chốt trong việc chơi đồng hồ là gì?
Cảm xúc của bản thân chứ không phải là tiền. Có những chiếc đồng hồ rất đắt, anh có thể sở hữu mà không thích nó thì chẳng có ý nghĩa gì? Nó chỉ là để khoe với mọi người xung quanh là tôi có nhiều tiền. Mà thực ra có nhiều cách để khoe tiền mà không phải bằng đồng hồ, như anh có thể mua du thuyền, mua siêu xe. Còn chơi đồng hồ là phải theo cảm xúc bản thân. Anh đeo đẹp, đeo hợp, chiếc đồng hồ có nhiều kỷ niệm với anh, như đồng hồ này là của bố tôi tặng tôi, vợ tôi tặng tôi, chiếc này tôi dành cho con tôi khi nó lớn lên – những thứ có ý nghĩa với gia đình chẳng hạn. Và khi nói đến chơi đồng hồ tôi rất ghét khi gặp phải 2 câu hỏi như thế này: “Ôi cái này đẹp nhỉ, mua bao nhiêu tiền đấy? Mua cái này ở đâu đấy?” Với những người gặp tôi mà từ đầu đã hỏi thế, tôi nghĩ họ không hiểu gì về đồng hồ.
Những chiếc đồng hồ hôm nay anh mang tới là những loại dưới 20.000 USD. Vậy lời khuyên cho độc giả khi mua mới những chiếc đồng hồ ở tầm giá này thế nào?
Thực ra, khi mới bắt đầu chơi mà mua đồng hồ mới dưới 20.000 USD thì nên bắt đầu bằng Omega hoặc Panerai. Nếu thích cổ điển thì bắt đầu bằng Omega, thích trẻ trung phóng khoáng, hoạt động nhiều thì chọn Panerai hoặc IWC. Ba thương hiệu này có rất nhiều thiết kế hay, đa dạng, giá cả hợp lý, dễ chịu ở tầm đó. Còn nếu mua cũ anh có thể mua được một chiếc Patek Philippe hay Vacheron Constantin và Audemars Piguet… nhưng không nên. Tất nhiên, khi mua mới đồng hồ sẽ bị mất giá nhưng khi chưa mua mà đã nghĩ đến chuyện bán đi thì tôi nghĩ cũng không nên chơi đồng hồ.