The Quiet Luxury Issue (Kỳ 16): Một chiếc bẫy cho người chưa giàu
Không còn những logo to bản hay sự phô trương quá mức, Quiet Luxury tạo ra sức hút đến từ sự tinh tế, tao nhã. Vậy vì sao xu hướng này lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy?
Tại sao chúng ta yêu thích các mặt hàng thời trang xa xỉ từ CHANEL, Gucci, Dior,…? Câu hỏi khá dễ trả lời với phần đông: chẳng phải là để “flex” đẳng cấp và gu thời trang sành điệu của bản thân hay sao? Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, có một xu hướng nổi lên đi ngược lại với những quan niệm phổ biến trước đó và chỉ chú trọng vào chất liệu, tính bền vững thay vì phô trương logo của thương hiệu.
Chúng ta gọi đó là “Quiet Luxury” – sự sang trọng thầm lặng. Bắt nguồn từ sở thích của những vị khách thuộc tầng lớp thượng lưu, xu hướng này tập trung tôn vinh sự tinh giản trong thiết kế và đề cao kỹ thuật may đo cũng như tinh thần câu chuyện của thương hiệu. Không cần phô trương quá rườm rà về logo hay kiểu dáng, chúng “âm thầm” toát ra khí chất một cách trầm lắng, nhẹ nhàng đầy tinh tế.
Một trong những người tiên phong trong Quiet Luxury là thương hiệu The Row của cặp song sinh Olsen. Bên cạnh đó, Bottega Veneta và Hermès cũng thể hiện sự sang trọng trầm lặng qua những bộ sưu tập trên sàn catwalk.
Khởi đầu từ bộ phim “Succession”
Có thể nói, “Quiet Luxury” bùng nổ từ hiệu ứng truyền thông đến từ “Succession”. Trong những thước phim truyền hình dài tập về ông trùm Logan Roy, con trai ông là Roman đã từng chế nhạo chiếc áo ghi lê Moncler ở phần 2, tập 6. Tuy nhiên ở thời điểm đó, cảnh này không được chú ý nhiều.
Khi phần 4 ra mắt, một cảnh tương tự đã được tái hiện ngay trong tập phát sóng đầu tiên. Tại một bữa tiệc sinh nhật, chiếc túi của Greg được ví “rộng rãi một cách lố bịch”. Họa tiết ca-rô đặc biệt cho thấy rõ đó là một chiếc túi Burberry – trị giá khoảng 2.300€. Sau khi cảnh này lên sóng, đã có rất nhiều lời bàn tán về Quiet Luxury và nó đã trở thành xu hướng năm 2023.
Sự sang trọng thầm lặng không chỉ dừng lại ở phong cách thời trang mà còn liên hệ chặt chẽ với sự bền vững. Chất lượng tốt giúp quần áo bền và vòng đời lâu hơn. Từ đó hạn chế tác động của thời trang nhanh đến môi trường sống.
Những sự phô trương rườm rà không cần thiết được giảm thiểu tối đa. Điều này cũng áp dụng cho các phụ kiện. Vòng tay tinh tế, các hoa tai nhỏ,… vừa vặn và hợp thời. Những lấp lánh nhường chỗ cho sự kín đáo thanh lịch.
Như đã đề cập ở trên, xu hướng “im lặng là vàng” với những công thức thiết kế tối giản, dễ mặc được khởi xướng để phục vụ theo sở thích của các “Quiet Luxurian” – những vị khách nhà giàu kín tiếng. Thông thường, họ sống khá ẩn dật và kín đáo, đồng thời rất khó tiếp cận. Đặc biệt, họ không muốn trở thành tâm điểm của một bài báo giật tít hay chủ đề bàn luận của một nhóm xã hội nào đó. Chính vì thế, giới tinh hoa theo đuổi thẩm mỹ giản dị, sang trọng, không phô trương nhưng đi cùng mức giá cao ngất ngưởng và chất lượng tay nghề hàng đầu. Đây cũng là cách để họ giao tiếp và nhận diện những người cùng “đẳng cấp”. Với họ, bản chất của xa xỉ nằm ở sự “hữu xạ tự nhiên hương”.
Tất nhiên, khao khát chinh phục giới thượng lưu là giấc mơ của tất cả các thương hiệu thời trang trên thế giới. Chính vì thế, các bộ sưu tập của những nhà mốt mỗi năm sẽ luôn có những mặt hàng kiểu dáng cổ điển rất “old-money” như áo khoác, sơ mi, quần tây với tông màu trung tính. Bên cạnh đó, chất liệu sử dụng cũng thuộc hàng cao cấp như lụa, lông cừu,… đến từ các nghệ nhân tay nghề sành sỏi nhất. Một vài thương hiệu dẫn đầu cuộc chơi “quiet luxury” phải kể đến Hermès, Delvaux, Max Mara, Dries van Noten,…
Tuy nhiên, thời trang cao cấp không chỉ dành cho giới siêu giàu – nơi dân số chỉ chiếm 1% thế giới. Ngược lại với sự tĩnh lặng riêng tư của “Quiet Luxury”, một thế giới thời trang đối lập ưu tiên sự “phô trương” thông qua họa tiết bắt mắt, màu sắc rực rỡ vẫn được ưa chuộng. Bởi suy cho cùng, với người chơi đồ hiệu, việc “khoe” với thế giới về món đồ trên người họ cực kỳ đắt tiền và sang trọng là một khoái cảm ngọt ngào và đầy kích thích. Họ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn vượt ra khỏi khả năng tài chính của mình để “chứng tỏ” đẳng cấp, sự tự tin cũng như địa vị xã hội của bản thân. Những ánh mắt ghen tị, sự trầm trồ và ngưỡng mộ chắc chắn sẽ là phần thưởng ngọt ngào mà họ luôn kiếm tìm khi tiêu dùng hàng hiệu – trái ngược với tầng lớp tinh anh siêu giàu.
Phát hiện và nghiên cứu được tâm lý tiêu dùng này chính là chìa khóa để các thương hiệu xa xỉ xây dựng sản phẩm cũng như những trải nghiệm phù hợp nhất cho những vị khách hàng thượng đế.